Phân khu Nam - Hồng Cúm (Isabelle) là một trong ba phân khu của Tập đoàn Cứ điểm Điện Biên Phủ.Hồng Cúm là tên gọi bắt nguồn từ tiếng dân tộc Thái là “Hoong Cúm” nên quân đội Việt Nam gọi là Phân khu Hồng Cúm. Còn người Pháp đặt cho cụm cứ điểm này là Isabelle- tên của cô gái đẹp nước Pháp. Phân khu Nam đặt dưới quyền chỉ huy của Đại tá Lalande - Chỉ huy phó Tập đoàn cứ điểm.

Về mặt chiến thuật Isabelle giữ vai trò khá quan trọng, vừa bảo vệ phía Nam Tập đoàn cứ điểm, vừa chi viện cho phân khu Trung tâm. Đây cũng là nơi tiếp nhận quân tư trang, vũ khí, đạn dược vận chuyển bằng cầu hàng không từ Hà Nội lên cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và được ví như cánh cửa sau để mở đường thoát chạy sang Thượng Lào khi quân Pháp ở Điện Biên Phủ có nguy cơ thất thủ.

Bia di tích Phân khu Nam - Hồng Cúm (ISABELLE)

 Phân khu Nam gồm 5 cứ điểm nằm trên địa hình bằng phẳng các cứ điểm được đánh số từ 1 đến 5. Cứ điểm 1 đến 4 đều ở phía Tây đường 41 liên kết khá chặt chẽ với nhau bằng một hệ thống giao thông hảo và chiến hào, riêng cứ điểm 5 bảo vệ phía Nam sân bay Hồng Cúm, nằm về phía Đông đường 41. Bộ đội Việt Nam chia phân khu Hồng Cúm làm 3 khu A, B, C. Các khu A, B gồm những cứ điểm ở phía Tây đường 41, khu C nằm ở phía Đông đường 41 cùng với sở chỉ huy phân khu và pháo binh.

Lực lượng được bố trí tại đây khá mạnh với tổng quân số 2.000 binh lính bao gồm: Tiểu đoàn Lê Dương số 3, Tiểu đoàn Angieri số 2, Tiểu đoàn Angieri số 5 (một đại đội), Tiểu đoàn Ngụy Thái số 3, một tiểu đoàn pháo 105mm (12 khẩu), một đại đội súng cối 120mm, một đại đội xe tăng. Hỏa lực bao gồm súng cối các cỡ, súng phun lửa và các loại súng bắn thẳng, bố trí thành một hệ thống vừa tự bảo vệ vừa yểm hộ cho những cứ điểm xung quanh. Hỏa lực và không quân tại phân khu Hồng Cúm luôn sẵn sàng chi viện cho Mường Thanh khi bị tấn công.

Về phía Quân đội Nhân dân Việt Nam: Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 được giao nhiệm vụ xây dựng trận địa tấn công và bao vây phân khu Nam, khống chế sân bay và trận địa pháo binh, tiến tới chia cắt hoàn toàn phân khu Hồng Cúm với phân khu Trung tâm. Muốn bao vây Hồng Cúm và kiềm chế pháo binh địch có hiệu quả, Trung đoàn 57 phải tiến hành hàng loạt công tác chuẩn bị khác nhau: làm đường vận chuyển pháo, vận chuyển lương thực, đạn dược, xây dựng trận địa pháo binh, các trận địa cho các đơn vị xung kích...

Đến đầu tháng 3/1954, sau khi mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch cơ bản hoàn thành. Đúng 17giờ 5 phút ngày 13/3/1954, các cỡ pháo của Quân đội Nhân dân Việt Nam dội xuống Trung tâm đề kháng Him Lam mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Pháo binh quân đội Việt Nam ở Hồng Cúm đã bắn trúng vào trận địa pháo và sở chỉ huy của quân Pháp làm cho pháo binh ở Hồng Cúm bị tê liệt không thể chi viện cho phân khu trung tâm Mường Thanh. Từ ngày 13/3 đến ngày 17/3/1954 quân đội Việt Nam đã chiếm hoàn toàn các cứ điêm: Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo. Kết thúc đợt tấn công thứ nhất. Chuẩn bị cho đợt tấn công thứ hai, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch, bốn đại đoàn bộ binh tập trung xây dựng trận địa vây lấn, siết chặt khu trung tâm Mường Thanh, chia cắt cô lập phân khu Hồng Cúm.

Đại đoàn 304 được tăng cường Tiểu đoàn 888 phối hợp với Trung đoàn 176 thuộc Đại đoàn 316 làm nhiệm vụ xây dựng trận địa bao quanh phân khu Hồng Cúm. Đại đoàn 304 có nhiệm vụ: Đào chiến hào lấn dần vào 3 khu A, B, C tại phân khu Hồng Cúm đưa hỏa lực tiến gần để kiềm chế pháo binh địch và khi có điều kiện thì tiêu đề các cứ điểm này, đánh chiếm sân bay Hồng Cúm, cắt đứt hoàn toàn đường vận chuyển tiếp tế bằng cầu hàng không của quân đội Pháp.

Vào 24 giờ ngày 20/3/1954, các chiến sĩ Trung đoàn 57 do Đại đội phó Nguyễn Cầm chỉ huy đã tập kích đánh chiếm sân bay Hồng Cúm. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra vô cùng gay go, ác liệt. Các chiến sĩ quân đội Việt Nam đã dùng bộc phá phá nát đường băng. Sáng hôm sau, quân Pháp huy động xe tăng và bộ binh tiến ra phản kích đã bị các chiến sĩ Tiểu đoàn 265, Trung đoàn 57 chặn đánh buộc quân Pháp phải bỏ chạy. Không chịu thất bại, quân Pháp huy động lực lượng pháo binh từ Mường Thanh và Hồng Cúm chi viện. Bằng ý chí quyết tâm và tinh thần quả cảm các cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 265 vẫn kiên trì bám trụ trận địa đào hào đến cùng. Đêm ngày 21/3/1954, hai mũi giao thông hào trục từ Đông sang Tây gặp nhau, xuyên qua đường 41 phía Nam bản Noong Nhai. Từ đây, phân khu Hồng Cúm cắt khỏi trung tâm Mường Thanh. Quân Pháp hoảng hốt, tìm cách tiêu diệt quân đội Việt Nam hòng chiếm lại trận địa. Ngày 22/3/1954, De Castries ra lệnh cho chỉ huy ở hai phân khu phối hợp hành động, quân đội Pháp liên tục tổ chức phản kích hòng đánh bật quân đội Việt Nam ra khỏi đường 41 và sân bay Hồng Cúm mở lại đường nối hai phân khu.

Từ ngày 27/3/1954, không một chiếc máy bay nào của Pháp hạ cánh được xuống sân bay ở Điện Biên Phủ, việc tiếp tế lương thực, đạn dược phải trông đợi vào việc thả dù. Trước sức khống chế mãnh liệt của lực lượng pháo cao xạ Việt Nam, máy bay của quân đội Pháp phải bay ở độ cao trên 2.000m để tránh đạn, rất nhiều dù hàng đã rơi vào trận địa của quân đội Việt Nam, vô tình quân ta được tiếp tế khá nhiều lương thực và đạn dược.

Đến cuối tháng 3/1954, trận địa tiến công và bao vây của quân ta vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cơ bản đã hoàn thành. Các mũi tiến công của quân ta nhằm tiến đánh các ngọn đồi phía Đông cũng đã sẵn sàng. Đúng 18 giờ ngày 30/3/1954, đợt tấn công thứ hai của chiến dịch bắt đầu với cuộc tiến công của Quân đội Việt Nam vào các điểm cao phòng ngự phía Đông bao gồm C1, C2, E, D và đối A1 của Phân khu trung tâm. Trải qua 30 ngày đêm chiến đấu của đợt tấn công thứ hai, quân đội Việt Nam đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, phát triển được trận địa tiến công bao vây, chia cắt sân bay, thắt chặt vòng vây, khống chế các khu vực còn lại của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

