Di tích Sở Chỉ huy tiền phương của Tổng cục cung cấp thuộc địa phận bản Phăng II, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên (nay là thành phố Điện Biên Phủ) cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 23km. Là một trong 45 điểm di tích thành phần thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.

Di tích Sở Chỉ huy tiền phương của Tổng cục cung cấp nằm ở sườn núi Lùng Pá Chả (theo tiếng dân tộc thái có nghĩa là “lán trong rừng tre”), bên phải là suối Ta Hiện huyện Điện Biên (nay là thành phố Điện Biên Phủ. Để đảm bảo giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng và Bác Hồ đã chủ trương thành lập Hội đồng Cung cấp mặt trận ở trung ương do đồng chí Phạm Văn Đồng (lúc ấy là Phó Thủ tướng) làm Chủ tịch và đồng chí Nguyễn Văn Trân - Tổng thanh tra Chính phủ, làm phó Chủ tịch.

Sau khi Bộ Chỉ huy Chiến dịch chuyển tới khu rừng Mường Phăng thì Sở chỉ huy hậu cần cũng bắt đầu đóng quân tại đây và nằm cạnh cơ quan Ủy ban hành chính kháng chiến của tỉnh Lai Châu.

Tại đây các cán bộ chiến sĩ đã ở, làm việc, chỉ huy việc đảm bảo hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Nhân dân các vùng tự do, vùng mới giải phóng từ Liên khu III, Liên khu IV, Việt Bắc và Tây Bắc đã dồn sức người, sức của sẵn sàng chi viện cho Điện Biên Phủ. Tổng cục tiền phương gồm các tuyến vận tải thành 03 tuyến hậu cần để giảm bớt khó khăn cho tuyến chiến dịch trực tiếp bảo đảm cho các đơn vị chiến đấu. Tuyến Sơn La – Tuần Giáo; Tuyến Tuần Giáo - km62: Tuyến hậu cần hoả tuyến. Nhờ tổ chức phân tuyến bố trí hậu cần trên các hướng phù hợp thống nhất chỉ huy toàn ngành hậu cần, các lực lượng giao thông vận tải, các kho quân khí, quân nhu, các cơ sở quân y, các lực lượng phối hợp thuộc tăng cường cho tuyến hậu cần chuyển hoá mau lẹ đã hính thành mạng lưới cung cấp rộng khắp, vững chức, liên hoàn tạo cơ sở đáp ứng kịp thời cho các lực lượng tham gia chiến dịch. Cả 03 tuyến hậu cần đặt dưới sự chỉ huy thống nhất, hiệp đồng tốt các lực lượng để giải quyết các khâu trọng tâm trong từng thời kỳ, phát huy được khả năng của từng ngành, nằm bắt được tình hình mọi mặt và kịp thời khắc phục những khó khăn trở ngại.

Ngày 13/03/1954, quân đội Việt Nam nổ súng tấn công cứ điểm Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Lực lượng hậu cần cũng vào cuộc chiến đấu một cách cam go hơn để bảo đảm sức khoẻ cho bộ đội và dân công ở chiến trường rừng núi, thời tiết khắc nghiệt, điều kiện nuôi dưỡng khó khăn là một nhiệm vụ đòi hỏi sự cố gắng rất lớn. Các cán bộ hậu cần đã điều chỉnh sao cho ngày càng tiếp cận hơn với hoả tuyến, mặt trận hậu cần của ta luôn biến hoá khôn lường trên từng tuyến: Hậu cần Đại đoàn 316 đưa từng đàn bò vượt chặng đường hơn 500km từ Thanh Hoá lên Điện Biên Phủ; hậu cần Đại đoàn 351 tiếp tế hàng chục tấn thịt ướp muối cho các đơn vị; hậu cần Đại đoàn 312 tổ chức một đội xe đạp thồ hơn 100 chiếc chuyên vận chuyển thực phẩm từ Phú Thọ lên; hậu cần Đại đoàn 308 vận động các đơn vị khai thác tại chỗ 52 tấn củ mài, 32 tấn rau rừng, đánh bắt được 32 tấn cá,… Hậu cần các trung đoàn cử tiếp phẩm vào các bản đồng bào dân tộc Thái, Mông ở các vùng núi cao mua rau xanh, rau vừa ăn được cải thiện phong trào vệ sinh được phòng dịch tốt, cán bộ chỉ huy gương mẫu và kiểm tra đôn đốc thường chuyên, nhân viên quân y, cấp dưỡng, hoạt động tích cực nên sức khoẻ của bộ đội và dân công được đảm bảo tốt. Do nhu cầu của tác chiến liên tục nên công tác chuyển thương phải chuyển nhanh vừa đánh vừa chuyển, không kể ngày đêm để số lượng thương binh, bệnh binh không bị ùn lại hoả tuyến. Tổng cục cung cấp tiền phương đã tập trung lực lượng đảm bảo hậu cần cho chiến dịch, góp phần vào chiến thắng chung của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Để có được chiến thắng oanh liệt đó, lực lượng hậu cần đã đảm bảo cho bộ đội trong chiến đấu, biết bao người là binh chủng hậu cần và dân công hoả tuyến đã hi sinh xương máu làm lên kì tích. Bảo đảm hậu cần cho 87.000 người tham gia chiến đấu, trong đó có 33.300 dân công phục vụ, lực lượng chiến đấu là 53.830 người. Nếu kể cả hậu phương, dân công lên tới 261.450 người, 628 xe ô tô 20.991 xe đạp thồ, 914 ngựa, 736 xe trâu kéo, 1.000 thuyền. Tổng cộng 12 triệu ngày công (theo Trận tuyến hậu cần- QĐND). Khối lượng vật chất phục vụ chiến dịch lên tới 20.000 tấn, trong dó có: 1.200 tấn đạn, 1.783 tấn xăng dầu đã vận chuyển gần 25.000 tấn lươngthực, trong đó vận chuyển tới mặt trận để cung cấp là gần 14.950 tấn gạo, 268 tấn muối, 62 tấn đường, 577 tấn thịt, 565 tấn lương khô, 177 tấn vật chất khác.

Để ghi dấu ấn, tri ân và tôn vinh công lao hy sinh to lớn của những cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân làm công tác hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tổng cục Hậu cần đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên đã đầu tư xây dựng công trình Bia di tích Sở chỉ huy tiền phương của Tổng cục Cung cấp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Công trình được khởi công xây dựng ngày 18/11/2014 và được khánh thành vào ngày 28/5/2015. Công trình được đầu tư gần 5 tỷ đồng, có quy mô 1212m2 nằm trong khu đất có diện tích 4048m2 được chia làm 03 hạng mục chính, gồm: Khối bia đá làm bằng đá tự nhiên Ninh Bình đục chạm khắc nghệ thuật các biểu tượng truyền thống thể hiện sức mạnh đoàn kết của quân dân trong công tác hậu cần góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ; Đài ốp đá 9x12,3m; Sân và đường dẫn vào xây dựng bằng chất liệu bê tông.

Di tích Sở Chỉ huy tiền phương của Tổng cục cung cấp là điểm đến quan trọng trong chuyến hành hương về nguồn của du khách khi đến với mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng nói chung và Mường Phăng nói riêng./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
 Bình chọn
Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
134 người đã bình chọn
Thống kê: 287.121
Online: 95