Trong số lực lượng Pháp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nổi tiếng nhất có lẽ là Bán Lữ đoàn Lê dương số 13, đơn vị lính đánh thuê chuyên nghiệp, tinh nhuệ bậc nhất trong hàng ngũ quân đội Pháp có mặt ở Đông Dương. Điều đáng nói, với việc lập được nhiều thành tích trước đó trong chiến tranh thế giới, Bán Lữ đoàn Lê dương số 13 sẽ là sự củng cố không thể chắc chắn hơn cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lại thất thủ một cách nhanh chóng và không hoàn thành sứ mệnh của mình được như mong đợi.
Bán Lữ đoàn Lê dương số 13 được thành lập đầu năm 1940, một trong những đơn vị của đội quân Lê dương nổi tiếng của Pháp với thành phần là những người tình nguyện chiến đấu cho nước Pháp. Nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng này là bảo vệ và mở rộng thuộc địa cho Pháp, tuy nhiên sau này lại trở thành lực lượng chính của nước Pháp trong hai cuộc chiến tranh thế giới.
Có mặt trong thành phần tham gia tái chiếm thuộc địa cũ, Bán Lữ đoàn Lê dương số 13 sang Đông Dương ngay từ những ngày đầu sau khi Pháp trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai, cũng là lúc chiến tranh thế giới lần thứ hai vừa kết thúc. Ban đầu lực lượng này bị chia nhỏ đóng tại nhiều nơi như Trung bộ (chủ yếu là Huế và Đà Nẵng), Nam bộ và Căm Pu Chia; đến cuối năm 1953 nhận thấy sự cần thiết phải tập trung một lực lượng lớn chuẩn bị cho chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, Bán Lữ đoàn Lê dương số 13 được đưa ra Bắc gồm 3 tiểu đoàn. Hai trong số đó được đưa lên Điện Biên Phủ là Tiểu đoàn 1 do Thiếu tá De Brinon, sau là Thiếu tá Robert Coutant chỉ huy và Tiểu đoàn 3 dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Paul Pégot, còn Tiểu đoàn 2 ở lại đồng bằng Sông Hồng.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được hình thành tại lòng chảo Mường Thanh, là căn cứ quân sự khổng lồ để bảo vệ Thượng Lào, là trục giao thông nối liền các miền biên giới Lào, Thái Lan, Miến Điện và Trung Quốc; là bàn đạp để đánh chiếm ra các vùng đã mất ở Tây Bắc trong năm 1953 - 1954 và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các đội quân chủ lực của đối phươn. Được mệnh danh là "tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương", "cối xay thịt", với 49 cứ điểm nằm rải rác trong ba phân khu chốt tại những vị trí quan trọng theo địa hình lòng chảo ở đây, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ và lực lượng chiến đấu lúc cao điểm lên tới 16.200 tên, Điện Biên Phủ trở thành điểm nóng, thu hút sự quan tâm, chú ý của cả thế giới.
Phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm bao gồm Trung tâm đề kháng Him Lam, Đồi Độc Lập và Đồi Bản Kéo, ta chọn nơi đây để mở màn chiến dịch, sẽ là cửa mở chính dẫn tới trung tâm. Him Lam sẽ là nơi nổ những phát súng đầu tiên, là vị trí vô cùng quan trọng án ngữ con đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên do Tiểu đoàn 3 Bán Lữ đoàn Lê dương 13 chốt giữ. Nếu Việt Minh muốn tiếp cận được Tập đoàn cứ điểm từ phía Đông Bắc thì bắt buộc phải vượt qua được cánh cửa này và không có gì lạ khi Him Lam trở thành một trong những trung tâm đề kháng mạnh nhât của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
17 giờ ngày 13/3/1954 cuộc tấn công lịch sử vào Tập đoàn cứ điểm chính thức bắt đầu. Từng đợt pháo kích liên tiếp nhằm thẳng Him Lam và phân khu trung tâm. Một viên đạn pháo rơi trúng sở chỉ huy Him Lam tiêu diệt viên tiểu đoàn trưởng Paul Pégot cùng với 3 sĩ quan khác và chiếc điện đài. Him Lam mất liên lạc với Mường Thanh ngay từ những giờ đầu trận đánh.
Yếu tố bất ngờ nhất trong trận mở màn này là sự có mặt của trọng pháo ta trên các triền đồi xung quanh lòng chảo và việc xây dựng các trận địa ngụy trang hoàn hảo. Với sự bắn chính xác tuyệt đối ta đã đánh đòn phủ đầu lợi hại tạo điều kiện cho các đơn vị bộ binh tiến lên tiêu diệt các vị trí đã định. 3 cứ điểm nằm trên 3 quả đồi nhanh chóng bị quân ta tiêu diệt gọn. 23 giờ 30 đêm ngày 13/3, Đại đoàn 312 hoàn thành mục tiêu đánh chiếm Him Lam, cùng với 351 trở thành những đơn vị đầu tiên lập công trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Một trong những lý do sụp đổ nhanh chóng của một cụm cứ điểm được tổ chức vững chắc như vậy và do một tiểu đoàn Lê dương rất thiện chiến trấn đóng là vì Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn phó và người chỉ huy khu vực phòng thủ bị chết ngay trong đợt pháo kích đầu tiên do đạn pháo xuyên trúng hầm trú ẩn, ngang qua lỗ châu mai quan sát. Từ đó tiểu đoàn không còn người chỉ huy, việc phòng thủ như “rắn mất đầu”, pháo binh phản pháo không được hướng dẫn chính xác và các cuộc phản công của địch không mang lại kết quả. Trong trận chiến đầu tiên này, thiệt hại của Tiểu đoàn 3 Bán Lữ đoàn Lê dương số 13 là khá nhiều, 200 người bị bắt, 300 người bị tiêu diệt; số còn lại bỏ đồn, cố chạy về phía trung tâm Mường Thanh, gom lại chưa đủ một đại đội.
Một đơn vị khác của Bán Lữ đoàn Lê dương số 13 là Tiểu đoàn 1, giữ Claudine thuộc phân khu trung tâm gồm 5 cứ điểm có nhiệm vụ bảo vệ sân bay Mường Thanh. Nhưng ngay từ khi kết thúc đợt tấn công thứ nhất, cùng với công cuộc chuẩn bị cho đợt tấn công thứ hai của Việt Minh, quân Pháp vấp phải những cuộc tiến công nhỏ làm tiêu hao khá nhiều sinh lực. Lực lượng địch tại phân khu trung tâm liên tiếp phải đối mặt với những đợt pháo kích và bắn tỉa, đặc biệt khu vực xung quanh sân bay, khiến cho đến cuối tháng 3/1954 hầu như máy bay Pháp không thể tiếp cận được Tập đoàn cứ điểm. Mưa, bệnh tật, lại không có thức ăn, nước uống, tinh thần và cuộc sống của binh lính Pháp xa sút, không còn sức chiến đấu.
Cùng với sự chống trả yếu ớt của lính Pháp trong những ngày cuối, số còn lại của Tiểu đoàn 3 Bán Lữ đoàn Lê dương số 13 tiến hành tổ chức, tái lập lại, tuy nhiên chưa thực hiện được thì Điện Biên Phủ thất thủ. Tiểu đoàn 1 cũng bị xóa sổ.
07/5/1954 khi các cao điểm cuối cùng ở phía Đông thất thủ, các cứ điểm còn lại ở phân khu trung tâm bị tiêu diệt, Hầm chỉ huy của De Castries nhanh chóng bị bao vây từ nhiều hướng. Lần đầu tiên ta bắt sống toàn bộ Bộ chỉ huy quân đối phương và số lượng lớn tù binh đến vậy. Sau 56 ngày đêm ác liệt, trận chiến Điện Biên Phủ kết thúc, ta đã làm nên chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam và thế giới.
Theo nhiều tài liệu ghi lại, Bán lữ đoàn Lê dương số 13 là đơn vị quân Pháp cuối cùng rời Đông Dương. Cuộc chiến Đông Dương cũng ghi nhận sự mất mát lớn nhất của lực lượng Lê dương kể từ khi thành lập./.