17 giờ chiều ngày 01/5/1954, đợt tấn công thứ ba của Chiến dịch bắt đầu. Các cỡ pháo của quân đội Việt Nam nhả đạn liên tiếp vào nhiều khu vực của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ở Hồng Cúm pháo và súng cối của quân đội Việt Nam bắn mãnh liệt nhằm vào trận địa pháo của dịch, hỏa lực của ta đã bắn cháy kho đạn, kho xăng, kho lương thực, bốc chảy. Đến 23 giờ 30 phút cùng ngày, Tiểu đoàn 418 chia làm hai mũi tiến công vào khu C của phân khu Hồng Cúm, mũi chính đánh vào phía Đông Bắc, mũi phụ đánh vào phía Đông Nam. Với ý chí kiên cường, các chiến sĩ của ta không hề nao núng, người trước ngã người sau tiến lên. Đến 2 giờ sáng ngày 02/5/1954, Tiểu đoàn 418 chiếm gần hết khu C, tiêu diệt 30 tên, số còn lại rút về cô thủ trong các ụ súng và chiến hào dọc bờ sông, quân đội Pháp dùng lưới lửa dày đặc bên kia sông Nậm Rốm bắn sang ngăn chặn cuộc tiến công của ta. Ở khu vực gần giữa khu C, một tiểu đội của Đại đội 60, Tiểu đoàn 418 xung phong chiếm Sở chỉ huy.

 Ngày 03/5/1954, một kế hoạch tháo chạy của thực dân Pháp được vạch ra. Theo kế hoạch quân địch chia làm 3 ngã chạy sang Lào, Lalande cho quân đội Pháp ở Hồng Cúm nhằm hướng Nam chạy sang thung lũng Nậm Nưa.

15 giờ ngày 07/5/1954, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh mở cuộc tổng công kích vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đến 17 giờ 30 phút, ngày 07/5/1954 quân đội Việt Nam đánh chiếm Sở chỉ huy quân đội Viễn chinh Pháp tại Điện Biên Phủ, bắt sống tướng De Castries cùng toàn bộ sỹ quan chỉ huy của quân đội Pháp.

Tối ngày 07/5/1954, Đại đoàn 304 nhận lệnh tiến công phân khu Hồng Cúm, đồng chí Nam Long - Đại đoàn phó, Tham mưu trưởng ra lệnh cho các đơn vị dùng đại bác, súng cối, súng máy... bắn dồn dập vào Hồng Cúm, Hồng Cúm chìm trong khói lửa. Pháo binh Việt Nam bắn mạnh, công sự trong các cứ điểm đều bị sụp đổ, Lalande ra lệnh cho tất cả binh lính chạy ra xung quanh cứ điểm để tránh pháo. Quân đội Pháp biết không thể giữ được toàn bộ lực lượng ở phân khu Hồng Cúm nên Đại tá Lalande chỉ huy cứ điểm đã lệnh bỏ lại binh lính bị thương và các loại vũ khí để thoát chạy sang Lào trong đêm. Đồng chí Nguyễn Cận - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 57 hạ lệnh cho bộ đội đốt đuốc truy tìm, đuốc sáng rực cả một vùng trời, du kích và đồng bào những bản xung quanh Hồng Cúm cũng chủ động phối hợp dẫn đường cho bộ đội đuổi bắt Tây. 20 giờ ngày 7/5/1954, quân đội Việt Nam đã làm chủ những cứ điểm cuối cùng tại phân khu Nam. 24 giờ ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc toàn thắng.

Tổng kết đợt tiến công tại phân khu Nam, ta thu được 600 viên đạn pháo 105mm, 3.000 viên đạn cối 120mm và 81mm, hàng tấn đạn các cỡ khác nhau, hàng chục tấn lương thực, thuốc men, tiêu diệt và bắt sống trên 2000 tên địch. Đến 24 giờ ngày 7/5/1954, chính uỷ Lê Chưởng - Đại đoàn 304 điện thoại báo cáo với Bộ chỉ huy mặt trận: “Đại đoàn Nam Định đã bắt sống toàn bộ quân  địch ở Hồng Cúm, trong đó có Lalande, Chỉ huy phó Tập đoàn cứ điểm, đặc trách phân khu Hồng Cúm và toàn thể cơ quan tham mưu của hắn”. Những tên chạy trốn sang Lào cũng bị bắt hoặc ra đầu hàng. Tiêu diệt phân khu Nam, ta đã đập tan hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm của Pháp, làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu, kiên cường, bền bỉ, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
 Bình chọn
Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
135 người đã bình chọn
Thống kê: 298.212
Online: 25