Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong dãy đồi phòng ngự phía Đông, được xác định là tấm là chắn cuối cùng, chiếc chìa khóa mở cánh cửa vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Cái tên A1 là ký hiệu trên bản đồ quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam, còn Thực dân Pháp gọi cứ điểm này là Elian 2, một tên gọi khá mĩ miều cũng như phần lớn các cứ điểm khác trong hệ thống liên hoàn 49 cứ điểm được coi là “mạnh nhất Đông Dương” lúc bấy giờ. Với tầm quan trọng của quả đồi này, ngay từ khi bắt đầu xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Thực dân Pháp đã không tiếc tay để biến cứ điểm Elian 2 thành hệ thống hỏa lực lợi hại, một tử địa đẫm máu nếu Việt Minh tấn công vào đây. Và quả thực, trận chiến ở đây nằm ngoài những tính toán ban đầu của Bộ chỉ huy chiến dịch của ta, kéo dài, ác liệt nhất và cùng nhiều hi sinh nhất so với việc đánh chiếm các cứ điểm khác. Sở dĩ quân đội ta gặp nhiều khó khăn khi tiến công đánh chiếm cứ điểm này là vì trên đỉnh đồi, trung tâm của cứ điểm có một hầm ngầm, là hầm chỉ huy cứ điểm được bố trí nhiều ụ súng, hỏa lực mạnh nhằm ngăn chặn quân ta vượt qua đỉnh đồi, chi tiết này đã dẫn tới việc đào đường hào và đặt bộc phá gần 1000kg của bộ đội ta, kết thúc số phận của cứ điểm A1 vào đêm ngày 6/5/1954.

Chiều 30 tháng 3 năm 1954, trong khi tại các cứ điểm khác quân ta đã đồng loạt nổ súng tiến công thì tại A1 bị mất liên lạc ngay từ những phút đầu nên không nhận được hiệu lệnh tấn công. Sau hơn 30 phút nghe ngóng, Trung đoàn trưởng 174 Nguyễn Hữu An, đơn vị chủ công đánh A1 mới quyết định xung phong tiến vào để mở cửa ở hướng Đông. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch tại đây luôn ở thế giằng co, vô cùng khốc liệt, ta và địch luôn ở tình thế mỗi bên chiếm một nửa cứ điểm. Mặc dù thương vong không phải là ít nhưng ta tiêu diệt được khá nhiều sinh lực địch. Đã nhiều lần Việt Minh ở thế thượng phong, có cơ hội lại tiến lên đỉnh đồi nhằm tiêu diệt toàn bộ cứ điểm giành thắng lợi quyết định nhưng không vượt qua được vì hỏa lực quá mạnh. Nhiều lần thất bại khi cố vượt lên trên, đỉnh đồi A1 đã trở thành là một ẩn số đối với các đơn vị làm nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm này trong khi ở một số quả đồi bên cạnh, quân ta đã làm chủ gần hết các cứ điểm khác trong dãy phòng ngự phía Đông của De Castries. Cùng với việc bị mất nhanh chóng các cứ điểm khác, Thực dân Pháp dồn mọi cố gắng vào cứ điểm A1 bằng việc tăng quân, tăng khí tài quân sự càng làm cho bài toán A1 trở nên nan giải, khó khăn hơn.

Với quyết tâm tiêu diệt bằng được Tập đoàn cứ điểm dù cuộc chiến có phải kéo dài, cách tốt nhất là tìm ra phương án tác chiến tối ưu, với sự cố gắng cao nhất về mọi mặt, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm càng sớm, càng đúng lúc càng tốt.

Cuộc họp Đảng ủy mặt trận sơ kết đợt tấn công vào khu Đông đã đưa ra những đánh giá, nhận định và quyết định tiếp tục những nhiệm vụ đã đề ra cho đợt 2 chiến dịch trong đó quan trọng là giải quyết dứt điểm A1 thừa cơ vượt cầu Mường Thanh tiến vào Sở chỉ huy của De Castries. Theo đó ta đã chưa nghiên cứu kỹ trận địa trên A1, không phát hiện được hầm ngầm của chúng nên không dự kiến cách giải quyết. Ta biết được thông tin này và ước chừng vị trí của chiếc hầm đó nhờ một người dân địa phương. Căn hầm này là một hầm ngầm đào sâu vào đồi, vốn là hầm rượu vang của toà công sứ Pháp trước năm 1945. Có tài liệu viết căn hầm này là hầm Bưu điện của Pháp thời còn Châu Điện Biên. Ngày 20/11/1953 quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ đã cho củng cố căn hầm ngầm thành một cứ điểm quân sự. Diện tích hầm khoảng 18m2 và được chia thành 2 ngăn, trong đó một ngăn là nơi làm việc của bộ phận thông tin điện đài. Hầm có hai cửa lên xuống, được làm bằng những vật liệu vô cùng chắc chắn bốn bên là tường gạch kiên cố, mái hầm được đổ những lớp bê tông dày, khi cần thiết có thể dùng làm nơi ẩn nấp cho hàng chục người.

