671 hồ sơ được đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú"; VFF điều chỉnh kế hoạch tập trung đội tuyển futsal Việt Nam; Việt Nam cùng các nước ASEAN+3 tìm giải pháp phục hồi du lịch là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1. Lĩnh vực Văn hóa
- Báo Hà Nội mới ngày 13/7 đưa tin: "Hà Nội có 8 trường hợp đủ phiếu đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân" cho biết: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa thông báo về kết quả xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú cấp cơ sở Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội lần thứ 10 - năm 2021. Theo biên bản kiểm phiếu bầu, biên bản họp Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú cấp cơ sở Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội lần thứ 10 - năm 2021, thành phố Hà Nội có 8 trường hợp đủ số phiếu theo quy định đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và 10 trường hợp đủ số phiếu theo quy định đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
- Báo Văn Hóa ngày 13/7 đưa tin:
Khoa học, công tâm và trách nhiệm
Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật là giải thưởng lớn dành cho những tác phẩm đặc biệt xuất sắc, có giá trị rất cao về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng; là sự ghi nhận và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với văn nghệ sĩ, trí thức; động viên, khuyến khích các tài năng tiếp tục cống hiến vì sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà. Gần 25 năm qua kể từ lần trao giải đầu tiên vào năm 1996, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đã trải qua 5 đợt với hơn 140 tác phẩm, cụm tác phẩm được trao. Đây thực sự là những tác phẩm vàng mười, không mảy may nghi ngờ.
Xây dựng Đề án Dàn nhạc dân tộc Việt Nam: Đưa âm nhạc truyền thống đến mọi tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế
Chiều 12.7, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã có buổi làm việc với Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam về việc xây dựng Đề án Dàn nhạc dân tộc Việt Nam. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án Dàn nhạc dân tộc Việt Nam là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm thể chế hóa, hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam. Thứ trưởng Tạ Quang Đông yêu cầu Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện Đề án Dàn nhạc dân tộc Việt Nam dù rằng trong giai đoạn hiện nay còn nhiều khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật, con người,… nhưng khó đến đâu giải quyết đến đấy, cái chính là đồng lòng, quyết tâm thành lập được dàn nhạc và từng bước khắc phục khó khăn.
"Tiếp sức" cho nghệ sĩ sân khấu
Covid-19 đã khép lại những "tấm rèm nhung" và đặt ra bài toán khó đối với nghệ thuật sân khấu: Làm sao để giữ nghệ sĩ trụ lại với nghề, bởi khác với nhiều loại hình nghệ thuật, sân khấu phải biểu diễn trước khán giả và tương tác trực tiếp với người xem mới đạt hiệu ứng tốt nhất. Có lẽ không nơi nào như TP.HCM, cứ vào dịp lễ tết là người người nhà nhà lại nô nức đến với sân khấu và các sân khấu cũng chạy tối đa công suất để phục vụ khán giả với số ghế luôn được lấp đầy. Thế nhưng hai năm vừa qua quả là quãng thời gian đầy khủng hoảng, và giờ đây là giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, sân khấu đã bị "hạ knock-out" và chưa biết đến bao giờ mới vực lại được những "cảnh xưa, người cũ"…
- Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 13/7 đưa tin:
Đấu giá tranh trực tuyến gây quỹ vì môi trường
Từ ngày 12-7 đến hết tháng 7, triển lãm nghệ thuật trực tuyến Câu chuyện dòng sông được tổ chức qua nền tảng phòng tranh 3D tại chuyên trang artspaces.kunstmatrix.com. Triển lãm trưng bày hơn 20 tác phẩm của họa sĩ Việt Nam và quốc tế như Lê Đình Nguyên, Tôn Thất Bằng, Doãn Hoàng Lâm, Nguyễn Quốc Thái, Hùng Rô…, cựu Đại sứ Hy Lạp tại Việt Nam - họa sĩ Nicolaos D. Kanellos, họa sĩ Hadi Soesanto người Indonesia.
