Từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam ta giành được hàng loạt các thắng lợi vừa và nhỏ, tạo tiền đề cho chiến thắng tại Điện Biên Phủ sau này. Trên đà thắng lợi, từ giữa năm 1953, hình thái chiến trường về cơ bản có lợi cho ta, làm thất bại kế hoạch Navarre của Pháp và dẫn tới trận đánh lịch sử tại Điện Biên Phủ, kết thúc sự xâm lược của Thực dân Pháp tại Việt nam và các nước Đông Dương.

Tháng 5 năm 1953, Chính Phủ Pháp lần thứ tám thay tướng sau khi liên tiếp gặp những thất bại dai dẳng khiến cho tình hình Đông Dương ngày càng trở nên phức tạp. Trong khi quân đội Việt Minh ngày càng lớn mạnh, phong trào cách mạng ngày càng được dâng cao và giành được những lợi thế nhất định thì Pháp vẫn bế tắc trong việc triển khai lực lượng và tìm cách đối phó mang tính nhất thời. Henri Navarre lên nắm quyền, đã tạo nên một "luồng gió mới" với những biện pháp mới, mang đến hi vọng cho chính phủ Pháp và "người bảo trợ Mỹ", tuy nhiên hình thái chiến trường giữa hai bên lúc này về cơ bản đã có nhiều thuận lợi cho ta, cho phép ta thực hiện những đòn tấn công mạnh mẽ, kết thúc cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược.

Từ sau chiến dịch Tây Bắc cuối năm 1952, lần đầu tiên ta phá vỡ cấu trúc kiểu tập đoàn cứ điểm của địch ở Nà Sản. Tuy nhiên, đó mới ở dạng sơ khai, đơn giản và hình thành chóng vánh mang tính chất bị động đối phó nên không tránh khỏi thất bại. Dù vậy, sau trận Nà Sản ta đã nghiên cứu kỹ cách đánhvì nó có nhiều ưu điểm, nhất là về khả năng phòng ngự và có thể sẽ được người Pháp lặp lại để đối phó với quân ta. Bên cạnh việc ra sức luyện quân, nghiên cứu các chiến thuật phù hợp, thiết yếu phải có sự hỗ trợ đắc lực của trọng pháo và pháo cao xạ để đánh phủ đầu và giảm nhẹ thương vong cho bộ đội. Trước đó một Trung đoàn lựu pháo 105mm do nước bạn trang bị và huấn luyện đã về nước, cùng với việc tập hợp và ổn định lực lượng một trung đoàn cao xạ và những chiến lợi phẩm là các loại vũ khí, máy móc thu được từ những chiến dịch trước đó, ta đã dự bị được một lượng lớn phương tiện để tiến hành những chiến lược mới trong mùa khô 1953 - 1954. Tuy nhiên, ta chỉ tận dụng từ mọi nguồn chứ hầu như không có kinh phí để đầu tư các thiết bị quân sự mới, trong khi đó khối lượng khổng lồ Pháp đã chi ra trong cuộc chiến này kể từ khi quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai là 2.130 tỷ phrăng. Tiếp ngay sau đó, mặc dù tại nước chính quốc Pháp đang gặp phải khó nhăn trên nhiều lĩnh vực, Pháp vẫn được Mỹ chống đỡ. Chỉ tính riêng trong năm 1953, Mỹ dành cho Pháp 385 triệu đô, con số này sẽ tăng gấp đôi trong năm 1954, chưa kể việc Mỹ sẽ chuyển giao cho Pháp nhiều trang bị, vũ khí, trong đó có 123 máy bay và 212 tàu chiến các loại. Như vậy trong cuộc chiến tranh này, ta hoàn toàn bất lợi và phải chấp nhận một thực tế nếu xét về vật chất, Pháp sẽ đánh bại ta. Muốn thắng, ta phải dành được những ưu thế khác.

Cho đến thời điểm này, mặc dù về quân đội chính quy ta ít hơn hẳn Pháp, 252.000 so với con số 445.000 gồm lính Âu Phi và Ngụy quân, nhưng ta đã tạo được một mạng lưới bộ đội địa phương và dân quân tự vệ rộng rãi trên khắp cả nước với khoảng hai triệu người. Đây là lực lượng tại chỗ bảo vệ đắc lực cho người dân chống lại sự đàn áp, kìm kẹp của bộ máy thống trị và hỗ trợ kịp thời cho bộ đội chủ lực trong mỗi trận đánh và các chiến dịch. Nhờ đó ta đã đưa cuộc chiến tranh lên một tầm cao mới trong thế trận chiến tranh nhân dân với tinh thần mỗi người dân là một người lính, mỗi làng xã là một pháo đài. Có được kết quả này là từ sau cách mạng tháng 8, ta giành được nhiều thắng lợi quan trọng trên khắp cả nước, giải phóng đồng bào, giải phóng đất đai, làm cho "người cày có ruộng" khiến nhân dân tin tưởng vào cách mạng, vào cuộc chiến tranh chính nghĩa đang tiến hành để từ đó đi theo cách mạng. Ở nhiều nơi, dân quân và du kích còn nổi dậy mở liên tiếp nhiều trận đánh tự phát với quy mô nhỏ lẻ; trình độ tác chiến được nâng cao, bộ đội ngày càng được củng cố về chất lượng và số lượng.

