Bản Cổng Trời nằm trên dải đất dọc theo đường quốc lộ 12 có lợi thế là điểm dừng chân lý tưởng trên hành trình du lịch vòng cung Tây Bắc. Không chỉ thuận lợi về giao thông, Cổng Trời còn là nơi để chúng ta nghiên cứu, tìm hiểu về phong tục tập quán của người Mông hoa, đặc biệt là kho tri thức về ý nghĩa, giá trị của những hoa văn được tạo ra trên trang phục của người Mông hoa. Những hoa văn ấy thực sự được coi là tác phẩm nghệ thuật được lưu truyền từ đời này, qua đời khác.

Hiện nay, các bộ trang phục của người Mông hoa được trang trí các họa tiết hoa văn mang tính nghệ thuật cao, thể hiện và lưu giữ tri thức dân gian, những quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan của người Mông. Duy trì và phát triển những tri thức dân gian đó là hình thức bảo tồn, phát triển mỹ thuật dân gian, có tác động tích cực đến việc giáo dục thế hệ trẻ việc kế thừa, bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là trang phục dân tộc.

Hoa văn trên trang phục người Mông thường chuyển tải tư duy, thể hiện những suy nghĩ về cuộc sống gồm: hoa văn hình học, hoa văn hình núi, hình rẻ quạt, hình răng cưa, hoa văn hình chấm tròn to nhỏ khác nhau, hoa văn những đường gạch dài và ngắn song song; hoa văn hình zíc zắc, hình ô trám, hình xoắn ốc, sóng nước,  hình hoa 4 cánh, hoa 8 cánh, hình hoa cúc, hình con xên, hình vuông...

Quy trình để tạo ra những bộ trang phục với những hoa văn lộng lẫy được bắt nguồn từ khâu trồng lanh, dệt vải rồi đến kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải. Đây hoàn toàn do trí tư duy sáng tạo được thể hiện qua bàn tay khéo léo của con người tạo ra những kiểu dáng hoa văn phong phú. Sau đó mới tiến hành thêu, ghép, chắp, can vải tạo hoa văn trên trang phục người Mông hoa. Các họa tiết hoa văn được thêu bằng chỉ màu đỏ, hồng, cam, xanh lá mạ có sự phối màu một cách hài hòa và người thêu phải tính toán theo một nguyên tắc nhất định. Chắp vải ở thân váy, tay áo nữ  là kỹ thuật tạo hoa văn bằng nhiều dải vải màu nhỏ, màu sắc khác nhau khâu lên trên một tấm vải đã vẽ hoa văn bằng sáp ong hoặc nhuộm chàm. Người Mông có kỹ thuật đáp vải rất tinh xảo gọi là "đáp vải ngược", nghĩa là mảnh vải đáp được cắt lượn thành các hoạ tiết rồi đáp lên y phục để lộ màu nền bên dưới cùng kỹ thuật thể hiện các mô típ hoa văn giàu màu sắc. Một trong những khâu khá cầu kỳ cho bộ trang phục của nữ giới là kỹ thuật "Triết nếp tạo sóng váy", những nếp chân váy được tạo ra giúp cho váy có độ dày và mềm mại.

Thông qua những họa tiết, màu sắc của trang phục đã giúp chúng ta dễ dàng nhận diện được các ngành Mông khác nhau, đó cũng là điểm nhấn để cảm nhận về sắc màu văn hóa của người Mông nói riêng, các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung. Tuy nhiên, một trong những mắt xích quan trọng để tạo ra những bộ trang phục độc đáo  ấy là kỹ thuật dệt truyền thống của người Mông nhưng hiện nay đang bị mai một cần được phục hồi và phát triển.

Kỹ thuật vẽ hoa văn bắng sáp ong trên vải, dệt, thêu hoa văn trên trang phục của người Mông hoa hiện hữu trên các sản phẩm trang phục truyền thống đã truyền dạy, kế tục qua nhiều thế hệ minh chứng cho sức sống của di sản. Đây là vốn tri thức dân gian quý báu và có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống và tâm linh được tổ tiên người Mông nói chung và người Mông hoa nói riêng đã có công sáng tạo và trao truyền qua nhiều thế hệ. Sản phẩm được tạo ra từ vốn tri thức đó không chỉ đáp ứng nhu cầu mặc hàng ngày mà nó còn gắn với đời sống tâm linh, gắn bó với lịch sử tộc người. Trong hôn lễ hay tang ma, vải lanh là một vật biểu trưng không thể thiếu. Người Mông từ bao đời nay quan niệm rằng: Sợi lanh là sợi dây nối giữa con người với thần linh, giữa người chết với người sống. Trang phục vải lanh là một dấu hiệu nhận biết giữa người chết với tổ tiên của họ. Khi mừng thọ cho bố mẹ già thì con phải sắm cho mỗi người một bộ áo lanh, để sau này khi về với tổ tiên mặc áo đó thì người ở thế giới bên kia mới nhận biết được. Theo phong tục của tộc người Mông, trong tang ma, khi khâm liệm thì quần áo mặc cho người chết cũng như dây đeo các loại vật dụng khác như: dao, nỏ, cáng, thừng buộc trâu đều làm bằng chất liệu lanh, người đến phúng viếng cũng mặc trang phục lanh.

Vốn tri thức dân gian này chủ yếu do người phụ nữ nắm giữ, thực hành và truyền dạy cho con cháu nối nghiệp nên có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng người Mông. Đây là tiêu chí đánh giá tài năng, phẩm chất, đạo đức, sự khéo tay, chăm chỉ của phụ nữ Mông.

Hiện nay, Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông Hoa tại bản Cổng Trời đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại văn bản số 3421/QĐ-BVHTTDL, ngày 11/9/2017.

Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông mang ý nghĩa và giá trị lớn về văn hóa tộc người. Do vậy, trong thời gian tới cần làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, trong đó có di sản của người Mông.  Có thể gìn giữ và phát huy giá trị của di sản gắn với tổ chức các hoạt động như Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc, Hội thi, Hội diễn nghệ thuật để trình diễn trang phục dân tộc, tạo điều kiện cho di sản có môi trường tồn tại và phát triển. Lồng ghép phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia "Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa tại bản Cổng Trời, xã Sa Lông, huyện Mường Chà" với việc duy trì tổ chức Tết Nào pê chầu - Tết truyền thống của người Mông và đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các di sản tiêu biểu thuộc tập quán xã hội và tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện nhằm phát triển du lịch cộng đồng góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.

Lan Anh


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.418.891
    Online: 31