Khèn (tiếng Mông gọi là Khềnh, Kềnh, Kỳ) là nhạc cụ độc đáo, gắn liền với hình ảnh những chàng trai dân tộc Mông rắn giỏi, tài hoa hiên ngang giữa đại ngàn gió núi. Cây khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ, khèn của người Mông cũng vừa là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh nhưng cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, phản ánh sâu sắc những sắc thái tình cảm, tâm tư cuộc sống, sự thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời làm tôn lên vẻ khỏe mạnh, dẻo dai của các chàng trai.

Cấu trúc của cây khèn Mông

Chỉ với những dụng cụ thô sơ, đơn giản gồm: con dao mũi nhọn, dao có lưỡi cong hình lưỡi liềm, có tay cầm hai đầu dùng để bào, gọt thân khèn; cái đục dùng để khoét thân khèn; đe, búa; dùi sắt dài dùng để thông ống khèn; bộ đồ nấu đồng và khuôn đúc đồng; cục đá mài; kẹp sắt; kéo cắt.., người Mông ở Điện Biên đã làm ra những cây Khèn nổi tiếng cho riêng mình. Cây khèn được chia thành 2 phần chính: Thân khèn (gồm có: Ống thổi khèn, bầu khèn và đuôi khèn) và ống khèn. Trong mỗi bộ phận chính của khèn còn có nhiều chi tiết như: lỗ thổi - hít, dây đai khèn, lỗ tạo âm, lam khèn (lưỡi gà), lỗ chỉnh âm...Vì vậy việc chế tác khèn cũng thực hiện theo từng bộ phận

Vị trí và kích thước của các ống khèn cụ thể như sau

Về vị trí:

Trên thân khèn gồm 6 ống, nếu xếp theo vị trí tay cầm của người sử dụng thì bên tay phải có ba ống (tính từ trên xuống dưới): trên cùng là ống Tý lua (ống to, thẳng và ngắn nhất), tiếp đến là ống Tý chù và ống Tý chù ca; bên tay trái cũng gồm ba ống, đối xứng với bên phía tay phải (tính từ trên xuống dưới): Ống Tý ty, ống Tý bồ (là ống dài nhất) và ống Tý bồ ca.

Kích thước:

Người Mông ở Điện Biên thường phân loại khèn thành 2 loại:

Loại lớn: có kích thước hơn 5 gang tay của người chế tác

Loại nhỏ: có kích thước 3 gang tay

Ống to, thẳng và ngắn nhất (ống Tý lua) có độ dài bằng 1/2 ống dài nhất (ống Tý bồ).

Ống nhỏ, ngắn nhất (ống Tý ty) bằng độ dài ống to nhất cộng thêm một gang tay to nếu là khèn to, cộng thêm một gang tay nhỏ nếu là khèn nhỏ.

Người Mông ở Điện Biên thường quy ước gang to là gang tính từ khoảng cách của đầu ngón cái đến đầu ngón giữa trên cùng bàn tay, gang nhỏ là khoảng cách giữa đầu ngón cái đến đầu ngón trỏ.

Ống ngắn thứ hai (ống Tý chù) có độ dài bằng ống Tý ty cộng với độ dài phần đuôi của các ống thò qua bầu khèn.

Ống tiếp theo là ống Tý bồ ca có độ dài bằng độ dài ống Tý chù cộng thêm 1/2 gang to hoặc gang nhỏ.

Ống tiếp theo là ống Tý chù ca bằng độ dài của ống Tý bồ ca cộng thêm 1/2 gang to hoặc gang nhỏ.

Ống Tý bồ là ống nhỏ, dài nhất, có độ dài gấp đôi ống to, ngắn nhất.

