Lễ mừng cơm mới (Kin Khẩu hó) của người Lào được tổ chức hằng năm vào tháng 8 âm lịch với nhiều nghi thức độc đáo và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm tạ ơn thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho dân bản, các gia đình có mùa màng tươi tốt và cầu mong tiếp tục được phù hộ cho mùa vụ mới được bội thu.
Dân tộc Lào hay còn gọi theo tiếng địa phương là Phu Lao, Lào Bốc (Lào cạn) và Lào Nọi (Lào nhỏ), là một trong các dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở vùng Tây Bắc thuộc các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Ở Điện Biên, dân tộc Lào sinh sống tập trung ở hai huyện: Tại huyện Điện Biên gồm các xã: Pa Thơm, Núa Ngam, Mường Nhà, Phu Luông, Mường Lói và huyện Điện Biên Đông gồm các xã: Mường Luân, Pú Hồng, Chiềng Sơ, Tìa Dình. Địa hình nơi đây tương đối phức tạp do bị chia cắt bởi các thung lũng, các dòng sông và nhiều con suối nhỏ, tạo địa vực cư trú của người Lào ở tỉnh Điện Biên mang những đặc điểm chung của vùng Tây Bắc.
Trong đời sống tinh thần người Lào có nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Theo hệ thống các nghi lễ nông nghiệp của đồng bào, lễ mừng cơm mới diễn ra trong kỳ thu hoạch mùa màng là một trong những nghi lễ nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong năm. Nghi lễ này không chỉ hàm chứa những giá trị văn hóa tâm linh độc đáo theo tín ngưỡng dân gian mà còn thể hiện sự tôn vinh cây lúa, cũng như các loại nông sản khác trong vụ mùa, đồng thời tạ ơn các vị thần linh, tổ tiên đã luôn che chở, phù hộ cho con người được khoẻ mạnh, thuận lợi trong trồng trọt và chăn nuôi.
Cũng giống như một số đồng bào dân tộc khác, người Lào quan niệm rằng vạn vật hữu linh. Vì thế họ luôn tin rằng các cánh rừng, mảnh nương, dòng sông, con suối đều có các thần linh ngự trị. Bởi vậy việc mưa thuận gió hòa hay thiên tai, bão lũ, được mùa hay mất mùa cũng do các vị thần linh định đoạt. Từ quan niệm này bà con luôn tôn thờ các thần linh và hình thành các nghi lễ nông nghiệp gắn với chu kỳ cây trồng để bày tỏ lòng biết ơn, sự tôn sùng trước các vị thần linh và cũng để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người người khỏe mạnh, nhà nhà ấm no, điều đó được thể hiện rất đậm nét trong Lễ mừng cơm mới.
Lễ mừng cơm mới là một trong những nghi lễ khá phổ biến ở hầu hết các tộc người thiểu số ở vùng Tây Bắc của Việt Nam. Đối với người Lào, lễ mừng cơm mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, với tấm lòng thành kính biết ơn tổ tiên, các vị thần linh đã phù hộ, che chở cho các gia đình, dòng họ trong suốt quá trình gieo trồng, người Lào chọn những bông lúa đầu tiên chuẩn bị chín vàng để làm món cơm cốm (tiếng Lào gọi là Khẩu hang) đây là lễ vật không thể thiếu trong Lễ mừng cơm mới của người Lào để dâng lên ông bà, tổ tiên và các vị thần linh để tạ ơn, đồng thời đánh dấu kết thúc vụ mùa, làm lụng vất vả, bà con có dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỏi thăm sức khỏe để chuẩn bị tâm thế bước sang vụ mới.
Lễ mừng cơm mới (Kin Khẩu hó), được bản Mường Luân và các gia đình trong bản lựa chọn ngày giờ phù hợp với điều kiện của mỗi gia đình để tổ chức lễ mừng cơm mới, ngày tốt được lựa chọn trong khoảng thời gian từ 15/8 đến 21/8 Âm lịch (khoảng một tuần). Tuy nhiên các gia đình đều phải đợi nghi lễ chung của cả bản tiến hành xong mới được thực hiện các nghi lễ riêng của gia đình. Theo quan niệm của người Lào, trong suốt quá trình sản xuất của gia đình, dòng họ và bản làng luôn có sự che chở của tổ tiên, ông bà, cha mẹ và các vị thần linh. Vì vậy, khi các gia đình đã tiến hành thu hoạch xong những nông sản đó không được quên ơn ông bà, tổ tiên, những người lớp trước đã truyền đạt lại kinh nghiệm sản xuất, mặc dù họ đã khuất ở thế giới bên kia nhưng họ vẫn luôn phù hộ, che chở và bảo vệ mùa màng cho con cháu.
