Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên là đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp duy nhất của tỉnh, được thành lập sau khi tái thành lập tỉnh Lai Châu (nay là Điện Biên) năm 1963, trên cơ sở tách từ Đoàn Nghệ thuật Khu Tây Bắc. Ngày 17/6/1963, Ủy ban hành chính lâm thời tỉnh Lai Châu ra quyết định thành lập số 78/QĐ-TC thành lập Đoàn Văn công tỉnh với số lượng 30 người.

Từ 1976-1990 ngoài ca múa nhạc, đoàn có thêm loại hình hoạt động Nghệ thuật Chèo, năm 1990 đội Nghê thuật Chèo giải thể, thành lập đoàn ca, múa, nhạc tổng hợp cho đến nay.

Tập thể cán bộ diễn viên Đoàn Nghệ thuật tỉnh

Trải qua gần 60 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và các cấp chính quyền các nghệ sỹ, diễn viên đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện để đưa Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên vững vàng vượt qua mọi thử thách, không ngừng đổi mới và phát triển đi lên. Các thế hệ lãnh đạo Đoàn, cán bộ, diễn viên từng bước kế thừa, hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực và chất lượng nghệ thuật dần được nâng cao. Vị thế của Đoàn ngày càng được khẳng định trong nghệ thuật chuyên nghiệp của các tỉnh miền núi. Nhiều chương trình tham gia của đoàn đạt thành tích cao qua các kỳ Liên hoan, Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Đoàn đã được các cấp tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.

* Giai đoạn: 1964-1968

Khi mới thành lập Đoàn thiếu nhiều diễn viên, nhạc công, trang thiết bị. Đây là thời kỳ khó khăn nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị và diễn viên song với khẩu hiệu” Vượt khó để đi lên, quyết không nản chí”. Đoàn đã tổ chức xây dựng chương trình biểu diễn phục vụ cơ sở, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại các tỉnh Vân Nam nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng Hòa nhân dânTrung Hoa (1/10/1964). Sau đợt biểu diễn ở Trung Quốc trở về Đoàn tiếp tục biểu diễn phục vụ nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La, Lai Châu, thị trấn Phong Thổ, Pa Tần, Sa Pa, cửa khẩu Ba Nậm Cúm....Trong  khi bộ phận ca múa nhạc đi biểu diễn tại Trung Quốc và các tỉnh bạn, bộ phận chèo vừa học tập, vừa xây dựng chương trình tiết mục gồm những trích đoạn mẫu từ các vở chèo kinh điển biểu diễn phục vụ đông đảo công nhân công trường, nông trường, thanh niên xung phong, bộ đội, đồng bào các tỉnh miền xuôi lên khai hoang, phát triển văn hóa, xã hội ở Lai Châu.

* Giai đoạn 1965 - 1975

Đến giữa năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh leo thang bắn phá miền Bắc vô cùng ác liệt. Chấp hành lệnh sơ tán của tỉnh, toàn thể cán bộ, diễn viên chuyển về Pa Ham. Vất vả khó khăn thiếu thốn mọi mặt nhưng trên tinh thần thi đua với tuyền tuyến với phương châm “gọn nhẹ, kịp thời”. Đội ca, múa, nhạc và đội chèo chia làm hai hướng mỗi người ba lô trên vai, đôi chân đi bộ đem lời ca tiếng hát phục vụ động viên cán bộ, chiến sỹ và đồng bào.

Cuối năm 1968, được lệnh của tỉnh trở về thị xã Lai Châu, sau khi ổn định các điều kiện sinh hoạt và cơ sở hoạt động hai đội lại tập chung sáng tác, xây dựng các tiết mục hướng vào đề tài kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên cả hai miên Nam, Bắc để biểu diễn phục vụ nhân dân các dân tộc.

* Giai đoạn 1975-1990

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất nhu cầu hoạt động văn hóa và thưởng thức nghệ thuật của công chúng thay đổi. Theo sự chỉ đạo của Trung ương và lãnh đạo tỉnh. Đoàn bắt tay vào xây dựng chương trình mới để phục vụ đồng bào miền Nam tại một số vùng mới giải phóng. Bên cạch đó Đơn vị tự xây dựng một chương trình tham gia Hội diễn  Ca, múa, nhạc  tại Hà Nội – Hải Phòng. Chương trình được Ban Giám khảo nhận xét đậm chất dân gian và mầu sắc dân tộc.

Năm 1979, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Đoàn được chỉ đạo bám sát mặt trận để biểu diễn động viên chiến sỹ và nhân dân đang trực tiếp chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Quân số của Đoàn đã phát triển lên đến 80 người , được chia thành nhiều tốp nhỏ mỗi tốp từ 7 đến 10 người sắp xếp lại tiết mục và phương tiện kỹ thuật gọn nhẹ lấy tên là “Đội xung kích” . Các đội nhanh chóng triển khai đến các chốt trực chiến tại các huyện Phong Thổ, Mường Tè, Pa Nậm Cúm, Sín Thầu, đồn 310, đồn 33... Những người làm nghệ  thuật của Đoàn xứng đáng danh hiệu “Nghệ sỹ, chiến sỹ”.

Từ năm 1980, cuộc sống bình yên, Đoàn được lãnh đạo tỉnh đổi tên là “Đoàn Nghệ thuật tỉnh Lai Châu” (Nay là Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên) tổng số biên chế 90 người, được trang bị máy nổ, ô tô, sân khấu lắp ghép, mua sắm các dụng cụ, thiết bị mới đáp ứng yêu cầu chuyên môn.

Năm 1987- 1988 số cán bộ diễn viên của đơn vị lên đến 190 người. Giai đoạn này thực hiện chủ trương của Bộ Văn hóa các đơn vị nghệ thuật hoạt động theo phương thức “lấy thu bù chi”, do không đáp ứng được kinh phí hoạt động nên bộ phận chèo giải thể còn bộ phận Ca, mua, nhạc  hoạt động cho đến nay.

* Giai đoạn 1989 - 2009

Sau khi bộ phận chèo giải thể, Đoàn vận động một số diễn viên có tài năng ở lại để bổ sung vào bộ phận ca, mua, nhạc. Đoàn tiếp tục đổi mới xây dựng các chương trình biểu diễn mang phong cách mới “ kịch - hát” được khán giả nhiệt tình ủng hộ, Đoàn tiếp tục dàn dựng nhiều vở kịch hay dành được nhiều tình cảm của khán giả. Tuy nhiên thể loại “ kịch - hát” cũng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn do đặc thù của tỉnh miền núi, hạn chế các điểm diễn, khán giả....

Giai đoạn này được coi là giai đoạn củng cố và xây dựng, đoàn bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ chính trị và tham gia các Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp khu vực và toàn quốc do Bộ Văn hóa tổ chức, qua các giải thưởng có thể thấy sự phát triển của Đoàn ngày càng đi lên. Năm 1992 tham gia Hội diễn tại Hà Nội đạt 01 bằng khen tốp nữ cho tác giả địa phương; Hội diễn tại tỉnh Thái Nguyên năm 1997, đơn vị đạt 02 HCV, 02 HCB, 01 bằng khen; Hội diễn tại Đà Nẵng năm 1999, Đoàn đạt 01 HCV, 03 HCB; Năm 2024  Hội diễn được tổ chức tại Điện Biên, Đoàn đạt 02 HCV, 02 HCB, tác giả địa phương 2 HCV (đơn và tốp nữ); Hội diễn tại tỉnh Nghệ An, năm 2009 đoạt 02 HCV, 01 HCB tác giả địa phương 01 HCV đơn nữ; 01 HCB tốp nữ. Với những thành tích trên, Đoàn đã từng bước phát triển đi lên.

