Năm 2018, Du lịch Việt Nam kỷ niệm 58 năm trưởng thành và phát triển (09/7/1960 - 09/7/2018), Du lịch Điện Biên kỷ niệm 26 năm (28/11/1992 - 28/11/2018). Nhìn lại chặng đường phát triển của Du lịch Việt Nam, ngành Du lịch Điện Biên còn rất nhiều việc phải làm, phải hành động để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Vậy Du lịch là gì? Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch, đồng thời Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, là công cụ để xóa đói, giảm nghèo, làm giàu hiệu quả mà bền vững… Bởi thế sau 39 năm thành lập, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Du lịch ngày 08/02/1999; Quốc hội ban hành Luật Du lịch ngày 14/6/2005 (Luật Du lịch 2005) và Luật Du lịch ngày 19/6/2017 (Luật Du lịch 2017). Đặc biệt ngày 16/01/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống quan điểm, mục tiêu, giải pháp thống nhất: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Như vậy đến nay phát triển du lịch của các quốc gia cũng như của Việt Nam đã được xác định rất rõ ràng bằng các cam kết cụ thể thông qua hệ thống thể chế chính sách và đầu tư nguồn lực cho phát triển; đặc biệt khi nhà nước xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội phát triển theo hướng bền vững.

Để Du lịch Điện Biên phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, sinh thái và tâm linh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-UBND ngày 31/01/2008 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Điện Biên giai đoạn đến năm 2020”; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1465/QĐ-TTg ngày 24/8/2015 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể Khu Du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2030 Điện Biên Phủ - Pá Khoang trở thành Khu Du lịch Quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, có thương hiệu và sức cạnh tranh mang đậm đặc trưng văn hóa vùng Tây Bắc gắn với giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 23/5/2016, Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 14/10/2016; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1421/QĐ-UBND ngày 11/11/2016 ban hành “Chương trình phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với các nội dung cơ bản như: xây dựng và thực hiện quy hoạch; xây dựng cơ chế chính sách; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với tài nguyên du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tuyên truyền quảng bá xúc tiến đầu tư vào du lịch; cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực quản lý nhà nước và hội nhập, hợp tác, liên kết phát triển du lịch.

Điện Biên được khách du lịch biết đến với những đặc trưng: thiên nhiên hùng vĩ, lịch sử hào hùng, văn hóa đặc sắc, con người thân thiện và mến khách. Là tỉnh có vị trí địa lí thuận lợi về giao thông để kết nối với các điểm đến như: đường bộ với Tây Bắc Việt Nam, với Vân Nam (Trung Quốc), với các nước ASEAN; đường hàng không đến các thị trường lớn và đường thủy liên hồ Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ; văn hóa tập quán của 19 dân tộc; hệ sinh thái đa dạng, … Đó là những tài nguyên để phát triển sản phẩm riêng biệt và có sức cạnh tranh cao. Để phát triển du lịch nhanh và bền vững, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đưa ra mục tiêu phát triển du lịch cho các quốc gia về phát triển hài hòa bền vững khi và chỉ khi đạt được 5 mục tiêu với ý nghĩa đầy đủ của nó đó là: kinh tế - xã hội - môi trường - gìn giữ văn hóa và hòa bình, hợp tác.

10 năm Du lịch Điện Biên và những vấn đề đặt ra

Thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020, cùng với nhiều chương trình, kế hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh và các cấp các ngành đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị thuộc các thành phần kinh tế tin tưởng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực để tổ chức hoạt động dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng và khả năng phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế:

- Năm 2007, toàn tỉnh có 01 doanh nghiệp lữ hành; 37 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch; 3.500 lao động; doanh thu từ du lịch đạt 61,5 tỷ đồng; đón 180.000 lượt khách, trong đó 22.000 lượt khách quốc tế.

- Năm 2017, toàn tỉnh có 05 doanh nghiệp lữ hành, tăng 05 lần so với năm 2007; 142 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, tăng 3,84 lần so với năm 2007; 12.000 lao động, tăng 3,4 lần so với năm 2007; doanh thu từ du lịch đạt 950 tỷ đồng, tăng 15,45 lần so với năm 2007; đón 600.000 lượt khách du lịch, tăng 3,33 lần so với năm 2007, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 120 ngàn, tăng 5,45 lần so với năm 2007.

Kết quả đạt được trên đây thật đáng tự hào đối với du lịch Điện Biên trong 10 năm kế thừa và phát triển. Song không thỏa mãn với kết quả đã đạt được mà ngành Du lịch Điện Biên luôn trăn trở với những khó khăn, thách thức cản trở du lịch phát triển:

Các cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh và các ưu đãi cho các doanh nghiệp kinh doanh chưa được ban hành và thực hiên một cách đồng bộ. Nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu, vừa yếu làm cho chất lượng dịch vụ du lịch chưa được nâng cao. Các đơn vị, doanh nghiệp du lịch có quy mô nhỏ, đầu tư tự phát. Sản phẩm du lịch chưa phong phú. Ý thức bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch chưa được quan tâm đúng mức. Tính liên kết vùng, ngành, doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Công tác quảng bá, xúc tiến dầu tư du lịch chưa được quan tâm để hướng tới tính chuyên nghiệp, có tính lan tỏa cao tới các thị trường khách. Chưa đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch cộng đồng để khai thác nguồn tài nguyên về tự nhiên, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Hiệp hội Du lịch tỉnh Điện Biên chưa được thành lập để tham gia xây dựng, phổ biến, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật, chính sách về du lịch; tham gia xúc tiến du lịch, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch; đánh giá, tư vấn, thẩm định tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng dịch vụ cho doanh nghiệp và lao động trong ngành du lịch; xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh cho các hội viên; huy động các nguồn lực xã hội để triển khai hoạt động du lịch theo quy định của pháp luật; Tổ chức triển khai việc thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp, vận động hội viên kinh doanh du lịch đảm bảo chất lượng dịch vụ; Phát hiện và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lí các vi phạm pháp luật về du lịch, bảo vệ môi trường.

Tóm lại, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đòi hỏi nguồn lực đầu tư cao, nhu cầu của khách du lịch ngày càng đa dạng và đòi hỏi cao, mặt khác hoạt động du lịch rất nhạy cảm với khí hậu, môi trường, bệnh dịch, an ninh trật tự. Du lịch chỉ phát triển được khi và chỉ khi có sự quan tâm, lãnh đạo, quản lí thống nhất của nhà nước, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, sự đồng thuận của cộng đồng dân cư./.

Nguyễn Văn Năm

Trưởng Phòng Nghiệp vụ Du lịch


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.436.501
    Online: 34