Để chuẩn bị cho ngày lễ quan trọng này, tại thời điểm trước đó một tháng, đại diện các gia đình cùng với trưởng bản, thầy cúng sẽ họp bàn, thống nhất từ việc đóng góp lễ vật cho thầy cúng thực hiện mâm lễ cúng thần linh, ma bản, đến việc chuẩn bị lương thực thực phẩm cho buổi liên hoan chung của bản và phân công tham gia các hoạt của phần hội như múa, hát, các trò chơi dân gian trong những ngày lễ.
Trong đó, các gia đình cũng tự phân công cho các thành viên tranh thủ tìm kiếm các đồ lễ khác cho mâm cúng. Truyền thống trước đây, đàn ông thường rủ nhau vào rừng săn bắt các loại chim, sóc, dế mèn, sâu măng, cá suối.... sản phẩm săn bắt được lấy thịt, sấy khô, cất lên gác bếp để chuẩn bị cho ngày làm lễ cơm mới. Ngày nay, việc săn bắt được hạn chế, sản phẩm thu được thường là sâu măng, ong non, dế mèn, cá suối...cùng với các đồ vật khác của gia đình nuôi được như thịt lợn, gà, vịt. Còn phụ nữ chuẩn bị xôi cốm, gạo nếp và hái lượm các loại rau, củ, quả, dưa, mía, mướp, khoai, ổi, măng... Tất cả đều là những nông sản được thu hái trên nương rẫy của gia đình.
Dân làng gặt lúa chuẩn bị cho mâm lễ
Đồng bào quan niệm, đến ngày tổ chức có mâm lễ càng đầy, càng nhiều sản vật thì càng thể hiện được sự no đủ, phát đạt của gia đình. Do vậy, trong một mâm lễ từ mâm lễ cúng ma bản cũng như mâm lễ của các gia đình trong ngày lễ mừng cơm mới, gồm:
- Nhóm chế biến từ gạo, như: Xôi trắng, cốm non, rượu gạo men lá...
- Nhóm thực phẩm, như: Thịt lợn, thịt gà, thịt vịt...cùng với các món kiếm được từ tự nhiên là các loại côn trùng ăn được như: Dế mèn, ong non, sâu măng...
- Nhóm củ, quả, rau: Các loại dưa, dứa, mía, chuối, mướp, bầu, bí, khoai sọ...
Tất cả các thực phẩm trên đều được làm chín bằng cách đồ, nướng, hấp hoặc luộc chín.
Đến ngày đã định, trước khi thực hiện nghi lễ cúng mời bố mẹ, tổ tiên thì tại nhà thầy cúng còn có thêm nghi lễ cúng thần linh, ma bản (tức cúng chung cho bản để tạ ơn, tưởng nhớ đến các thần linh và những người đã khuất có công lập bản, dựng chiềng), nghi lễ này được tiến hành vào ngày rằm tháng Tám. Để thực hiện các nghi lễ đó, mọi người trong gia đình thầy cúng phải dậy sớm để nấu nướng.
Sau khi chế biến xong, người chuẩn bị lễ phải gói rất nhiều gói cơm bằng lá dong, trong đó có xôi, thịt lợn, thịt gà, thịt vịt, thịt trâu, bò và cá sấy khô cùng với các đồ lễ khác để bày lên mâm lễ. Ngoài ra, đồng bào còn chuẩn bị cho các mâm lễ một số thứ như: Bánh kẹo, hoa tươi (được cắm vào miệng chai rượu, cắm vào các quả chuối, quả cam hoặc chai nước).
Các mâm được chuẩn bị xong, thầy cúng khấn mời ma bản trước khi các gia đình thực hiện nghi lễ cúng gia tiên. Lễ vật của mâm lễ này là do dân bản đóng góp.
Sau khi thực hiện mâm lễ cúng thần linh, ma bản thì các gia đình khác trong bản cũng chuẩn bị mâm cúng ông bà, tổ tiên để tiến hành nghi lễ cúng gia tiên. Tùy theo từng gia đình có thể sẽ có một hay nhiều mâm lễ để cúng những người đã khuất và chọn ngày tốt - thường là ngày không trùng với ngày mất của bố, mẹ, ngày sinh của gia chủ hay là ngày đốt lửa đầu tiên khi lên nhà mới. Chủ nhà sẽ thay mặt gia đình trịnh trọng khấn mời bố, mẹ (những người đã khuất) về hưởng thụ những sản vật mà con cháu thu hái, kiếm được sau một năm làm lụng vất vả, đồng thời cầu mong phù hộ độ trì cho con cháu được an lành, mạnh khỏe, trồng trọt bội thu, chăn nuôi sinh sôi phát triển. Khác với các dân tộc khác, trong năm các gia đình dân tộc Lào thường chỉ cúng gia tiên vào các ngày lễ tết và ngày tổ chức lễ cúng cơm mới. Đồng bào quan niệm rằng hãy yêu thương, chăm sóc lúc còn sống, khi người thân mất đi ở thế giới bên kia họ cũng có cuộc sống riêng, nên phải hạn chế việc gọi mời vì sẽ làm phiền cuộc sống riêng của họ.
Thầy cúng làm lễ mời tổ tiên
Khi cúng xong, gia đình dọn cơm để mời khách, ăn mừng. Trong mâm cơm, ngoài gia chủ, con cháu, họ hàng về đoàn tụ còn có khách mời là bạn bè, hàng xóm. Mọi người cùng nâng chén rượu và gửi tới nhau lời chúc sức khỏe, may mắn trong cuộc sống; làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu. Trong các ngày diễn ra Lễ mừng cơm mới, các gia đình luân phiên đến nhà nhau để chúc tụng và ăn mừng cơm mới tạo nên sự đoàn kết, hân hoan cho cả bản.
Cũng tại Lễ mừng cơm mới, mọi người cùng chung vui với các trò chơi dân gian như: Ném còn, kéo co, đi cà kheo, tó má lẹ, bịt mắt bắt vịt, rùa ấp trứng; hổ vồ lợn; rắn bắt ngóe; múa bắt chân bắt đầu; hái dưa chín.
Nối tiếp những trò chơi là điệu lăm vông truyền thống được mọi người hào hứng tham gia. Múa lăm vông rất phổ biến trong vùng đồng bào dân tộc Lào. Điệu múa trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hoá, và là hình thức sinh hoạt tập thể vui tươi, có tác dụng giáo dục thẩm mỹ đối với mọi đối tượng. Lăm vông có đội hình vòng tròn, chuyển động theo hướng ngược với kim đồng hồ. Động tác của nữ là vừa cuộn bàn tay, vừa ép ngón trỏ vào ngón cái, các ngón tay xoè rộng và uốn cong. Nhịp chân đều đặn ba bước tiến, một bước lùi. Còn nam giới thì lắng nghe những lời ca, những tiếng nhạc để tự điều chỉnh mình cho nhịp nhàng với từng động tác của nữ. Cứ như vậy người người, nhà nhà cùng nhau hòa mình trong những điệu múa, câu hát, trò chơi dân gian...Cuộc vui kéo dài trong bầu không khí đầm ấm, vui vẻ, thắm tình đoàn kết.
Mọi người chung vui với các trò chơi dân gian
Lễ mừng cơm mới của người Lào không chỉ là dịp gia đình, họ hàng, bạn bè sum vầy, đoàn kết, chúc nhau những điều tốt đẹp; tỏ lòng biết ơn các thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho mọi người sức khỏe, mùa màng tươi tốt, mà còn là dịp để nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Lễ mừng cơm mới của đồng bào Lào không chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình mà còn là sự tham gia chung của bản làng thông qua nghi lễ cúng thần linh, ma bản và các hoạt động vui chơi, giao lưu văn hóa văn nghệ. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa thể hiện đạo lý uống nước nguồn của người Lào và khát vọng vươn lên của đồng bào trong việc làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc sống, hướng con người ta đến với những điều thiện để cùng nhau xây dựng một cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc.