Chương trình xây dựng nông thôn mới là một chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước ta đã và đang được các cơ quan của Chính phủ và các tỉnh thành trong cả nước triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiện nay đã đạt được những kết quả nhất định. Diện mạo nông thôn mới ở nhiều địa phương đã thay đổi, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn có những bước phát triển mạnh mẽ, người dân ở nông thôn được quan tâm chăm lo cả về đời sống vật chất và tinh thần.

Điện Biên là tỉnh vùng cao, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, với diện tích đất tự nhiên rộng, địa hình phức tạp bị chia cắt nhiều, chủ yếu là đồi núi việc phát triển kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng gặp nhiều khó khăn. Dân số trên toàn tỉnh khoảng trên 57 vạn người, gồm 19 dân tộc và nhóm dân tộc cùng sinh sống. Môi trường xã hội và điều kiện tự nhiên của Điện Biên có những đặc trưng riêng vì vậy việc triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới ở Điện Biên cũng cần có những vận dụng linh loạt, phù hợp.

Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các Cấp ủy, Chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các Chương trình, Đề án của Trung ương và địa phương được triển khai đồng bộ, trong đó phải kể đến Chương trình xây dựng Nông thôn mới ở tỉnh, cụ thể là Đề án xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới tỉnh nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng để giúp các xã biên giới sớm hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Các tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới đều được quan tâm đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đặc biệt là 02 tiêu chí bề nổi đó là tiêu chí 6 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí 16 về văn hóa, vừa thể hiện yêu cầu đạt chuẩn về cơ sở hạ tầng thiết chế văn hóa, thể thao vừa đặt ra yêu cầu đạt chuẩn các nội dung mềm - giá trị cốt lõi của văn hóa, góp phần bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, tích cực xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào vùng nông thôn với thành thị.

1.Về cơ sở vật chất văn hóa:  

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện có trên địa bàn toàn tỉnh đã bước đầu đáp ứng được một phần nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tham gia hoạt động thể thao của các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo và đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn toàn tỉnh. Hầu hết các nhà văn hóa đều được trang bị các trang thiết bị như: bàn, ghế, tăng âm, loa đài… để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức khoa học kỹ thuật; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn minh; tổ chức hội họp, hội nghị tập huấn, hội nghị sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội hàng năm; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và một số các hoạt động khác. Toàn tỉnh hiện có 10/10 nhà văn hóa huyện chiếm 100%; 95/129 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, chiếm 73,6%; 684/1.444 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố, chiếm 47,4%; có 09 sân vận động (trong đó có 6 sân có khán đài), 90 sân Bóng đá (trong đó có 10 sân Bóng đá có thảm cỏ nhân tạo), 01 sân Điền kinh, 08 sân Tennis, 123 nhà tập luyện (trong đó có 33 nhà tập luyện đa năng), 31 Bể bơi, 30 sân Bóng rổ, 445 sân Bóng chuyền, 835 sân Cầu lông, Đá cầu và trên 300 các khu thể thao khác.

2.Về xây dựng gia đình, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa:

Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa; thôn, bản văn hóa được nhiều kết quả đáng phấn khởi, từ vùng thấp đến vùng cao, từ các hộ gia đình nông dân, công nhân viên chức đến các hộ gia đình lực lượng vũ trang đều hăng hái đăng ký, phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hóa; việc bình xét, công nhận gia đình văn hóa được thực hiện công khai, dân chủ từ khu dân cư nên chất lượng gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên. Phong trào trở lên sôi nổi và rộng khắp góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Số lượng các hộ gia đình, thôn, bản  được công nhận văn hóa  năm sau cao hơn năm trước. Đến nay toàn tỉnh có 94.682/132.728 gia đình văn hóa đạt 71,3%; 1.118/1.441 thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, đạt tỷ lệ 77,6; 32/115 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt 27,8%;

3. Về tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cơ sở:

Phong trào văn hóa, văn nghệ được nhân dân tham gia sôi nổi, nhiều hội diễn, chương trình văn nghệ từ cấp tỉnh đến cơ sở được tổ chức, thu hút sự tham gia đông đảo của quần chúng, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn và phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống. Đối với các xã, phường, cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức các chương trình văn nghệ, thể thao chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị địa phương và ngành; các thôn, bản, tổ dân phố thường xuyên tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao vào các dịp tết cổ truyền dân tộc, quốc khánh 2/9 và các dịp đăng ký, đón nhận danh hiệu văn hóa, Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc (18/11)…. tạo nên phong trào sinh hoạt VHVN, TDTT sôi nổi, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần cho nhân dân và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc. Toàn tỉnh hiện có 1.228 đội văn nghệ quần chúng duy trì sinh hoạt thường xuyên với các chương trình về nghệ thuật trình diễn dân gian của các dân tộc hình thành nên các hạt nhân tích cực thực hành, truyền dạy cho thế hệ trẻ.

4. Về bảo tồn, phát huy rất tốt bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc:

 Nhiều lễ hội truyền thống được bảo tồn; các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc được quan tâm mở, góp nhần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, kết quả cụ thể: Phục dựng, bảo tồn lễ Tết té nước dân tộc Lào tại bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên; "Lễ cúng bản" của dân tộc Khơ Mú tại bản Suối Lư, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông; "Lễ cầu mùa" của dân tộc Si La tại bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé; "Lễ Nhảy lửa" của dân tộc Dao tại bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ; "Lễ  cầu mùa" của người Khơ Mú tại bản Huổi Lốt 1, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo; Lễ cúng bản của người Hà Nhì, bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé...