Trước khi được gắn vào bầu khèn, từng ống khèn đã được người làm khèn chế tác thành từng cây sáo độc lập, mỗi ống do có độ dài ngắn khác nhau nên có một quãng độ âm thanh trầm bổng khác nhau, được ghép thành khèn. Âm thanh từ mỗi ống khèn có ý nghĩa quyết định đến chất lượng âm thanh khèn, để có được âm thanh như ý thì việc chế tác và lắp lam khèn (lưỡi gà) trên mỗi ống khèn cực kỳ quan trọng. Vị trí lắp lam khèn sẽ được đặt hoàn toàn bên trong bầu khèn, khi thổi khèn, bầu khèn chính là nơi chuyền hơi từ người thổi cùng lúc đến các ống khèn tạo nên âm thanh tổng hòa của khèn. Bên cạnh đó, trên mỗi ống khèn lại được khoét thêm một lỗ nhỏ phù hợp với vị trí cầm, điều khiển khèn cũng như điều chỉnh âm thanh cho từng bài khèn khác nhau.

Kỹ thuật chế tác cây Khèn Mông

Việc chế tác, diễn tấu khèn được người Mông coi là chuẩn mực đánh giá phẩm chất, tài năng của các chàng trai. Bởi trong cộng đồng người Mông, cùng với thầy cúng, thợ rèn, người làm khèn Mông - thầy khèn luôn được đồng bào kính trọng. Điều đó đã khẳng định vị trí của cây khèn trong đời sống của người Mông. Đây chính là nguồn cội tạo nên sức sống bền bỉ vượt thời gian của nhạc cụ độc đáo này. Để có được một cây khèn tốt với âm thanh chuẩn và hay, các chàng trai Mông cho biết họ phải tiến hành nhiều công đoạn từ chọn gỗ làm thân khèn, làm đai, khoét lỗ, chọn ống khèn cho đến việc đúc đồng làm lam, cắt và chỉnh sửa lam, lắp lam, uốn ống, dùi lỗ, lắp ống vào thân khèn...

Các công đoạn chế tác khèn đều rất quan trọng, mỗi khâu đều đòi hỏi sự tỷ mỷ, kiên trì và khéo léo của người làm, điều này quyết định đến chất lượng, hình dáng, độ bền, đẹp của Khèn vì vậy mỗi công đoạn chế tác khèn đều phải được thực hiện cẩn thận, công phu. Để việc chế tác khèn thuận lợi và chủ động hơn, người Mông thường tìm và sơ chế các nguyên liệu chính từ nhiều ngày trước, như sẻ gỗ Pơ mu để khô, chọn và chặt những cây nứa phù hợp về đặt trên gác bếp, lấy vỏ cây đào rừng để khô...

Nguyên vật liệu chế tác cây khèn của người Mông ở Điện Biên gồm: Gỗ Pơ mu, vỏ cây đào rừng, kim loại đồng, ống nứa.

Chọn gỗ và làm thân khèn

Người Mông thường chọn gỗ Pơ mu để làm thân khèn (Cáng khềnh), loại gỗ này có mùi thơm, dẻo, nhẹ, không cong vênh, nứt gãy và không hút ẩm nên rất bền. Gỗ Pơ mu sau khi được xẻ thành miếng phù hợp, để khô được người làm khèn đẽo thô thành hình thân khèn, tiếp tục được bào gọt xung quanh sao cho bóng, nhẵn. Khi có được thân khèn vừa ý, người làm khèn khéo léo dùng dao tách dọc thân khèn làm hai phần bằng nhau, sau đó dùng các dụng cụ phù hợp khoét hai nửa thân khèn thành lòng máng, xong công đoạn này, hai nửa thân khèn sẽ được ghép lại. Thân khèn được giữ cố định bằng các đai. Lúc này thân khèn hoàn toàn rỗng và được phân chia thành các phần: Ống thổi khèn, bầu khèn và đuôi khèn. Ống thổi khèn là phần thon nhỏ và dài nhất của thân khèn, phía đầu ống lỗ thổi, thường được bọc một miếng đồng xung quanh vừa có tác dụng trang trí vừa tạo sự chắc bền. Tiếp giáp với ống thổi khèn là phần bầu Khèn. Bầu khèn (tâu khềnh) là đoạn thân khèn phình to hơn các phần khác, trên bầu khèn có khoét sáu lỗ xuyên qua bầu, trong đó có một lỗ lớn và năm lỗ nhỏ, tương ứng với các ống khèn. Hết bộ phận bầu khèn có một đoạn thân khèn thu nhỏ dần, chỉ dài khoảng từ 7- 9cm đó là đuôi khèn (Tớ Khềnh) là phần cuối của thân khèn.

