Cha mẹ và con cái là những đối tượng gắn bó với nhau bằng tình huyết thống thiêng liêng hoặc bằng sự nuôi dưỡng đầy trách nhiệm và tình cảm. Cha mẹ nhìn thấy hình ảnh của mình, của vợ/chồng mình, của tương lai một tổ ấm gia đình hạnh phúc, phát triển qua đứa trẻ đang lớn lên từng ngày. Vì mối quan hệ đặc biệt gắn bó với chức năng sinh sản, nuôi dưỡng vốn là chức năng cơ bản của gia đình nên cha mẹ có những quyền và trách nhiệm được xã hội, luật pháp quy định với con cái của mình.

1. Quyền của cha mẹ

1.1. Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con

Cũng như trong mối quan hệ giữa vợ và chồng, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái đầu tiên và cơ bản nhất là sự thương yêu. Ngay từ khi người mẹ mang thai đứa con của mình, cội nguồn của tình yêu thương đã được nảy nở. Và gắn với quá trình mang thai, theo từng mốc phát triển của con, cha mẹ thêm gắn bó với mầm sống bé nhỏ, kết tinh của tình yêu ấy.

"Em bé sẽ thế nào, giống cha hay giống mẹ?" "Nên chọn lựa cho em bé sinh ở đâu? Cần phải chăm sóc như thế nào?" "Nên cho bú sữa mẹ đến bao nhiêu tháng? Ăn dặm từ tháng mấy?". Hàng trăm câu hỏi được đặt ra, được trao đổi giữa cha mẹ. Chính từ những sự chăm sóc, lo toan ấy là thể hiện tình yêu của cha mẹ với con. Và khi đứa trẻ sinh ra, tình yêu lại lớn lên từng ngày. Cha mẹ có quyền yêu thương và cũng có nghĩa vụ thương yêu con. Con cái được kết tinh từ máu thịt của cha mẹ, được người mẹ măng nặng đẻ đau, được người cha chăm sóc, vỗ về, dạy dỗ. Văn hóa phương Đông gọi đây là công lao dưỡng dục và người con phải đáp đền lại công lao của cha mẹ. Cũng chính vì vậy, cha mẹ có quyền thương yêu con và không ai được tước đoạt đi quyền ấy.

Nghĩa vụ thương yêu con là bởi sự gắn bó máu thịt, sự công nhận của xã hội với mối quan hệ cha mẹ - con cái đòi hỏi cha mẹ phải bày tỏ tình yêu thương qua những hành động cụ thể, bằng sự chăm sóc, tạo mọi điều kiện tốt nhất về tài chính, thời gian, suy nghĩ cho con mình để cho trẻ em - từ tình yêu thương ấy trưởng thành và là một người con ngoan, một công dân tốt.

Như vậy, yêu thương không chỉ dừng lại bằng lời nói mà phải bằng những việc làm cụ thể. Yêu thương cũng không có nghĩa là bao bọc, bảo vệ, hy sinh tất cả cho con mà phải giáo dục, định hướng, tôn trọng cá tính, ý kiến của con trong quá trình nuôi dạy. Pháp luật về trẻ em luôn nhấn mạnh quyền được tôn trọng, được lắng nghe ý kiến của các em bởi trẻ em có những mong muốn, nhu cầu riêng của mình và việc tôn trọng trẻ em sẽ giúp các em phát triển tự tin với cộng đồng và mọi người xung quanh.

Trong những năm gần đây, rất nhiều quan điểm giáo dục trẻ em được phát triển trên cơ sở coi trẻ em là trung tâm của quá trình và tham gia tích cực vào quá trình này. Đơn cử ngay khi đứa trẻ bắt đầu tập ăn dặm (ăn thô) và đã có thể tự nhai (vào khoảng 8 tháng trở lên), nhiều cha mẹ áp dụng phương pháp Baby Led Weaning (viết tắt là BLW - ăn dặm tự chỉ huy) tức là khuyến khích trẻ tự lập, tự quyết trong việc ăn uống. Cha mẹ sẽ chuẩn bị đồ ăn đa dạng, không nấu lẫn như cháo hoặc bột mà được chế biến riêng biệt, đủ độ mềm, cắt ra và  bày biện thuận tiện cho trẻ bốc, cầm, cắn. Mỗi bữa ăn, trẻ được ngồi vào ghế riêng của mình với thức ăn bầy trước mặt. Trẻ ăn gì, ăn bao nhiêu là do bé quyết định. Điều này là sự thay đổi lớn với cách ăn dặm của trẻ Việt Nam khi thường ăn những món như cháo, bột cho đến tận 2 tuổi. Như vậy, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, chưa tự chăm sóc được bản thân, các em đã được khuyến khích tự lập bằng việc tập ăn, chọn món ăn.

