Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, trải qua hàng nghìn năm, Phật giáo đã đồng hành, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Việt Nam. Hòa nhập vào đời sống xã hội, Phật giáo không chỉ là lời răn dạy mà còn là sự thực hành. Khát vọng về một cuộc sống an bằng, bình ổn, phản đối chiến tranh…đã làm cho Phật giáo trở nên gần gũi với dân chúng, nhiều tín điều Phật giáo đi vào đời sống xã hội, gắn kết với văn hóa dân tộc và trờ thành một số tiêu chí đạo đức mà mọi người muốn hướng tới.
Tại tỉnh Điện Biên ngày 25/04/2014 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (BTS GHPG) tỉnh Điện Biên được thành lập. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 ngôi chùa tại huyện Điện Biên, đó là chùa Linh Quang - trụ sở của BTS GHPGVN tỉnh, tọa lạc tại đồi Tông Khao, xã Thanh Nưa và chùa Linh Sơn, được Chư Tôn Đức BTS vận động xây dựng khang trang tọa lạc tại xã Thanh Luông.
Dù chỉ mới thành lập nhưng những hoạt động phật sự của Phật giáo tỉnh đã đi vào thực chất, đem Phật pháp phổ biến sâu rộng trong đồng bào các dân tộc miền núi Tây Bắc. Hoạt động phật sự của Ban Trị sự đã đạt được hiệu quả, đặc biệt đã đóng góp vào sự phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh Điện Biên, đem Phật pháp đến với đồng bào các dân tộc.
Khóa tu mùa hè cho các cháu thanh thiếu niên
Điều đó minh chứng qua các hoạt động phật sự, các hoạt động văn hóa và các khóa tu. Với sự nỗ lực của Ban Tổ chức khóa tu mùa hè cho các cháu thanh thiếu niên từ các thôn, bản khiến cho phụ huynh rất hài lòng. Đặc biệt Giáo hội Phật giáo tỉnh đã tổ chức thành công các mùa lễ hội Phật giáo mùa Hoa Ban, đây là lễ hội tổ chức ngay sau Lễ hội Hoa Ban vào tháng 3 hằng năm, sức lan tỏa của lễ hội này chính là sự thu hút số đông phật tử, đồng bào các dân tộc biết đến đạo Phật; các đại lễ cầu nguyện tại Nghĩa trang A1, thành phố Điện Biên Phủ; Nghĩa trang Tông Khao và Độc Lập với sự tham dự của hàng chục ngàn đồng bào, phật tử, Cựu chiến binh từ nhiều địa phương trong cả nước về tham dự đã khẳng định được dấu ấn mang giá trị tâm linh sâu sắc, đạo lý uống nước nhớ nguồn hay các Đại lễ của Phật giáo như: Phật đản, Vu Lan, vía Bồ tát…cho hàng ngàn phật tử, đồng bào với nhiều nội dung phong phú, thể hiện sự gắn bó của Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, truyền thống “tri ân và báo ân” của người con Phật..Trong những năm qua, các hoạt động phật sự thật sự đã lan tỏa trong thôn, bản làng. Lần đầu, người phật tử, đồng bào ở Điện Biên có cơ hội tìm hiểu, hộ pháp qua hoạt động đặc thù, mang đậm giá trị tâm linh của đạo Phật.
Lễ cầu siêu tại Nghĩa trang A1, thành phố Điện Biên Phủ
Là tỉnh vùng cao biên giới với 19 dân tộc mỗi dân tộc mang những đặc trưng văn hóa riêng nhưng với sự kết hợp nhuần nhuyền giữa truyền thống của Phật giáo Đại thừa với bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào biên giới Tây Bắc, hoạt động phật sự tại Điện Biên vẫn đảm bảo tính thống nhất mang tinh thần Phật giáo và bản sắc văn hóa dân tộc. Phật giáo đã phần nào đóng góp vào sự phát triển văn hóa, thể hiện sâu sắc tinh thần nhân văn, hướng thiện, giúp đồng bào các dân tộc tăng cường kết nối tình đoàn kết góp phần giáo dục, phát huy tinh thần cộng đồng, phát huy sức mạnh tập thể, truyền thống yêu nước, trau dồi đạo đức và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Tỉnh Điện Biên chủ trương tôn vinh hoa ban với mong muốn hoa ban sẽ trở thành biểu tượng văn hóa cho mảnh đất, con người Điện Biên. Qua đó, cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, hoa ban sẽ góp phần trở thành biểu tượng để tôn vinh các giá trị di sản văn hóa, giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước. Việc Giáo hội phật giáo Việt Nam tiếp tục tôn vinh, đồng hành với tỉnh Điện Biên để tổ chức lễ hội phật giáo mùa hoa ban là hoạt động ý nghĩa trong việc đồng hành và phát triển lễ hội riêng có của tỉnh.
Từ khi được thành lập đến nay, giáo hội phật giáo bàn tỉnh Điện Biên đã tổ chức rất nhiều hoạt động có ý nghĩa góp phần làm dày thêm văn hóa truyền thống của các dân tộc; nét đẹp văn hóa “uống nước nhớ nguồn”; khuyến khích con người sống và hành động theo điều thiện, cổ vũ con người xa lánh và ngăn chặn cái ác, biết dừng lại trước "tham - sân - si", không để bị mê hoặc bởi các tham vọng thái quá,... Phật giáo thu hút sự tham gia của một bộ phận công chúng và nhiều giáo lý nhà Phật có ý nghĩa trong xây dựng đạo đức con người, làm cho đời sống tinh thần của xã hội ngày càng thêm lành mạnh.