Ngày 08/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Nghị định gồm 8 Chương, 53 điều và thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

Theo đó, ngoài 2 Chương quy định chung và điều khoản thi hành. Nghị định quy định chi tiết 6 nội dung: Thành lập Hội; tổ chức của Hội; hoạt động của Hội; việc đổi tên, chia tách, sát nhập, hợp nhất, đình chỉ hoặc giải thể Hội; một số quy định đối với Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; quản lý nhà nước về Hội.

Một số điểm đáng chủ ý của Nghị định 126/2024/NĐ-CP là quy định cụ thể về điều kiện thành lập hội. Các tổ chức, công dân Việt Nam muốn thành lập hội phải tuân thủ những tiêu chuẩn và yêu cầu nhất định. Hội phải có tôn chỉ, mục đích rõ ràng và phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngoài ra, điều kiện về số lượng thành viên tối thiểu cũng được xác định rõ ràng. Đối với hội hoạt động trên phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh, phải có ít nhất 100 tổ chức, công dân đủ điều kiện và tự nguyện đăng ký tham gia. Với các hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, yêu cầu là ít nhất 50 tổ chức, công dân; đối với cấp huyện là 20 tổ chức, công dân; và cấp xã là 10 tổ chức, công dân.

Tên gọi của hội phải phù hợp và không trùng lặp, phải được viết bằng tiếng Việt hoặc phiên âm ra tiếng Việt, và có thể sử dụng tiếng dân tộc thiểu số hoặc tiếng nước ngoài nếu cần thiết. Tên gọi phải phản ánh đúng tôn chỉ, mục đích và lĩnh vực hoạt động chính của hội. Đặc biệt, tên gọi của hội không được trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với các hội đã được thành lập trước đó.

Điểm khác biệt tại Nghị định 126 đó là quy định cơ quan có thẩm quyền công nhận Ban vận động thành lập hội hoạt động trong phạm vi tỉnh là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (quy định cũ là Sở quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động quyết định công nhận ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh). Cùng với đó, Nghị định cũng quy định rõ thành phần hồ sơ đề nghị Ban vận động, trong đó lưu ý giấy tờ chứng minh năng lực hành vi dân sự của Ban vận động. Quy định rõ về việc gia hạn thời gian tổ chức Đại hội; trường hợp hết hiệu lực của quyết định thành lập Hội… Ban hành hệ thống phụ lục mẫu đơn, hồ sơ đầy đủ và dễ tiếp cận, triển khai.

Với các quy định chặt chẽ về điều kiện thành lập, quản lý tài sản, và minh bạch trong hoạt động, Nghị định giúp đảm bảo rằng các hội đoàn hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, và đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội.

Nghị định 126 có hiệu lực từ ngày 26/11/2024./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.129.160
Online: 105