1.2. Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội

Hiện nay, có rất nhiều tổ chức cùng tham gia vào quá trình giáo dục trẻ em như trường học, cộng đồng, xã hội nhưng gia đình vẫn giữ vai trò quyết định đối với việc giáo dục, phát triển trí thông minh cũng như cảm xúc, kỹ năng của trẻ em.

Bên cạnh giáo dục kỹ năng sống, cha mẹ cung cấp và tạo điều kiện để trẻ em tiếp cận với tri thức khoa học, xã hội qua việc học tập tại trường và các phương tiện khác. Gia đình là cái nôi ươm trồng và nuôi dưỡng trí tuệ, tình cảm và nhân cách cho trẻ em. Sự giáo dục của cha mẹ được thể hiện qua từng giai đoạn phát triển của trẻ. Khi mới lọt lòng, cha mẹ giáo dục cảm xúc thông qua những cử chỉ âu yếm, yêu thương, luôn ở bên cạnh, gần gũi, gắn bón với con. Khi con lớn hơn, tập đi, tập nói, trẻ em đã bắt đầu thu nhận những tri thức thông qua hành vi quan sát và bắt chước người lớn. Cha mẹ dạy trẻ em qua những bài hát ru, câu chuyện, trò chơi  cho tới việc cùng học, cùng quan sát cuộc sống qua những chuyến du lịch, thăm thú. Đến tuổi đi học, cha mẹ cùng giáo viên giáo dục tri thức khoa học, xã hội, văn hóa và kỹ năng sống từ những điều nhỏ nhặt nhất như giữ gìn vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, cách học, cách chơi cho tới trau dồi những kiến thức về đời sống xã hội để trẻ em trở thành người có ích. Qua quá trình quan sát, gần gũi bên con, cha mẹ tập cho con những tính cách tốt, loại bỏ  thói hư tật xấu, định hướng con chọn bạn và bày tỏ những cảm xúc, cách ứng xử với mọi hiện tượng, sự vật xung quanh. Thông qua quá trình tương tác, quan sát cha mẹ, trẻ em học cách trở thành người trưởng thành, nhận biết về những vai trò xã hội khác nhau của một cá nhân như làm vợ/chồng, làm cha/mẹ, làm một công dân tốt, một người lao động giỏi…

Bằng việc đầu tư nguồn tài chính và thời gian, kiến thức trong việc chọn trường, lớp, định hướng học tập, cha mẹ tạo mọi điều kiện cho trẻ được học tập tốt nhất.

Trẻ em là thế giới của ngày mai nhưng tương lai của trẻ phần lớn lại phụ thuộc vào sự giáo dục, nuôi dưỡng, chăm sóc của gia đình. Chăm sóc phải có phương pháp đúng thì mới không làm hại đến trẻ. Chẳng hạn, bắt trẻ học nhiều quá thì trẻ sẽ không tiếp thu kịp bài vở và dần dần sẽ trở nên chậm tiến, học kém; muốn trẻ đạt được điểm cao mà người lớn làm thay cả bài cho trẻ thì trẻ sẽ trở nên lười học, lười suy nghĩ...

Trẻ càng nhỏ thì sự chi phối về tình cảm của cha mẹ càng lớn. Đối với trẻ ở lứa tuổi mầm non, ảnh hưởng của cha mẹ, ảnh hưởng của đời sống gia đình chiếm ưu thế tuyệt đối, vì nếp sống, nếp suy nghĩ của trẻ trong giai đoạn này chưa cố định, vẫn đang trong giai đoạn hình thành và phát triển. Giáo dục đạo đức cho con cần chú trọng giáo dục tình yêu thương, sự chăm chỉ, biết nghe lời và lễ phép với người trên, nhường nhịn em nhỏ, biết tôn trọng ý kiến của mọi người... Giáo dục đạo đức cho trẻ còn là giáo dục ý thức như ăn ở sạch sẽ, biết sắp xếp các đồ dùng học tập, sinh hoạt ngăn nắp, biết tôn trọng của công, tự mình lựa những giá trị tinh thần cho đời mình, biết cái gì hay, cái gì đẹp để thực hiện, tránh sự độc ác, thấp hèn...

