Cũng như nhiều dân tộc khác, người Khơ Mú quan niệm vạn vật đều có linh hồn và các yếu tố thiên nhiên như: Trời, đất, nương rẫy, rừng, núi... đều có quan hệ mật thiết với đời sống và sản xuất của con người. Do cuộc sống phụ thuộc nhiều vào tự nhiên đã góp phần hình thành nên một hệ thống các lễ tục nông nghiệp. Các nghi lễ truyền thống này hình thành theo một chu trình sản xuất nông nghiệp từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch, trong đó lễ Tra hạt (Do chi mo hrệ) diễn ra vào thời điểm bắt đầu mùa vụ mới, là một trong những nghi lễ nông nghiệp quan trọng của người Khơ Mú.

Dân tộc khơ Mú sinh sống tại huyện Tuần Giáo vẫn còn duy trì lễ Tra hạt và thường được tổ chức vào tháng 4 dương lịch (tức tháng 3 âm lịch), là thời điểm bắt đầu gieo trồng mùa vụ mới. Lễ được diễn ra trong một ngày nhưng không trùng với ngày kiêng kỵ của gia đình chủ nương và gia đình thầy cúng (tức không trùng ngày ông bà, bố mẹ mất). Để nghi lễ diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống, trước khi tổ chức lễ hội khoảng một tháng (thời gian bắt đầu thu dọn nương rẫy) các gia đình, dòng họ sẽ họp bàn và thống nhất việc chọn ngày tốt, ấn định ngày tổ chức lễ, chuẩn bị đóng góp các lễ vật, phân công công việc tổ chức cúng lễ Tra hạt. Theo quan niệm của đồng bào, càng nhiều người tham gia thì lễ hội càng đông vui, năm đó gia đình chủ lễ sẽ thu hoạch được năng suất lao động cao, mùa màng bội thu. Đặc biệt, trong ngày tổ chức lễ đồng bào Khơ Mú quan niệm rằng không được cãi cọ, gây mất đoàn kết, sẽ làm ảnh hưởng đến sự linh thiêng của lễ hội.

Thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng Tra hạt trên nương

Để thực hiện lễ cúng này, gia chủ phải chuẩn bị các đồ dâng lễ gồm:

+ Một con chó và hai con gà trống lông đỏ: Đây là những lễ vật chính để dâng cúng trong nghi lễ, lễ vật càng to càng thể hiện quy mô của lễ hội cũng như sự sung túc của gia chủ.

+ Cũng như nhiều nghi lễ, không thể thiếu các đồ lễ như: Một chai rượu, một bát nước, một gói chè, hoa quả, thuốc lá...

+ Ngoài ra, còn có 02 bộ quần áo dân tộc (Một bộ nam, một bộ nữ), 04 sải vải dân tộc, một bó hương đốt, hai nến sáp ong, hai gói xôi và đặc biệt là hạt thóc giống cùng gậy chọc lỗ Tra hạt.

Chiều tối hôm trước ngày tổ chức lễ Tra hạt, chủ nhà chuẩn bị 01 bát cơm, 01 bát gia vị được làm bằng muối trộn với ớt nướng, mắc khén, 04 chén đựng rượu, 04 chén đựng nước dâng cúng ma nhà (Rôi gang) xin phép bố hoặc mẹ (ma nhà) được làm lễ Tra hạt trên nương, mời các vị thần về chứng kiến và phù hộ cho gia đình được mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, đủ đầy. Sau khi sắp lễ xong, gia chủ thắp nến sáp ong, rót rượu, rót nước chắp tay và bắt đầu nghi lễ khấn cúng ma nhà (Rôi gang), lời khấn như sau:

"Bố ơi,mẹ ơi! Ngày mai con đi chọc, tra hạt trên nương, bố mẹ đừng chê, đừng trách chúng con mà hãy phù hộ cho cho cây lúa, cây ngô... lên tốt tươi. Đây là phong tục truyền thống từ thời xa xưa, mong các vị thần linh tứ phương phù hộ cho mưa thuận gió hòa để cây lúa, cây ngô... lên đẹp, bông to, hạt trắc, mong cho thóc, ngô... đầy bồ, mùa màng bội thu".

