Với đặc điểm cư trú của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên, phần lớn các dân tộc đều ở nhà sàn. Trong mỗi ngôi nhà thường có 02 bếp lửa (một bếp để sinh hoạt, nấu nướng hàng ngày và 01 bếp đặt ở vị trí thiêng ở cạnh gian thờ và phòng chủ nhà), vị trí bếp lửa được xem là linh hồn, là nơi duy trì sự đầm ấm và gắn kết các thành viên trong gia đình; bếp lửa của đồng bào Cống, tại huyện Nậm Pồ cũng vậy. Không gian bếp tạo không khí quây quần, đoàn tụ, chứng kiến sự lớn lên và trưởng thành của các thành viên trong một gia đình.
Nhà sàn của dân tộc Cống thường có ba gian hoặc bốn gian được làm bằng gỗ. Các gian được chia theo thứ bậc, gian giáp với gian thờ là gian buồng ngủ của bố mẹ, kế tiếp là gian buồng ngủ của vợ chồng con trai cả, tiếp theo là gian của các con thứ: Con trai, con gái và con rể (trong trường hợp ở rể). Gian cuối cùng gần cửa ra vào gia chủ thường làm buồng của khách. Xưa kia, các gian được ngăn cách thành buồng bằng các phên, vách gỗ, tuy nhiên ngày nay, các gia đình sử dụng rèm che để ngăn thành các buồng ngủ của từng thành viên trong gia đình. Điều đặc biệt ở ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Cống phải có một bếp lửa nhỏ, bếp giữ vị trí quan trọng và linh thiêng nên thường được các gia đình đặt ở ngay gian chính, trước hoặc ngay dưới bàn thờ tổ tiên của gia đình. Bếp được định hình bằng 4 thanh gỗ ghép thành hình chữ nhật, bề dày đắp đất khoảng 4-8cm và hầu hết là không có kiềng để đun bếp.
Thông thường với các dân tộc khác, bếp được đặt trong nhà là nơi dành cho các thành viên trong gia đình hoặc khách đến chơi nhà ngồi sưởi ấm vào mùa lạnh và sum họp ăn uống của gia đình. Nhưng đối với dân tộc Cống, bếp nhỏ thiêng này sẽ không sử dụng vào mục đích nấu nướng hoặc sưởi ấm cho khách mà chỉ được làm ấm bằng than hoặc đốt lửa mỗi khi gia chủ làm lý hay lễ của gia đình. Người Cống quan niệm bếp lửa nhỏ là biểu trưng cho sự ấm áp, hạnh phúc, sum vầy của mỗi gia đình. Hành động đưa than hồng vào bếp hoặc đốt lửa mỗi khi làm lý, lễ chính là đem lại hơi ấm và sưởi ấm cho các vị thần linh, ông bà, tổ tiên trong chính gia đình họ. Có như vậy mới cảm giác được hơi ấm, sự gần gũi giữa các thành viên trong gia đình với các vị thần linh, ông bà, tổ tiên.
Đốt lửa bếp thiêng trong lễ Mừng cơm mới của dân tộc Cống, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
Trong lễ Mừng cơm mới của dân tộc Cống, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, các gia đình sau khi dọn dẹp gian thời, gia chủ sẽ tiến hành đốt bếp lửa thiêng trước khi thực hành các nghi lễ Mừng cơm mới. Với mong muốn tạo không khí ấm áp xuyên suốt trong quá trình làm lễ. Đồng thời đó cũng là một hành động để các thành viên trong gia đình bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị thần linh, tổ tiên, ông bà, bố mẹ, những thế hệ trước đã che chở, phù hộ cho gia đình, dòng họ, bản làng được khỏe mạnh, yên ấm, mùa màng bội thu.
Đến nay, khi cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, những ngôi nhà sàn cũng dần được thay thế, bếp lửa và những phong tục của người Cống tại huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cũng có nhiều đặc điểm thay đổi và dần mai một.