Phát triển trí tuệ, bồi dưỡng năng lực trẻ là nhiệm vụ quan trọng của giáo dục. Trí lực là hạt nhân, linh hồn của năng lực do 5 nhân tố cơ bản tạo nên như: sức tập trung chú ý, năng lực quan sát, trí nhớ, trí tưởng tượng và tư duy. Trí lực ảnh hưởng rất lớn đến thành tích học tập của mỗi cá nhân. Cha mẹ cần nắm được quy luật phát triển tâm lí của trẻ để nuôi dưỡng và phát triển trí lực của con theo phương pháp phù hợp với từng độ tuổi. Cha mẹ cần có tổ chức, sắp xếp cho con có thời gian và không gian học tập ở nhà thoải mái, ổn định; giúp con tạo được hứng thú học tập, thói quen tự lập trong khi làm bài tập để phát huy tính sáng tạo ở trẻ. Ngoài ra cũng nên cho trẻ tham gia các trò chơi kích thích phát triển khả năng phán đoán, sáng tạo để giúp trẻ học tập tốt hơn.

Muốn thành công trong giáo dục con, cha mẹ cần phải nỗ lực kiên trì giúp con phát triển lành mạnh, toàn diện. Cha mẹ cần biết những mặt mạnh, mặt yếu của con để bồi dưỡng và dẫn dắt con phát huy hơn nữa khả năng của mình. Thật ra, những gì trẻ có và đạt được trong hiện tại chưa kết luận được tương lai của chúng. Cha mẹ nên giúp trẻ cố gắng phấn đấu, có niềm tin vào bản thân để nỗ lực vượt qua mọi thử thách, mới mong thành công và có một tương lai tươi đẹp.

1.3. Cha mẹ có quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Giám hộ hoặc đại diện cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

          Đối với con cái đặc biệt là khi con chưa thành niên, chưa trưởng thành hoặc gặp những khiếm khuyết về thể chất, trí tuệ, cha mẹ là đối tượng đầu tiên cho quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho con.

          Khi con cái còn nhỏ, mọi nhu cầu sống cơ bản như ăn, mặc, ở, chăm sóc sức khỏe … đều phụ thuộc vào cha mẹ và dù có nhiều thành viên khác có thể cùng chăm sóc nhưng cha mẹ có quyền quyết định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, trừ trường hợp luật pháp quy định như khi cha mẹ đối xử tàn nhẫn, lạm dụng hoặc không có khả năng nuôi dạy trẻ. Do vậy, với trẻ em, cha mẹ là không thể tách rời. Đôi khi có những gia đình, ông bà vì quá yêu quý con cháu nên giành việc chăm sóc, nuôi dưỡng cháu theo cách của mình hoặc có những người vì xao nhãng bổn phận, trách nhiệm mà không quan tâm, chăm sóc con cái. Đây đều là những biểu hiện vi phạm quyền và nghĩa vụ này của cha mẹ.

          Đối với những đối tượng như người đã thành viên nhưng vì những lý do như bệnh tật mà không thể nhận thức hay làm chủ hành vi của mình hoặc bị khuyết tật, tai nạn mà không có khả năng lao động hoặc không có tài sản tự nuôi mình thì cha mẹ là đối tượng thực hiện việc trông nom, nuôi dưỡng, giám hộ.

          Sinh con và nuôi con khôn lớn, người làm cha mẹ mong muốn con cái trưởng thành, tự lập, tự gây dựng cuộc sống và đến lúc ấy, trách nhiệm của cha mẹ coi như đã hoàn thành và có thể nghỉ ngơi. Tuy nhiên, có những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khi người con không thể tự chăm sóc cho bản thân thì cha mẹ dù có già cả đến mấy vẫn mang nặng trách nhiệm với con. Gánh nặng ấy không phải dễ dàng, nhất là khi cha mẹ già đi, thu nhập giảm sút vì khả năng lao động không còn. Tuy nhiên vì tình yêu thương, vì trách nhiệm, cha mẹ vẫn bao bọc, chăm sóc con trong khả năng của mình. Đó cũng chính là sự thiêng liêng của tình yêu vô điều kiện giữa cha mẹ và con cái.

