Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa là hoạt động thiết thực nhằm hướng tới xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản. Đối với tỉnh Điện Biên hiện nay, công tác bảo tồn đã đạt được những kết quả nhất định nhờ có những cơ hội, những điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, sự tồn tại và phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng có nhiều thách thức.

Những cơ hội trong công tác bảo tồn di sản văn hóa của tỉnh Điện Biên

Trong bối cảnh hội nhập của đất nước cả về kinh tế và văn hóa, những người làm công tác quản lý di sản có thể học tập các phương thức bảo tồn di sản văn hóa một cách khoa học và hiện đại của các nước phát triển để vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tế của địa phương nhằm phát huy giá trị di sản một cách tốt nhất.

Việt Nam với vai trò là thành viên của UNESCO - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc đối với việc bảo tồn và bảo vệ di sản văn hóa đã giúp di sản của nhân dân các dân tộc trong cả nước nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng được bảo vệ và phát huy theo công ước quốc tế. Như vậy di sản được coi là cầu nối về sự gắn kết cho cộng đồng các dân tộc trên thế giới. Thông qua di sản đã quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền và làm tăng thêm niềm tự hào cho các chủ thể văn hóa nắm giữ các di sản đó. Nhận thức rõ điều đó nên tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai xây dựng hồ sơ di sản Then Thái và  Nghệ thuật xòe Thái trình UNESCO, đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện nay 02 hồ sơ di sản đã được hoàn thiện và đang trong thời gian đề nghị UNESCO xem xét.

Bên cạnh đó, quá trình bảo tồn di sản văn hóa ở tỉnh Điện Biên được thuận lợi là nhờ có sự chỉ đạo, định hướng từ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đã có Luật Di sản văn  hóa và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan làm cơ sở, là hành lang pháp lý để thực hiện công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Trong quá trình bảo tồn di sản văn hóa, tỉnh Điện Biên được Nhà nước quan tâm đầu tư nguồn ngân sách thực hiện quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc. Tính từ năm 2007 - 2019, tỉnh Điện Biên có 11/19 dân tộc được bảo tồn những di sản văn hóa tiêu biểu; các di tích được kiểm kê, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng; các di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; các cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.

Ngoài ngân sách Nhà nước, tỉnh Điện Biên còn nhận được nguồn kinh phí bảo tồn di sản văn hóa từ tổ chức phi chính phủ như: Quỹ Đan Mạch đã từng hỗ trợ bảo tồn Nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc tỉnh Điện.

Tại địa phương, công tác gìn giữ, phát huy giá trị di sản luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Do vậy tỉnh đã ban hành Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình triển khai Đề án đã tạo sự phối hợp chặt chẽ và nâng cao vai trò, trách nhiệm giữa các cấp, các ngành đối với công tác bảo vệ, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc.

Cơ hội để bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong giai đoạn hiện nay còn kể đến đó là xu hướng tổ chức nhiều sự kiện văn hóa ở Trung ương và địa phương như: Ở Trung ương có các hoạt động văn hóa theo chủ đề thường xuyên được diễn ra tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam; Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Bắc, Ngày hội văn hóa Thái, Ngày hội văn hóa Mông...Ở Điện Biên tổ chức Lễ hội Hoa Ban, lễ hội đền Hoàng Công Chất, các lễ hội với quy mô nhỏ do cộng đồng tổ chức hay Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc....

Ý thức gìn giữ di sản vẫn được cộng đồng các dân tộc phát huy và trao truyền qua các thế hệ. Đây được coi là một trong những yếu tố quan trọng, mang tính quyết định về sự tồn tại và phát triển văn hóa các dân tộc. Bởi di sản do cộng đồng nắm giữ và thể hiện sự sáng tạo của các chủ thể văn hóa trong quá trình thực hành di sản. Tất nhiên sự sáng tạo đó là sự tiếp thu có chọn lọc từ dân tộc khác để tô điểm thêm vẻ đẹp cho dân tộc mình hoặc do sự thay đổi về điều kiện sống mà con người cũng có sự sáng tạo cho phù hợp và điều quan trọng là được cộng đồng chấp thuận về sự sáng tạo đó. Như vậy di sản sẽ không mất đi luôn có tính kế thừa và phát triển thông qua sự nối tiếp giữa các thế hệ trong cộng đồng thường xuyên thực hành, gìn giữ.