Khởi động đăng ký hồ sơ đề cử "Chương trình Ký ức thế giới"
UNESCO vừa đưa ra thông báo khởi động việc đăng ký hồ sơ đưa vào Danh sách Di sản tư liệu thế giới của Chương trình Ký ức thế giới năm 2022-2023. Hồ sơ đăng ký sẽ được công bố trên website của Chương trình Ký ức thế giới vào ngày 30-7 và các hồ sơ đăng ký phải gửi đến trước ngày 30-11-2021. Mỗi quốc gia được đề cử giới hạn 2 hồ sơ, không bao gồm các đề cử đa quốc gia. Các hồ sơ đề cử được đánh giá dựa trên bộ tiêu chí, bao gồm: tính xác thực, tính toàn vẹn và ý nghĩa thế giới; đồng thời, kèm theo đó cần nêu rõ tác động và tầm quan trọng của di sản tư liệu đối với ký ức thế giới.
Sân khấu kịch truyền hình khởi sắc
Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều người thường xuyên ở nhà, vì thế các kênh giải trí online, chương trình truyền hình là lựa chọn tối ưu. Dịp này, một số chương trình sân khấu truyền hình bắt nhịp với những vở kịch phản ánh các vấn đề thời sự, gần gũi cuộc sống, được khán giả quan tâm theo dõi. Một loạt vở kịch xã hội lần lượt phát sóng trên các kênh HTV7, HTV9 (Đài Truyền hình TPHCM), tạo nên sự khởi sắc cho kịch truyền hình. Các tác phẩm sân khấu thuộc chương trình Chuyện bốn mùa, Siêu thị cười; kịch dài được Đài Truyền hình TPHCM đầu tư dàn dựng, như: Xem bói online, Ngày về, Nhà tôi ba đời, Cha nuôi con nuôi, Làm mẹ trên mạng, Tiện chưa chắc lợi, Nhậu sinh thái, Nước đục thả câu, Hoa phong ba, Người giúp việc, Tứ đại đồng đường...
- Báo điện tử Người Lao động ngày 13/7 đưa tin:
NSƯT Hùng Minh, Thanh Nguyệt, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ đủ điều kiện xét tặng danh hiệu NSND
Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TP HCM vừa thông qua 54 hồ sơ xét tặng danh hiệu dành cho các nghệ sĩ hoạt động tự do. Trong đó, nhiều nghệ sĩ thế hệ vàng của sân khấu cải lương đủ điều kiện đề nghị xét tặng danh hiệu NSND. Danh sách chính thức được đăng tải công khai trong thư mục "Thông báo" của website: svhtt.hochiminhcity.gov.vn nhằm tiếp nhận ý kiến phản hồi của cá nhân nghệ sĩ đề nghị xét tặng và công chúng từ cho đến hết ngày 14-7.
Số hóa điện ảnh là yêu cầu bức thiết
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc chuyển đổi số những tác phẩm điện ảnh một cách nguyên vẹn là xu hướng tất yếu. Theo các nhà chuyên môn, đây là yêu cầu bức thiết nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác, thưởng thức của công chúng hiện đại, nhất là khi toàn cầu đối mặt với đại dịch Covid-19. Từ năm 2020, thông qua "Tuần phim Việt trên VTVGo", việc số hóa điện ảnh đang là cuộc cách mạng để bảo tồn giá trị nghệ thuật thứ bảy trước những thách thức trong đại dịch Covid-19 tác động đến Việt Nam.
Cần nhiều vở diễn, bài ca cổ về tuyến đầu chống dịch Covid-19
NSƯT Ca Lê Hồng nêu ý kiến về việc nghệ sĩ TP HCM cần đẩy mạnh tham gia phòng chống dịch bằng nhiều hình thức văn hóa nghệ thuật. "Hiện nay rất cần lan tỏa những vở diễn, bài ca cổ viết về lực lượng tình nguyện viên và đội ngũ y bác sĩ trên cả nước chi viện cho TP HCM chống dịch. Hình ảnh đó rất đẹp và xúc động, lan tỏa được tinh thần cùng cả nước chống dịch bệnh mà nghĩa đồng bào rất lớn. Các vở diễn và MV cần được dàn dựng kịp thời, có sự đầu tư chất lượng nghệ thuật, mang tầm vóc và tâm thế vì cộng đồng, vì xã hội chống dịch Covid-19" - NSƯT Ca Lê Hồng chia sẻ.
- Báo Văn hóa, Báo Sài Gòn Giải Phóng và nhiều báo khác ngày 13/7 đưa tin: 671 hồ sơ được đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" cho biết: Bộ VHTTDL vừa đăng tải danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể để lấy ý kiến trước khi trình lên Hội đồng cấp Nhà nước. Theo đó, danh sách được đăng tải xét lấy ý kiến lần này 71 cá nhân có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" và 600 cá nhân có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đã được Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ xét. Trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", Hà Nội là địa phương có số lượng nhiều nhất với 11 hồ sơ; phổ biến ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian (7 hồ sơ), tiếp theo là 3 hồ sơ nghệ nhân ở loại hình tri thức dân gian, 1 hồ sơ nghệ nhân ở loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng.
Ảnh minh hoạ
2. Lĩnh vực Du lịch
- Báo Hà Nội mới ngày 13/7 đưa tin:
Việt Nam cùng các nước ASEAN+3 tìm giải pháp phục hồi du lịch
Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, tại hội nghị trực tuyến Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) lần thứ 39 vừa diễn ra, các nước thành viên đã cùng nhau đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động du lịch, các giải pháp để khắc phục. Theo đó, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến du lịch ASEAN, việc trao đổi du lịch giữa ASEAN và các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã bị ảnh hưởng đáng kể. Các nước ASEAN+3 đã đề xuất nhiều giải pháp, nhằm nhanh chóng vực dậy ngành Du lịch, như cùng nhau đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ việc tổ chức các sự kiện trực tuyến; tăng cường chiến dịch quảng bá du lịch trong khu vực; khảo sát khách du lịch; sẵn sàng đón khách quốc tế trong khu vực và trên thế giới khi đủ điều kiện…
Công suất phòng các khách sạn của Hà Nội được cải thiện
Thông tin về thị trường khách sạn Hà Nội quý II-2021, Savills Việt Nam (thuộc Tập đoàn tư vấn bất động sản quốc tế Savills) cho biết, tổng nguồn cung vẫn ổn định với 10.120 phòng từ 17 khách sạn 5 sao, 17 khách sạn 4 sao và 32 khách sạn 3 sao. Trong đó, 10 khách sạn 3-5 sao đã được chọn làm địa điểm cách ly. Dù thị trường khách sạn Hà Nội đã có sự phục hồi vào tháng 4-2021 nhưng làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư từ cuối tháng 4-2021 đã đẩy công suất phòng của quý II-2021 xuống còn 27%.
- Báo điện tử VOV ngày 12/4 đưa tin:
Đảo Phú Quý an toàn, lượng khách tăng trưởng mạnh
6 tháng đầu năm 2021, đảo Phú Quý (Bình Thuận) ước đón 37.500 lượt du khách, gấp hơn 2,5 lần lượng khách cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Văn Cường – Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch Phú Quý cho biết, tại đảo Phú Quý hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch những tháng đầu năm có sự sôi động trở lại, sau đợt diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Hạ tầng lưu trú tiếp tục tăng, chất lượng ngày càng được nâng lên; công tác truyền thông, quảng bá, xây dựng hình ảnh du lịch Phú Quý là điểm đến "An toàn - thân thiện - chất lượng" từng bước phát huy hiệu quả.
Bắc Kạn tích cực "đánh thức" tiềm năng kỳ quan Ba Bể
Tỉnh Bắc Kạn đang có nhiều động thái tích cực nhằm "đánh thức" tiềm năng kỳ quan hồ Ba Bể - nơi sở hữu những giá trị nổi bật về cảnh quan địa chất và đa dạng sinh học, với lịch sử hình thành hơn 200 triệu năm về trước. Xác định rõ khó khăn về giao thông là "điểm nghẽn" của du lịch Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư 3 tuyến đường kết nối du lịch Ba Bể, với tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 3.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trước năm 2025. Trong đó, điểm nhấn là mở mới tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đến hồ Ba Bể với số vốn hơn 2.800 tỉ đồng, nhằm rút ngắn thời gian hành trình của du khách từ Bắc Kạn lên Ba Bể xuống còn dưới 1 giờ.