          2. Trách nhiệm, nghĩa vụ của cha mẹ

2.1. Luôn bảo vệ quyền lợi của con

Trong công ước Quốc tế về Quyền trẻ em, có 28 quyền trong 39 điều với nội dung: Mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được sống, được phát triển, được chăm sóc nuôi dưỡng, được học hành... Như vậy, không phải một đứa trẻ ra đời chỉ liên quan trong phạm vi gia đình mà chúng còn được luật pháp, các tổ chức quốc tế bảo vệ quyền lợi hợp pháp, nhưng cha mẹ là những người trực tiếp, có trách nhiệm bảo vệ mọi quyền lợi cho trẻ trước pháp luật. Bảo vệ quyền lợi của con trước hết là tôn trọng nhân cách đang hình thành và phát triển của con. Trẻ em cũng như người lớn có quyền được học tập, lao động, vui chơi, giải trí, được quyền nói lên những suy nghĩ, sở thích của mình, phát triển những nguyện vọng của mình.

Một vấn đề quan trọng nữa cha mẹ cần lưu ý đó là cần phải tôn trọng và hiểu con. Vì con trẻ như một cuốn sách, mỗi trang đều ghi dấu tâm huyết, tình yêu thương của cha mẹ. Hãy nhìn theo cách của trẻ em - đó là nguyên tắc trong giáo dục trẻ nhỏ. Cha mẹ muốn con nghe lời thì nên nghe con nói. Yêu con tức là nghe và tôn trọng những ý kiến chính đáng của con. Nếu tôn trọng trẻ thực sự, đến một lứa tuổi thích hợp nên cho phép chúng tham gia vào những câu chuyện nghiêm túc của người lớn. Sự bàn luận với người lớn đòi hỏi trẻ phải suy nghĩ, qua đó chúng được rèn luyện cách tư duy lôgíc, chứng minh lập luận, đấu tranh bảo vệ quan điểm của mình. Khi trở thành “người bạn lớn” của con, cha mẹ sẽ được con chia sẻ, kính trọng một cách trọn vẹn.

2.2. Làm gương cho con

Muốn giáo dục con ngoan, hình thành và phát triển nhân cách tốt đẹp của con, để con trở thành một công dân chân chính, các bậc cha mẹ nhất thiết phải gương mẫu hoàn thành các vai trò của mình đối với gia đình và xã hội để con bắt chước và làm theo. Sự gương mẫu của cha mẹ và người lớn trong gia đình thể hiện từ trong lời nói, cử chỉ, hành động, cách ứng xử với mọi người trong và ngoài gia đình. Sự gương mẫu của cha mẹ trong nếp sống hàng ngày tác động đến nhận thức, tình cảm, niềm tin và hành động của con. Gương mẫu tạo ra uy tín của cha mẹ và lòng tôn kính cha mẹ ở con. Để giáo dục gia đình có kết quả, các bậc cha mẹ cần chú ý đến việc rèn luyện, tu dưỡng bản thân. Luôn mẫu mực, luôn nêu tấm gương sáng cho con bắt chước, khi có uy tín với con, được con tin tưởng thì những lời khuyên bảo của cha mẹ sẽ có hiệu quả gấp trăm ngàn lần.

2.3. Cha mẹ không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Không phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ

Mỗi người chúng ta dù là trẻ em hay người lớn đều mong muốn mình được yêu mến, có chỗ đứng trong lòng người thân của mình. Là cha mẹ, ai cũng thương yêu và cố gắng cư xử công bằng với con mình, đặc biệt không phân biệt đối xử giữa con trai và con gái. Truyền thống của người Châu Á trong đó có Việt Nam có xu hướng ưu tiên cho nam giới cho dù nhận thức của xã hội đã thay đổi nhiều và pháp luật về bình đẳng giới đã được ban hành. Nhưng phụ nữ, trẻ em gái vẫn là đối tượng bị đối xử bất bình đẳng ngay trong gia đình. Ngay từ khi còn là những mầm sống, có những gia đình và người làm cha mẹ đã có khuynh hướng muốn sinh con trai và tìm những biện pháp để đạt được việc này. Điều đó đã dẫn đến xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh, trẻ em nam nhiều hơn trẻ em nữ. Đến khi trưởng thành, đặc biệt là khi có gia đình, người con gái đi lấy chồng trở nên ít có tiếng nói trong gia đình cha mẹ và còn phải chịu sự bất bình đẳng trong phân chia tài sản, hưởng quyền thừa kế… Những cản trở, phân biệt với phụ nữ và trẻ em gái ngay trong gia đình, từ phía chính cha mẹ sẽ khiến xu hướng bất bình đẳng giới trong xã hội gia tăng. Do vậy, cha mẹ ngay từ trong suy nghĩ cần tránh việc phân biệt đối xử với con cái, đặc biệt là phân biệt đối xử giữa con trai và con gái để tránh những mâu thuẫn trong gia đình.

