Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Khơ Mú ở Việt nam nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng, trong hai ngày 23 và 24/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Bảo tàng dân tộc học Việt Nam tham gia chương trình “Trình diễn một số điệu múa; nhạc cụ của dân tộc Khơ Mú tỉnh Điện Biên”.

Khơ Mú là một trong những dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me. Ở miền Bắc Việt Nam, người Khơ Mú tập trung tại các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa và Nghệ An. Trong môi trường sống đó, âm nhạc của người Khơ Mú đã tồn tại và phát triển tương đối đa dạng, phong phú.

Chương trình nhằm góp phần giáo dục di sản văn hóa phi vật thể, tăng cường sự hiểu biết về văn hóa dân tộc nói chung và âm nhạc dân gian của người Khơ Mú nói riêng. Từ đó, giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ thêm tự hào và yêu thích văn hóa truyền thống dân tộc. Gắn với trình diễn nhạc cụ tại chương trình là các hoạt động giáo dục như: Giao lưu, tương tác với nghệ nhân để hiểu hơn về cách làm, cách chơi nhạc cụ; thực hành và trải nghiệm lắp ghép sáo bốn lỗ, thổi khèn lá; ghép thông tin với hình ảnh; các hình thức đố vui, trò chơi sử dụng thính giác, xúc giác để nhận biết âm thanh và nhạc cụ tạo ra âm thanh đó; củng cố và nâng cao kiến thức qua phiếu hỏi.

Đồng thời chương trình cũng giới thiệu đến công chúng các điệu múa truyền thống như: Múa Tầm đao, Múa Tăng Bu, Múa chọc lỗ tra hạt, múa sạp, múa dỗ ống, múa lắc eo tự biên, tự diễn với nhịp điệu nhanh, mạnh, uyển chuyển được xem là một trong những yếu tố đặc trưng, độc đáo, mang sắc thái văn hóa riêng của dân tộc Khơ Mú ở miền núi. Đây cũng là dịp để du khách được giao lưu, hòa mình vào các điệu múa trống chiêng, múa sạp với sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Nhạc cụ truyền thống của người Khơ Mú khá phong phú và độc đáo gồm: Bộ nhạc khí (sáo dọc ba lỗ, sáo dọc bốn lỗ, sáo ngang, khèn bè); bộ gảy (đàn trống, đàn môi); bộ gõ (ống gõ, ống giỗ, cồng chiêng). Các loại nhạc cụ của người Khơ Mú thường được dùng vào các dịp lễ hội, cưới xin, mừng nhà mới, hay những dịp lễ hội.

Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn tổ chức tọa đàm về “Người Khơ Mú ở Lào, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam" do Tiến sĩ Frank Porschan thuyết trình với sự tham gia của các cán bộ nghiên cứu thuộc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Viện Dân tộc học, Viện Âm nhạc Việt Nam và sinh viên của một số trường đại học như: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Văn hóa Hà Nội./.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.474.481
    Online: 89