Trong cộng đồng 19 dân tộc anh em đang sinh sống tại tỉnh Điện Biên, dân tộc Kháng là một trong những dân tộc còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng như: tiếng nói, trang phục, phong tục tập quán, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa văn nghệ…và đặc biệt là một số điệu múa truyền thống. Một trong những điệu múa truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Kháng đó là điệu múa Tầm đào(tỏi điểng).

 Múa Tầm đao (tỏi điểng), có nơi gọi là Tăm đao là điệu múa giản dị chỉ dành riêng cho nữ giới, điệu múa là cơ hội để các cô gái thể hiện tài năng, sự khéo léo, uyển chuyển,  mạnh mẽ ….Điệu múa thường được diễn ra trong các dịp lễ hội, tết….của đồng bào dân tộc Kháng.

Để chế tác loại nhạc cụ này, nữ giới dân tộc Kháng phải vào rừng lựa chọn những cây nứa thẳng đẹp, bánh tẻ, không non, không quá già. Họ chọn một đoạn vừa ý với đường kính từ 3-4 cm, dài từ 60-70 cm, sao cho một đầu còn giữ lại mấu, đầu kia bỏ mấu, giữ lại thân ống nứa. Gần đầu có mấu, người ta đục hai lỗ nằm trên hai mép đối xứng nhau, hai lỗ không thẳng mà so le nhau, khi múa ngón tay cái của tay cầm đặt ở vị trí lỗ trên, ngón trỏ sẽ đặt sẽ đặt ở vị trí lỗ dưới như vậy mới tạo nên nhịp gõ và điều chỉnh âm thanh,  nhịp điệu theo ý muốn. Đầu không giữ mấu người ta vát nhẹ hai bên thân ống tạo thành trạc, dài khoảng 30 cm, giữa hai cánh trạc có xẻ một khe nhỏ vào thân ống để kẹp sợi chỉ, có tác dụng tạo độ rung phát ra âm thanh. Khi múa, người múa gõ phần gốc cánh trạc vào mu bàn tay để hai cánh trạc rung tạo ra âm thanh riêng biệt của Tầm đao.

Khi múa, nữ giới dân tộc Kháng trong trang phục truyền thống, xếp thành hai hàng đối diện nhau trong tư thế chuẩn bị, sau nhịp dẫn của người đội trưởng, tất cả cùng hoà theo nhịp. Trên nền nhịp và âm thanh của Tầm đao, hai hàng dần dần biến đổi đội hình, từ hàng thẳng, sau đó họ đan xen nhau, đảo vị trí cho nhau  và di chuyển thành vòng tròn.Cứ như thế, nhịp đánh càng tăng dần, tốc độ di chuyển trong đội hình càng nhanh hơn, thôi thúc hơn. Càng về sau, người múa tầm đao càng thăng hoa trong điệu múa như không bao giờ kết.

Nhịp điệu của tiếng Tầm đao cất lên, người nghe như cảm nhận được tâm tư tình cảm của người múa qua điệu Tầm đao, tiếng Tầm đao thể hiện tình yêu khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, làm cho tâm hồn của người nghe vui vẻ lạc quan thêm niềm tin yêu vào cuộc sống.

Ngày nay với sự phát triển, hội nhập mạnh mẽ và giao thoa của nền kinh tế, văn hóa đã tác động mạnh mẽ đến văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số và có nguy cơ ngày càng mai một. Một số điệu múa truyền thống của các dân tộc thiểu số ngày càng ít xuất hiện hơn. Tuy nhiên người Kháng tại tỉnh Điện Biên là một trong những dân tộc vẫn luôn ý thức được việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là những nét đẹp trong điệu múa độc đáo của dân tộc mình cho các thế hệ mai sau. Đó là một trong các giá trị truyền thống cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.299.312
Online: 14