Di tích nhà tù Lai Châu nằm ở phường Sông Đà - thị xã Mường Lay - tỉnh Điện Biên. Nhà tù khởi công xây dựng vào năm 1901 và được thực dân Pháp sử dụng đến năm 1953. Khi bộ đội Việt Nam tiến vào giải phóng thị xã Lai Châu, nhà tù Lai Châu được dùng làm một số công sở của tỉnh. Di tích nhà tù Lai Châu là loại hình di tích lịch sử, là nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp xâm lược cùng bè lũ tay sai bán nước đối với nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu nói riêng.

Di tích nhà tù Lai Châu nằm ở phường Sông Đà - thị xã Mường Lay - tỉnh Điện Biên. Nhà tù khởi công xây dựng vào năm 1901 và được thực dân Pháp sử dụng đến năm 1953. Khi bộ đội Việt Nam tiến vào giải phóng thị xã Lai Châu, nhà tù Lai Châu được dùng làm một số công sở của tỉnh. Di tích nhà tù Lai Châu là loại hình di tích lịch sử, là nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp xâm lược cùng bè lũ tay sai bán nước đối với nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu nói riêng.


Đầu thế kỷ 20, cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc Lai Châu (nay tách thành hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, sau đây gọi chung là Lai Châu) đã liên tiếp nổ ra với đỉnh cao là phong trào của Vàng Tả Chay (1918 - 1920). Hoảng sợ trước phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân đang ngày càng phát triển và có sự đoàn kết rộng rãi, thực dân Pháp đã phải mở rộng việc xây dựng các căn cứ đồn bốt, nhà tù hòng làm công cụ để bắt bớ, giam giữ, tra tấn làm suy giảm ý chí yêu nước của nhân dân các dân tộc Lai Châu, chia rẽ dân tộc, dập tắt các phong trào khởi nghĩa của nhân dân chống lại chúng.

Di tích nhà tù Lai Châu được khởi công xây dựng vào năm 1901 do tên quan ba kỹ sư Pháp là Bóc Đê thiết kế. Đây là một công trình được xây dựng kiên cố bằng xi măng, sắt thép, gạch đá. Công trình được xây dựng quy mô theo hình chữ nhật với chiều dài một bên 79m, một bên 75m. Chiều rộng một bên 42m, một bên 39m, tường dày từ 95cm đến 1,2m, cao trên 5m, lên trên mặt tường có dựng các cột sắt để giăng dây thép gai chiếm khoảng 20cm, một bên dành cho lính canh có thể đi lại trên mặt tường. Bốn góc của bốn bức tường là bốn bốt gác. Giữa sân của nhà tù chính  có một tháp canh cao hơn bốn bốt gác ở các góc tường bao nhà tù, nơi đây có treo kẻng để báo cho tù nhân tập trung và cũng là nơi để quan sát các hoạt động của tù nhân.

Nhà tù Lai Châu có 06 dãy nhà giam, nằm ở hai bên tường và cuối tường. Mỗi dãy nhà dài khoảng 32m, rộng khoảng 7m, bao gồm cả hành lang hiên rộng 1,8m, mỗi một phòng giam rộng khoảng 7m2, cao hơn 3,2m. Trong phòng giam có cùm chân và các dây xích dài để xích tay.

Nhà tù Lai Châu được bọn Pháp và tay sai gọi là "Trại giam địa đạo" vì trại giam ở gần ngay cạnh khu nghĩa địa, nên khi có phạm nhân nào trốn trại bọn chúng bắt được là đem ra nghĩa địa xử bắn và chôn luôn. Đây còn được ví như "Địa ngục trần gian" chỉ có lối vào chứ không có lối ra. Ngoài 6 dãy nhà giam của phạm nhân, ở phía bên phải của trại giam tính từ cổng vào còn có một nhà hai tầng với 06 phòng mỗi phòng rộng chừng 25m2. Đây là nơi làm việc của bọn quan cai ngục Pháp và Việt Nam.

Mặc dù thực dân và tay sai đã chú trọng củng cố, xây dựng lực lượng, ra sức bắt bớ, sát hại người yêu nước song không vì thế mà phong trào yêu nước tại Lai Châu bị dập tắt. Trái lại, tội ác của chúng chẳng những không khuất phục được tinh thần yêu nước của nhân dân và chiến sĩ cách mạng mà càng thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh quyết liệt. Bằng chứng điển hình cho tinh thần yêu nước quật cường của nhân dân Lai Châu được thể hiện bằng cuộc bạo động của những người tù tại nhà tù Lai Châu do Cai Vợi lãnh đạo vào tháng 01/1927 nhằm đáp trả cho tội ác của thực dân và tay sai. Những người tù ở đây đã nổi dậy cướp súng của lính gác rồi đánh chiếm các trại lính nhỏ đồn thấp, sau đó tiến lên các trại lính lớn ở Đồi Cao - Mường Lay. Tại đây đã diễn ra những cuộc chiến đấu rất ngoan cường với bọn lính Khố đỏ, Khố xanh, bọn Tây dương, gây cho địch nhiều tổn thất lớn. Sau 48 giờ chiến đấu anh dũng, phần lớn anh em tù đã hy sinh hoặc bị bắt, còn 72 người với 50 khẩu súng đã trốn lên vùng cao. Địch tiếp tục truy lùng, sau hai tháng bọn chúng mới ám hại được số anh em này.

Sau khi cuộc khởi nghĩa của Cai Vợi (1927) bị dập tắt, thực dân Pháp đã đưa máy chém từ Hà Nội lên đễ khủng bố tinh thần của những người dân yêu nước. Máy chém được chúng đặt cách nhà tù 300m và nơi đây được gọi là Khu máy chém. Ngoài ra, tại nhà tù Lai Châu còn có khu hầm ngầm ở gần ngay cạnh khu làm việc của quan 3 Pháp (là tên đứng đầu bộ máy cai trị của tỉnh Lai Châu). Cửa hầm cao 1,2m, rộng 1m và đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Theo các cụ lão thành cách mạng thì đường hầm có hai đường một đường ra Sông Đà và một đường ra Sân bay.

Sau ngày giải phóng thị xã Lai Châu, di tích nhà tù Lai Châu hết vai trò bắt bớ, giam cầm, khủng bố tinh thần người yêu nước nên đã dần trở thành phế tích, bị phá bỏ dần để phục vụ cho việc xây dựng những công trình khác. Năm 1963, khu quần thể di tích đã bắt đầu bị phá bỏ, di tích nhà tù chỉ còn trơ lại một số đoạn tường ngắn và chân móng xung quanh bốn mặt của di tích. Năm 1974, do yêu cầu đòi hỏi về mặt bằng quy hoạch xây dựng của Ty lương thực, nhiều đoạn tường lại bị đập phá tiếp, một số đoạn đã biến mất, một số đoạn còn móng thì bị các công trình xây dựng xây tiếp lên trên mặt di tích. Năm 1998 trường trung học cơ sở Sông Đà tiếp quản diện tích đất di tích nhà tù Lai Châu từ Sở lương thực, một lần nữa di tích nhà tù bị nhà trường cho san ủi để xây dựng các phòng học. Hiện nay, vì dòng điện tương lai của đất nước, di tích nhà tù Lai Châu lại một lần nữa bị san lấp dưới lòng hồ Thủy điện Sơn La tại thị xã Mường Lay tỉnh Điện Biên.

Mặc dù đã không còn nhiều dấu tích cho các thế hệ con cháu được biết đến về một thời khốc liệt song quần thể di tích nhà tù Lai Châu vẫn chứa đựng những giá trị lịch sử vô cùng to lớn. Trước hết, khu quần thể di tích nhà tù Lai Châu là bằng chứng sống ghi dấu tội ác vô cùng dã man của bọn thực nhân Pháp cướp nước cùng bè lũ tay sai bán nước đối với đồng bào yêu nước và các chiến sĩ cách mạng.

Thứ hai, khu di tích là nơi ghi dấu tinh thần đấu tranh vô cùng anh dũng, bất khuất của nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên và Lai Châu) với người đại diện ưu tú nhất là Cai Vợi và những người tù trong cuộc khởi nghĩa năm 1927. Đây sẽ là tấm gương sáng để các thế hệ mai sau học tập và làm theo để sống làm sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha ông đi trước.

Di tích nhà tù Lai Châu hiện nay đã trở thành phế tích. Việc phục dựng lại di tích này khó có thể thực hiện được vì di tích đã nằm trong vùng ngập của lòng hồ thủy điện Sơn La tại thị xã Mường Lay. Do đó phải đắp sa bàn toàn bộ khu quần thể di tích nhà tù Lai Châu theo tỉ lệ phù hợp tại kho lòng hồ thủy điện Sơn La (tại tỉnh Điện Biên) nhằm tạo điều kiện cho mọi tầng lớp công chúng có thể đến tham quan, nghiên cứu. Những hiện vật còn lưu giữ được cũng như thông tin về một giai đoạn lịch sử sẽ thu hút công chúng đến tham quan, nghiên cứu, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng đối với các thế hệ mai sau.

Ngọc Mai

Bảo tàng tỉnh


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
 Bình chọn
Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
135 người đã bình chọn
Thống kê: 299.523
Online: 70