Về phía quân ta việc xác định vị trí hầm và việc áp sát tiêu diệt là khó khả thi trong điều kiện địch đã tập trung binh, hỏa lực mạnh nhất về đây hòng chiếm lại những vị trí đã mất. Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã có những tính toán kiên quyết để tiêu diệt bằng được căn hầm. Một kế hoạch “Lấy hầm trị hầm” được vạch ra, có tính chất quyết định tiêu diệt cứ điểm A1. Sáng kiến đào đường hầm để đưa bộc phá nghìn cân vào phá sào huyệt được đề xuất bởi Trung đoàn 174 và đây sẽ là một kỳ công, một bất ngờ ta dành cho Pháp trên cao điểm quan trọng này.

Việc đào đường hầm tốn khá nhiều thời gian và công sức của các chiến sĩ ta. 25 cán bộ, chiến sĩ dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung cán bộ công binh của Bộ, đã tiến hành công việc ngay trước mũi súng quân địch, trong tầm kiểm soát của lựu đạn. Đất đồi A1 rất rắn, cứng, ngay việc đào cửa hầm ta mất ba đêm và đổ máu vì đạn địch. Trong quá trình đào các chiến sĩ ta liên tiếp nối nhau, đầu người này nối chân người kia lấy quạt nan tự đan quạt không khí vào bên trong mới tiếp tục được công việc; đèn Xô lếch sách tay cũng được sử dụng để lấy ánh sáng. Việc đào đường hầm kéo dài hơn dự kiến. Đến gần ngày quyết định cũng là lúc ta chạm phải đá cứng nghi là hầm ngầm, việc đào đường hầm được lệnh dừng lại, lúc này đường hầm ngầm dưới đất dài 33m, ta đào thêm một ngách ở cuối đường hầm mỗi chiều 1,5m để chứa thuốc nổ. Số thuốc nổ 960kg chỉ được cấp một phần gần 200kg, còn lại các chiến sĩ ta đã phải tháo từ những quả mìn chưa nổ mà Pháp thả dù xuống, một việc cực kỳ nguy hiểm. Khi mọi việc đã xong, quyết định cho nổ khối bộc phá vào 20 giờ 30 phút ngày 06 tháng 5 năm 1954 do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, Nguyễn Điệt và Nguyễn bạch điểm hỏa. Ta cũng quyết định lấy tiếng nổ của khối bộc phá làm hiệu lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận.

Đúng thời điểm quyết định, khối bộc phá được điểm hỏa gần đỉnh đồi. Một tiếng nổ trầm không được như mong đợi phát ra từ phía A1. Một cột khói lớn bốc lên cao cách hầm ngầm không xa. Khối bộc phá tiêu diệt được một đại đội địch và làm nhiều lính Pháp bị thương. Ta đã tạo ra được một lợi thế trên tuyến ngang đồi, tạo thời cơ cho các chiến sĩ Trung đoàn 174 tiến lên đánh chiếm hầm chỉ huy cứ điểm. Tại đây cuộc chiến diễn ra bằng tất cả những gì hai bên có: bằng lưỡi lê, lựu đạn, tiểu liên trên từng chiến hào, ụ súng.

Địch liên tiếp tăng viện cho A1 nhưng con đường lên đồi đã bị ta chốt chặt với việc triệt hạ lô cốt cây đa cụt, bảo vệ cứ điểm từ hướng Tây Bắc vào lúc 1 giờ 30 phút sáng. Cuộc chiến ở đây kéo dài thêm 3 giờ đồng hồ nữa, trước khi địch có những hành động tiếp theo lúc trời sáng, ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm A1. Đến lúc này ta đã tiến công, phòng ngự trên đồi A1 39 ngày đêm, loại 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn cơ động của địch, diệt 825 tên địch.

A1, C1, C2 những điểm cao phía Đông lần lượt bị mất, “chiếc chìa khóa của Tập đoàn cứ điểm đã lọt vào tay ta”, Sở chỉ huy của tướng De Castries nằm trong tầm hoả lực bắn thẳng của bộ binh. 15 giờ ngày 07/5/1954, từ các hướng quân ta đồng loạt tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống De Castries cùng toàn bộ tham mưu của chúng. Sau khi truy quét nốt số tàn binh có trốn chạy sang Thượng Lào, chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức chấm dứt vào 24 giờ cùng ngày.

Hầm ngầm trên đồi vẫn còn đó, giờ đây lặng lẽ, yên bình trong lòng A1. Hiện nay căn hầm đã được tu sửa, tôn tạo bằng những loại vật liệu bền vững hơn với thời gian. Trong hầm có trưng bày một số manơcanh lính Pháp nhằm tái hiện lại khung cảnh năm xưa. Cùng với A1, nó sẽ mãi là chững tích rõ ràng nhất về “cuộc chiến 5 quả đồi”, như tên gọi của một số lính Pháp sau này, để mô tả sự ác liệt nhất là tại đây.

Hồng Nhung

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
 Bình chọn
Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
135 người đã bình chọn
Thống kê: 291.633
Online: 54