Ngày 31 tháng 01 năm 2008, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 150, phê duyệt Dự án: “Quy hoạch Tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020” làm cơ sở cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh Điện Biên.

Sau 12 năm triển khai dưới sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và sự quyết tâm của đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên, đặc biệt là sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế ngành Du lịch tỉnh Điện Biên gặt hái được kết quả vượt bậc: Lượng khách du lịch đến với Điện Biên liên tục tăng trưởng tốt. Giai đoạn 2010 - 2019, Điện Biên đón trên 5 triệu lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12%/năm, trong đó khách quốc tế đạt gần 1 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn đạt 14 %/năm, khách nội địa đạt hơn 4 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn đạt trên 10%/năm; tổng thu từ hoạt động du đạt trên 6.4 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn đạt 26 %/năm; thu hút và góp phần giải quyết việc làm cho trên 14.000 lao động, trong đó lao động trực tiếp 6.000 người, lao động gián tiếp có 8.000 người góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, hướng đến phát triển bền vững. Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 215 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với với 2.954 buồng/5.139 giường.

Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh:Hệ thống thông tin quảng bá được chú trọng bằng nhiều hình thức phong phú, thông tin quảng bá đa dạng. Bên cạnh các kênh quảng bá truyền thống thì bước đầu đã ứng dụng các kênh truyền thông có tính lan tỏa cao trên mạng xã hội như facebook; fanpage; youtube…góp phần làm tăng hiệu quả công tác quảng bá, giới thiệu và khẳng định thương hiệu du lịch Điện Biên. Trong đó, tập trung giới thiệu sản phẩm du lịch, đặc biệt là các hoạt động, sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể thao và các ngày hội của tỉnh được tổ chức hàng năm gắn với giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc bản địa,vẻ đẹp vùng đất và con người Điện Biên.…Kết quả đã thực hiện gần 5.000 tin bài, phóng sự bằng ba thứ tiếng Việt, Thái, Mông trên Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh, Đài Truyên hình Việt Nam, các trang thông tin điện tử tổng hợp; quảng bá hơn 2.000 buổi trên hệ thống màn hình điện tử (Led) ngoài trời; tổ chức trên 43 hoạt động tham gia giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch Điện Biên tại các sự kiện, hội chợ du lịch, lễ hội, liên hoan ẩm thực trong nước và khoảng 290 buổi biểu diễn các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại Sân hành lễ Tượng đài chiến thắng Điện Biên; Sản xuất hàng trăm nghìn các loại ấn phẩm quảng bá về du lịch Điện Biên…Thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, khách du lịch dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thông tin du lịch Điện Biên, góp phần quan trọng trong việc thu hút khách du lịch tới Điện Biên trong thời gian qua.

Về xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống cung cấp thông tin cho khách du lịch:Thường xuyên thực hiện khảo sát các điểm du lịch tiềm năng, thu thập thông tin, hình ảnh các đơn vị cung cấp dịch vụ phục vụ khách du lịch trên địa tỉnh đã xây dựng được cơ bản hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin cung cấp cho du khách và các đơn vị kinh doanh du lịch; xây dựng, duy trì hoạt động trang thông tin điện tử dulichdienbien.vn, tham gia vận hành trang thông tin điện tử dulichtaybac.vn và đưa vào hoạt động 02 điểm thông tin du lịch tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ.

Công tác Quy hoạch các khu, điểm du lịch: Trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 2 quy hoạch chi tiết và 1 quy hoạch chi tiết đang trong giai đoạn lập quy hoạch nằm trong danh mục dự án theo Quyết định số 150/QĐ-UBND, bao gồm: quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 khu du lịch sinh thái kết hợp với trồng rừng đèo Pha Đin, huyện Tuần Giáo; quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái hang động Pa Thơm, huyện Điện Biên; quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch nước nóng bản Sáng, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo. Ngoài ra có Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang, tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1465/QĐ-TTg ngày 24/8/2015.

Công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng phát triển du lịch :Tổng số vốn đầu tư phát triển từ các nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước đã huy động cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh được trên 166.009 triệu đồng; Xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa được 13 công trình phục vụ du lịch và 02 công trình xây dựng các hạng mục phụ trợ tại khu du lịch Pá khoang.

Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư để phát triển du lịch đã thu hút được nhiều nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, vốn đầu tư nên đến hàng trăm tỷ đồng.

Công tác phát triển sản phẩm du lịch: Đã từng bước định hướng, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng gồm: du lịch lịch sử; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái; du lịch tâm linh; du lịch cộng đồng. Bên cạnh các sản phẩm du lịch chính, hiện nay ngành du lịch đã và đang quan tâm, triển các loại hình du lịch khác, góp phần đa dạng hóa làm phong phú hơn các chương trình du lịch để tăng cường thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của khách như: du lịch biên giới gắn với du lịch mua sắm, quá cảnh tại cửa khẩu quốc tế Tây Trang; du lịch thương mại, công vụ; du lịch thăm thân…

Hình thành, mở rộng và nâng cao chất lượng các chương trình du lịch nội vùng từ khu du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang đi các điểm du lịch phụ cận trong khu du lịch như Điện Biên Phủ - Tháp Mường Luân, Điện Biên Phủ - Cửa khẩu quốc tế Tây Trang; Điện Biên Phủ - Mường Nhé - Cực Tây A Pa Chải; các tuyến du lịch liên tỉnh: Điện Biên - Lai Châu - Lào Cai - Hà Nội; Điện Biên - Sơn La - Hà Nội; Điện Biên -Quảng Ninh…đồng thời phát triển … Ngoài ra một số tuyến du lịch quốc tế đang hoạt động và thu hút khách du lịch từ Điện Biên - các tỉnh phía Bắc Lào - Đông Bắc Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Tây Trang và vào các nước ASEAN...