Việc khoét lỗ trên thân thân khèn cũng được thực hiện rất cẩn thận, lỗ đầu tiên được khoét giành cho ống to nhất và ngắn nhất (Tý lùa). Khi chế tác xong ống to nhất, ngắn nhất, dùng đầu ống tỳ mạnh lên phần bầu khèn tạo nên vết đánh dấu ở vị trí phù hợp, thường dựa vào kinh nghiệm của người chế tác sao cho không quá vào trong hoặc ra ngoài mép và không ảnh hưởng ảnh đến vị trí các còn lại, đồng thời đảm bảo lỗ khoét vừa vặn với ống khèn, không bị hở hơi. Tiếp theo, dùng dao nhỏ, nhọn đầu khoét cho vòng tròn xuyên qua bầu, lấy ống đã đo xuyên thử qua lỗ khi đã đạt chuẩn khít thì được, rút ống và tiếp tục 5 ống còn lại ở các vị trí khác nhau cũng được làm theo quy trình như vậy.

Làm đai khèn

Đai cố định khèn (thi khềnh) được làm từ vỏ cây đào rừng, đã được để khô và bào mỏng (người Mông gọi là Tớ rờ). Từ thân cây đào rừng, người Mông dùng dao nhỏ khéo léo tách một lớp mỏng phần vỏ già bên ngoài, sao cho lấy được phần vỏ tốt nhất đồng thời vẫn phải đảm bảo để cây đào tiếp tục sinh trưởng và phát triển tốt. Sau quá trình sơ chế, để làm đai khèn, người Mông lấy mũi dao nhỏ đục một lỗ hình tam giác đo vào chỗ cần làm đai giữ thân, đánh dấu đầu còn lại để cắt khóa ngang khi luồn vào hình tam giác thành vòng đai rồi được lồng vào thân khèn, dịch chuyển vòng đai đúng chỗ cho chắc. Vỏ cây đào rừng có ưu điểm là bền, màu nâu sẫm hợp với màu của thân khèn, việc dùng nhiều hoặc ít vòng đai giữ than khèn tùy theo người chế tác, có thể để tô điểm cho cây khèn thêm đẹp, chắc chắn và kín hơi.

 Làm ống khèn

Ống khèn (tý khềnh) làm bằng cây nứa (loại nứa có măng ngọt) được lấy về đem luộc chín sau đó phơi nắng hoặc để gác bếp cho khô mới đem ra dùng. Mỗi cây khèn sẽ có sáu ống khèn (một ống to, năm ống nhỏ) với hình dáng và độ dài khác nhau được gắn xuyên qua các lỗ tương ứng đã khoét sẵn trên bầu khèn, phần xuyên qua phía sau bầu khèn của các ống là bằng nhau, phần chính phía trước bầu khèn sẽ có độ dài khác nhau, gồm các ống (tính theo độ dài tăng dần): Tý lua (là ống to, thẳng và ngắn nhất), tiếp đến là ống tý ty, ống tý trù, ống tý bồ ca, ống tý trù ca và ống tý bồ (ống dài nhất). Ống to, ngắn nhất, thẳng thường sử dụng một đốt của thân cây nứa to, không có mấu, các ống còn lại nhỏ, dài thường phải sử dụng nhiều đốt nên khi chế tác người Mông thường dùng một cây dùi sắt dài nung hồng trong lửa để dùi xuyên qua các mấu để thân ống rỗng xuyên suốt. Các ống nhỏ được hơ vào lửa cho nóng, mềm, sau đó uốn cong từ từ từng ống sao cho độ cong vừa phải, hợp lý để khi lắp vào bầu khèn, phần ống đuôi các ống phải thẳng, đều, phần trước cong lên tạo dáng mềm mại cho cây khèn.