Lý do bạn nên đi du lịch chậm ít nhất một lần trong đời
Sau những hành trình vội vã, gấp gáp, đã đến lúc bạn nên thử một chuyến du lịch chậm. Bạn sẽ nhìn những điểm đến cũ và mới qua góc nhìn hoàn toàn khác, mọi trải nghiệm trở nên phong phú, sâu sắc và chân thực hơn. Du lịch chậm là khi du khách có sự gắn kết sâu sắc với chuyến đi. Thay vì vội vàng phải tham quan hết mọi điểm đến, thử mọi trải nghiệm, những người đi du lịch chậm coi mỗi trải nghiệm như một cơ hội để tìm hiểu, cảm nhận và liên hệ sâu hơn với ngôn ngữ, con người, văn hóa và ẩm thực của nơi họ đến. Du lịch chậm có hiệu ứng tích cực lên cộng đồng địa phương và môi trường, đồng thời nó tác động mạnh mẽ tới tinh thần của du khách. Nói một cách đơn giản, du lịch chậm là khi du khách tới một điểm đến và cho phép bản thân trở thành một phần của nó.
- TTXVN ngày 13/7 đưa tin: "Bạc Liêu thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa" cho biết: Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa được tỉnh Bạc Liêu quan tâm thực hiện, đạt được nhiều kết quả. Các di tích văn hóa, lịch sử, khu, điểm du lịch được quan tâm tôn tạo và phát huy giá trị, tạo sức hút hấp dẫn du khách đến tham quan, nghiên cứu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm, du lịch Bạc Liêu đón trên 1 triệu lượt khách, đạt 36% kế hoạch năm; trong đó có khoảng 435 nghìn lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú. Doanh thu du lịch - dịch vụ đạt trên 1,1 nghìn tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch năm (năm 2021 dự kiến đạt 3,2 nghìn tỷ đồng); trong đó doanh thu nhà hàng - khách sạn ước đạt 385 tỷ đồng, đạt 32% kế hoạch năm (năm 2021 dự kiến đạt 1,2 nghìn tỷ đồng).
-Báo Văn Hóa ngày 12/7 đưa tin:
Đề xuất giảm tiền ký quỹ trong 2 năm: Giúp doanh nghiệp vượt khó
Giảm 80% số tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành so với mức ký quỹ hiện tại, thời gian áp dụng trong 2 năm là nội dung chính tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31.12.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch mà Bộ VHTTDL đang lấy ý kiến. Theo Bộ VHTTDL, sau 3 năm triển khai Nghị định số 168/2017/NĐ-CP, các quy định của Luật Du lịch 2017 đã được cụ thể hóa, góp phần đưa quy định pháp luật đi vào cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích cho các đối tượng điều chỉnh của Luật Du lịch, trong đó có đối tượng trực tiếp là các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Từ 1.1.2018 (khi Luật Du lịch 2017 có hiệu lực) đến hết tháng 5.2021, cả nước có 1.444 doanh nghiệp lữ hành quốc tế mới ra đời.
Khu Du lịch sinh thái Hải Đăng (Khánh Hòa): Vẫn hoạt động dù Giấy chứng nhận đầu tư bị thu hồi?
Ngày 20.2.2019, Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản về việc chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu Du lịch sinh thái Hải Đăng (xã Phước Đồng, TP Nha Trang) do Công ty TNHH Hải Đăng làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, UBND tỉnh Khánh Hòa lại đồng ý cho doanh nghiệp trên thuê lại chính dự án vừa bị thu hồi để kinh doanh du lịch mà không qua đấu giá. Điều này gây bất bình trong dư luận! Mặc dù dự án Khu Du lịch sinh thái Hải Đăng đã bị chấm dứt hoạt động, thu hồi Gấy chứng nhận đầu tư, nhưng Công ty TNHH Hải Đăng vẫn tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch nhiều năm nay.
- Báo điện tử Bắc Ninh ngày 13/7 đưa tin: "Bắc Ninh: Khai thác thế mạnh du lịch di sản văn hóa" cho biết: Di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút khách tham quan trong nước và khách du lịch quốc tế. Ngược lại, di sản cũng cần dựa vào du lịch để bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị. Tự hào sở hữu "mỏ vàng" di sản văn hóa phong phú về loại hình và giàu có về giá trị, do đó việc khai thác, phát huy nguồn tài nguyên này trong phát triển du lịch luôn được Bắc Ninh đặt ra. Hiện toàn bộ dữ liệu di sản văn hóa sau kiểm kê, phân loại đang từng bước được tích hợp vào kho dữ liệu điện tử du lịch và hiển thị vị trí trên bản đồ số du lịch bằng ứng dụng phần mềm GIS. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục lựa chọn, khai thác đưa lên Cổng du lịch thông minh và ứng dụng du lịch "Về miền Quan họ" trên điện thoại thông minh phục vụ nhu cầu du khách.
- Báo điện tử Người Lao động ngày 13/7 đưa tin: "Khám phá Việt Nam qua YouTube: Đẹp nhưng chưa đủ" cho biết: Video âm nhạc và nghệ thuật sẽ là cầu nối để hình ảnh đất nước Việt Nam xinh đẹp, giàu bản sắc văn hóa đến gần hơn với bạn bè và du khách quốc tế. Theo các nhà chuyên môn, MV - nghệ thuật sẽ là món quà tuyệt vời dành tặng khán giả, là cầu nối để hình ảnh đất nước Việt Nam xinh đẹp, giàu bản sắc văn hóa đến gần hơn với bạn bè và du khách quốc tế. Tuy nhiên, nếu làm theo kiểu tùy tiện, không có sự đầu tư thì sẽ gây hiệu ứng ngược.
-Báo điện tử Dân Trí ngày 13/7 đưa tin:
Đề xuất đón khách quốc tế đến Phú Quốc từ tháng 10
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc xin đến đảo Phú Quốc từ tháng 10/2021, trong thời gian 6 tháng. Theo dự thảo kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi tới bộ Y tế, Công an, Ngoại giao, Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông để lấy ý kiến, Bộ này dự định thí điểm đón du khách quốc tế đến Phú Quốc trong thời gian 6 tháng, dự kiến từ tháng 10/2021, được chia làm 2 giai đoạn.
Làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam được khoác thêm "áo mới"
30 bức tranh được các họa sĩ, tình nguyện viên vẽ để tô điểm thêm cho làng bích họa Tam Thanh ở thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam. Để thêm sinh khí mới cho làng bích họa sau thời gian vắng lặng bởi ảnh hưởng dịch Covid-19, đầu tháng 6 vừa qua, Thành đoàn TP Tam Kỳ phát động chương trình vẽ tranh với chủ đề "Bích họa làng biển". Nội dung trọng tâm về các loài sinh vật biển, con người, cảnh quan, cuộc sống thường ngày của người dân làng chài. Làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam là dự án hợp tác của các họa sĩ và tình nguyện viên hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, hình thành năm 2016. Nơi đây là điểm "check in", "sống ảo" rất hấp dẫn du khách.
Đà Nẵng công bố phí lưu trú khách sạn nhận cách ly người đến từ vùng dịch
Sở Du lịch TP Đà Nẵng đã thông báo danh sách các khách sạn, cơ sở lưu trú được sử dụng làm khu cách ly có thu phí đối với người đến, về Đà Nẵng từ vùng có dịch Covid-19. Phí lưu trú, thực hiện cách ly tại khách sạn ở Đà Nẵng đối với người đến, về từ vùng dịch Covid-19 thấp nhất là 1 triệu đồng/ngày đối với phòng đơn và 1,2 triệu đồng đối với phòng đôi. Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, hiện trên địa bàn thành phố có 34 khách sạn với hơn 3.000 phòng và hơn 5.000 giường được quyết định thiết lập là cơ sở cách ly tập trung có khả năng phục vụ.
3. Lĩnh vực Thể thao
- Báo Nhân Dân ngày 13/7 đưa tin: "Vaccine" tinh thần trong mùa dịch cho biết: Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại và có diễn biến hết sức phức tạp, mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội đều chịu tác động và trong đó có thể kể tới các hoạt động thể dục thể thao. Điểm chung của các hoạt động thể thao như vòng chung kết EURO 2020, giải quần vợt Wimbledon, vòng loại World Cup 2022 hay vòng bảng AFC Champions League... chính là công tác tổ chức được tính toán chặt chẽ, bảo đảm yếu tố an toàn phòng dịch.
- TTXVN ngày 13/7 đưa tin:
Olympic Tokyo 2020: Nhật Bản bắt đầu mở cửa làng vận động viên
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, kể từ ngày 13/7, làng vận động viên Olympic tại quận Chuo, thủ đô Tokyo đã bắt đầu mở cửa. Dự kiến, làng sẽ đón khoảng 11.000 vận động viên nước ngoài, tương đương hơn một nửa số vận động viên đến tham dự đại hội thể thao Olympic sẽ khai mạc vào ngày 23/7. Làng vận động viên được bố trí khoảng 3.800 phòng ở và các cửa hàng phục vụ ăn uống mở cửa 24 giờ. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19, làng vận động viên sẽ được vận hành theo mô hình vòng tròn khép kín nhằm đảm bảo các vận động viên không tiếp xúc với những người bên ngoài. Ngoài ra, trong thời gian lưu trú, các vận động viên sẽ được xét nghiệm COVID-19 hằng ngày.