Cũng trong buổi chiều trước ngày làm lễ, tại nhà thầy cúng sẽ thực hiện nghi thức cúng báo tổ tiên. Đối với nghi thức này, thầy cúng không cần chuẩn bị đồ lễ để dâng báo, khi thực hiện cúng thầy sẽ rót chén rượu, chén nước, thắp nến sáp ong và thắp 03 nén hương để thông báo với tổ tiên ngày mai sẽ đi làm lễ cho dân bản, xin tổ tiên phù hộ cho việc làm lễ được thuận lợi, lời khấn cúng tổ tiên như sau:

"Tổ tiên ạ, cả bản con đi chọc, tra hạt trên nương, tổ tiên đừng chê, đừng trách chúng con đi chọc hạt mà hãy phù hộ cho cho cây lúa, cây ngô... lên tốt tươi. Đây là phong tục truyền thống từ thời xa xưa, mong các vị thần linh tứ phương phù hộ cho mưa thuận gió hòa để cây lúa, cây ngô... lên đẹp, bông to, hạt trắc, mong cho thóc, ngô... đầy bồ, mùa màng bội thu".

Vào buổi sáng sớm ngày diễn ra lễ, thầy cúng trong trang phục truyền thống sẽ thực hiện nghi thức cúng báo ma Một (Thao), để ma Một phù hộ cho thầy cúng thực hiện tốt việc cúng trên nương, trong nghi thức này cũng không phải chuẩn bị đồ lễ, chỉ rót chén rượu, chén nước, thắp nến sáp ong và khấn báo ma một, lời khấn như sau:

"Hôm nay, tôi thông báo tới ma một, ăn ở với bàn thờ nhà tôi, một thao, tôi thắp hương cho thần linh. Nay tôi với bà con đi chọc lỗ tra hạt, đừng chê, đừng trách, đừng làm ốm đau, đây là truyền thống từ thời xa xưa, mong thần linh phù hộ cho bà con dân bản mùa màng bội thu, mọi điều tốt đẹp".

Nghi thức cúng báo ma Một (Thao) kết thúc, thầy cúng và gia đình chủ nương cùng bà con dân bản, trong bộ trang phục truyền thống giúp gia chủ cùng  đem đồ lễ lên nương để làm lễ Tra hạt.

Khi đến mảnh nương, gia chủ tiến hành đặt vài hạt giống (thóc, ngô) vào hốc cây đã chặt từ trước với ngụ ý che dấu không cho chim, sâu nhìn thấy, phá hoại, đồng thời khấn như sau:

         "Chim ăn vào thì nhả ra, quạ ăn vào cũng phải nhả ra".

Gia chủ khấn xong, lấy gậy chọc khoảng 6 lỗ để tra hạt trước, rồi phi gậy chọc lỗ về giữa mảnh nương càng xa càng tốt, đồng thời hô lớn câu "Xong rồi" với ý nghĩa là dù mảnh nương đó nhỏ hay rộng thì việc tra hạt phải làm cho nhanh, xong sớm và diễn ra thuận lợi. Sau đó, gia chủ và tất cả mọi người tham gia cùng nhau tiến hành chọc lỗ tra hạt, việc chọc lỗ thường do nam giới đảm nhiệm còn tra hạt lại là phần việc của nữ giới. Mỗi khi có gia đình trong bản thực hiện làm lễ Tra hạt thì các hộ gia đình trong bản sẽ giúp nhau, đổi công cho nhau, đây chính là thể hiện tình đoàn kết mang tính cộng đồng cao ở đồng bào Khơ Mú.

Các thành viên tham gia chọc lỗ Tra hạt, từng cặp trai gái, người con trai đi trước chọc lỗ và người con gái đi phía sau tiến hành bỏ hạt vào lỗ đã được chọc đồng thời lấy chân gạt đất lấp hạt, cứ như vậy họ tiến hành thực hiện đến hết phần nương đã được chọn.

