Tháng 5 luôn gắn với 2 sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước là ngày ngày kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5 và kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại 19/5. Cũng trong ngày tháng 5 lịch sử của 76 năm về trước, Hồ Chủ tịch trong chỉ thị với các đội vũ trang tuyên truyền năm 1947 đã nói: "Phải đem bằng được lá cờ đỏ sao vàng cắm lên đất Điện Biên Phủ". Điều đó thể hiện một niềm tin chắc thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước thắng lợi to lớn của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp gian khổ của Quân và dân ta.
Trong tác phẩm "Giấc ngủ 10 năm" Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1949 với bút danh "Trần Lực" đã thể hiện những "tiên đoán" rất chính xác về "trận cuối cùng ta thắng Pháp". Mà chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp cũng như dự đoán đó của người. Trong tác phẩm người đã dự đoán những chi tiết có sự trùng hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đến kỳ lạ qua những chi tiết sau:
- "Sau khi thất bại, giặc kéo nhau về giữ mấy thành thị lớn, để mưu vật với ta một keo nữa". Thực tế, sau 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam Thực dân Pháp đã gặp rất nhiều khó khăn, thất bại. Chính phủ Pháp đã thay tướng để hòng cứu vãn những thất bại và "tìm lối thoát trong danh dự". Viên tướng 4 sao Henri Nava cùng bản kế hoạch mang tên chính ông ta là những gì mà cả Pháp và Mỹ đều trông đợi. Tất cả đều cho rằng Na Va và bản kế hoạch hoàn hảo đó sẽ sớm chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đem vinh quang về cho nước Pháp.
Tướng Nava bàn kế hoạch tại Điện Biên Phủ
- "Chúng được viện binh bằng máy bay. Quân ta bắn rơi mấy chiếc, xét ra không phải máy bay của Pháp, mà của một nước ngoài". Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thực dân Pháp được Mỹ viện trợ lên đến 73% tổng chi phí chiến tranh ở Đông Dương với rất nhiều loại vũ khí lớn và hiện đại: pháo 105mm, pháo 155mm, xe tăng 18 tấn, máy bay các loại... Quân đội Pháp có 2 sân bay ở Điện Biên Phủ: sân bay Mường Thanh và sân bay Hồng Cúm nối với các sân bay: Gia Lâm - Hà Nội, sân bay Cát Bi - Hải Phòng nhằm chi viện và tiếp tế cho Điện Biên Phủ. Đây chính là những lợi thế rất lớn của quân đội Pháp. Tuy nhiên, Trong chiến dịch Điện Biên Phủ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã bắn rơi và phá hủy 62 chiếc máy bay, trong đó có những chiếc máy bay của Mỹ viện trợ cho Pháp.
- "Theo kế hoạch của giặc thì trận ấy phải là một trận khủng khiếp nhất. Kết quả trận ấy khủng khiếp thật, nhưng khủng khiếp cho giặc chứ không phải khủng khiếp cho ta". Thực dân Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất chưa từng có ở Đông Dương và họ ví Điện Biên Phủ là "cỗ máy nghiền thịt" để nghiền nát các sư đoàn chủ lực của Việt Minh nếu họ vào đây. Người Pháp đã giăng sẵn "cái bẫy" để "nhử" Quân đội Việt Nam vào rồi tiêu diệt. Nhưng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân Pháp đã rơi vào tình cảnh được ví như "địa ngục trần gian": Sân bay bị cắt đứt, máy bay không thể hạ cánh tiếp viện cho Điện Biên Phủ được, những dù hàng thả tiếp viện từ trên độ cao 2000m xuống Điện Biên Phủ thì 50% số đó lại vô tình tiếp viện cho quân đội Việt Nam. Quân Pháp thiếu thốn cả về vật chất, lẫn tinh thần, chui rúc trong những căn hầm ẩm thấp, nhầy nhụa bùn lầy, ròi bọ,... Sau này chính Na Va đã phải thốt lên rằng "Điện Biên Phủ đã trở thành cái bẫy, nhưng lại bẫy chính chúng ta".
Cảnh khổ cực của quân Pháp tại Điện Biên Phủ
- "Một tiếng hiệu lệnh, bốn phía đạn bay. Quân địch bị ta vây kín. Chúng không thể cứu viện được nhau, bị ta tiêu diệt gần hết". "Trận đó là trận cuối cùng...hơn 1 vạn giặc chết và bị thương". Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội nhân dân Việt Nam đã xây dựng những hệ thống trận địa tấn công, bao vây, tiêu diệt từng cứ điểm, sân bay bị cắt đứt hoàn toàn, không thể hạ cánh tiếp viện cho quân đồn trú tại Điện Biên Phủ được. Chiều ngày 7/5/1954, lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận được phát đi, từ tất cả các hướng các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã xông vào căn hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt sống tướng Decastries cùng toàn bộ bộ tham mưu của y. Kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ ta đã tiêu diệt và bắt sống 16.200 quân Pháp.
Kết quả của Chiến dịch Điện Biên Phủ qua tranh cổ động sáng tác tại mặt trận
- "Tin thất bại về đến Pháp, cả nước xôn xao...Cuộc đàm phán tiến hành rất nhanh chóng... Chính phủ Pháp không thể "cò kè bớt một thêm hai" được nữa. Đoàn đại biểu Pháp ban đầu tuy cũng tìm cách này hay cách khách để cãi lấy được, nhưng rồi cũng phải thừa nhận những điều kiện chính đáng của ta". Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Pháp buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, ký hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam và thừa nhận những điều kiện chính đáng của ta.
Quang cảnh hội nghị Giơ ne vơ
- "Toàn cõi Việt Nam làm lễ ăn mừng kháng chiến thắng lợi. Cờ đỏ sao vàng rực thành thị và thôn quê. Đâu đâu cũng kéo cờ, treo đèn kết hoa. Mỗi người cầm một lá cờ nhỏ, một đoàn dẫn đầu bằng lá cờ to. Thành thử các nẻo đường trở nên những dòng sông người và làn sóng cờ chạy mãi, chạy mãi không ngớt. Hà Nội chật ních những người là người, phần thì bộ đội kéo về, phần thì nhân dân kéo đến. Ai cũng vui cười hăm hở. Cảm động nhất là anh em chiến sĩ đến đâu là dân bâu đến đó. Người biếu thứ này, kẻ tặng vật khác". Kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ, các đại đoàn quân ta tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng trong niềm vui, hân hoan chào đón với ngập tràn cờ và hoa khắp các thị thành.
Các đại đoàn quân chiến thắng trở về Thủ đô
Chỉ qua vài nét đó nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn tả trước những thắng lợi to lớn của Quân dân Việt nam đúng đến từng chi tiết. Điều đó càng khẳng định Chủ Tịch Hồ Chí Minh không những là vị lãnh tụ kính yêu mà Người còn là "nhà tiên tri" có những dự đoán rất chính xác về trận đánh lịch sử: Trận Điện Biên Phủ - trận cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ gian khổ - là thắng lợi vĩ đại của Quân và dân ta:
"Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng".