Điện Biên tự hào gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; bên cạnh đó Điện Biên còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử gắn với quá trình đấu tranh, giữ nước của dân tộc và nhiều danh lam thắng cảnh, thiên nhiên kỳ thú trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Được sự quan tâm của UBND tỉnh, các bộ ngành Trung ương, sự nỗ lực cố gắng của cán bộ công chức, viên chức trong lĩnh vực di sản văn hóa, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 21 di tích được công nhận xếp hạng; trong đó: 01 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 12 di tích cấp Quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh. Đây là những tài nguyên vô giá, không những nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau mà còn là cơ sở để Điện Biên đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội xóa đói giảm nghèo, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và chủ quyền biên giới quốc gia.
Sở đã tích cực, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 04/10/2016 về việc ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Điện Biên và tham mưu triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, trình HĐND, UBND tỉnh.
Thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo 02 Bảo tàng, phòng Văn hóa, Thông tin các huyện, thị xã, thành phố tham mưu, hướng dẫn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn, cụ thể:
Hướng dẫn quy trình trùng tu, tôn tạo các di tích đảm bảo quy định hiện hành của pháp luật về Di sản Văn hóa.
Phối hợp với các Phòng, đơn vị trực thuộc Sở và các đơn vị có liên quan thẩm định các dự án về bảo tồn, phát huy giá trị di tích; dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích có khả năng ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường di tích.
Thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm di tích.
Công tác thuyết minh tại các điểm di tích cũng như công tác phục vụ đón tiếp khách tham quan luôn được đặc biệt quan tâm; nội dung các bài thuyết minh được biên soạn, chỉnh lý thường xuyên để truyền tải thông tin chính xác, gây xúc động cho người nghe, nâng cao chất lượng hoạt động thuyết minh, cung cấp những kỹ năng cần thiết trong giao tiếp ứng xử, phục vụ khách.
Phối hợp với các Phòng, đơn vị, cơ quan, bàn ngành trong tỉnh tuyên truyền, quảng bá giá trị của các di tích thông qua nhiều hình thức như: nghiên cứu xuất bản được một số sách phục vụ tuyên truyền, xuất bản, phát hành các tài liệu, cẩm nang thông tin du lịch như: tập gấp, tờ rơi, bản đồ du lịch; sản xuất phim về đề tài văn hóa, du lịch, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, phát huy giá trị các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số hạn chế:
Việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng còn manh mún, thiếu tính đồng bộ; nhiều di tích đủ điều kiện để xếp hạng xong chưa được lập hồ sơ khoa học đề nghị các cấp xếp hạng, đặc biệt là các điểm di tích thành phần thuộc di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. Tiến độ lập hồ sơ đôi lúc còn chậm và chưa thực sự khoa học, chưa đạt yêu cầu và chưa được áp dụng các tiến bộ khoa học, nhất là công nghê thông tin.
Việc bảo quản hiện vật chưa đạt yêu cầu còn để hiện vật bị xuống cấp, phá hủy nhanh, quản lý còn chưa thực sự khoa học.
Đa phần di tích chưa được cắm mốc bảo vệ, một số điểm di tích đã được cắm mốc nhưng số lượng mốc còn quá mỏng và chưa được gắn tọa độ vệ tinh, chưa đảm bảo yêu cầu khoa học, một số điểm không có khu vực bảo vệ II, vì vậy tình trạng xâm hại, lấn chiếm di tích vẫn còn (chủ yếu là các điểm di tích thành phần thuộc di tích Chiến trường Điện Biên Phủ). Việc triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các điểm di tích còn chậm, đặc biệt tình trạng vi phạm, xâm lấn đất đai di tích vẫn còn xảy ra. Bên cạnh đó sự thiếu ý thức của một số cá nhân cũng làm cho di tích bị xuống cấp, phá vỡ môi trường, cảnh quan. Sự phân cấp giữa các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương còn hạn chế.
Bộ máy quản lý di tích chưa được kiện toàn, chưa thành lập được ban quản lý di tích cấp tỉnh, tại các địa phương chưa có ban, tổ quản lý di tích. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di tích còn thiếu, trình độ chuyên môn chưa phù hợp, nhất là cán bộ chuyên môn phụ trách trùng tu, tôn tạo di tích. Các chính sách tôn vinh, khen thưởng, động viên đối với tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp với công tác bảo vệ, gìn giữ, phát hiện di tích chưa được kịp thời.
Các hoạt động trùng tu, tôn tạo tuy đã được chú trọng nhưng còn chậm, kinh phí đầu tư cho việc trùng tu, tôn tạo, khoanh vùng, cắm mốc bảo vệ di tích còn thấp, việc phân bổ kinh phí còn dàn trải, thời gian trùng tu, tôn tạo di tích thường kéo dài, không dứt điểm và chưa đáp ứng nhu cầu quy mô của di tích. Việc trùng tu tôn tạo một số di tích thuộc cấp huyện quản lý chưa đảm bảo quy định của Luật Di sản Văn hóa, như Di tích Khó Chua La tại Tủa chùa.....
Công tác tuyên truyền, vận động chưa sâu, chưa tạo được ý thức, trách nhiệm ở mỗi cá nhân, vẫn còn tình trạng ỷ lại, thiếu ý thức, vì thế di tích vẫn bị hủy hoại, xuống cấp do các hành vi vi phạm trực tiếp hoặc gián tiếp của con người gây ra.
Để công tác quản lý, phát huy giá trị các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh ngày càng được tốt hơn, đáp ứng yêu cầu giáo dục truyền thống và phục vụ công tác tham quan, nghiên cứu, Sở tập trung chỉ đạo một số nội dung trọng tâm, cụ thể như sau:
Yêu cầu Phòng văn hóa, Thông tin các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trong phạm vi địa phương quản lý. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn làm tốt công tác phối hợp quản lý di tích trên địa bàn nhằm bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị của di tích. Phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ và xử lý các vi phạm di tích theo thẩm quyền và quy định của Nhà nước; báo cáo, đề xuất và đề nghị cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ, phát huy giá trị các di tích.
Đồng thời tăng cường công tác truyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn. Hàng năm tổng hợp, báo cáo kết quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh của địa phương về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Các Phòng, đơn vị trực thuộc Sở tích cực hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích theo thẩm quyền. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố quản lý hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích theo Luật Di sản văn hóa. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý, phối hợp xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến các hành vi xâm phạm di tích theo quy định của pháp luật. Xây dựng kế hoạch cho công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa đồng thời giới thiệu các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di tích thông qua các xuất bản phẩm (sách, tập gấp, phim), các ấn phẩm báo chí, xây dựng các chuyên mục và thông qua cổng thông tin điện tử của Ngành để đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về quản lý, bảo vệ di tích, đến với nhiều đối tượng đặc biệt là lãnh đạo UBND cấp xã và cán bộ văn hóa các xã, phường trên địa bàn tỉnh có di tích cấp tỉnh cấp quốc gia được công nhận, từ đó nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn.
Xây dựng các đề án, dự án khoanh vùng cắm mốc để bảo vệ sự toàn vẹn của di tích, tham mưu việ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các di tích đặc biệt triển khai cấp thiết đối với di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ.
Tăng cường chất lượng công tác khảo sát xếp hạng di tích đặc biệt đối với những địa bàn chưa có di tích được xếp hạng.
Duy Trình, Thanh Tâm, phòng Di sản Văn hóa