Cùng với sự thay đổi về nhận thức, lối sống, cách ứng xử, mô hình gia đình có những người cha/mẹ tái hôn cũng không còn xa lạ. Người con trong những gia đình sẽ phải làm quen với những người không cùng chung huyết thống còn cặp vợ chồng sẽ có thêm những đứa con. Nhiều gia đình còn cùng tồn tại con chung và con riêng và việc không phân biệt đối xử giữa con riêng và con đẻ không đơn giản. Người cha, người mẹ khi ấy phải thực sự có tấm lòng bao dung, rộng lượng và một trái tim nhiều tình yêu và chấp nhận hy sinh để tiếp nhận thêm những người con vào cuộc sống của mình.

Không đánh mắng, xỉ vả, xúc phạm nhân cách của con

Cha mẹ nghiêm khắc với những hành vi sai trái của con là cần thiết, nhưng nếu thái quá, cực đoan sẽ gây ra hậu quả xấu. Nghiêm khắc rất cần thiết nhưng cần kết hợp với lòng khoan dung độ lượng, không nên cố chấp, áp đặt con. Tác hại đầu tiên của việc đánh chửi thô bạo là dẫn đến quan hệ giữa cha mẹ và con xa cách dần, tình cảm gắn bó bị suy giảm. Một đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ đánh chửi thô bạo sẽ khiến trẻ phải sống trong uất ức, bi quan, sợ hãi, thậm chí chúng có thể bỏ nhà ra đi theo kẻ xấu.

Roi vọt không làm nên một đứa trẻ ngoan. Chỉ có sự nghiêm khắc trong tình yêu thương cộng với sự nhẫn nại kiên trì dạy bảo con mới làm cho con tôn trọng cha mẹ, có niềm tin vào cuộc sống và trở thành công dân tốt.

Không lạm dụng sức lao động, xúi giục con làm những điều trái pháp luật

Một thực tế đáng quan tâm hiện nay là do điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức của cha mẹ còn hạn chế, nhiều gia đình đã bắt trẻ tham gia lao động cực nhọc ở tuổi thiếu niên nhi đồng. Trẻ lao động nặng quá sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể đang phát triển, trẻ dễ  bị chấn thương cột sống, bị giảm sút về sức khỏe, trí lực... Khi phải làm việc nặng nhọc, trẻ thường mỏi mệt, không còn hứng thú học bài. Trong gia đình, trẻ cần được tham gia lao động, nhưng phải vừa sức, phù hợp với từng độ tuổi đang phát triển để tạo cho trẻ tính tự lập, trách nhiêm và tích cực hoạt động sáng tạo.

Điều đáng lên án nhất ở đây là có những gia đình vì chạy theo đồng tiền mà đánh mất cả lương tâm đạo đức. Họ lợi dụng trẻ em ngây thơ, không  bị công an theo dõi để khuyên bảo làm cả những việc trái pháp luật như đưa thuốc phiện, ma túy, heroin... hoặc dẫn trẻ chưa đến tuổi vị thành niên vào con đường cờ bạc, mại dâm...Tương lai các em sẽ ra sao? Nhân cách trẻ sẽ phát triển như thế nào? Liệu những đứa trẻ này có thể thoát khỏi vòng tù tội hay không? Nhiều em đã và đang phải chịu bao nỗi bất hạnh của nạn bạo lực, ruồng bỏ, đối xử tàn nhẫn và bóc lột. Là người làm cha làm mẹ, xin đừng bao giờ đối xử tàn nhẫn với con trẻ mà hãy nâng niu, tạo cho các con một tương lai tốt đẹp hơn cho dù hoàn cảnh gia đình của mình có thể đang có những khó khăn, vướng mắc./.                                    


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.138.431
    Online: 49