Điện Biên điểm cực Tây của Tổ quốc, nơi đây diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung. Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong thời gian dài, trên địa hình rừng núi Tây Bắc xa xôi, cách Thủ đô Hà Nội hàng trăm ki lô mét, đường hành quân, vận chuyển lương thực, vũ khí đi lại khó khăn, thời tiết không thuận lợi, phương tiện, thuốc men thiếu thốn. Đã đặt ra những yêu cầu lớn cho chiến dịch đặc biệt là ngành quân y khi khu vực Tây Bắc được ví là khu vực"Rừng thiêng, nước độc", nơi có những căn bệnh truyền nhiễm: Sốt rét rừng, dịch tả, kiết lỵ... Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành quân y trong chiến dịch là công tác bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ tại mặt trận Điện Biên Phủ nhằm duy trì sức chiến đấu, đảm bảo quân sốphục vụ chiến dịch.

Ảnh minh họa

Trong các chiến dịch thì việc duy trì quân số, sức chiến đấu cho lực lượng tham gia tác chiến là yếu tố quan trọng, nguồn lực cơ bản để giành thắng lợi trước đối phương. Trong quá trình diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, các loại bệnh sốt rét, kiết lị, dịch tả, suy nhược cơ thể do thiếu vitamin… đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe bộ đội. Đặc biệt trong những ngày cuối của chiến dịch bắt đầu có mưa nhiều nên giao thông hào lầy lội, quần áo, giầy dép của nhiều chiến sĩ bị rách, phải đi chân đất, bệnh ngoài da phát triển mạnh, tình trạng thiếu ngủ kéo dài, sức khỏe của bộ đội giảm sút nhiều, nhất là ở các đơn vị ngày đêm đối mặt với quân Pháp tại lòng chảo Điện Biên. Ở nhiều đơn vị, quân số khỏe chỉ còn 40%. Để giải quyết vấn đề vệ sinh an toàn, đảm bảo không để xảy ra dịch bệnh. Chủ trương của Đảng ủy mặt trận là phải bình thường hóa sinh hoạt cho bộ đội, đảm bảo cho bộ đội được ăn, ngủ, tắm giặt và cắt tóc... thường xuyên. Nhận thấy chủ trương trên là cấp thiết và đúng đắn, Ban Quân y chiến dịch đã soạn thảo ra 10 điều quy định bảo vệ sức khỏe cho bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ với nội dung:

1. Phải ngủ màn, phải uống thuốc phòng sốt rét đúng quy định, cứ 5 ngày 2 viên.

2. Tuyệt đối không được uống nước lã. Bảo đảm đủ nước chín hoặc đã khử trùng.

3. Không được ăn thức ăn sống, thịt hộp phồng hơi, thức ăn, nước uống do địch bỏ lại chưa qua kiểm tra.

 4. Bình thường bảo đảm ngủ tối thiểu mỗi ngày 06 giờ và 01 giờ nghỉ.

5. Thường xuyên quét dọn nơi ăn ở sạch sẽ, hầm ngủ có ván, che được nắng, không bị nước ngập hoặc bị mưa hắt, có lỗ thông hơi.

6. Phải tranh thủ tắm giặt và cắt tóc, nhất là phải giữ gìn không có chấy rận để đề phòng các bệnh dịch sốt chấy rận rất nguy hiểm.

7. Cấm phóng uế bừa bãi để trừ ruồi nhặng. Mỗi tiểu đội phải có một hố tiêu và một hố tiểu (sâu 1,5 m có nắp đậy kín ).

8. Mỗi người phải có một khẩu trang phòng độc để che miệng, thường xuyên mang theo người (dày 08 lượt vải mỏng, rộng 10cm, dài 15cm).

9. Đề phòng bệnh truyền nhiễm, đơn vị tác chiến hoặc trú quân ở khu vực nào phải chôn cất xác địch, xác súc vật và tẩy uế ngay khu vực đó. Phải tập trung tiêu hủy những đồ vật, giấy tờ, truyền đơn, tranh ảnh khả nghi có trúng độc.

10. Cán bộ các cấp phải bảo đảm làm đúng những điều qui định trong bản mệnh lệnh bảo vệ sức khỏe này. Tiểu đoàn mỗi tuần 01 lần, trung đoàn nửa tháng 01 lần, đại đoàn 01 tháng 01 lần phải xuống các đơn vị kiểm tra thực hiện nghiêm.

Sau khi bản thảo 10 điều bảo vệ sức khỏe được hoàn thành, Ban Quân y chiến dịch đã xin ý kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh mặt trận Điện Biên Phủ, Đại tướngnghiên cứu, bổ sung điều thứ 11 với nội dung:

          “Đơn vị, cá nhân nào tích cực chấp hành, giữ vững quân số chiến đấu sẽ được khen thưởng. Đơn vị, cá nhân nào thiếu gương mẫu, không tích cực chấp hành để quân số hao hụt nhiều sẽ bị kỷ luật”.

Đến tháng 4 năm 1954, bản thảo 11 điều bảo vệ sức khỏe cho bộ đội đã được phát hành và chuyển tới các đại đoàn tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.  Để thực hiện tốt 11 điều quy định trên, các đơn vị trên toàn mặt trận trực tiếp tham gia chiến đấu tổ chức quán triệt học tập đến từng cán bộ, chiến sĩ và đưa vào Nghị quyết lãnh đạo của các cấp.

Bên cạnh việc đảm bảo chế độ ăn uống, sinh hoạt cho bộ đội như ăn chín, uống sôi, ăn đủ chất và phải được nghỉ ngơi. Đội vệ sinh phòng dịch của các đại đoàn luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bộ đội giữ gìn vệ sinh công cộng, vệ sinh cá nhân như: Nằm ngủ phải mắc màn tránh muỗi, cắt tóc ngắn và tắm giặt thường xuyên... Tại các đơn vị ngoài mặt trận đã thành lập các tổ cắt tóc, lúc này phong trào cắt tóc đã trở thành mục tiêu mức độ đánh giá thi đua giữa các đơn vị. Trong thời gian nghỉ ngơi, các chiến sĩ tranh thủ tắm giặt tại các khe suối và cắt tóc ngay tại chiến hào. Chỉ trong ít phút, các chiến sĩ đã có mái tóc ngắn gọn, sạch sẽ, đảm bảo việc giữ gìn vệ sinh, tránh được ký sinh trùng (chấy, rận) và các dịch bệnh do ký sinh trùng gây ra. Ngoài ra, bộ đội còn được đảm bảo sử dụng các loại thuốc như: thuốc chống sốt rét, tê phù, kiết lỵ… định kỳ,.giúp các đơn vị bảo vệ được quân số, sức khỏe và tâm lý được bảo đảm đến ngày kết thúc chiến dịch.

Nhờ có ý thức, trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ sức khỏe cho bộ đội,trong suốt 56 ngày đêm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ không xảy ra đại dịch, sức khỏe chiến sĩ được bảo đảm, nâng cao khả năng chiến đấu, góp phần quan trọngvàochiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07 tháng 5 năm 1954./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 9.467.561
Online: 128