Trong thời gian đồng bào thực hiện chọc lỗ Tra hạt, thì những người phụ giúp thầy cúng sẽ chuẩn bị và đặt  đồ lễ lên sàn cúng “Rang tê”. Sàn cúng được dựng bởi 04 cột tre, 04 đầu cột được nối với nhau bởi 04 đầu thanh xà, mặt trên buộc một tấm phên đan bằng tre, mặt sàn cao khoảng 80 cm, sàn được gia chủ dựng sẵn trên nương trước ngày diễn ra lễ. Đồ lễ gồm có 01 con chó, 02 con gà trống lông đỏ (kiêng không chọn gà có lông màu khác, nhất là màu trắng), rượu, nước trắng, túi đeo loại to, túi đeo loại nhỏ, thóc, xôi, gậy chọc lỗ, bốn sải vải thổ cẩm, nến sáp ong, hai bộ trang phục của dân tộc (bộ nam, bộ nữ)...    

Đồ lễ được chuẩn bị xong, thầy cúng thắp nến sáp ong trên mâm lễ và khấn mời các vị thần linh như sau:

“Hôm nay dân bản dâng con chó, con gà cho chủ đất, chủ trời (Đồng bào quan niệm đất là mẹ, trời là bố, chủ đất và chủ trời là một cặp ông bà hoặc bố mẹ), chủ đồi Pú Piếng, chủ rừng Pú Pảu, chủ rừng Pú Xi, tất cả các thần linh ở các đồi, các mường, nay tôi chọc lỗ, tra hạt, mời cho ăn, cho uống để phù hộ bà con dân bản cho lúa tốt tươi, mùa màng bội thu”.

Sau khi dâng vật lễ cho các vị thần xong, những người giúp việc sẽ đem con vật dâng lễ đi chế biến cho chín. Thầy cúng lấy tiết của con vật dâng lễ (con chó) bôi vào một đầu của các gậy chọc lỗ để ngăn chặn những điều không tốt chạm tới gậy và tiếp tục bôi vào 06 tấm phên đan (the le) hai tấm cắm hai bên của mâm lễ, tấm còn lại được cắm sau lưng thầy cúng và 03 tấm đan to 03 cánh  đặt ở phía sau đàn lễ, với ngụ ý ngăn chặn ma tà không được mời đến tranh lễ vật của các vị thần linh,và cũng là để đánh dấu địa bàn cho chủ nương.

Tiếp đó chủ hộ và những người giúp việc sẽ chế biến con vật dâng lễ và bày lên mâm, khi đã bày xong thầy cúng tiến hành nghi lễ cúng mời các vị thần linh hưởng thụ đồ lễ, lời cúng như sau:

“Bây giờ thức ăn đã chín rồi, có thịt chó, thịt gà dâng cho chủ đất, chủ trời, chủ đồi, chủ rừng..., bà con dân bản đặt mâm cho ăn, mời chủ đất, chủ trời, chủ đồi Pú Piếng, nàng Pú Piếng, chủ rừng Pú Pảu, chủ rừng Pú Xi, tất cả các thần linh ở các đồi, các mường, nay tôi chọc hạt, ăn và phù hộ bà

Khi thầy cúng làm lễ xong, cũng là lúc bà con đã chọc lỗ Tra hạt xong. Những người phụ lễ đã được phân công trước đó sẽ chuẩn bị bày thức ăn ngay trên lán nương của gia chủ mời bà con tham gia lễ cùng nhau hưởng thụ. Tuy nhiên, trước khi thụ lộc thầy cúng xin phép các thần linh xin được giữ lại đồ lễ trên mâm mỗi thứ một ít để tại sạp cúng ở nương và phần một ít về tạ ơn ma Một. tất cả đều vui vẻ chúc mừng cho nhau mạnh khỏe, mọi sự tốt lành, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ. Để tỏ lòng thành kính, trân trọng và biết ơn các vị thần linh đã về hưởng thụ đồ lễ và phù hộ cho bà con dân bản được mùa màng bội thu, thóc lúa, ngô đầy bồ và mọi điều tốt đẹp luôn đến với họ.

