Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra các quan điểm, đường lối về phát triển đất nước, trong đó có các quan điểm về phát triển nền văn hóa của dân tộc. Đó là những định hướng xuyên suốt, có tính kế thừa và phát triển từ các đại hội trước, là ngọn đuốc soi đường để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đồng chí Phạm Việt Dũng - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng đã đưa ra nhiều quan điểm về phát triển văn hóa. Đặc biệt, Đại hội IX của Đảng lần đầu tiên nhận thức rằng “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”, đồng thời nhấn mạnh mọi hoạt động về văn hóa phải nhằm phát triển con người Việt Nam toàn diện. Cũng lần đầu tiên Trung ương ban hành một Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014). Đại hội XII của Đảng đã tiếp tục phát triển và làm rõ hơn nhận thức về văn hóa, xã hội và con người. Kế thừa và phát triển những quan điểm, đường lối về phát triển văn hóa, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “... Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.
Sau hơn 30 năm đổi mới, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Đảng đã chỉ rõ: Nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mới, nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế về văn hóa khởi sắc. Phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây hại đến văn hóa, lối sống con người được chú trọng… Đồng thời, Đảng cũng thẳng thắn thừa nhận: Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực đối với con người. Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn lớn; đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn nhiều lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội. Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ và có biểu hiện thương mại hóa; quản lý mạng xã hội còn bất cập. Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Việc giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại có mặt còn hạn chế.
Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cần xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với gìn giữ phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Như vậy, cần làm rõ hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người: Hệ giá trị quốc gia là hệ giá trị tổng quát, bao trùm, chi phối mọi lĩnh vực, mọi hoạt động khác nhau của đời sống xã hội, của quốc gia. Giá trị văn hóa bao quát các giá trị liên quan đến khát vọng chấn hưng văn hóa dân tộc vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Chuẩn mực con người Việt Nam là cụ thể hóa các giá trị quốc gia và giá trị văn hóa để làm thước đo, khuôn mẫu cho mỗi người dân Việt Nam phấn đấu và thực hành. Một lần nữa, Đảng ta nhấn mạnh nhân tố con người, trung tâm, mục tiêu của sự phát triển, chủ thể của hoạt động văn hóa nhưng đặt trong bối cảnh thời đại mới: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”; “gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại” để khắc phục những hạn chế của con người Việt Nam.
Đại hội đã đưa ra nhận thức mới về sức mạnh nội sinh trong bối cảnh mới, đó là “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước”; đây là cụm từ được nhắc nhiều lần trong văn kiện đại hội. Đảng đưa ra nhiệm vụ“Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”. Đó chính là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, ý chí tự lực tự cường, khát vọng về một đất nước đổi mới, hùng cường là động lực thúc đẩy dân tộc ta tiến lên, khắc phục đói nghèo, lạc hậu. Đây là nội dung quan trọng, là quyết tâm chính trị, đồng thời là lời hiệu triệu của Đảng ta đối với mỗi người dân Việt Nam.
Thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã xác định một trong những mục tiêu phát triển của nhiệm kỳ 2020-2025 là “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ “Tiếp tục xây dựng và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc; xây dựng con người phát triển toàn diện”. Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 02 nghị quyết: số 03-NQ/TU ngày 07/5/2021 về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29/7/2021 về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên, gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Đảng bộ nhận thức sâu sắc phát triển văn hóa để hoàn thiện nhân cách của con người, xây dựng con người để phát triển văn hóa. Đảng bộ đã chỉ đạo tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 10/12/2014 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Điện Biên đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.
Với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp đổi mới của Đảng. Ngành đã và đang tích cực, chủ động trong công tác tham mưu cho Đảng bộ, chính quyền tỉnh trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về văn hóa, thể thao và du lịch với mong muốn góp phần đưa“Điện Biên thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững”.
Đồng chí Phạm Việt Dũng - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch