Điện Biên là miền đất “Địa linh - nhân kiệt” có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, là phên dậu phía Tây Bắc kinh thành Thăng Long xưa, nói về vùng đất này, Nguyễn Bá Thông một danh nhân thời Trần trong bài Phú Thiên Hưng có viết: “Ai Lao liền giải, gang chắn Vân Nam. Cổ áo trăm mường, yết hầu sáu cõi. Núi vươn ngọn đua cao. Núi tụ phơi dải xanh ngần. Thác họp mặt tung dềnh trắng xóa, tạo nên vòm ngoài bao đất nước, mà muôn báu chứa chất tiềm năng”.
Với diện tích tự nhiên là 9.562,9ha; dân số tỉnh Điện Biên gồm hơn 52 vạn người; Điện Biên không chỉ được biết đến với các di tích lịch sử, văn hóa, những danh thắng nổi tiếng mà còn chinh phục lòng người bởi nền văn hóa truyền thống giàu sắc thái bản địa của 19 dân tộc anh em. Ngày nay, Điện Biên giữ vị trí trọng yếu nơi địa đầu biên cương Tổ quốc là vùng kinh tế, văn hóa giàu tiềm năng và là miền di sản văn hóa đặc sắc đã và đang được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị.
Di sản văn hóa tỉnh Điện Biên là nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú mà không phải miền đất nào cũng có đang được khai thác trở thành những sản phẩm du lịch bền vững trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Giữa di sản văn hóa và nguồn lực phát triển du lịch văn hóa, du lịch bền vững là mối quan hệ nhân quả; không có di sản văn hóa không có hoạt động du lịch diễn ra. Du lịch muốn phát huy hết nguồn lực cần phải dựa trên kho tàng di sản văn hóa, đó là nguồn sức mạnh nội sinh thúc đẩy du lịch phát triển. Việc nghiên cứu, nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa-nguồn tài nguyên du lịch để xây dựng thành các sản phẩm du lịch bền vững trong quá trình hội nhập toàn cầu được xác định là hết sức cần thiết có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Du lịch là chiếc cầu hữu nghị giữa các quốc gia, giữa các thành phần cư dân, không phân biệt màu da, tiếng nói gắn bó, đoàn kết cùng hợp tác và phát triển.
Hệ thống di sản văn hóa tỉnh Điện Biên vô cùng phong phú tạo nền tảng phát triển du lịch bao gồm các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đối với du lịch việc khai thác vốn di sản văn hóa phát triển du lịch có thể thực hiện ở nhiều góc độ khai thác đa chiều, đa dạng, đa năng, đa tầng đòi hỏi việc nghiên cứu, giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phải hết sức chú trọng và luôn được các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư để đẩy mạnh ngành “công nghiệp không khói”. Dựa trên cơ sở đặc điểm các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể giúp các nhà nghiên cứu chiến lược phát triển du lịch xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng,du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững. Với những lợi thế về đặc điểm địa chất, địa mạo, đặc điểm khí hậu, các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn, các di tích lịch sử văn hóa các giá trị và không gian văn hóa truyền thống của cộng động các dân tộc thiểu số và là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số đời sống văn hoá tinh thần đậm đà bản sắc văn hoá truyền thống đến nay vẫn được bảo tồn. Do Đặc điểm địa chất, địa mạo với hoạt động địa chất với các vận động tạo núi, địa máng, các khối xâm nhập granít, các vận động tân kiến tạo xảy ra mạnh ở cuối thời kỳ Nêogen, đầu Đệ Tứ, có tốc độ nâng lên lớn hơn các vùng khác nên vùng Tây Bắc nói chng và tỉnh Điện Biên nói riêng có địa hình đồi núi trập trùng, hang động, xen kẽ các thung lũng, bãi bồi dọc ven sông, suối ẩn chứa nhiều tiềm năng khoáng sản, suối khoáng nóng, cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ trở thành nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn, đầy tiềm năng như cánh đồng Mường Thanh, suối khoáng Hua Pe, U Va, động Pa Thơm, hang động Xã Nhè......Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa: chia thành 02 mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô. Thời tiết phân hóa mạnh nên du khách đến nơi đây có thể cảm nhận sự thay đổi của 04 mùa diễn ra trong ngày.
Lên với Điện Biên, vượt qua những khúc quanh của đèo dốc du khách đến với xứ sở của hoa ban. Khi những cơn gió rừng ùa về dưới lòng thung là lúc những rừng ban đua nhau khoe sắc, bồng bềnh như những dải gấm thêu khắp núi rừng. Mùa đông ở đây phủ dày sương mù, nhưng khi mặt trời lên lớp sương mù tan biến dần trong không gian mênh mông. Những buổi chiều xuân núi rừng Điện Biên thật yên ả. Dạo trên những con đường mang tên các tướng lĩnh, các anh hùng liệt sỹ tấp nập người qua lại; dạo quanh vài con dốc ngắm hoa rừng khoe sắc, ngắm phong cảnh miền núi đẹp tựa bức tranh kỳ vỹ, đã cuốn hút bao du khách dừng chân khi ngược đồng bằng lên với vùng cao để được du ngoạn trên những dòng sông, hồ nước thơ mộng, ngắm cảnh thần tiên của hang động, núi non trùng điệp; thả mình trong dòng suối khoáng và đắm mình trong không gian êm đềm của núi rừng thả hồn vào khoảnh khắc lãng đãng của chiều xuân, gửi vào trong gió nỗi nhớ chơi vơi, cảm nhận sự thanh thản của tâm hồn sau những ngày bộn bề lo toan công việc, du khách sẽ thấy cuộc đời thật đẹp, thật đáng yêu. Mỗi bước chân bạn đi sẽ gặp những non cao động thẳm với nguồn động thực vật đa dạng, phong phú có sức quyến rũ diệu kỳ, làm say lòng du khách và rung động hồn thi sỹ. Ngắm nhìn bản làng thấp thoáng nếp nhà sàn bên sườn núi, tiếng mõ trâu lóc cóc về bản, ngắm cảnh hoàng hôn buông trên những triền núi mờ xa bạn sẽ thấy tâm hồn thật thư thái. Thiên nhiên đã ban tặng cho miền đất này một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ, giàu sức sống; xen giữa vùng núi non điệp trùng là ruộng bậc thang và những thung lũng rộng lớn màu mỡ. Điện Biên là nơi đầu nguồn của các con sông lớn: sông Đà, sông Mã, sông Mê Kông... Hệ thống mạng lưới sông, suối uốn lượn quanh co như những dải lụa đào ôm ấp lấy núi đồi nhấp nhô, ruộng bậc thang và những cánh đồng, bản làng trù phú. Những dải núi đẹp tựa ngàn vạn con voi phủ phục và như những cánh chim xoải cánh giữa không gian bao la. Phù du của núi, của rừng theo các dòng suối nhỏ đổ về bồi đắp nên những miền phù xa cổ ven các triền sông tạo ra vùng văn hóa thung lũng đặc trưng với những guồng nước, cối giã gạo bằng sức nước và hệ thống mương phai.
Điện Biên là nơi hội tụ của 19 dân tộc anh em mỗi dân tộc đều có nét văn hóa, tiếng nói, phong tục tập quán riêng cùng kho tàng văn học nghệ thuật dân gian phong phú tạo nên bức tranh sinh động đa sắc màu hiện hữu, trường tồn trong dòng chảy văn hóa ngàn năm của dân tộc và nhân loại. Vốn di sản văn hoá đó là cơ sở gắn kết cộng đồng, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, tạo cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hoá mới và góp phần liên kết giao lưu văn hoá giữa các vùng, miền, các quốc gia. Lên với Điện Biên là du khách khao khát tìm về những mái ấm mộc mạc, đơn sơ của những nếp nhà sàn xinh xắn với mái nhà hình mai rùa và những khau cút ẩn mình sau vòm cây trĩu quả; bờ tre xanh, ao cá, mảnh vườn nhỏ bên những cánh đồng lúa, nương sắn, nương bông đầy nắng trong không gian yên bình, ngắm nhìn sơn nữ xinh đẹp, mộng mơ ngồi thêu bên thềm trong nắng mai, ngân nga hát bản tình ca mượt mà, tình tứ; ngắm nhìn những giò lan đung đưa những chùm hoa trong gió và tiếng chim gáy gọi mùa. Lễ hội ở miền đất này diễn ra quanh năm, nhưng mùa xuân có thể nói là mùa của lễ hội. Lễ hội truyền thống các dân tộc đã hợp thành kho tàng di sản văn hóa quý báu; đó là nét đẹp văn hóa được hình thành, phát triển cùng với lịch sử dân tộc. Trong không khí linh thiêng của phần lễ và vui tươi, khoáng đạt của phần hội, đêm lửa hội du khách sẽ trút hết những vất lo toan của cuộc sống thường nhật để thỏa sức lâng lâng trong men rượu nồng, đắm say trong làn điệu dân ca xứ sở và vũ điệu dân gian: nhịp tăng bu sôi động, nhịp lăm vông tình tứ, nhịp xòe hoa rộn ràng; du khách sẽ vui cười thỏa thích khi cùng đồng bào tham gia những trò chơi dân gian truyền thống: Kéo co, đẩy gậy, ném còn, đánh cù, bắn nỏ.... Những điều giản dị đó đã làm lên một Điện Biên thật trữ tình cuốn hút mê say đến lạ lùng. Đến với các bản làng vùng đồng bào các dân tộc miền núi du khách có thể du lịch trải nghiệm, tìm hiểu phong tục, tập quán, Thú vị hơn cả là khi du khách được trải nghiệm thực hành làm chủ thể văn hóa: ăn, nghỉ, sinh hoạt tại nhà dân, trải nghiệm tham gia sản xuất nông nghiệp, chế biến các món ăn dân tộc, thực hiện các qui trình trồng bông, thu hoạch bông, lanh, cây (quả nhuộm), nhuộm, dệt vải; thêu trên vải, đan lát, nấu rượu, nghề mộc; thu hái và chế biến các loại thuốc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe từ vốn y học dân gian, thực hành chế tác và chơi nhạc cụ dân gian....
Hệ thống bảo tàng tại tỉnh Điện Biên gồm Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhà trưng bày bổ sung di tích là nguồn tài nguyên văn hóa vật thể phong phú lưu giữ, bảo tồn, trưng bày, tuyên truyền phát huy giá trị các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là những sản phẩm tinh thần có giá trị lích sử văn hóa, khoa học được lưu giữ và trưng bày trong hệ thống các bảo tàng. Bảo tàng giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ tìm hiểu về môi trường và tiềm năng thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa nhằm khai thác và phát huy tiềm năng đó phục vụ sự phát triển toàn diện của tỉnh, đồng thời giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương, yêu tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Các di tích là những giá trị văn hóa vật thể; Điện Biên là chiếc nôi khởi nguồn góp phần tạo nên bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Có lẽ rất ít nơi được thiên nhiên ban tặng như mảnh đất này, những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp càng tô điểm cho những di tích lịch sử, văn hoá mang bóng dáng tự ngàn xưa trầm mặc cùng thời gian. Hệ thống hang động ở Điện Biên (hang động Pa Thơm, hang Thẳm Púa, Hang động Xá Nhè...và còn rất nhiều hang động khác mới phát hiện) là nơi cư trú của người cổ đại thời tiền sử; qua kết quả khai quật đã trở thành các di chỉ khảo cổ; hang động còn là nơi có cảnh quan đẹp, thơ mộng gắn với các sự tích huyền thoại là điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch miền núi. Trong lịch sử chiến tranh, hang động còn trạm phẫu thuật, là nơi đóng quân, nơi dừng chân một thuở của những nghĩa quân, của những đại đoàn quân chiến thắng. Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh Điện Biên phong phú đa dạng về loại hình, tính đến năm 2014 đã có 15 di tích được công nhận (gồm di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh). Các di tích gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, là địa chỉ xanh tràn đầy sự sống, chứa đựng trong mình biết bao huyền thoại thiêng liêng cao cả, là địa chỉ hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã lợi dụng thế trận của núi rừng để che mắt quân thù: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” nên địa thế miền núi đã trở thành những vị trí chiến lược quan trọng biến thành thế trận thu hút kẻ thù tập trung xây dựng các cứ điểm quân sự mạnh và trở thành mục tiêu để ta bao vây, tấn công, tiêu diệt sinh lực địch, đập tan những âm mưu xâm lược, lập nên chiến công vang dội non sông (di tích Hang Mường Tỉnh, di tích Thành Bản Phủ, Thành Sam Mứn, di tích Pú Nhung, di tích chiến trường Điện Biên Phủ.....ngoài ra còn các di tích là chứng tích chiến tranh như các trại tập Trung, nhà tù (Hận thù Noong Nhai, Nhà tù Lai Châu nay thuộc thị xã Mường Lay...) đày ải những người dân vô tội, các chiến sỹ cách mạng mà thực dân phong kiến đã dựng lên ở chốn mà xưa được coi là nơi rừng thiêng nước độc để phục vụ nền cai trị của chúng. Trong lịch sử thiên di các dân tộc đều mang theo những tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc mình lập lên các tháp, chùa như (Tháp Mường Luân, tháp Chiềng Sơ, dấu tích của chùa tại các tháp cổ, tại khu vực động Pa Thơm, khu bản mới (Độc Lập), nội thành Sam Mứn....); .... để lại cho thế hệ hôm nay những di tích những di tích kiến trúc nghệ thuật tôn giáo có giá trị thu hút ngày càng nhiều du khách ngược nguồn lên tham quan, nghiên cứu và thẩm nhận những giá trị lịch sử, văn hóa qua những bước thăng trầm của lịch sử dân tộccác danh lam thắng cảnh đẹp (Suối khoáng U Va, Hua Pe, Tuần Giáo, hồ Pa Khoang, thung lũng lòng chảo Điện Biên Phủ, Rừng nguyên sinh Mường Phăng, Mường Nhé, lòng hồ thủy điện Mường Lay...). Hệ thống các di tích-danh thắng đó đã góp phần thỏa mãn phần nào nhu cầu tìm hiểu về những giá trị lịch sử văn hóa truyền thốn dân tộc, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của cộng đồng địa phương và khách du lịch.
Các giá trị di sản văn hóa tỉnh Điện Biên được bảo tồn, phát huy tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần khơi mở thêm nét đẹp truyền thống trước những yêu cầu, định hướng mới, đưa văn hóa Việt Nam vươn lên những tầm cao mới trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như trong xu thế hội nhập đất nước. Chính vì vậy chưa bao giờ việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tại tỉnh được đặt ra cấp thiết như ngày nay. Các cấp, các ngành luôn quan tâm đầu tư kinh phí thực hiện các đề án: “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”; Đề án: “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc, gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”.Tăng cường đầu tư vốn Chương trình mục tiêu quốc gia cho trùng tu tôn tao di tích,nghiên cứu bảo tồn văn hóa truyền thống và các chương trình phát triển du lịch.
Trong những năm qua công tác nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa đã được quan tâm đầu tư để tạo nguồn lực phát triển du lịch văn hóa, du lịch bền vững. Đây là hoạt động văn hoá mang ý nghĩa xã hội thiết thực nhằm tôn vinh giá trị văn hoá truyền thống tiêu biểu, đặc sắc của các dân tộc của tỉnh để thông qua công tác tuyên truyên, quảng bá du lịch giới thiệu những nét độc đáo, phong phú, đa dạng của di sản văn hoá như: lễ hội, ẩm thực, trò chơi dân gian, nghề truyền thống...nhằm tăng cường mối đoàn kết, gắn bó cộng đồng các dân tộc Việt Nam và bạn bè Quốc tế. Điện Biên có rất nhiều suối khoáng nóng (Bản Sáng-Tuần Giáo, Hua Pe-Thanh Luông, U Va-huyện Điện Biên..), không khí mát mẻ trong lành, cảnh quan thiên nhiên có nơi còn những nét hoang sơ, các dân tộc thiểu số còn gìn giữ được nhiều các yếu tố văn hóa truyền thống qua trang phục, ẩm thực, phong tục tập quán, tri thức dân gian, giao tiếp, lối sống nên có thể vận dụng mô hình du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng của Nhật vào các khu du lịch. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành để phục hồi cảnh quan rừng với hệ động thực vật phong phú, tạo dựng lại cảnh quan bản truyền thống với kiến trúc cổ, môi trường, cảnh quan sạch, đẹp....
Thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, văn hóa nước ta có cơ hội thuận lợi để tiếp thu tri thức, các nguồn lực và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tinh hoa văn hóa nhân loại vào quá trình sáng tạo các giá trị văn hóa làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Tăng cường hợp tác quốc tế bảo tồn phát huy vốn văn hóa truyền thống nhân rộng mô hình bản Na Sang II, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên Dự án JICA- Nhật phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã bảo tồn và phát triển nghề truyền thống dệt thổ cẩm dân tộc Lào thông qua nhiều hoạt động thiết thực trong đó có hạng mục đầu tư, hỗ trợ kinh phí phục hồi nghề trồng dâu, bông, các loại cây, quả nhuộm, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải, dệt thổ cẩm, đầu tư xưởng may, xây dựng nhà trưng bày, giới thiệu và bao tiêu các sản phẩm của làng nghề trên thị trường Nhật và quốc tế. Bên cạnh các sản phẩm trang phục, đồ dùng sinh hoạt truyền thống còn các sản phẩm đồ dệt tơ tằm, bông sợi đa dạng, phong phú về mẫu mã, là sản phẩm không sử dụng hóa chất, an toàn tuyệt đối với sức khỏe người tiêu dùng và môi trường của bản. Dự án đã phục hồi bảo tồn, phát huy được nghề truyền thống, thu hút ngày càng nhiều khách tham quan du lịch đến tham quan, mua sắm sản phẩm, trải nghiệm nghề truyền thống đặc sắc của dân tộc Lào và giao lưu văn hóa, văn nghệ; nâng cao đời sống nhân dân; góp phần quảng bá du lịch và quảng bá các sản phẩm làng nghề đến các địa phương trong cả nước và quốc tế. Mô hình du lịch làng nghề truyền thống có thể phối hợp với các dự án nước ngoài, các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhân rộng vừa bảo tồn được vốn di sản văn hóa quý giá đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền vừa phát triển sản phẩm du lịch miền núi.
Trong quá trình bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống cũng đặt ra nhiều thách thức: các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; lợi dụng sự yếu kém, khó khăn trong đời sống của đồng bào các dân tộc để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta nhằm gây chia rẽ, mất đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc, mất ổn định về chính trị, an ninh, quốc phòng. Vì vậy việc bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội luôn được xác định là nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược được thực hiện thường xuyên, lâu dài. Để phát triển toàn diện và bền vững đất nước, Đảng ta đã xác định nhiệm vụ xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần. Việc bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, bởi đây là tài sản quý giá góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng trong sự thống nhất của nền văn hoá. Giữ gìn bản sắc và sự đa dạng của văn hoá các dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn trong việc phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp và xây dựng, phát triển những giá trị mới; Với kho tàng, hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng, giàu tiềm năng phát triển du lịch trong đó du lịch lịch sử và du lịch văn hóa là lợi thế, tỉnh Điện Biên xác định du lịch là một thế mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội. Để phát huy giá trị di sản văn hóa cần gắn với phát triển các sản phẩm du lịch bền vững, ngược lại muốn phát triển các sản phẩm du lịch bền vững cần bảo tồn di sản văn hóa để trong bối cảnh toàn cầu hóa các giá trị di sản văn hóa không bị hòa tan mà ngày càng thăng hoa tỏa sáng.
Trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, bước ra từ trong khói lửa của chiến tranh, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa; khơi dậy những mạch nguồn văn hóa dân tộc bao đời đã tạo nên cốt cách con người Điện Biên cần cù sáng tạo trong lao động, nhẫn nại và giàu đức tin, dựa vào nội lực, tranh thủ sự ủng hộ của cả nước và bạn bè quốc tế, lựa chọn bước đi, thích hợp để từng bước bứt phá đi lên theo con đường của Đảng, phấn đấu cho mục tiêu: Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và hạnh phúc. Bước vào thời kỳ đổi mới đã thực sự khởi sắc, đó là hiện thực mỗi ngày đang đơm hoa kết trái trên mảnh đất Điện Biên thân yêu. Cuộc sống nơi đây đang thay da đổi thịt từng ngày với nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Nguyễn Phượng
Phòng Di sản Văn hóa