 Những thách thức đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa

Chúng ta đều nhận thấy di sản văn hóa tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, điều này được chứng minh qua việc di sản văn hóa và du lịch có mối tương quan mật thiết với nhau, hỗ trợ nhau để cùng phát huy tiềm năng và giá trị, mà du lịch lại được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam nói chung và Điện Biên nói riêng. Di sản văn hóa có thể tạo ra thu nhập và công việc bền vững cho nhiều cá nhân và cộng đồng. Vì thế du lịch phát triển đương nhiên sẽ kéo theo kinh tế phát triển. Ngược lại, kinh tế muốn phát triển phải đi liền với sự bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách bền vững.

 Tuy nhiên việc bảo tồn di sản văn hóa hiện nay còn đặt ra nhiều thách thức, trong đó có sự tác động của cơ chế thị trường. Khi nền kinh tế phát triển, người dân có thể đáp ứng mọi nhu cầu về hàng hóa có sẵn trên thị trường mà không cần mất thời gian và công sức lao động để làm ra các sản phẩm đó. Điều này đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững đối với di sản, đó là nghề thủ công truyền thống. Điển hình như trang phục dân tộc được làm thủ công một cách cầu kỳ, mang tính nghệ thuật cao và ẩn chứa cả kho tàng tri thức dân gian tạo ra kiểu dáng, màu sắc hay những nét hoa văn độc đáo để nhận diện dân tộc đến nay đã bị mai một, thậm chí là bị thất truyền. Nguyên nhân là bởi nhu cầu tạo ra trang phục truyền thống của cộng đồng đã thay đổi, người dân không dành nhiều thời gian cho nghề thủ công truyền thống, để tập trung cho việc lao động, sản xuất, ổn định kinh tế gia đình và góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.         

 Bên cạnh đó, không gian văn hóa thay đổi làm biến đổi thực hành di sản, số lượng người thực hành di sản ngày một ít. Tại tỉnh Điện Biên đã thực hiện Dự án tái định cư thủy điện Sơn La, quá trình triển khai Dự án nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng cũng phá vỡ không gian sinh hoạt của người dân, những kiến trúc nhà truyền thống đã bị thay thế, nhiều phong tục tập quán đã không còn duy trì, con người gắn bó với nhau thành một cộng đồng từ đời này qua đời khác phải chấp nhận sự chia tách....Điều đó cho thấy sự mất cân bằng giữa bảo tồn và phát triển.

 Một thách thức nữa là việc giữ gìn, kế tục, sử dụng và truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ của người dân còn hạn chế, thế hệ trẻ cũng ít tìm hiểu, kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc. Nguyên nhân do khoảng cách thế hệ, sự phát triển của các loại hình nghe nhìn khác làm cho giới trẻ có nhiều mối quan tâm khác hơn là tìm hiểu văn hóa truyền thống.

Mặt khác, di sản văn hóa cũng khó phát triển bền vững bởi sự tác động của con người đối với môi trường tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên như nạn phá rừng. Có rất nhiều cây thuốc quý mọc tự nhiên được cộng đồng tích lũy kinh nghiệm, nhận biết để chữa bệnh nhưng giờ đã cạn kiệt dần và rất khó tìm kiếm; những nguyên liệu tự nhiên như  mây, tre, nứa, dây leo ở rừng được cộng đồng sáng tạo, làm ra những vật dụng sinh hoạt khá đẹp và tiện dụng đến nay cũng dần cạn kiệt.

 Chế độ, chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân có thêm động lực để phát huy vai trò trong việc gìn giữ, truyền dạy di sản đã được thực hiện, tuy nhiên so với thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Như vậy, công tác bảo tồn di sản văn hóa tỉnh Điện Biên trong giai đoạn hiện nay có nhiều cơ hội và thách thức. Do đó cần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng chung tay bảo vệ và phát huy văn hóa truyền thống mà bao thế hệ đã dày công tạo dựng và trao truyền.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.138.301
    Online: 65