* Giai đoạn 2010 đến nay

Từ năm 2010, đến nay Đoàn được đầu tư hệ thống âm thanh, ánh sáng sân khấu, thiết bị chuyên dùng cho biểu diễn, Đoàn luôn hoàn thành tốt và xuất sắc các mục tiêu nhiệm vụ chính trị của tỉnh và ngành giao, luôn tiên phong trong lĩnh vực hoạt động biểu diễn, phục vụ  nhiệm vụ chính trị, phục vụ các sự kiện trọng đại của tỉnh và đất nước. Năm 2012 đoàn tham gia hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc 2012 tại tỉnh Sơn La, được Bộ VHTTDL đánh giá cao, xuất sắc đạt giải nhất toàn đoàn và giải đạo diễn xuất sắc. Năm 2018, Đoàn tham gia Hội diễn tại Cao Bằng với kết quả đạt được tại Liên hoan với 01 huy chương bạc cho chương trình, 02 huy chương vàng và 03 huy chương bạc cho tiết mục, 01 giải đạo diễn xuất sắc, bằng khen của Hội nhạc sỹ Việt Nam, bằng khen UBND tỉnh Cao Bằng…

Từ năm 2010 đến  nay Đoàn Nghệ thuật đã có bước tiến trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các chương trình nghệ thuật phát triển phù hợp với xu thế thời đại, vừa duy trì, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, vừa kết hợp với hơi thở của nhịp sống hiện đại.

* Biểu diễn phục vụ nhân dân

Hằng năm, Đoàn Nghệ thuật chú trọng đầu tư xây dựng các chương trình nghệ thuật ca - múa - nhạc có nội dung phong phú, đa dạng, chất lượng biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá nghệ thuật của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Với chức năng tổ chức biểu diễn loại hình nghệ thuật ca múa nhạc, sân khấu chuyên nghiệp, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và giải trí của nhân dân, hằng năm Đoàn tổ chức từ 120 đến 130 buổi biểu diễn phục vụ nhân dân các dân tộc, thu hút trên 200 nghìn lượt người xem mỗi năm (trong đó, phục vụ chính trị 85 buổi diễn/năm, phục vụ nhân dân các huyện và vùng cao là 45 buổi diễn/năm); mức hưởng thụ nghệ thuật chuyên nghiệp đạt 0,3 lượt/người/năm..

* Biểu diễn phục vụ các sự kiện lớn của tỉnh

Xây dựng các chương trình nghệ thuật ca múa nhạc; trong đó, nội dung chương trình được xây dựng trên cơ sở khai thác và phát triển vốn văn hóa dân gian của các dân tộc trong tỉnh với chủ đề đặc sắc; nhất là đối với các chương trình phục vụ các sự kiện chính trị của tỉnh, các ngày lễ lớn, ngày tết cổ truyền dân tộc, phục vụ các sự kiện có tính quy mô lớn, với vai trò là đơn vị chủ đạo về lực lượng, trang thiết bị phục vụ các chương trình như: Lễ hội Hoa Ban, các ngày lễ, tết, các hoạt động kỷ niệm, sự kiện trọng đại của tỉnh.

Hằng năm, Đoàn đã quan tâm đầu tư đến việc xây dựng các chương trình nghệ thuật ca múa nhạc có nội dung phong phú, đa dạng; nâng cao chất lượng biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá nghệ thuật của công chúng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho quần chúng nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Với chức năng tổ chức biểu diễn loại hình nghệ thuật ca múa nhạc, sân khấu chuyên nghiệp, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và giải trí của nhân dân; hàng năm Đoàn Nghệ thuật tỉnh thực hiện xây dựng mới 01 chương trình, chỉnh lý nâng cao các chương trình đã biểu diễn; dàn dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, các sự kiện của tỉnh và các ngày lễ, tết. Cụ thể qua các năm:

Năm 2015: Đoàn được giao xây dựng chương trình nghệ thuật phục vụ khai mạc Lễ hội Hoa Ban với chủ đề ''Về miền Hoa Ban'' với sự tham gia biểu diễn của hơn 200 diễn viên. Chương trình đã đem đến cho khán giả ấn tượng mạnh mẽ về huyền thoại hoa ban của dân tộc Thái từ mối tình chung thủy, trong trắng của chàng Khum và nàng Ban. Thông qua lễ hội hình tượng hoa ban và vẻ đẹp của mảnh đất, con người Điện Biên đã được giới thiệu đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Đoàn đã được UBND tỉnh tặng bằng khen. Trong năm 2015 cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đoàn Nghệ thuật được giao xây dựng 02 chương trình nghệ thuật chào mừng và chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Nhận thức được niềm vinh dự và ý nghĩa chính trị của nhiệm vụ được giao, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở VHTT&DL, sự phối hợp tích cực và có hiệu quả của các đơn vị (Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, huyện Điện Biên, Trung tâm Văn hóa tỉnh và Nhà Thiếu nhi tỉnh), ê kíp sáng tạo và toàn thể nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Nghệ thuật tỉnh đã nỗ lực và tập trung cao nhất trong biên kịch, biên tập, dàn dựng, tập luyện với tâm huyết: Dâng lên Đại hội món quà ý nghĩa nhất của những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chương trình chào mừng Đại hội như một lời khẳng định của nhân dân các dân tộc trong tỉnh về niềm tin son sắt với con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.

Năm 2016: Tham gia cuộc thi Tác phẩm múa chuyên nghiệp các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất - khu vực phía Bắc từ ngày 26/11 đến ngày 29/11/2016. Với kết quả: 01 giải B; 02 giải C và 02 bằng khen của Cục nghệ thuật biểu diễn.

Năm 2018: Đoàn tham gia Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc đợt I, năm 2018 tại tỉnh Cao Bằng. Chương trình tham gia của Đoàn với chủ để "Điện Biên tình đất tình người" gồm 13 tiết mục với thời lượng 90 phút đã mang đến Liên hoan những tác phẩm nghệ thuật đầy cá tính, sáng tạo nhưng vẫn mang đậm cái hồn, cái tinh túy của vùng đất, con người Điện Biên. Chương trình được Ban tổ chức, ban giám khảo, các bạn bè đồng nghiệp đánh giá đạt chất lượng cao, có sự tìm tòi, sáng tạo, các tiết mục được dàn dựng công phu, đồng bộ từ nghệ thuật biểu diễn đến âm thanh, ánh sáng, thiết kế mỹ thuật, sân khấu…Kết quả đạt được tại Liên hoan với 01 huy chương bạc cho chương trình, 02 huy chương vàng và 03 huy chương bạc cho tiết mục, 01 giải đạo diễn xuất sắc, bằng khen của Hội nhạc sỹ Việt Nam, bằng khen UBND tỉnh Cao Bằng.

Năm 2019: Đơn vị được giao nhiệm vụ Chủ trì thực hiện Chương trình nghệ thuật Khai mạc Ngày hội văn hóa dân tộc Thái toàn quốc lần thứ II.

* Biểu diễn phục vụ nhiệm vụ đối ngoại

Ngoài phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, hằng năm Đoàn tổ chức biểu diễn phục vụ các đoàn khách quốc tế đến Điện Biên; biểu diễn giao lưu với các tỉnh nước bạn Lào và Trung Quốc, góp phần củng cố tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam - Lào, Việt Nam-Trung Quốc. Các chương trình biểu diễn của Đoàn đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng công chúng nước bạn, góp phần xây dựng mối tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào - Trung Quốc, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, mở rộng mối quan hệ, tăng cường tinh thần đoàn kết với các nước.

Năm 2015: Đoàn đã sang thăm và biểu diễn phục vụ nhân dân các dân tộc tại tỉnh U Đôm Say; tỉnh Luông Pha Băng. Biểu diễn giao lưu chào mừng Đoàn Thủ tướng Chính phủ Nước CHDCND Lào sang thăm và làm việc tại tỉnh Điện Biên ngày 15/7/2015. Phối hợp với UBND thành phố xây dựng chương trình tham gia Ngày hội ném còn 3 nước Lào - Việt Nam - Trung Quốc lần thứ IV tại tỉnh Phông Sa Ly nước CHDCND Lào tháng 12/2015.

Năm 2016: Xây dựng kế hoạch biểu diễn phục vụ nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Lào và Thái Lan theo công văn 914/SVHTTDL- KHTC ngày 17 tháng 6 năm 2016 của Sở VHTTDL về việc đề xuất các tỉnh Bắc Lào và Bắc Thái Lan năm 2016 và 2017. Biểu diễn phục vụ chương trình đón tiếp và hội đàm với các đoàn tỉnh Phông Sa Ly, U Đôm Xay, Luông Pha Băng nước CHDCND Lào tại tỉnh Điện Biên.

Năm 2017: Biểu diễn phục vụ chương trình đón tiếp và hội đàm phái đoàn Lào sang thăm và làm việc tại tỉnh Điện Biên. Xây dựng 01 chương trình biểu diễn phục vụ công tác đối ngoại tại Lào: biểu diễn giao lưu tại tỉnh Phông Sa Ly  nước CHDCND Lào nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Lào – Việt Nam. Xây dựng chương trình biểu diễn giao lưu tại Hội chợ Du lịch Quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2017

Năm 2018: Biểu diễn chương trình Giao lưu tiếp đón đoàn  của Sở Nội vụ tỉnh Phong Sa Ly đến thăm và làm việc tại tỉnh Điện Biên. Biểu diễn giao lưu tiếp đoàn Phụ nữ Sở Văn hóa Thông tin thể thao tỉnh Phong Sa Ly. Xây dựng chương trình 02 biểu diễn khai mạc ngày hội “ Thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào”.

Năm 2019: Xây dựng các chương trình nghệ thuật giao lưu đón tiếp các Đoàn đại biểu cao cấp tỉnh U đôm xay, nước CHDCND Lào tại tỉnh Điện Biên: 05 chương trình theo kế hoạch phân công.

* Công tác biểu diễn phục vụ biển đảo

Cùng với việc biểu diễn phục vụ nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh và phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn, phục vụ khách trong nước và quốc tế đến với Điện Biên. Đoàn còn tham gia giao lưu biểu diễn các chương trình biển đảo và phục vụ cán bộ và chiến sĩ quần đảo Trường Sa:

Năm 2015: Cùng với việc biểu diễn phục vụ nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh và phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn, phục vụ khách trong nước và quốc tế đến với Điện Biên. Đoàn còn tham gia giao lưu biểu diễn các chương trình biển đảo và phục vụ chương trình vì biển đảo như: Đoàn đã thực hiện chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ tại triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam Sáng ngày 16/10/2015.

Năm 2018: Căn cứ chương trình tuyên truyền biển, đảo đã được ký kết giữa Đảng ủy Bộ Tư lệnh Hải quân và Tỉnh ủy Điện Biên ngày 21/9/2018 Đoàn xây dựng chương trình và tổ chức lưu diễn phục vụ Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân, Lữ đoàn 126, Lữ đoàn 147 (vùng 1) Các tiết mục được lựa chọn với chủ đề tuyên truyền những nét đặc sắc của con người, quê hương Điện Biên với người lính biển đảo, được đông đảo các chiến sỹ lực lượng Hải quân nhiệt tình ủng hộ và cảm động về tình người ấm áp của những con người sống trên mảnh đất Điện Biên Phủ.

Công tác tuyên truyền biển, đảo của Đoàn đã đạt được nhiều kết quả rất thiết thực. Qua đó đã góp phần khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong ĐVTN, mặt khác đã góp tiếng nói chung của tuổi trẻ Điện Biên cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của đất nước

Việc nghiên cứu, sáng tác, khai thác vốn văn hóa dân tộc đưa lên sân khấu biểu diễn đã được quan tâm, chú trọng; Giai đoạn 2010 - 2020, nhiều tác phẩm âm nhạc, nghệ thuật do nhạc sĩ của Đoàn sáng tác được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao. Một số tác phẩm đạt các giải thưởng cao của các Hội nghệ thuật chuyên ngành Trung ương. Các ca khúc được biên đạo và dàn dựng đưa lên sân khấu thể hiện giá trị văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc, được khán giả đón nhận, giúp người xem, nhất là đồng bào các dân tộc tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trải qua gần 60 năm hình thành và phát triển, Đoàn nghệ thuật luôn giữ vai trò xung kích trong công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động văn hóa lành mạnh, gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống các dân tộc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật biểu diễn của cán bộ, chiến sỹ nhân dân các dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 9.471.219
Online: 113