Nỗi lo dịch bệnh Covid-19 bủa vây Olympic Tokyo 2020
Ngày 12/7, thủ đô Tokyo đã bước vào tình trạng khẩn cấp mới, cùng với những hoài nghi liệu các biện pháp này có thể khống chế được đà lây lan của virus SARS-CoV-2 hay không. Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa, sự kiện thể thao cả thế giới mong đợi Olympic Tokyo sẽ diễn ra ở Nhật Bản. Sở dĩ nói cả thế giới mong đợi sự kiện này bởi lẽ thay vì diễn ra từ tháng 7/2020, dịch Covid-19 bùng phát đã khiến Olympic Tokyo đã phải lùi lại một năm.
-Báo Hà Nội mới ngày 13/7 đưa tin: "VFF điều chỉnh kế hoạch tập trung đội tuyển futsal Việt Nam" cho biết: Nhằm chuẩn bị tham dự vòng chung kết FIFA Futsal World Cup 2021, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã điều chỉnh kế hoạch tập trung đợt 3 năm 2021 của đội tuyển futsal Việt Nam. Theo đó, đội tuyển futsal Việt Nam sẽ tập trung trở lại từ ngày 20-7 tới tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, thay vì vào ngày 2-8 tại Trung tâm Thể thao Thái Sơn Nam - quận 8 như kế hoạch ban đầu. Sự điều chỉnh này nhằm bảo đảm các yêu cầu về chuyên môn cho đội tuyển trong bối cảnh giai đoạn lượt về giải fusal HDBank vô địch quốc gia chưa thể diễn ra như dự kiến do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
- Báo Pháp Luật TPHCM ngày 13/7 đưa tin:
Thầy Park buồn vui lẫn lộn
Tin SEA Games 31 dời sang năm 2022 sẽ khiến HLV Park Hang-seo thở phào nhẹ nhõm nhưng việc V-League hoãn vô thời hạn và diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam buộc ông phải đổi kế hoạch. Thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ chơi vòng loại cuối cùng World Cup 2022 từ đầu tháng 9 thì ít nhất 10 ngày trước đó, đội tuyển quốc gia sẽ hội quân tập luyện. Nghĩa là bằng bất cứ giá nào, ông thầy người Hàn trong hơn một tháng nữa phải khởi động cuộc chơi, thậm chí cần nhiều thời gian hơn để hoàn chỉnh nhân sự lẫn cách đá trước khi gặp các đối thủ sừng sỏ châu Á.
Nỗi niềm của 1 vua phá lưới trước World Cup
Lượt về giải vô địch futsal 2021 dời từ tháng 7 sang tháng 10, tức bóng chỉ lăn trở lại sau khi đội tuyển futsal Việt Nam dự World Cup trở về. Thời gian này các cầu thủ futsal ở nhà tự tập để duy trì phong độ. Trong đó có vua phá lưới Phùng Trọng Luân, từng là cánh chim đầu đàn trong đội tuyển futsal Việt Nam từng dự World Cup 2016. Mùa 2021 này khi giải quốc gia dang dở mới kết thúc lượt đi và Luân vẫn duy trì phong độ, vẫn dẫn đầu danh sách vua dội bom với 10 bàn thắng qua chín lượt trận.
-Báo điện tử Tiền Phong ngày 12/7 đưa tin: "Vòng loại World Cup: VFF tính phương án để đội tuyển Việt Nam đá sân trung lập" cho biết: Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) hiện chờ các quyết định của các cơ quan chức năng để lên kế hoạch tổ chức các trận sân nhà của đội tuyển Việt Nam tại Vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á. Theo yêu cầu của FIFA và AFC, hạn cuối để các quốc gia thành viên báo cáo kế hoạch đăng cai các trận sân nhà tại Vòng loại cuối World Cup 2022 là ngày 16/7 tới. Vấn đề phát sinh khi theo quy định của AFC, các nước muốn tổ chức các trận đấu trên sân nhà phải đảm bảo đội khách không phải cách ly, hoặc cách ly tối đa 2 ngày. Trong khi đó nhiều nước như Việt Nam, Úc, Trung Quốc đều phải cách ly dài ngày.
