Sáng nay, 24/11, tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội, Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hôm nay, 24/11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội (Hà Nội) với sự tham dự của gần 600 đại biểu từ các bộ, ngành, các văn nghệ sĩ và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội trong cả nước. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị và sẽ có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng.
Đây được coi là "Hội nghị Diên Hồng" của ngành Văn hóa, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Tới dự Hội nghị còn có: nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, đại diện các Ban, Bộ, ngành, MTTQ, đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị nghề nghiệp, đại diện các Hội, Liên hiệp hội văn hóa, nghệ thuật trung ương, các nhà văn hóa, các trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu.
Theo chương trình, trong phiên khai mạc buổi sáng 24/11, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày Báo cáo tóm tắt về việc "Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng".
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc có sự tham dự của gần 600 đại biểu với hơn 150 tham luận, được kết nối trực tuyến từ Hà Nội đến các điểm cầu ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.
Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị.
Theo Ban Tổ chức, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị cũng là diễn đàn để lắng nghe và là dịp để cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Cũng tại Hội nghị sẽ có các tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý, văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học… nhằm khẳng định rõ hơn vai trò “soi đường cho quốc dân đi” của văn hóa, đồng thời, các tham luận cũng “hiến kế” định hướng phát triển văn hóa và con người trong giai đoạn mới, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức của con người Việt Nam thời đại mới…
Trước đó, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tham quan triển lãm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"
Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu tham quan triển lãm.
Tại triển lãm lần này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trưng bày 320 tác phẩm ảnh nghệ thuật tiêu biểu, 123 tài liệu, hiện vật quý hiếm với các nội dung về văn hóa Việt Nam trước năm 1930; Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam; Văn hóa Việt Nam với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước, Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc.
Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử văn hóa của đất nước trong một giai đoạn rất đặc biệt kể từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam đến thời điểm hiện tại mà còn giúp cho mỗi người xem có thêm những ký ức. Đồng thời, truyền cảm hứng cho những người làm văn hóa nghệ thuật về việc cần phải có thêm quyết tâm để phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Bên cạnh đó, triển lãm cũng cho thấy sức sống của văn hóa dân tộc từ truyền thống. Những hình ảnh về di sản văn hóa tại triển lãm đã cho chúng ta thấy được dân tộc của chúng ta có truyền thống lịch sử lâu đời, có kho tàng di sản văn hóa đa dạng và phong phú. Từ đó để thấy được trách nhiệm của các thế hệ giữ gìn giá trị di sản văn hóa này.
Triển lãm cũng giới thiệu một số hiện vật quý liên quan đến phong cách và lối sống giản dị của Bác, sự giản dị, thanh cao của Bác toát lên từ những việc nhỏ nhất, trở thành bài học quý giá cho mỗi chúng ta học tập, noi theo: đó là bộ quần áo lụa nâu Bác mặc từ năm 1954-1964; đôi guốc mộc Bác thường sử dụng; gậy mây; thực đơn, bộ đồ dùng trong bữa ăn hàng ngày của Bác; đũa nhạc trưởng Bác chỉ huy dàn nhạc giao hưởng chơi bản nhạc “Kết đoàn” tại buổi dạ hội chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960)…
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị.
lượt đánh giá: , trung bình: