Không gian văn hóa thường gắn với một cộng đồng dân cư cụ thể, với những đặc điểm về dân số, trình độ, điều kiện kinh tế, tập quán, tôn giáo, dân tộc… Đây là các yếu tố hết sức quan trọng để tạo nên bản sắc của một không gian văn hóa, bởi các dân tộc khác nhau, các nhóm cư dân có điều kiện kinh tế khác nhau… thì sẽ hình thành những đặc trưng về văn hóa riêng.

Do đó, nói không gian văn hóa ở Tây Bắc sẽ khác Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ; ngay trong không gian văn hóa Tây Bắc thì ở các khu vực khác nhau, địa lý khác nhau cũng hình thành không gian văn hóa khác nhau gắn với khu vực cư trú, câu nói Người Mông ăn sương, Người Xá ăn theo lửa, người Thái ăn theo nước đã khắc họa rõ nét đời sống và văn hóa đối với các dân tộc ảnh hưởng rất lớn bởi địa vực cư trú…Về mặt địa lý, có thể nói, Tây Bắc là vùng có quá trình kiến tạo khá phức tạp và là vùng núi cao hiểm trở nhất Việt Nam.

Nói một cách chung nhất, đây là “miền đất của những núi cao và cao nguyên. là một khối liền mạch núi sông kéo dài từ Vân Nam (Trung Quốc) được cấu tạo theo hướng Tây Bắc-Đông Nam song song với thung lũng sông Hồng. Từ Đông sang Tây được đánh dấu bởi dãy núi cao Hoàng Liên Sơn dài 180 km có đỉnh Phan Xi Păng cao nhất Việt Nam. Xen giữa dãy Hoàng Liên và dải cao nguyên phía Tây là các vùng bồn địa.

Trên đại thể, mảnh đất này hình thành 3 vùng cảnh quan rõ rệt . Đó là vùng thung lũng lòng chảo thấp, nơi cư trú của các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, Thái-Kađai ; vùng giữa hay các sườn núi là nơi sinh sống của các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer và vùng cao hay rẻo núi cao là nơi cư trú của các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Mông-Dao, Tạng Miến. Chính các vùng cảnh quan trên đã hình thành nên những truyền thống của các tộc người trong quá trình thích ứng với môi trường, sinh tồn và phát triển có nhiều nét đặc thù về văn hoá ở khu vực này.

Về phân bố cư dân và các vùng cảnh quan có thể thấy ở vùng thung lũng lòng chảo thấp hay vùng bồn địa giữa núi, trước núi là nơi sinh sống của các cư dân Thái, Mường, Lào, Lự, trong đó người Mường chủ yếu cư trú ở vùng phía Nam của mảnh đất này. Vùng rẻo giữa hay vùng sườn núi là nơi cư trú của các tộc người nói ngôn ngữ Môn-Khmer như Khơ Mú, Mảng, Kháng, Xinh Mun. Vùng rẻo cao là nơi cư trú của các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Mông-Dao, Tạng Miến.

Các di sản tiêu biểu của đồng bào Thái

Đồng bào Thái ưa sự thênh thang, thoáng đãng, do vậy mỗi bản của họ thường chỉ vài ba chục nóc nhà. Di sản đầu tiên cần kể đến là nhà người Thái là nhà sàn, rộng và cao, nhiều gian, lắm cột; nhà có hai chái, mỗi chái có một sàn sân, mỗi sàn sân có một cầu thang. Chái nhà người Thái trắng (Táy đón) hình vuông, còn chái nhà người Thái đen (Táy đăm) hình mai rùa. Nhà ngư­ời Thái trắng (Táy khao) có khá nhiều điểm gần với nhóm Tày - Nùng. Còn nhà người Thái đen lại gần với nhà của các cư­ dân nhóm Môn - Khơ me.

Nhà của người Thái trắng Điện Biên

Cách bố trí sinh hoạt của nhà người Thái đen khá độc đáo, các gian đều có tên riêng. Từ xa xưa, kiểu dáng chái nhà của người Thái đen đã từng là đề tài cho một câu chuyện cổ tích khá thú vị (đó là chuyện “tụp cống”, đại ý từ cái mai con rùa gợi ý cho con người kiểu mái nhà). Mỗi đầu ngôi nhà truyền thống của người Thái đen có gắn một bộ khau cút, gồm hai thanh gỗ chạm khắc hình rồng, đan chéo nhau theo thế giao long, cùng đâm vút lên trời.

Dân tộc Thái có nhiều kinh nghiệm trong việc chinh phục nguồn nước tự nhiên, các công trình thuỷ lợi như mương phai, ống máng, guồng cọn, lái lịn hoặc máy cán bông và cối gạo nước... là những bằng chứng cho kết luận trên.

Sản phẩm tiêu biểu và đặc sắc của nền nông nghiệp Thái là cơm lam, nếp cẩm, nếp tan; toàn những thứ đã thơm lại dẻo, đã dẻo lại bùi. Hầu hết mọi phụ nữ Thái đều thành thạo các công việc trồng bông, kéo sợi, ươm kén, chăn tằm, dệt vải, nhuộm chàm... Với chất liệu bông sợi, thổ cẩm Thái đã đạt đến trình độ kỹ thuật cực kỳ tinh xảo: rực rỡ và sang trọng trong phối màu, mềm mại và tao nhã trong đường nét hoa văn; mát vào mùa hạ, ấm vào mùa đông.

Tại một số địa bàn vùng sâu, các cô gái Thái thường lên rừng bóc lấy vỏ cây xo xe (cây tươi), mang về giã nát, lọc lấy bột để pha nước gội đầu (và cả tắm). Theo kinh nghiệm dân gian con gái gội đầu bằng nước bột cây xo xe, tóc sẽ dài, mượt và đen; tắm bằng nước vỏ cây xo xe làn da sẽ thơm, trắng mịn và hấp dẫn hơn.

Về tín ngưỡng, đối tượng thờ cúng cơ bản của dân tộc Thái là tổ tiên, trời đất, bản mường. Theo quan niệm của đồng bào, người ta không chết mà chỉ “chuyển” cuộc sống nơi trần ai (cõi khổ) đến một nơi cực lạc (vui sướng) khác. Ở đó con người sẽ được đầy đủ hơn về vật chất, thư thái hơn về tinh thần và thanh cao hơn về phẩm giá... Xứ sở kỳ diệu ấy là Mường Trời, tức Mường Then (chính tên gọi Mường Thanh của Điện Biên bây giờ, là do đọc chệch hai chữ Mường Then mà ra).

Cho tới nay, về trang phục, những gì còn lại để làm nên bản sắc dân tộc Thái, đều tập trung ở người phụ nữ. Một bộ nữ phục truyền thống của người Thái gồm 4 thứ chính: piêu, xửa cỏm, xỉn và thông (khăn, áo ngắn, váy và túi). Bấy lâu, có lẽ vì lý do tế nhị nên chúng ta thường tránh nói nhiều, nói kỹ về bộ váy áo người Thái, bởi nó liên quan trực tiếp đến những đường cong gợi cảm và tuyệt mỹ nơi cơ thể chị em. Chỉ biết rằng, trên thực tế, một phụ nữ Thái dù được học hành tới đâu và có làm đến chức vụ gì đi chăng nữa thì, họ vẫn giữ cho mình tối thiểu một bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Trong đó, dĩ nhiên là có chiếc xửa cỏm (áo ngắn) với hai hàng phạ khau (cúc bướm) lấp lánh ánh bạc, mang hình những chú bướm cách điệu hoặc mô phỏng đường nét của những loài cây (rau dớn) vốn được sinh ra từ chốn sơn thôn. Riêng chiếc piêu Thái thôi cũng đã là nguồn cảm hứng sáng tạo cho hàng loạt các tác phẩm hội hoạ, âm nhạc và nhất là văn học; cả văn xuôi lẫn văn vần, cả văn học viết lẫn văn học truyền miệng.

Dân tộc Thái có một nền văn hoá - văn nghệ đồ sộ và lâu đời, phong phú về thể loại, sâu sắc về nội dung. Chữ khắp (hát) vừa là danh từ để gọi, vừa là động từ để tả. Nhân dân lao động Thái có thể hát ở mọi nơi, vào mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh: hát đối đáp, hát mời rượu, hát lên nương, hát then, hát trong đêm xoè, hát trên sàn Hạn Khuống... Người Việt Nam, hẳn ai ai cũng đã hơn một lần được nghe bài hát Inh lả ơi với chất liệu dân ca Thái mượt mà, sâu lắng, mang âm hưởng của núi rừng Tây Bắc.

Sự gắn bó của đồng bào về quê hương xứ sở, Tổ quốc đã trở thành truyền thống trong quá trình bảo vệ và dựng xây đất nước. Kho tàng tri thức dân gian phong phú được đúc kết qua nhiều thế hệ liên quan đến các hoạt động sản xuất, làm ăn, bảo vệ môi trường thực sự là tài sản quý giá trong hành trang của mỗi tộc người, làm nên bản sắc tộc người. Sự gắn bó của mỗi thành viên trong đời sống gia đình và cộng đồng đã tạo nên sự cố kết đậm nét trong đời sống. Tính tự hào dân tộc, tính tự trọng cao; con người trung thực, cầu thị, tin người, mến khách. Văn hóa dân gian phong phú đa dạng, giàu bản sắc. Văn hóa mang đặc trưng vùng miền rõ nét; sự giao lưu văn hóa giữa các tộc người diễn ra mạnh mẽ, tăng cường sự hiểu biết gắn bó giữa các tộc người trong vùng và trong khu vực.

 Văn hóa các tộc người vùng nơi đây khá phong phú và đa dạng, giàu bản sắc, gắn liền với quá trình tụ cư lâu đời của cư dân từ nhiều nguồn và nhiều thời điểm khác nhau. Chính vì vậy trong chiến lược phát triển vùng điều có ý nghĩa sống còn là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, truyền thống và đổi mới. Có như vậy mới có thể phát triển bền vững kinh tế xã hội ở vùng đất vốn giàu tiềm năng và có kho tàng văn hóa phong phú. 

                            


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 9.471.342
Online: 84