Công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch: Trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã liên kết với các trường đại học, cao đẳng đào tạo nghề du lịch, một số vụ của Tổng cục Du lịch, các chuyên gia đào tạo về du lịch tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch được quan tâm, các chương trình đào tạo ngắn hạn từng bước đáp ứng được yêu cầu về nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động trong lĩnh vực du lịch của tỉnh. Từ năm 2008 đến tháng 9/2020, đã tổ chức 55 lớp đào tạo, tập huấn cho hơn 2.109 lượt học viên nhằm nâng cao trình độ tổ chức các hoạt động marketing, xúc tiến du lịch đối với cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố vì thế, chất lượng nguồn nhân lực trong ngành du lịch thời gian qua đã có nâng lên nhiều so với trước đây theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch: Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình liên kết hợp tác, phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh… đặc biệt là sự hợp tác với các tỉnh Tây bắc mở rộng trong việc xây dựng cơ chế chính sách quản lý và phát triển du lịch, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, hợp tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch, hợp tác phát triển nguồn nhân lực du lịch.Ngoài ra, tăng cường hợp tác đối ngoại phát triển du lịch với  các tỉnh Luông Pha Băng, U Đôm Xay, Phong Sa Lỳ, Bo Kẹo (nước CHDCND Lào).

Quy hoạch tổng thể đã tạo ra bước chuyển biến căn bản về tính thống nhất trong hoạt động quản lý nhà nước về du lịch, là cơ sở để triển khai các quy hoạch chi tiết, đưa ra được các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển tạo động lực cho hoạt động du lịch phát triển, các chỉ tiêu đưa ra phù hợp với thực tế phát triển.... Sự phát triển của du lịch tỉnh phù hợp với những quan điểm, mục tiêu và định hướng được đặt ra trong Quy hoạch, đã thực hiện được nhiều chỉ tiêu do Quy hoạch đề ra: Các chỉ tiêu tăng trưởng hàng năm ở mức cao, huy động được nguồn vốn của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ; nguồn nhân lực du lịch tiếp tục được nâng cao về số lượng và từng bước đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách du lịch và nhu cầu của sự phát triển, công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường và phát huy hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể gặp một số khó khăn, hạn chế như lượng khách du lịch đến Điện Biên thời gian qua có tăng trưởng nhưng mức chi tiêu và thời gian lưu trú ngắn, do đó, thu nhập của các chủ thể kinh doanh du lịch chưa cao, doanh thu từ mua sắm chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu du lịch; Quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch trên địa bàn chậm được triển khai thực hiện; Hệ thống giao thông đến với các khu, điểm du lịch trên một số địa bàn các huyện còn khó khăn, kinh phí bố trí thực hiện Quy hoạch còn dàn trải chưa đáp ứng nhu cầu để triển khai thực hiện Quy hoạch; Nguồn lực phục vụ cho du lịch vẫn còn nhiều hạn chế do phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, đa số các điểm du lịch kinh doanh với hình thức hộ gia đình, chủ yếu là sử dụng lao động tại địa phương nên trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn yếu, tính chuyên nghiệp chưa cao, đặc biệt là yếu về trình độ ngoại ngữ. Việc đào tạo tại địa phương còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Do đó, nguồn nhân lực ngành du lịch hiện nay chưa ngang tầm với nhiệm vụ đặt ra; Các sản phẩm, dịch vụ du lịch nhìn chung còn nghèo nàn, đơn điệu, tính hấp dẫn chưa cao. Chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh để tạo ấn tượng và thu hút du khách; Công tác thông tin, xúc tiến, tuyên truyền, quản bá du lịch còn hạn chế về hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ địa phương và quảng bá du lịch đến các vùng, miền trong nước và các nước trong khu vực, chưa khai thác hết nội lực của doanh nghiệp trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.

Để du lịch phát triển đòi hỏi có sự quan tâm và chỉ có thể đem lại hiệu quả cao nhất khi có sự phối hợp của các ngành, các cấp và các địa phương một cách đồng bộ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm khai thác tốt tiềm năng du lịch đăc thù của từng địa phương. Xây dựng Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Điện Biên giai đoạn tiếp theo cần đồng bộ trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện nhằm kịp thời điều chỉnh, bổ sung chiến lược cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế theo từng thời kỳ, từng giai đoạn sẽ mang lại kết quả và hiệu quả cao hơn./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.154.586
    Online: 75