Đúc đồng và làm lam khèn (lưỡi gà)

Người Mông ở Điện Biên dùng kim loại đồng để làm lam khèn. Để có được lam khèn tốt, người chế tác phải tự nấu đồng và đúc đồng từ những dạng nguyên liệu thô thành những miếng đồng vừa ý, sau đó được rèn thành những lá đồng mỏng, khi tung nhẹ lá đồng lên không trung nếu thấy lá đồng rung đều, phát ra âm thanh trong sáng, vang dền là có thể cắt dùng làm lam khèn

Cách nấu đồng: Cho đồng vào nồi gang, đun trên bếp than, dùng ống thổi cho lửa bốc đều, nhanh. Khi đồng đã nóng chảy, dùng kẹp sắt rót đồng vào khuôn (khuôn là 2 miếng sắt ép vào nhau có khe hở theo ý muốn, nung 2 miếng vào lửa cho nóng đều đem ra bôi mỡ lợn vào 2 bên để tạo độ trơn, đặt khuôn đúng vị trí sau đó đổ đồng vào khuôn, đổ từ từ để tránh bị vỡ hoặc nứt). Khi đồng nguội, thì tháo hai mang khuôn, lấy đồng ra rửa cho sáng sau đó có thể chế tác lam khèn.

Người chế tác khèn sẽ xuyên lần lượt các ống vào thân khèn, đánh dấu vị trí để khoét lỗ để đặt lam khèn. Dùng kéo cắt một lát đồng đã được đúc sẵn, dài khoảng 25 cm, rộng khoảng 1cm, sau đó dùng búa, đe để tán mỏng, tán nhẹ nhàng trong khoảng 30 giây, đút thanh đồng vào tro nóng, rồi lại mang ra tán, cứ tán như thế đến khi thanh đồng mỏng như ý muốn. Thử thanh đồng bằng cách dùng hai ngón tay bật thanh đồng xuống nền nhà, nghe độ vang của thanh đồng khi văng xuống đất. Sau  đó đo lá đồng vào từng vị trí đã khoét trên các ống khèn, lấy kéo cắt đoạn nhỏ vừa với lỗ khoét trên ống khèn, miếng lam khèn sẽ được cắt xẻ thành hình giống như lưỡi gà được cài thử vào vị trí đã được khoét trên ống, được người chế tác thử nhiều lần và chỉnh sửa đến âm thanh vừa ý, đạt chuẩn thì sẽ được lắp cố định vào ống khèn và xuyên vào bầu khèn.

Thời gian để chế tác, lắp ráp các bộ phận, thử và chỉnh sửa âm thanh, hoàn thiện một cây khèn, không tính thời gian chuẩn bị, sơ chế các nguyên vật liệu cũng mất nhiều ngày, tùy vào kỹ năng, thành thạo của người làm, có thể mất từ 3 đến 7 ngày liên tục. Quá trình này đòi hỏi người làm phải thành thạo rất nhiều thao tác kỹ thuật, khả năng cảm thụ âm thanh tinh tế, con mắt thẩm mỹ và cao hơn cả là thái độ làm việc say mê, tỉ mỉ, cẩn trọng. Chỉ có như vậy mới có thể tạo ra một cây khèn vừa là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, vừa là tâm hồn, bản sắc của cộng đồng dân tộc.

Là một nhạc cụ quan trọng trong hệ thống âm nhạc của người Mông, khèn cùng với các động tác vũ đạo không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa, lễ hội của người Mông. Tiếng khèn luôn hiện hữu trong cuộc sống, là nỗi lòng riêng tư sâu thẳm muốn trao gửi cho nhau trong các dịp hội hè, lễ tết, xuống chợ hay sự sẻ chia nỗi đau buồn, mất mát với những người khi phải tiễn đưa người thân của mình về thế giới bên kia để gặp tổ tiên. Để đến hôm nay khèn vẫn là bản sắc, là tâm hồn, ý chí của người Mông trong cuộc sống vẫn còn nhiều gian khó. 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.263.693
Online: 16