Thầy cúng đại diện cho chủ nương và thực hiện nghi thức tiễn các vị thần trở về nơi cư ngụ, đồng bào quan niệm có mời thì phải có tiễn, lời khấn như sau:

“Chủ đất, chủ trời, chủ đồi, chủ rừng... nay đã ăn uống xong xuôi, chúng tôi mời các thần về với mường, bà con dân bản chúng tôi cũng xin phép các thần về chúng tôi cũng về”.

Sau khi cúng xong, thầy cúng sử dụng nước đã chuẩn bị trước trong các ống tre để rửa tay cho mình và những người tham gia buổi lễ đồng thời làm động tác vẩy nước lên trời tượng trưng cho những hạt mưa, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối lên xanh tươi tốt, thầy cúng hô lớn như sau:

“Nay chúng con xin phép thần linh, các con dân trong bản rửa tay, té nước để cho thóc tốt tươi, mùa màng bội thu”.

Lễ Tra hạt trên nương kết thúc, thầy cúng quay trở về nhà thực hiện nghi lễ tạ ơn ma một, đồ lễ được người giúp việc chuẩn bị mang về sắp lên bàn thờ ma một, thịt chó, thịt gà, mỗi thứ một ít. Khi mâm lễ đã chuẩn bị xong, thầy cúng khấn như sau:

"Hôm nay con đi làm lễ cúng Tra hạt cho dân bản đã xong, có bên vai thịt chó, có một con gà về nộp cho ma một, tại bàn thờ ma một ở với con, ma một đừng chê đừng trách nhé, con vẫn làm theo nghi lễ truyền thống từ xa xưa, ăn xong phù hộ cho con và dân bản được mùa vụ tốt tươi, mùa màng bội thu nhé".

Sau khi thực hiện xong các nghi lễ, thầy cúng sẽ mời các vị khách và toàn thể con cháu trong gia đình ngồi vào mâm cơm, sau một thời gian làm việc mệt nhọc, họ cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, một năm với nhiều may mắn, thóc gạo đầy nhà, chăn nuôi phát triển...

Xong phần nghi lễ được tổ chức trên nương rẫy, đồng bào trở về tập trung tại nhà chủ lễ để tổ chức phần giao lưu, chơi hội. Phần lễ bao giờ cũng linh thiêng, trang nghiêm và huyền bí, còn phần hội lại rất tưng bừng vui tươi và cuốn hút mọi người cùng tham gia. Đây cũng là ngày hội đoàn kết của toàn cộng đồng dân tộc, đưa mọi người đến gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, để chung sức xây dựng và phát triển bản làng. Trong nhịp chiêng trống vang vọng, những chàng trai, cô gái Khơ Mú với trang phục truyền thống say mê uyển chuyển trong điệu múa, giữa không khí vui tươi phấn khởi ấy, ước vọng về một năm mưa thuận gió hòa, tránh được những rủi ro trong lao động sản xuất. Thần linh sẽ che chở bảo vệ mùa màng, lúa ngô, hoa màu sẽ sinh sôi, phát triển.

Chọc lỗ Tra hạt dân tộc Khơ Mú

Lễ Tra hạt là một nghi thức nông nghiệp chứa đựng những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Khơ Mú góp phần làm đa dạng thêm vốn văn hóa của các dân tộc trong kho tàng Văn hóa dân gian Việt Nam. Tuy nhiên, một số nơi lễ hội đã bị mai một, do vậy cần chú trọng đến việc bảo tồn di sản văn hóa tại các địa phương có cộng đồng người Khơ Mú sinh sống. Lễ Tra hạt không chỉ thể hiện niềm tin, khát vọng của con người hướng tới những điều tốt đẹp trong lao động sản xuất mà còn lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú. Nếu gìn giữ và phát huy tốt khả năng sáng tạo, thực hành của người Khơ Mú đối với lễ Tra hạt thì đây còn là điểm đến của rất nhiều du khách muốn nghiên cứu, tìm hiểu và trải nghiệm về văn hóa tộc người.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.130.003
Online: 19