Tại nước Pháp, tình hình chính trị ngày càng rối ren, phức tạp. Tình trạng kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương đã làm cho các tầng lớp nhân dân nước Pháp thêm khốn khổ vì phải nai lưng gánh chịu nạn tăng thuế và binh dịch. Từ đó, phong trào đòi chấm dứt chiến tranh Đông Dương ngày càng lan rộng. Mâu thuẫn nội bộ trong giới cầm quyền Pháp ngày càng gay gắt. Trong khi đó, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới ngày một dâng cao; ta đã liên hệ và dành được sự ủng hộ tích cực từ những nước thuộc địa khác trên khắp các châu lục. Ngay tại nước Pháp và các nước đồng minh Pháp, nhiều tổ chức, tầng lớp nhân dân, báo chí cũng lên tiếng đấu tranh cho cuộc chiến phi nghĩa mà chính phủ nước họ đang tiến hành tại Đông Dương và một số nước khác. Đáng ngạc nhiên hơn, nhiều lính Pháp, sau nhiều năm tham gia chiến đấu, cảm thấy mệt mỏi, nhận ra bản chất thật sự của cuộc chiến nên mất tinh thần chiến đấu. Rất nhiều binh lính địch đã rời hàng ngũ sang phía bên kia chiến tuyến chống lại chính lực lượng mình; số đông khác lại lặng im hoặc tham gia một cách rời rạc chờ đợi ngày kết thúc. Về phía ta, nhờ làm tốt công tác chính trị, thường xuyên tiến hành nhiều đợt học tập, chỉnh huấn tư tưởng và bồi dưỡng về tinh thần; bộ đội ngày càng được nâng cao ý thức chiến đấu và chiến thắng, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, một lòng vì hòa bình và độc lập dân tộc, "Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh". Cuốn "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" có viết: "Mọi cố gắng của Pháp và Mỹ vẫn chưa cải thiện được tình thế của Pháp trong chiến tranh xâm lược. Phương Tây đã ra sức tô vẽ cuộc "chiến tranh bẩn thỉu” thành cuộc "Thập tự chinh chống cộng", nhưng vẫn không vực được sự sa sút về tinh thần của quân viễn chinh, đặc biệt là quân ngụy lúc này đã chiếm tỉ lệ lớn trong hàng ngũ địch. Binh lính không hiểu chiến đấu cho ai và chiến đấu để làm gì? Trong khi đó, những cuộc chỉnh huấn, chỉnh quân mùa hè đã nâng cao lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết chiến đấu và ý thức giai cấp trong quân đội, rèn luyện thêm về kỹ thuật, chiến thuật, mang lại cho cán bộ, chiến sĩ tinh thần náo nức thi đua chiến đấu lập công. Từ năm 1950, chúng ta vẫn giữ quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ".

Nhằm cụ thể hóa kế hoạch mang tên mình, Navarre đã thực hiện hàng loạt các hoạt động ngay từ khi mới lên nắm chính quyền trong đó ưu tiên hàng đầu là tổ chức và xây dựng lại lực lượng dưới dạng "quân đoàn tác chiến" mạnh và cơ động với 6 sư đoàn bộ binh và một sư đoàn dù, được biên chế thành 24 binh đoàn cơ động (trong đó có 12 binh đoàn quân ngụy Việt Nam), 3 binh đoàn dù để áp đảo đối phương. Tiếp sau đó là hàng loạt các cuộc tiến công vào Ninh Bình, Thanh Hóa, khu 4; chốt quân khắp Trung - Thượng - Hạ Lào; củng cố lực lượng tại các vùng đã đóng chiếm. Tuy nhiên, ngay từ đầu ta nắm rõ bản kế hoách Navarre và đã có những sách lược để đối phó. Vào mùa khô 1953 - 1954, bộ đội chủ lực Việt Nam kết hợp với lực lượng địa phương mở những cuộc tấn công vào những hướng chiến lược nhằm giải phóng đất đai và buộc Pháp phải phân tán lực lượng cơ động để đối phó. Trên chiến trường Bắc Bộ chuyển hướng tấn công lên Tây Bắc, tiêu diệt quân đồn trú đang đóng ở Lai Châu, uy hiếp địch ở Thượng Lào, tiến đánh Trung Lào và Hạ Lào. Ở khu 5, đánh Bắc Tây Nguyên để tiêu diệt sinh lực quân đối phương và bảo vệ vùng khu 5 một cách hiệu quả. Các chiến trường Nam bộ, Nam Trung bộ và đồng bằng Bắc bộ cũng được đẩy mạnh với các cuộc chiến tranh du kích. Hướng chính trong giai đoạn này là Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào và Tây Nguyên. Như vậy những tính toán về việc tập trung quân và bảo vệ một số vùng trọng yếu đã thất bại, lực lượng quân viễn chinh Pháp ngày càng lâm vào tình trạng phân tán và bị động; lực lượng cơ động mạnh được củng cố trước đó lúng túng phòng ngự, các căn cứ quân sự được rải rác khắp nơi đứng trước nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn. Con đường số 6 đi Hoà Bình, Sơn La, Tuần Giáo, Điện Biên Phủ đang không có vật cản, rất dễ dàng cho Việt Minh đánh chiếm mà không bị cản trở.

Thất bại này cùng với những trăn trở về việc thiết lập những căn cứ "lục - không quân hỗn hợp" hoặc những "căn cứ trận địa" để bảo vệ trực tiếp nước Lào đã dẫn Navarre lên Điện Biên Phủ, thiết lập tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Điện Biên Phủ được hình thành như một sự cứu rỗi trong toan tính tổng lực để hạ đối phương trong một trận chiến cuối cùng. Cả hai bên có niềm tin để chiến thắng và sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong một thời gian dài, để sau đó Pháp đã bị thực hiện cú chốt hạ cuối cùng tại Đông Dương sau gần 100 năm đặt ách thống trị lên bán đảo này.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
 Bình chọn
Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
135 người đã bình chọn
Thống kê: 291.970
Online: 49