Thực hiện chương trình công tác năm 2019, phòng Di sản Văn hóa phối hợp với Bảo tàng tỉnh và các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện khảo sát, kiểm kê di sản văn hóa tiêu biểu của một số dân tộc trong tỉnh, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể Then Thái và Nghệ thuật Xòe Thái tỉnh Điện Biên, là hai di sản văn hóa của người Thái đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hiện tại đã hoàn thiện hồ sơ đề cử quốc gia trình UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Then là một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, gắn bó sâu sắc trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng của một số dân tộc, trong đó có người Thái ở Điện Biên. Từ kết quả kiểm kê, có thể khẳng định Then Thái là di sản luôn thể hiện được sức sống mãnh liệt và khả năng bảo tồn, phát triển không chỉ trong cộng đồng dân tộc Thái mà còn lan tỏa sang một số dân tộc khác như Hoa, Kinh, Mông, Dao. Ngoài những tên tuổi làm Then đã thành danh, được nhà nước và cộng đồng ghi nhận như: Nghệ nhân ưu tú Vàng Văn Thức ở Thị xã Mường Lay ,Nghệ nhân ưu tú  Khoàng Văn Dọng ở huyện Mường Chà; còn có một số người làm Then lâu năm như Khoàng Văn Quán, Lò Thị Xính (ở Mường Lay), Lừ Thị Thiếm (ở huyện Điện Biên) và Mo Một Mào Văn Tín (ở huyện Tủa Chùa), chúng ta còn được biết thêm những người mới được bắc cầu truyền nghề Then là Phan Thị Toàn (ở huyện Mường Chà); Lường Thị Quý (ở huyện Tuần Giáo). Ngoài những người được truyền nghề Then hiện đang cư trú trong tỉnh Điện Biên, có một số học trò của các Then là người của các tỉnh như Lai Châu, Sơn La, Quảng Ninh: Lò Văn Hun, sinh năm 1964, nơi cư trú: bản Na Nố, xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La; Cam Văn Hỷ, sinh 1970, cư trú tại Thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La; Nguyễn Văn Hồng, sinh 1983, cư trú tại Việt Dân, Đông Triều, Quảng Ninh là học trò của Then Vàng Văn Thức; hay Cà Văn Phịnh, sinh năm 1971, nơi cư trú: bản Co Lẹ, xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu là học trò của Then Lò Thị Xính.

Trong năm 2019 các Then và Mo Một đều thực hiện thực hành then thông qua việc tham gia các hoạt động trình diễn trong các dịp lễ hội do các địa phương và các ngành tổ chức hoặc qua việc các Then làm lễ kin pang như: Then Vàng Văn Thức, Khoàng Văn Dọng; Mo Một Mào Văn Tín. Tuy nhiên hoạt động chính để thực hành then chính là việc gọi hồn, giải hạn, cầu phúc, cầu may, tạ ơn bố mẹ ông bà đã mất, cầu con cho nhân dân các dân tộc trong vùng, vùng lân cận và một số tỉnh bạn. Tính đến thời điểm kiểm kê (tháng 10/2019), các Then và Mo Một trong tỉnh đã thực hành Then thông qua việc làm các nghi lễ cầu phúc và nhận con nuôi cho hơn ba trăm người, với đủ các lứa tuổi, giới tính, cư trú ở các tỉnh như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La.         

Cũng như Then, Nghệ thuật Xòe Thái là một loại hình trình diễn nghệ thuật dân gian có nguồn gốc từ xa xưa, có sức hấp dẫn và lôi cuốn mạnh mẽ của dân tộc Thái. Nói về Xòe ở đâu có người Thái thì ở đó có Xòe, bởi trong Xòe chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, nhiều khát vọng của con người, qua điệu Xòe Thái, chúng ta có thể nhận biết được thái độ, ý thức, thẩm mĩ, sức sáng tạo của người Thái xưa. Người Thái có hai hình thức trình diễn Xòe đó là Xòe trong sinh hoạt và Xòe trong các nghi lễ tín ngưỡng dân gian

Nguồn gốc của Xòe trong sinh hoạt của người Thái bắt nguồn từ nghề trồng lúa kết hợp với săn bắt, hái lượm và khai thác thuỷ sản. Xòe trong sinh hoạt của người Thái có hai điệu chính là xé vòng (múa vòng) xé cắp (cạm bẫy hay còn gọi là múa sạp). Đây là hai điệu xòe sơ khai, đơn giản dễ thực hiện, thể hiện đậm nét sự gắn kết, sẻ chia, ít mang tính lễ nghi và được nhiều thành viên trong cộng đồng tham gia thực hành. Qua thực tiễn điền dã kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Xòe Thái ở một số địa phương trong tỉnh Điện Biên như: Mường Lay, Mường Chà, Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa cho thấy, ở tất cả các bản làng người Thái (kể cả người Thái trắng và người Thái đen) đều có xé vòng. Xé vòng (xòe vòng) chứa đựng trong nó sự duyên dáng, dịu dàng, ấm áp của đôi tay, ánh mắt, của tình người trao nhau ấm nồng. Vào những dịp mừng xuân, lên nhà mới, cưới xin, lễ hội bản mường hay một buổi "nhá pháy" tức là thôi ngồi lửa cho bà mẹ và đặt tên cho em bé, gia đình nào có liên hoan là có xòe. 

Ngoài các điệu xòe trong sinh hoạt, người Thái còn có các điệu xòe truyền thống trong các nghi lễ tín ngưỡng của dân tộc đó là các điệu xòe gắn với Kin pang Then của người Thái, ngành Thái trắng: xé khăn (múa khăn), xé ví (múa quạt), xé tụp (múa nón), xé má hính (múa quả nhạc).

Gắn Kin Pang Then của người Thái trắng tại các địa điểm thực hiện kiểm kê năm 2019 là bản Na Lát, bản Đán, bản Hốc, phường Na Lay của thị xã Mường Lay; bản Nậm Nèn, Phiêng Đất thuộc xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà; Đội 5,6, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, là một trong những địa bàn cư trú tập trung của người Thái trắng các điệu xòe trên vẫn được duy trì tốt, trong đó phải kể đến việc thực hành then và Kin Pang Then của Nghệ nhân ưu tú Vàng Văn Thức, bản Na Lát, thị xã Mường Lay và Nghệ nhân ưu tú Khoàng Văn Dọng, xã Nậm Nèn huyện Mường Chà hay Kin Pang Một của Mo Một Mào Văn Tín, Đội 6 (Phai Tông), xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa. Như vậy các điệu xòe trong sinh hoạt tín ngưỡng của người Thái sẽ cùng tồn tại, cùng phát triển với nghệ thuật Then Thái. Không những vậy, các điệu xòe này còn được phát triển sáng tạo thành các điệu mới như: Múa Chai, múa đếp, múa khăn với các điệu mới..., được các đội văn nghệ trong các bản làng của người Thái biểu diễn phục vụ nhân dân, du khách như: Câu lạc bộ văn nghệ phường Na Lay, thị xã Mường Lay; đội văn nghệ bản Him Lam II, thành phố Điện Biên Phủ; đội văn nghệ bản Phiêng Đất, Nậm Nèn, xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà...


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.291.978
    Online: 56