Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008 nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, góp phần củng cố và xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Ngay sau khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành, UBND tỉnh Điện Biên đã thành lập Ban chỉ đạo công tác gia đình của tỉnh tham mưu chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình tổ chức phổ biến, quán triệt Luật, các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình, công tác phòng, chống bạo lực gia đình tới cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thị, thành phố, cấp xã, đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình cấp tỉnh, phòng Văn hoá, Thông tin các huyện, thị xã, thành phố, đội ngũ cán bộ văn hoá của 130 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; đưa nội dung tuyên truyền phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình vào kế hoạch, chương trình phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm của địa phương.

Ngày 17/5/2010, UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo triển khai kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh Điện Biên giai đoạn 2010 - 2015. Theo đó hằng năm Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch triển khai công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình, thành lập ban chỉ đạo xây dựng mô hình điểm can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình của tỉnh tại cơ sở. Tổ chức tập huấn, và giám sát thường xuyên các hoạt động can thiệp, phòng chống bạo lực gia đình hằng năm cho đội ngũ làm công tác gia đình ở cơ sở. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao trình độ nhận thức và năng lực cho cán bộ làm công tác gia đình các cấp về Luật hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình; trang bị những kiến thức làm cha, mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình...

Từ năm 2008 - 2018, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, các sở, ban, ngành đã ban hành 04 quyết định, 23 kế hoạch và 76 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các hoạt động quản lý Nhà nước về phòng, chống baọ lực gia đình. Công tác truyền thông đại chúng được các sở, ban, ngành là thành viên trong Ban chỉ đạo thực hiện thông qua các hoạt động của ngành bằng nhiều hình thức phong phú như: Phát tờ rơi, xuất bản sách, tập huấn, tọa đàm, Hội thảo, băng zôn, áp phic, Hội thi, website; lồng ghép nội dung Luật phòng, chống bạo lực gia đình vào các chương trình tuyên truyền, cổ động, triển lãm, sách, báo, tin ảnh...

Tính đến 30/6/2018, toàn tỉnh có 912 địa chỉ tin cậy, trong đó có 307 địa chỉ tin cậy do các cơ sở Hội thành lập tại 130 xã, phường, thị trấn. Các địa chỉ tin cậy hoạt động tương đối hiệu quả, nhanh chóng can thiệp giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra trên địa bàn, đồng thời phát huy được khả năng tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định về pháp luật của Nhà nước. Do làm tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình được tiến hành đồng bộ với nhiều biện pháp: Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng; góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư, tư vấn, hóa giải... nên số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể: năm 2009 xảy ra 798 vụ Bạo lực gia đình trong đó bạo lực đối với người già 135 vụ, đối với phụ nữ 379 vụ, đối với trẻ em 284 vụ thì đến năm 2018 số vụ bạo lực gia đình giảm còn 54 vụ (trong đó bạo lực đối với người già là 03 vụ,  đối với phụ nữ 44 vụ, trẻ em 01 vụ, đối với nam giới 06 vụ). Người gây bạo lực gia đình chủ yếu là nam giới, chiếm 92% tổng số vụ bạo lực gia đình. Hình thức bạo lực chủ yếu là bạo lực thể chất và bạo lực về tinh thần, ngoài ra còn bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục.

Qua 10 năm triển khai thực hiện luật Phòng, chống bạo lực gia đình, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã đạt được nhũng kết quả nhất định, các cấp các ngành và các địa phương ngày càng quan tâm, chỉ đạo được đông đảo Nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực; nhận thức về phòng chống bạo lực gia đình của người dân được nâng lên, tình trạng bạo lực gia đình giảm đáng kể; các mô hình, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững được duy trì có chất lượng và đang được nhân rộng, đây là một trong những tác nhân góp phần ổn định xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, làm cho chất lượng cuộc sống của các cá nhân và gia đình được cải thiện.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác phòng chống bạo lực gia đình, tuy nhiên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhận định, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập và các vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình và quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình như: Cơ chế chính sách còn bất cập, kinh phi đầu tư hạn hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, đời sống của nhân dân ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; đội ngũ làm cán bộ công tác gia đình đa số là kiêm nhiệm, cán bộ trẻ chưa có kinh nghiệm; việc tổ chức các hoạt động truyền thông quy mô lớn, chuyên sâu còn khó khăn, chưa thường xuyên, công tác tuyên truyền chủ yếu là lồng ghép nên hiệu quả chưa cao; công tác phát hiện, xử lý, giải quyết vụ việc bạo lực gia đình trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn do nạn nhân bị bạo lực còn mặc cảm, e ngại, các thành viên gia đình còn che giấu, không quyết liệt tố giác hành vi bạo lực gia đình; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội có diễn biến phức tạp; định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ còn tồn tại trong Nhân dân. Những khó khăn nêu trên đòi hỏi trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cần  xây dựng và thực hiện cơ chế huy động phối hợp các nguồn lực, lồng ghép triển khai công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các lĩnh vực, gắn thực hiện công tác gia đình với thực hiện chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, tạo phong trào thi đua rộng khắp giữa các cơ quan đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh.

Bài, ảnh: Thu Thủy


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.155.460
    Online: 11