Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 là “cột mốc vàng” trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam; đánh dấu bước tiến thần kỳ của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; biểu tượng của sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại; là kết quả của sự nỗ lực, bền bỉ đấu tranh của toàn quân, toàn dân ta, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Và chiến thắng vĩ đại ấy đang được tái hiện lại một cách chân thực, sống động và hùng tráng thông qua ngôn ngữ hội họa tại tầng 2 của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Thuật ngữ “Panorama” có thể hiểu là toàn cảnh, tranh panorama là tranh toàn cảnh. Trên thế giới có hai bức panorama nổi tiếng của F.Roubaud, là: “Trận chiến Borodino” được trưng bày tại Bảo tàng tranh panorama về trận đánh Borodino ở Moscow (Liên bang Nga); bức “Sevastopol panorama” trưng bày tại Bảo tàng tranh panorama ở Sevastopol (Ukraine). Riêng ở Việt Nam, bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” là bức tranh toàn cảnh đầu tiên tái hiện lịch sử chiến trường.

Ý tưởng về tái hiện 56 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ bằng ngôn ngữ hội họa đã được ấp ủ từ lâu. Năm 2012, khi có chủ trương xây dựng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, trong đó đã có hạng mục bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến năm 2014, họa sĩ Nguyễn Văn Mạc, Giám đốc Công ty Bảo tồn di sản văn hóa, đơn vị thiết kế trưng bày cho Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đã đề xuất vẽ phác thảo bức tranh này. Đến đầu năm 2019, sau nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, bức vẽ phác thảo đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” là một tác phẩm nghệ thuật hoành tráng, độc đáo được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, bố cục hình tròn, dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m với tổng diện tích là 3.225m² tái hiện sống động hơn 4.500 nhân vật, khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ kết hợp với phần nghệ thuật sắp đặt, trưng bày các hiện vật. Bức tranh gồm 4 trường đoạn:

Trường đoạn 1 “Toàn dân ra trận”: là hình ảnh những đoàn xe đạp thồ vận chuyển hàng cung cấp cho chiến dịch; hình ảnh hàng trăm chiến sĩ kéo pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ… được tái hiện hết sức sinh động và chân thật.

Những đoàn xe đạp thồ vận chuyển lương thực, thực phẩm lên Điện Biên Phủ

Kéo pháo vào mặt trận

Trường đoạn 2 “Khúc dạo đầu hùng tráng”: với điểm nhấn là trận Him Lam mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thắng trận mở màn đã giáng một đòn nặng nề vào tinh thần của quân Pháp đồng thời cổ vũ các chiến sỹ của ta có thêm sức mạnh, củng cố niềm tin vào những trận đánh tiếp theo.

Trường đoạn 3 “Cuộc đối đầu lịch sử”: với những hình ảnh hầm hào, dây thép gai, trận đánh giáp lá cà…phản ánh sự khốc liệt của chiến trường. Kết thúc trường đoạn bằng hình ảnh cột khói từ quả bộc phá trong lòng đồi A1.

Trường đoạn 4 “Chiến thắng”: Đối lập với hình ảnh thất bại của quân Pháp là hình ảnh quân ta vùng lên đánh chiếm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và điểm nhấn là lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries - Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi.

Có thể nói, bức tranh Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” là một tác phẩm nghệ thuật hoành tráng, độc đáo, ấn tượng, kiệt tác quý giá của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Bức tranh như là một lời tri ân những anh hùng đã chiến đấu anh dũng vì độc lập, tự do của dân tộc và cũng như là một lời nhắc nhở đến thế hệ hôm nay về truyền thống cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết và tinh thần yêu nước. Bức tranh không chỉ mang giá trị về lịch sử mà còn góp phần tạo thêm điểm nhấn trong du lịch, thu hút ngày càng đông du khách đến với Ðiện Biên nói chung và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.283.385
Online: 11