Giã bánh Dày là môn thi mang đậm bản sắc dân tộc bắt nguồn từ món ăn truyền thống của người dân tộc Mông, luôn thu hút đông đảo người xem và cổ vũ tại Lễ hội Hoa Ban được tổ chức hằng năm. Năm 2019, Giã bánh Dày là một nội dung thi đấu tại Phiên chợ vùng cao (tái hiện không gian văn hóa chợ phiên của đồng bào các dân tộc Điện Biên) cùng với nhiều trò chơi dân gian khác.

Trong văn hóa tín gưỡng của người Việt Nam nói chung, bánh Dày hình tròn (được làm bằng gạo nếp ngon, đồ cho chín và giã trong cối tới khi có được một khối bột nếp chín dẻo quánh) tượng trưng cho trời. Bánh Dày trong văn hóa người dân tộc Mông lại càng có ý nghĩa đặc biệt, liên quan đến nguồn gốc mặt trăng, mặt trời và loài người. Người Mông thường giã bánh Dày vào mỗi dịp Tết cổ truyền bởi đây là món ăn truyền thống không thể thiếu trên mâm cỗ ngày tết.

Từ những hạt gạo tự trồng trên nương, ngâm bằng nước nóng từ 10 đến 12 giờ sau đó mới đồ chín trong những dụng cụ làm bằng gỗ hoặc mo của cây rừng (giống mo cau nhưng chắc, bền hơn) gọi là “chõ” nên giữ được hương vị tự nhiên của gạo nếp nương. Sôi chín được đưa vào cối giã liên tục bởi những thanh niên khỏe mạnh cho đến khi nhuyễn, dẻo rồi nặn thành bánh có hình tròn giống mặt trăng, mặt trời.

Từ nét văn hóa đặc sắc về bánh Dày của người Mông, đến nay Giã bánh Dày là môn thi mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc không thể thiếu trong mỗi dịp Lễ hội, Ngày hội được tổ chức tại tỉnh Điện Biên. Qua 4 năm tổ chức, Giã bánh Dày luôn thu hút đông đảo khách xem, cổ vũ bởi tính hấp dẫn của môn thi cũng như tinh thần, quy trình làm bánh trong thi đấu của các vận động viên tham gia giã bánh Dày thật khéo léo, uyển chuyển và vô cùng tình tế. Bởi, những cối, chày giã được làm thủ công bằng tay, từ những cây rừng không phải ở đâu cũng có. Tinh tế bởi khi nặn bánh, họ phải dùng lòng đỏ trứng gà để bánh không bị dính vào tay và tăng độ ngậy của bánh. Bánh lại được đặt trên lá chuối đã hơ lửa cho thơm để không làm mất mùi vị của sôi nếp nương. Tất cả hòa quyện để tạo thành chiếc bánh Dày truyền thống, đặc biệt của người Mông vùng cao Tây Bắc.

Tham gia thi đấu Giã bánh Dày tại Phiên chợ vùng cao trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Ban năm 2019 và Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Điện Biên lần thứ VI đa số là các đội đến các huyện, thị xã, thành phố có nhiều dân tộc Mông sinh sống và đều mặc trang phục truyền thống khi thi đấu. Mỗi đội phải tự chuẩn bị gạo nếp đã đồ chín, lá chuối, mẹt, khay, đĩa, trứng và các đồ trang trí khác đi kèm.Trong một khoảng thời gian theo quy định, các đội phải hoàn thành chiếc bánh Dày đạt yêu cầu về kích thước, chất lượng cũng như tính thẩm mỹ.

Bánh dày phải đạt các tiêu chuẩn thơm ngon, mịn, dẻo, tròn trịa, bày biện đẹp mắt và thời gian ngắn nhất. Muốn vậy ngay từ khâu chọn nguyên liệu, đồ sôi, dụng cụ giã bánh và người giã cũng phải được tuyển chọn kỹ lưỡng và tập luyện nhiều lần trước khi thi đấu.

Trong tiếng hò reo, cổ vũ hết mình của khán giả và du khách thập phương, từng đội nhanh chóng giã, đảo và nặn bánh tạo nên không khí vô cùng sôi nổi, hào hứng. Đặc biệt là được nhìn thấy tận mắt quy trình làm bánh và thưởng thức ngay tại chỗ là những nét đặc biệt chỉ có tại Phiên chợ vùng cao, đã gây ấn tượng mạnh với Nhân dân và du khách. Bánh Dày có thể nướng trên than hồng hoặc rán, tùy khẩu vị mỗi người để thấy được độ thơm, ngon, tinh tế của gạo, của sức người.

Ban tổ chức trao các giải Nhất, Nhì, Ba cho các đội đạt chuẩn theo quy định đã đề ra. Quan trọng hơn là đã tạo nên một không khí vui tươi, sôi nổi và những trải nghiệm tuyệt vời cho người xem, khiến cho đây là môn thi đấu thu hút rất đông người xem, cổ vũ và góp phần làm cho Phiên chợ vùng cao trở nên đúng nghĩa, đậm bản sắc văn hóa dân tộc./.

Hồng Nhung

Ảnh: Lại Xuyến


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
 Bình chọn
Thống kê: 164.861
Online: 89