Điện Biên là tỉnh vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc, lịch sử 72 năm (10/10/1949 – 10/10/2021) xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh gắn liền với chặng đường đấu tranh anh dũng, bất khuất, đầy hy sinh, gian khổ, song cũng vô cùng vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh. Dù phải trải qua những thăng trầm của thời gian, cả khi khó khăn cũng như thuận lợi, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc Điện Biên luôn đoàn kết một lòng, hướng về Đảng, Bác Hồ kính yêu, cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương.
Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, tỉnh Điện Biên luôn được coi là “phên dậu”, một trong những địa bàn trọng yếu. Sau thất bại nặng nề trong chiến dịch Thu Đông (1947), quân Pháp được tăng viện tiếp tục mở rộng chiếm đóng về phía Sơn La, Yên Bái, Lào Cai. Ở Lai Châu, sau 2 năm hoạt động (1948-1949) đội xung phong Quyết Tiến đã xây dựng được một loạt cơ sở cách mạng kéo dài từ Quỳnh Nhai sang Tuần Giáo - Điện Biên và một số tỉnh Bắc Lào, nhờ đó phong trào cách mạng ngày càng ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân các dân tộc vùng rẻo cao. Một vấn đề cấp bách đặt ra đối với địa phương lúc này là phải có một tổ chức Đảng cộng sản để làm hạt nhân lãnh đạo, tổ chức quần chúng nhân dân đấu tranh và tiến hành cuộc kháng chiến thắng lợi. Ủy ban kháng chiến hành chính liên tỉnh Sơn - Lai được thành lập chưa đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ này. Chính vì vậy, ngày 10/10/1949, Ban Cán sự Ðảng Lai Châu (tiền thân của Ðảng bộ tỉnh Ðiện Biên và Lai Châu ngày nay) được thành lập theo quyết định của Ban Thường vụ Liên Khu ủy 10, với 3 ủy viên, do đồng chí Nguyễn Bá Lạc (tức Trần Quốc Mạnh) được chỉ định làm Trưởng ban. Ngày 2/12/1949, tại bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, Ban Cán sự Ðảng Lai Châu công bố quyết định của Liên Khu ủy 10 về việc thành lập Chi bộ Ðảng Lai Châu gồm 20 đồng chí. Việc ra đời Ban Cán sự Ðảng và Chi bộ Ðảng Lai Châu đánh dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh được dẫn dắt bởi một tổ chức đảng chân chính. Ngày 10/10/1949 được lấy làm ngày kỷ niệm cho sự ra đời của Ðảng bộ tỉnh.
Trải qua chặng đường 72 năm với 14 kỳ Đại hội, Ðảng bộ tỉnh Điện Biên đã lãnh đạo nhân dân chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, giành nhiều thắng lợi quan trọng trong công cuộc kháng chiến trước đây và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Điện Biên hôm nay có nhiều đổi thay tích cực, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân và giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng và an ninh.
Nhiều năm liền, tỉnh duy trì được đà tăng trưởng kinh tế khá và ổn định; cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực. Giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp tăng tỷ trọng trong công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016- 2020 ước đạt 6,83%/năm (đạt mục tiêu Nghị quyết); tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 ước đạt 20.056 tỷ đồng, tăng 1,78 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 38,25 triệu đồng/người/năm (tương đương 1.732,2 USD/người/năm), đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 23,96% (năm 2015) xuống 18,22% (năm 2020), công nghiệp - xây dựng tăng từ 21,74% (năm 2015) lên 22,65% (năm 2020), dịch vụ tăng từ 51,71% (năm 2015) lên 54,19% (năm 2020). Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 ước đạt 55.257 tỷ đồng; trong đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 5.794,01 tỷ đồng, dự ước năm 2020 đạt 1.249,94 tỷ đồng, tăng gấp 1,44 lần so với năm 2015 (vượt 4,16% so với mục tiêu của Nghị quyết). Tổng chi ngân sách nhà nước 05 năm ước đạt 54.998 tỷ đồng (đạt 108%); tốc độ tăng chi bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 8%/năm; cơ cấu chi trong cân đối thay đổi tích cực .
Sự nghiệp văn hóa, xã hội có bước phát triển. Quy mô, chất lượng giáo dục từng bước nâng lên, 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ; mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố, hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hiệu quả; chất lượng đội ngũ cán bộ y tế được nâng lên, nhất là bác sỹ, dược sỹ có trình độ sau đại học. Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, phát huy hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ đói nghèo. Các chương trình, dự án trọng điểm được tập trung triển khai; đẩy mạnh việc kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư. Diện mạo khu vực nông thôn, thành thị thay đổi rõ nét; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện khá toàn diện, đi vào thực chất và chiều sâu, đạt nhiều kết quả. Từ năm 2016 đến năm 2020 đã huy động, bố trí lồng ghép các nguồn vốn được 9.310 tỷ đồng để thực hiện ; trong phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, cách làm hay; đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 37 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (vượt mục tiêu Nghị quyết); phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo sự chuyển biển tích cực về nhận thức của người dân nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ổn định; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Hoạt động đối ngoại được tăng cường, mở rộng; duy trì mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện với các tỉnh Bắc Lào, mở rộng quan hệ với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh Ðông Bắc Thái Lan, các tổ chức quốc tế... Qua đó, đã tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ cuộc sống bình yên hạnh phúc của nhân dân.
Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, Ðảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đạt được kết quả khá quan trọng. Tổ chức cơ sở đảng đã phát triển rộng khắp từ tỉnh tới cơ sở, từ địa bàn vùng thấp tới vùng cao, biên giới. Hai nhiệm kỳ gần đây, Tỉnh ủy đều có nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức đảng, đảng viên, trong đó chú trọng địa bàn khó khăn, các thôn, bản mới chia tách, thành lập, nơi chưa có tổ chức đảng, đảng viên. Tính đến hết tháng 6/2020, toàn Đảng bộ đã kết nạp mới 9.997 đảng viên; “xóa” được 90 thôn, bản không có đảng viên; số thôn, bản có chi bộ tăng thêm 193 thôn, bản.
Tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ đảng viên phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các cấp ủy quan tâm công tác phát hiện, tạo nguồn, bồi dưỡng phát triển đảng viên, chú trọng đối tượng đoàn viên thanh niên, người dân tộc thiểu số, phụ nữ, lực lượng dự bị động viên, dân quân, cán bộ thôn, bản tích cực, hăng hái, nhiệt tình trong các phong trào thi đua ở cơ sở, có chí hướng phấn đấu trở thành đảng viên. Công tác chính trị, tư tưởng có nhiều đổi mới, thiết thực, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng, sự đồng thuận trong xã hội. Nhiều cấp ủy, chi bộ từng bước đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt, đi sâu kiểm điểm đánh giá những nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, những vấn đề liên quan đến cán bộ, đảng viên, gắn với kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Thông qua đó, giúp đảng viên nâng cao ý thức, trách nhiệm, tích cực học tập, tự giác, gương mẫu chấp hành chủ trương, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, thực hiện tốt nhiệm vụ của đảng viên, tích cực xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và đảng viên từng bước phát huy và khẳng định vai trò hạt nhân chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xóa đói giảm nghèo, đưa nghị quyết Ðảng vào cuộc sống.
Với những kết quả đạt được trong 72 năm qua, Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc Điện Biên đã vinh dự, tự hào được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng và các danh hiệu cao quý như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Độc lập hạng nhất và hạng nhì, Huân chương Hồ Chí Minh; nhiều Huân chương lao động các loại. Nhân dân và các Lực lượng vũ trang tỉnh Điện Biên đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang; tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động; hàng trăm tập thể, hàng ngàn cá nhân được Đảng, Chính phủ tặng thưởng huân, huy chương các loại. Qua đó khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo của Ðảng bộ tỉnh, là trung tâm xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; huy động sức mạnh nhân dân trong tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đảng, chính quyền.
Tự hào với chặng đường 72 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Điện Biên. Nhân ngày thành lập Đảng bộ tỉnh 10/10/2021 là dịp để cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc Điện Biên ôn lại những trang sử vẻ vang, hào hùng; để xây dựng khát vọng vươn cao, vươn xa, quyết tâm xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển và bền vững. Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, Ðảng bộ tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân các dân tộc tỉnh nhà ý chí tự lực, tự cường; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, nắm bắt thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh đã đề ra, góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, xứng đáng là ngọn cờ lãnh đạo cách mạng địa phương.