Trong mỗi gia đình Việt Nam, một số loại bát, đĩa, cốc, chén làm bằng gốm, sứ, thủy tinh đã trở thành vật dụng rất đỗi quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân. Đặc biệt, gốm sứ còn trở thành những sản phẩm truyền thống của dân tộc Việt Nam. Như chúng ta được biết gốm sứ cổ Việt Nam đã xuất hiện cách đây hàng nghìn năm, qua thời gian bằng sự thông minh tìm tòi, các nghệ nhân gốm sứ đã biết sử dụng bàn xoay trong cách chế tạo gốm sứ, tạo ra những sản phẩm đa dạng như: âu, ca, đĩa, tượng...với màu men sáng bóng, hoa văn tinh xảo.

Trong suốt tiến trình lịch sử Việt Nam, cũng đã hình thành và xuất hiện nhiều làng nghề làm gốm truyền thống lâu đời như Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu… Nhiều làng nghề vẫn tiếp tục theo đuổi nghề gốm và phát triển cho tới tận ngày nay, nhưng cũng không ít làng nghề dần mai một và biến mất khỏi bản đồ gốm sứ Việt Nam.

Từ cuối thế kỷ thứ XIV, gốm hoa nâu và gốm men ngọc đã mất dần vị trí độc tôn và bắt đầu nhường chỗ cho gốm hoa lam với chất liệu và phong cách nghệ thuật mới. Có thể nói, gốm hoa lam là mốc thứ ba trong tiến trình lịch sử phát triển của gốm cổ Việt Nam cả về phương diện kỹ thuật và nghệ thuật trang trí. Đồ gốm thời Lê kế thừa tinh hoa của nghệ thuật gốm thời Lý - Trần nhưng có nét độc đáo mang đậm tính dân gian. Gốm thời Lê vừa có nét trau truốt, khỏe khoắn qua cách tạo dáng, vừa được thể hiện theo phong cách hiện thực và đây được coi là thời kỳ đạt tới đỉnh cao của đồ gốm hoa lam.

Những chính sách buổi đầu của nhà Lê sơ sau khi giải phóng khỏi ách đô hộ của nhà Minh đã thúc đẩy sản xuất phát triển, trong đó công - thương nghiệp có bước tiến nhanh chóng. Những phường thủ công tập trung nhiều thợ cùng nghề, chuyên sản xuất một vài sản phẩm nhất định, phục vụ cho nhu cầu đời sống hàng ngày của nhân dân và tầng lớp quý tộc phong kiến. Người thợ gốm thời Lê sơ đã sáng tạo ra hàng loạt các sản phẩm đủ các loại hình, kiểu dáng và phong cách phong phú. Bút pháp và nội dung trang trí thì vô cùng sinh động và đậm nét dân gian. Căn cứ theo những tư liệu khảo cổ thì gốm hoa lam thời Lê sơ được sản xuất  từ hai  trung tâm gốm lớn là Bát Tràng (Hà Nội) và Nam Sách (Hải Dương). Trong đó, gốm hoa lam Bát Tràng ra đời sớm hơn và phát triển qua nhiều thế kỷ, tuy có lúc thăng trầm nhưng vẫn còn được phát triển cho đến ngày nay. Đồ gốm hoa lam Nam Sách (Hải Dương) chỉ sản xuất để phục vụ xuất khẩu trong suốt giai đoạn triều Lê, đã đánh một dấu đậm trên bản đồ giao thương trên vùng biển Việt Nam thời Lê sơ.

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Điện Biên đang lưu giữ và bảo quản một số hiện vật gốm sứ thuộc các thời, trong đó có thời Lê. Âu gốm men trắng vẽ lam là một trong số các hiện vật đó, được Bảo tàng tỉnh Điện Biên sưu tầm năm 2018. Đây là hiện vật được gia đình ông Cà Văn Lả và một số người dân sinh sống tại xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông phát hiện trong những lần đào đất, xây đập hồ Pú Nhi, qua một thời gian lưu giữ và đã bàn giao lại cho Bảo tàng tỉnh Điện Biên để tiếp tục lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị. Đây là hiện vật được các chuyên gia khảo cổ học xác định có nguồn gốc từ lò gốm của tỉnh Hải Dương.

Âu gốm men trắng vẽ lam có miệng loe, thành cao, cổ thắt, lòng sâu, chân đế cao. Hoa văn trang trí khá đơn giản: là những đường vẽ lam ở thân, ở vành miệng. Lớp men phủ trên âu gốm đã bị bong tróc nhiều. Gốm sứ thời này được coi là đỉnh cao của hoa lam bởi theo nhiều bài viết nghiên cứu của các chuyên gia khảo cổ học, đặc biệt trong lĩnh vực gốm sứ cho biết: Gốm hoa lam là tên gọi một loại sản phẩm gốm có trang trí bằng màu xanh lam. Chất liệu tạo màu chủ yếu là ôxit côban màu xanh lam hay còn gọi màu chàm. Phần lớn gốm hoa lam được làm từ loại đất sét trắng, được tinh luyện khá kỹ, nung ở nhiệt độ 13000C. Trang trí hoa lam trên gốm bằng bút lông và màu lam (hay xanh chàm). Nếu kỹ thuật trang trí gốm hoa nâu thời Trần trước đó người thợ gốm dùng bút lông chấm men mầu để tô lên từng mảng đồ án văn khắc trên cốt xương đất mộc, thì giờ đây trên gốm hoa lam người thợ đã vẽ thực sự. Lối vẽ trang trí trên gốm hoa lam có 3 loại: vẽ dưới men, vẽ giữa men và vẽ  trên men. Đặc biệt với phương pháp vẽ trang trí dưới men và giữa men của sản phẩm gốm hoa lam tạo nên một hiệu quả kỳ diệu. Khi sản phẩm đã được qua lò nung, hoa văn trang trí thêm phần lung linh sống động

Ngày nay, gốm hoa lam vẫn còn tiếp tục được sản xuất tại các cơ sở làm gốm trên khắp cả nước, trên cơ sở kế thừa truyền thống nghệ thuật gốm cổ, trong đó có nghệ thuật gốm thời Lê sơ đã từng được phát triển rực rỡ một thời, kết hợp với yêu cầu mới để tạo ra nền nghệ thuật gốm Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, nhằm phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu thực dụng cũng như thị hiếu thẩm mỹ của nhân dân trong nước và xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Để có được sự phát triển mạnh mẽ như ngày nay, gốm sứ Việt Nam đã trải qua hàng trăm năm xây dựng, giữ gìn, bảo tồn và phát triển. Tuy có nhiều biến cố, thăng trầm trong lịch sử nhưng tinh hoa gốm sứ Việt Nam vẫn luôn luôn được gìn giữ, luôn có sự đổi mới và để lại một kho tàng các tác phẩm gốm sứ đặc sắc. 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.313.175
Online: 43