Dân tộc Khơ Mú là 1 trong 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, dân tộc Khơ Mú (còn có tên gọi khác như: Xá, Xá Cẩu, Mứn Xen, Pu Thênh) là một trong những tộc người cư trú lâu đời nhất, phân bố rải rác ở tất cả các huyện, thị trong tỉnh. Dân tộc Khơ Mú có tín ngưỡng sùng bái thiên nhiên, sùng bái các vị thần linh và thờ cúng tổ tiên. Các nghi thức văn hóa dân gian và cuộc sống của họ thường gắn liền với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để sinh sống, xuôi theo tự nhiên để tồn tại; bảo vệ, khai thác tự nhiên để phát triển. Với địa bàn cư trú của người Khơ Mú là khu vực ven các thung lũng, sườn đồi, gần nguồn nước thuận tiện cho cả việc săn bắt, hái lượm, làm nương rẫy, cũng thuận tiện cho việc đánh bắt thủy sản và chăn nuôi.

Người Khơ Mú có nghề thủ công rất phát triển. Dựa vào nguồn nguyên liệu từ tự nhiên, người Khơ Mú đã tạo ra các sản phẩm thủ công vô cùng tinh sảo và được cộng đồng các dân tộc địa phương ưa chuộng. Đời sống tinh thần của người Khơ Mú ngày nay đã bị mai một nhiều nhưng một số người vẫn giữ được cách làm và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống.

Ông Quàng Văn Mứn ở bản Ten, xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên là một người con của mảnh đất Điện Biên, sống giữa núi rừng đại ngàn, ngay từ khi còn nhỏ ông đã có niềm đam mê đặc biệt với âm nhạc và các loại nhạc cụ dân tộc. Lúc đầu chỉ là nghe ông nội thổi sáo rồi dần dần xin ông học thổi đến lúc mày mò học và làm các loại nhạc cụ của người Khơ Mú. Theo lời ông Mứn, sáo là nhạc cụ thổi hơi có từ rất xa xưa. Người Khơ Mú có các loại sáo như sáo ngang (pi tót vang, pi tót liếc), sáo khúc (pi sam roi), sáo ống (pi hưn), sáo bầu (pi gốc), sáo mồ côi (pi con rốc)…. Mỗi loại sáo cho ra một âm sắc khác nhau, được làm từ các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như tre, trúc, nứa hoặc vỏ bầu. Sáo được ví như biểu trưng văn hóa của dân tộc Khơ Mú.

Để làm được những cây sáo tốt thì khâu lựa chọn nguyên liệu làm sáo rất quan trọng. Nguyên liệu có ảnh hưởng đến độ chuẩn và âm sắc của tiếng sáo. Sự phản xạ âm thành sáo và âm sắc của thành sáo phụ thuộc vào độ dẻo, độ đàn hồi và độ chắc của thành sáo. Khi thành sáo có độ đàn hồi tốt, lòng trong của ống sáo phẳng, nhẵn thì sự phản xạ âm sẽ tốt hơn làm cho tiếng sáo đầm, vang hơn. Khi thành sáo dẻo kèm theo sự đàn hồi kém hơn, lòng trong không nhẵn và mềm khiến âm bí hơn, nhỏ và kém vang. Thành sáo bị xốp sẽ hấp thụ âm và làm tiếng sáo có nhiều tạp âm, bí âm. Thành sáo mỏng tiếng sáo sẽ vang hơn, dễ lên cao hơn, nhưng thành sáo mỏng sẽ làm cho tiếng sáo sẽ xì nhiều ở lỗ thổi và âm sắc cũng mỏng theo. Độ to của ống sáo cũng giúp tiếng sáo ấm hơn, to hơn và vang hơn.

Để làm được sáo Hưn (hay còn gọi là sáo ống), người Khơ Mú phải lựa chọn những ống nứa tương đối đều nhau, cắt khúc từ thấp đến cao. Sau khi cắt một khúc sẽ thổi thử để thử âm độ của ống sáo, độ dài sẽ được điều chỉnh tới khi đạt âm độ mong muốn, các âm độ là sự kết hợp hài hòa giữa độ dài ngắn, dày mỏng của các ống sáo. Sáo được thổi vào các dịp lễ, tết, các ngày vui của bản.

Sáo Hưn là một loại sáo được làm từ 15 ống nứa có độ dài, ngắn khác nhau; 15 ống nứa được xếp thành 3 hàng, mỗi hàng 5 ống được xếp theo độ dài từ thấp đến cao. Mỗi ống cho một âm độ khác nhau, khi thổi đặt dàn miệng ống ngang môi thổi nhẹ, tay di chuyển sáo theo chiều ngang qua lại để tạo giai điệu. Sau khi cắt đủ số ống sáo với các âm độ khác nhau ông xếp chúng lại thành 3 hàng, mỗi hàng 5 ống, giữa mỗi hàng được ông đặt 2 thanh nứa mỏng; 15 ống sáo được cố định bằng dây mây. Một dây quấn tại đầu sáo, vị trí này các đầu ống sáo được xếp bằng nhau, dây còn lại quấn quanh 15 ống sáo tại vị trí gần miệng ống sáo thấp nhất.

Tiếng sáo là tiếng lòng của người Khơ Mú nói lên tình yêu gia đình, yêu quê hương đất nước. Tiếng sáo xua tan những mệt mỏi sau thời gian lao động vất vả, sáo được mang đi nương thổi trong lúc giải lao, sáo thổi vào những buổi chiều khi lao động trở về nhà. Ngày nay, trong cộng đồng người Khơ Mú ít ai còn biết sử dụng và chế tác nhạc cụ của dân tộc mình. Để góp phần lưu giữ bảo tồn, vấn đề quảng bá giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú tới đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước, cũng như tới các thế hệ trẻ tương lai trong đó có các nhạc cụ truyền thống của người Khơ Mú là hết sức cần thiết. Do vậy, Bảo tàng tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, triển lãm về các loại nhạc cụ nói riêng và các hiện vật gắn với lịch sử, văn hoá các dân tộc nói chung và trở thành điểm đến hấp dẫn của công chúng.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.367.872
Online: 257