Người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế vẫn biết đến hầm De Castries (còn có tên Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ)là cơ quan đầu não của tập đoàn quân sự khổng lồ mà Pháp, Mỹ tự hào coi là pháo đài mạnh nhất chưa từng có ở Đông Dương, nơi mà tướng De Castries chỉ đạo toàn bộ hoạt động của chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng có lẽ ít người biết rằng đây còn từng là một hôn trường - nơi tình yêu đơm hoa kết trái trên nền “máu trộn bùn non”.

Người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế vẫn biết đến hầm De Castries (còn có tên Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ) là cơ quan đầu não của tập đoàn quân sự khổng lồ mà Pháp, Mỹ tự hào coi là pháo đài mạnh nhất chưa từng có ở Đông Dương, nơi mà tướng De Castries chỉ đạo toàn bộ hoạt động của chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng có lẽ ít người biết rằng đây còn từng là một hôn trường - nơi tình yêu đơm hoa kết trái trên nền “máu trộn bùn non”.


Theo lời kể của những cựu chiến binh - nhân chứng của sự kiện, đây là lễ thành hôn của nữ cứu thương Nguyễn Thị Ngọc Toản và Đại đoàn phó Đại đoàn 308 Cao Văn Khánh. Hai người quen nhau khi Ngọc Toản còn là nữ sinh khuê các, xinh đẹp có tiếng, con gái thượng thư Tôn Thất Đàn, một gia đình trâm anh thế phiệt và Cao Văn Khánh là thầy giáo. Khi cách mạng bùng lên, cả thầy Khánh lẫn nữ sinh Ngọc Toản đều đi theo tiếng gọi của tổ quốc. Thầy Khánh làm ở Ban chấp hành giải phóng quân, còn nữ sinh Ngọc Toản tham gia cứu thương. Họ bắt đầu nảy nở tình cảm khi Cao Văn Khánh được điều động ra Việt Bắc giữ chức Đại đoàn phó Đại đoàn 308 gặp lại cô nữ sinh khuê các ngày nào bây giờ đã trở thành một nữ cứu thương gan dạ.

Tình yêu nảy nở theo năm tháng và tiếng đạn bom như ngọn lửa vừa được nhen lên theo ngày tháng. Cuối năm 1953, khi Bộ Tổng tư lệnh điều động Đại đoàn 308 lên Tây Bắc chuẩn bị mở chiến dịch Điện Biên Phủ, trước khi hành quân Đại đoàn phó Khánh lên gặp người yêu ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Lúc chia tay, họ cùng hẹn đến ngày chiến thắng sẽ làm hôn lễ tại gia đình. Sau đó, nữ cứu thương Thoản cũng ra mặt trận phục vụ chiến đấu ở đội điều trị ở Cục quân y 2, đặt sâu trong rừng Tuần Giáo. Chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, chứng kiến anh em thương binh về giải phẫu ngày càng nhiều, lòng Thoản thắt lại. Trong nỗi lo chung, có nỗi lo riêng về người yêu, nhưng biết làm sao? Cô dặn lòng mình cứng rắn chờ ngày chiến thắng…

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, nữ cứu thương Ngọc Toản xách túi xách 5 giờ chiều đi bộ vượt qua suối, đèo hiểm trở một mạch suốt đêm từ Tuần Giáo, gần sáng thì đến Mường Thanh tìm gặp người yêu. Gặp nhau trong xúc động nhưng chưa kịp nói gì nhiều thì Đại đoàn phó Cao Văn Khánh đã được giao nhiệm vụ ở lại tiếp quản trận địa Mường Thanh, trao trả tù binh. Lúc đó, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Trần Lương đã “đọc” được tâm sự của hai người: “Chúng tôi biết anh chị yêu nhau đã lâu rồi, song vì chinh chiến liên miên, chưa có điều kiện tính chuyện trăm năm. Hiếm có dịp anh chị gặp nhau như thế này, hay là làm hôn lễ tại đây, chúng tôi sẽ đứng ra làm chủ hôn cho?”

Hạnh phúc vỡ òa, đám cưới của đôi trai tài gái sắc ấy đã diễn ra ngay trong hầm tướng De Castries, giữa trận địa Mường Thanh, nơi mà mới hôm qua còn là mặt trận khốc liệt. Căn hầm dưới lòng đất của bại tướng De Castries được trang hoàng thành hôn trường bởi những chiếc dù chiến lợi phẩm đủ màu sắc. Phía trước căng một tấm dù đỏ, đính dòng chữ trắng cắt bằng giấy bản đồ rách địch bỏ lại: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ - 22/5/1954”. Một đám cưới không giống đám cưới truyền thống khác: không trầu cau, sính lễ, không cha mẹ, họ hàng, chỉ có đồng đội. Bàn tiệc được bày biện bằng chiến lợi phẩm do Pháp thả dù cho Bộ Tham mưu của De Castries bay lạc vào trận địa của ta: rượu Champagne, rượu Napoléon, thuốc lá thơm. Từ hầm De Castries bước ra, hai người không lên xe hoa mà lên xe tăng của Pháp bên cầu Mường Thanh theo “kịch bản” của phóng viên báo Quân đội nhân dân để chụp ảnh kỷ niệm...

Gần 60 năm trôi qua, năm tháng có thể làm nhòe những bức ảnh, những hiện vật một thời nhưng không thể xóa đi ký ức anh hùng của dân tộc Việt Nam về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cũng như ký ức của những nhân chứng sống như nữ sinh Nguyễn Thị Ngọc Toản. Cô dâu trên trận địa ngày nào bây giờ đã là một Đại tá, bác sĩ sản khoa đầu ngành của Việt Nam – người đã có một đám cưới một không hai giữa chiến trường Điện Biên còn chưa nguội khói súng năm nào.

Dương Minh Thụ

Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
 Bình chọn
Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
135 người đã bình chọn
Thống kê: 293.156
Online: 120