Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, mang đậm dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nói đến sự kiện lịch sử trọng đại này, 35 năm sau trong cuốn hồi kí “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tâm sự: “trong ngày hôm đó tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”.

Năm 1953, sau 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã gặp nhiều khó khăn, thất bại nên tập trung mọi cố gắng hòng “tìm lối thoát danh dự” bằng những thắng lợi quân sự. Chính phủ Pháp đã cử sang Việt Nam vị tướng trẻ 4 sao Henri Navarre sang thay Salan làm Tổng chỉ huy Quân đội Viễn chinh Pháp tại Đông Dương. Ngay sau đó, Navarre đệ trình lên Chính phủ Pháp bản kế hoạch mang chính tên mình. Với bản kế hoạch này, Navarre hy vọng sẽ giành thắng lợi trong vòng 18 tháng. Ngày 20/11/1953, quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, thì đến ngày 03/12/1953, Navarre quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành một “căn cứ không quân, lục quân lợi hại” để thực hiện những chính sách có lợi cho Pháp tại Việt Nam. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với 49 cứ điểm, chia thành 3 phân khu, khoanh thành 8 cụm mang tên 8 cô gái đẹp của nước Pháp, mỗi cứ điểm được trang bị những loại vũ khí hiện đại, tối tân nhất lúc bấy giờ.

Trước tình hình đó, tại Tỉn Keo, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì hội nghị Bộ Chính trị để bàn kế hoạch tác chiến trong Đông - Xuân năm 1953 - 1954. Ngày 06/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuối tháng 12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định đã chọn Điện Biên Phủ làm điểm “Quyết chiến, chiến lược”, đồng thời thành lập Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận.

Đầu tháng 01/1954, trước khi lên đường ra mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Khuổi Tát – Thái Nguyên chào và xin ý kiến chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong lần gặp này Bác căn dặn: “Tổng tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Đây chính là “kim chỉ nam” giúp Đại tướng đưa ra những quyết định táo bạo và sáng suốt trong những thời khắc lịch sử góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chân động địa cầu”.

Ngày 14/01/1954, tại hang Thẩm Púa, SởCchỉ huy đầu tiên của Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, căn cứ vào tình hình chiến sự thực tế lúc bấy giờ, Quân đội viễn chinh Pháp mới chỉ có 6 tiểu đoàn, hệ thống công sự còn nhiều sơ hở, đồng thời để khắc phục hậu cần Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ Chỉ huy chiến dịch đã triển khai phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong vòng 3 đêm 2 ngày.

Để đảm bảo an toàn, thuận tiện cho công tác chỉ đạo và nắm tình hình chiến sự, rạng sáng ngày 18/01/1954, Bộ chỉ huy chiến dịch đã chuyển đến hang Huổi He. Tại đây, Bộ chỉ huy chiến dịch đã triển khai mọi công tác chuẩn bị theo phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”. Nhưng đến cuối tháng 01/1954, sau khi nghiên cứu kĩ tình hình cụ thể lúc bấy giờ, bằng kinh nghiệm cầm quân Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ rõ 3 khó khăn lớn ta gặp phải lúc bấy giờ, đó là:

Thứ nhất: Lực lượng của Pháp có sự thay đổi rất lớn, từ 6 tiểu đoàn lên tới 12 tiểu đoàn, Pháp được Mỹ viện trợ nhiều phương tiện vũ khí chiến tranh hiện đại nhất lúc bấy giờ, hệ thống công sự phòng ngự được xây dựng kiên cố, vững chắc.

Thứ hai: Trận này ta không có máy bay, xe tăng, hợp đồng giữa bộ binh và pháo binh quy mô cũng là lần đầu, bộ đội lại chưa qua diễn tập.

Thứ ba: Bộ đội Việt Nam từ trước tới nay chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu. Chủ lực của quân đội Việt Nam chưa có kinh nghiệm tác chiến ban ngày trên địa hình bằng phẳng, với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng.

Trước tình hình quân Pháp thay đổi từng ngày Đại tướng càng có cơ sở khẳng định “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì khó giành được thắng lợi. Sau 11 ngày trăn trở và một đêm thức trắng, lời Bác căn dặn Đại tướng trước lúc lên đường luôn văng vẳng bên tai: “trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh, chiến trường rộng người ta không nhiều cho nên chỉ được thắng không được bại, vì bại là hết vốn”. Vì vậy, sáng ngày 26/01/1954, trong cuộc họp Đảng ủy mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương châm tác chiến chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” với quyết định, táo bạo và sáng suốt đã góp phần quan trọng đến sự thành bại của chiến dịch Điện Biên Phủ.  

Lúc đầu, thực hiện phương châm "đánh nhanh, đánh nhanh" 1/3 số pháo của Việt Nam đã được kéo vào trận địa, sau khi thay đổi sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc" bộ đội Việt Nam lại nhận lệnh kéo toàn bộ số pháo trở về vị trí tập kết ban đầu. Kéo pháo vào gặp nhiều khó khăn gian khổ, kéo pháo ra còn gian khổ gấp bội phần nhưng với quyết tâm sau chín ngày đêm dưới bom đạn quân đội Pháp và vượt biết bao khó khăn gian khổ lực lượng pháo binh và bộ binh Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ kéo pháo ra an toàn vào sáng ngày 05/02/1954.

Thượng tuần tháng 03/1954, công tác chuẩn bị về mọi mặt đã hoàn tất và được kiểm tra kỹ càng, toàn mặt trận sẵn sàng đợi giờ nổ súng.

17 giờ 05 phút  ngày 13/3/1954 quân đội Việt Nam nổ súng tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trận chiến đấu diễn ra qua 3 đợt tấn công: Đợt 1(từ ngày 13/3-17/3/1954) tiêu diệt các cứ điểm Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo. Đợt 2 (từ ngày 30/3-30/4/1954) tiêu diệt các cứ điểm ở dãy đồi phía Đông và phân khu Trung tâm. Đợt 3 (từ ngày 01/5-07/5/1954) quân đội Việt Nam đánh chiếm các cứ điểm còn lại và tiến hành tổng công kích trên toàn mặt trận, bắt sống tướng De Castries và toàn bộ bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp. Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, quật cường, ngày 07/5/1954 Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của quân và dân Việt Nam. Quân đội Việt Nam quyết định tiêu diệt dần từng trung tâm đề kháng bằng cách đánh sở trường  vào thời gian, địa điểm lựa chọn, với thế mạnh áp đảo trong từng trận đánh đồng thời siết chặt trận địa chiến hào, triệt nguồn tiếp tế cho tới lúc Tập đoàn cứ điểm bị tiêu diệt. Thất bại tại Điện Biên Phủ buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Giơnevơ công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Để có được Chiến thắng Điện Biên Phủ trước hết chúng ta phải nói đến đường lối lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, sự đoàn kết, giúp đỡ của nhân dân các dân tộc trong nước và quốc tế. Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong đó nổi bật là chọn cách đánh đúng: “Đánh chắc, tiến chắc”. Thắng lợi của chiến dịch càng khẳng định việc thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là một quyết định rất sáng suốt, rất quan trọng, quyết định làm thay đổi lịch sử, thay đổi cục diện của cuộc chiến tranh. Với cương vị Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam kiêm chỉ huy trưởng chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không những đã góp phần quan trọng vào sự chỉ đạo chiến lược của Bộ chính trị Trung ương Đảng trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 mà còn trực tiếp góp phần vào thắng lợi vĩ đại của trận quyết chiến, chiến lược Điện Biên Phủ./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
 Bình chọn
Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
135 người đã bình chọn
Thống kê: 298.140
Online: 150