Mở các lớp truyền dạy Nghệ thuật Xòe Thái và múa Lăm vông của dân tộc Lào; các địa phương trong tỉnh tổ chức Hội diễn Nghệ thuật quần chúng, Ngày hội văn hóa các dân tộc, Ngày hội đoàn kết các dân tộc.Thành lập và tổ chức 01 Câu lạc bộ bảo tồn âm nhạc, dân ca, dân vũ truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên; 01 câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thái tỉnh Điện Biên. Việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trong toàn tỉnh đề nghị đưa vào danh mục quốc gia được tỉnh quan tâm chỉ đạo ngành văn hóa thực hiện tốt, góp phần bảo tồn, tôn vinh bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh đã có 09 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tuy đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn không ít những khó khăn trong xây dựng môi trường văn hóa nông thôn như:

1.Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa còn thiếu, chưa đồng bộ; các công trình văn hoá, khu vui chơi giải trí chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân; cùng với đó vấn đề phong tục tập quán lạc hậu, các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, nhận thức của một số cán bộ, nhân dân về phong trào còn hạn chế gây ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai phong trào tại cơ sở.

2. Việc quy hoạch quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; nguồn kinh phí bố trí đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn hẹp; trang thiết bị của các thiết chế văn hóa, thể thao còn ít chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động của nhân dân;

3.Việc bình xét các danh hiệu còn hình thức, chạy theo thành tích; các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, mại dâm, xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực gia đình ở một số nơi còn diễn ra phức tạp, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến cộng đồng, ảnh hưởng đến những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

4. Một số thôn, bản, tổ dân phố vă hóa sau khi được công nhận, có biểu hiện buông lỏng công tác chỉ đạo, quản lý, tuyên truyền vận động nhân dân tiếp tục phấn đấu giữ vững danh hiệu, dẫn đến giảm sút về chất lượng, không giữ vững được danh hiệu.

Để  triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa nông thôn trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

1. Nâng cao vai trò và nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể địa phương, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về trách nhiệm, nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa trong xây dựng nông thôn mới; người dân xác định xây dựng đời sống văn hóa trong xây dựng nông thôn mới là công việc của chính mình, từ đó nhiều nét đẹp trong văn hóa truyền thống, trong ứng xử giao tiếp được khơi dậy, giữ gìn đã góp phần quan trọng trong tạo dựng môi trường sống lành mạnh cho mỗi cá nhân,  cho mỗi gia đình và cộng đồng dân cư. Kịp thời  triển khai các văn bản chỉ đạo, điều hành hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, cụ thể ở các tiêu chí số 6 và 16 trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới

2. Cần có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác điều hành, chỉ đạo và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; xác định đây là nhiệm vụ lớn, khó khăn cần sự chung ta của cả hệ thống chính trị, không phải là nhiệm vụ của một cơ quan hoặc địa phương chủ trì nào; huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình.

3. Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về văn hóa cho nhân dân đặc biệt là ở các xã còn nhiều khó khăn. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát thực hiện, có trọng tâm, trọng điểm; đề ra các giải pháp phù hợp nhằm xây dựng môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh trong từng cộng đồng dân cư và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Thường xuyên đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng.

4. Tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, tạo quỹ đất, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách và huy động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ để đầu tư, xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa - thể thao từ tỉnh đến cơ sở, hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trùng tu, tôn tạo di tích; tạo mọi điều kiện cần thiết để nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, phát triển và nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc để toàn dân chung sức, chung lòng thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

5. Chú trọng triển khai thực hiện nghiêm túc, khách quan, công bằng việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa theo đúng quy định, trình tự và thủ tục nhằm phát huy hiệu quả hiệu quả và nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa.

6. Xây dựng và ban hành quy định chung về chế độ bồi dưỡng, khen thưởng cho các cộng tác viên, nghệ nhân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao; các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng tại cơ sở phù hợp với quy định hiện hành của Nhà nước và tình hình thực tiễn ở địa phương.

7. Nâng cao hơn nữa hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tăng cường đầu tư kinh phí cho hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp. Đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng nhằm khích lệ động viên các gia đình, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu trong thực hiện phong trào. Hàng năm mở các lớp nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách phong trào ở cơ sở nhằm nâng cao trình độ để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.

8. Trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới cần tập trung hài hòa cân đối giữa các nhóm tiêu chí, không nên tập trung quan tâm vào nhóm tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế mà thiếu chú trọng đến nhóm tiêu chí về văn hóa, môi trường xã hội và ngược lại.

   9. Thực hiện việc sơ kết, tổng kết hằng năm, từng giai đoạn, để đánh giá rút kinh nghiệm và tìm ra những mô hình tốt, những tấm gương điển hình, xuất sắc để nhận rộng và khen thưởng kịp thời, đồng thời cũng chỉ ra những khuyết điểm cần khắc phục sửa chữa trong quá trình triển khai thực hiện.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.156.621
Online: 68