-Báo Doanh nghiệp Việt Nam ngày 13/7 đưa tin: "Viettel thiết lập 2 cột mốc mới cho bóng đá Việt Nam ở AFC Champions League" cho biết: Viettel dù chia tay AFC Champions League ngay từ vòng bảng nhưng đội bóng nhà binh cũng đã thiết lập 2 cột mốc mới của bóng đá Việt Nam ở đấu trường này. Cụ thể, Viettel là đội bóng Việt Nam đầu tiên có 2 chiến thắng mà không để thủng lưới bàn nào trong 2 trận đấu đó. Cụ thể, Viettel đã thắng Kaya FC lần lượt với các tỷ số 5-0 và 1-0. Trong quá khứ, chỉ HAGL mới có được số chiến thắng ngang bằng với Viettel. Nhưng HAGL đều để thủng lưới trong những trận đấu đó, tại AFC Champions League 2004.
-Báo Công an TP Đà Nẵng ngày 13/7 đưa tin:
V.League hoãn và câu chuyện Hoàng Anh Gia Lai
Trước tình hình dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp trên cả nước, VPF đã tạm dừng V.League 2021 vô thời hạn. Trong khi đó, SEA Games 31 đang được đề xuất dời lịch sang 2022 do các nước Đông Nam Á đang ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nếu AFF Cup sắp tới cũng hoãn thì giới mộ điệu bóng đá Việt Nam sẽ có một khoảng thời gian dài "trống vắng". Trong niềm tiếc nuối chung ấy, có lẽ riêng với các cổ động viên đội bóng phố núi Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là buồn nhất.
V-LEAGUE 2021: Mùa bóng chưa có tiền lệ
Lần đầu tiên, người hâm mộ phải chứng kiến một giải bóng đá vô địch quốc gia có nhiều bất trắc đến vậy, sau 2 lần tạm hoãn vì dịch COVID- 19, và chưa biết bao giờ mới có thể trở lại. Dẫu biết, an toàn cho cầu thủ, khán giả cần được đưa lên hàng đầu, nhưng chỉ khi trái bóng lăn, thầy trò HLV Park Hang-seo mới được hưởng lợi. Nên chăng, VFF và Ban huấn luyện cùng thầy Park có phương án tập trung các đội tuyển mới phù hợp với bối cảnh V.League 2021 hoãn vô thời hạn, thay vì tập trung vào cuối tháng 8 như kế hoạch cũ?
Đoàn vận động viên Việt Nam dự Olympic Tokyo 2020 hoàn tất tiêm phòng COVID-19
Thông tin từ Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ VHTTDL), đợt tiêm phòng vaccine COVID-19 mũi 2 cho 27 cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên và chuyên gia của đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020 đã hoàn tất. Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ lên đường tham dự Thế vận hội vào ngày 18-7. Tại đây, sau khi hoàn thành các thủ tục cách ly 72 tiếng kể từ lúc nhập cảnh và làm đủ các xét nghiệm y tế, nếu kết quả xét nghiệm không có trường hợp nào dương tính với COVID-19, các vận động viên Việt Nam mới được chính thức tranh tài tại Thế vận hội.
4. Lĩnh vực Gia đình
- Báo Hà Nội mới ngày 12/7 đưa tin: Trao hỗ trợ ''Mái ấm công đoàn'' cho đoàn viên khó khăn cho biết: Ngày 12-7, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã trao hỗ trợ "Mái ấm công đoàn" cho giáo viên Nguyễn Thị Yến - Trường Trung học cơ sở Nam Phương Tiến B (huyện Chương Mỹ) và giáo viên Nguyễn Thị Năm - Trường Mầm non Lam Điền (huyện Chương Mỹ). Hai trường hợp được trao hỗ trợ "Mái ấm công đoàn" nêu trên đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Phát biểu tại buổi trao hỗ trợ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, nguồn lực để thực hiện chương trình "Mái ấm công đoàn" được huy động từ nguồn xã hội hóa, từ sự đóng góp của công nhân, viên chức, lao động. Sau nhiều năm triển khai, đến nay, chương trình đã và đang trở thành một hoạt động xã hội có sức lan tỏa sâu rộng, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, được đông đảo đoàn viên công đoàn và người lao động đồng tình hưởng ứng.