Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc, được thiên nhiên ưu đãi với địa hình đa dạng, cảnh quan hùng vĩ, nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn khá phong phú, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái.

Điện Biên có nhiều di tích lịch sử gắn với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, tiêu biểu là các di tích như: Tháp Mường Luân, Thành Tam Vạn, Thành Bản Phủ, Đền thờ Hoàng Công Chất...đặc biệt là Quần thể di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Cùng với đó là các vùng sinh thái tự nhiên khá lớn như: Hồ Pa Khoang, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, rừng Mường Phăng, động Pa Thơm, hang Thẩm Púa, các điểm suối khoáng U Va, Hua Pe (Điện Biên), bản Sáng (Tuần Giáo), hồ thủy điện Sơn La... Đây là những tiềm năng quý để khai thác và phát triển dịch vụ du lịch.

Ngoài ra, Điện Biên còn là nơi hội tụ và sinh sống của 19 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng, gồm cả văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể; những thiết chế văn hóa xã hội truyền thống của từng dân tộc như: thiết chế Bản mường của người Thái dựa trên lãnh thổ công, thiết chế dòng họ của người H’Mông...; những phong tục tập quán trong sản xuất, sinh hoạt và trong tín ngưỡng, hội hè của mỗi dân tộc, cùng với những món ăn đặc sản mang đậm nét của vùng cao Tây Bắc... là những tiềm năng lợi thế trong phát triển du lịch nhân văn rất hấp dẫn đối với du khách, nhất là du khách quốc tế. Thêm vào đó, sự mến khách và lòng nhiệt thành của con người Điện Biên cũng là nền tảng vững chắc cho ngành du lịch phát triển.

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và đầu tư của Nhà nước, sự phối hợp giúp đỡ của các bộ, ban, ngành và các địa phương, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh có bước phát triển tích cực. Công tác xây dựng quy hoạch, ban hành các chương trình, đề án phát triển du lịch được chú trọng triển khai thực hiện. Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, sản phẩm du lịch từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của khách du lịch trong nước và quốc tế. Các khu, điểm di tích lịch sử được trùng tu, tôn tạo; các thiết chế văn hóa, cơ sở lưu trú du lịch được đầu tư … là điều kiện thuận lợi để tỉnh tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội gắn với các hoạt động quảng bá và phát triển du lịch, góp phần nâng cao tỷ trọng lĩnh vực dịch vụ du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. 

Để định hướng phát triển du lịch, kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020; phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch sinh thái hang động Pa Thơm; ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Điện Biên; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang, tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1465/QĐ-TTg ngày 24/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ).

Để phát huy tiềm năng và lợi thế về du lịch của Điện Biên thì vấn đề đào tạo  người làm du lịch cũng rất quan trọng và cần được quan tâm. Vì thế công tác đào tạo, tập huấn kỹ năng nghề cho các cá nhân, cơ sở kinh doanh du lịch được Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định là một trong những hoạt động trọng tâm trong lĩnh vực du lịch. Trong  năm 2017 và  những năm tới Ngành sẽ  phối hợp với các cơ sở đào tạo, tổ chức các lớp tập huấn cho đối tượng là chủ cơ sở và người quản lý tại các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, với mục đích giúp các cơ sở nắm vững kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để vận dụng vào điều kiện thực tế tại cơ sở, nâng cao nghiệp vụ quản lý và chất lượng phục vụ khách du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch Điện Biên đã được xác định và từng bước khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Song những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực du lịch tỉnh là không nhỏ. Chính vì vậy, những nỗ lực nắm bắt xu thế để biến tiềm năng thành thế mạnh du lịch trên địa bàn của tỉnh với những giải pháp đồng bộ tập trung vào phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch... được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến tích cực để du lịch Điện Biên phát triển.

         Đỗ Quyên

Phòng Nghiệp vụ Văn hóa


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.283.410
Online: 36