Điện Biên là nơi hội tụ 19 dân tộc cùng sinh sống với các dân tộc thuộc các nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, Tày - Thái, Mông - Dao, Tạng - Miến, Môn - Khơ Me và nhóm ngôn ngữ Hán, trong đó dân tộc Mông chiếm số lượng lớn nhất. Nhóm ngôn ngữ Mông - Dao gồm có 02 dân tộc là Mông và Dao. Trải qua chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, nhóm dân tộc Mông - Dao đã sáng tạo, gìn giữ và lưu truyền nhiều di sản văn hóa độc đáo, trong đó có nghệ thuật múa dân gian truyền thống.

Múa dân gian dân tộc Mông, Dao chủ yếu gồm 02 loại hình là múa phản ánh lại đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân và múa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, thông thường gắn với các lễ hội hay nghi thức tâm linh.

Một số điệu múa tiêu biểu của dân tộc Mông

Múa khèn là điệu múa của nam giới, rất độc đáo, có tinh thần thượng võ, tính cách mạnh mẽ, dũng cảm, nhanh nhẹn, khéo léo, tài hoa. Người múa quay đứng, ngồi quay tại chỗ, ít quay di chuyển rộng. Có thể nhiều chàng trai Mông cùng nhau múa khèn trên bãi cỏ, đất bằng phẳng với những vũ đạo đẹp mắt, những bước nhún, bước đảo, bước quay hoặc vừa ôm khèn vừa lăn mình trên đất. Vừa múa vừa thổi khèn nên rất tốn hơi sức, động tác, luật động, cơ bắp và tín hiệu nội tâm chuyển động nhanh mạnh, liên tục và không ngắt đoạn rời rạc. Ngoài ra có nhiều nghệ nhân có trình độ múa khèn điêu luyện, biểu diễn nhiều mô típ độc đáo: múa khèn trên một gốc cây lớn cưa bằng, trên 4 cọc trồng hình vuông hay trên cây gỗ tròn bắc qua suối, múa và quay trên cọc, trên chảo nước sôi...

Múa khèn vui hội của người Mông

Nghệ thuật múa khèn của người Mông thể hiện tính cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết trong đời sống cộng đồng. Múa và thổi khèn vừa thể hiện tính nhân văn, vừa thể hiện tính nghệ thuật, không chỉ cho người Mông niềm tin vào cuộc sống mà còn thỏa mãn những nhu cầu tâm linh của họ.

Múa ô là thể loại múa dân gian phổ biến của người Mông, dành riêng cho  nữ giới. Tính chất các động tác múa ô thể hiện sự uyển chuyển dựa trên sự chắc chắn của đôi chân, uyển chuyển của phần eo, linh hoạt ở phần cổ. Người con gái một tay cầm ô một tay múa kết hợp với chân nhún, lắc mông theo nhịp điệu. Ô có thể được giơ lên trên cao, để trên vai xoay tròn hoặc cầm lắc, xoay quanh người, thậm chí đặt xuống đất để tạo hình, tạo khối và mang lại ngôn ngữ cảm xúc riêng cho điệu múa. Đặc trưng chung của múa ô là sự uyển chuyển và mang nét tươi trẻ, khoẻ khoắn, tràn đầy sức sống. Múa ô thường diễn ra dưới hình thức múa tập thể, tạo nên không khí hết sức vui tươi, giàu sức sống, gắn liền với các dịp vui lễ tết, hội xuân, trong các dịp giao lưu tại chợ phiên.

Múa khăn là loại hình múa dành riêng cho nữ giới theo hình thức múa tập thể, thường xuất hiện trong các dịp vui hội, lên nhà mới, sinh hoạt văn hoá cộng đồng,… đem lại cảm giác mềm mại, uyển chuyển, nhịp nhàng cho người xem. Đội hình múa khăn thường từ 8 đến 12 người, các động tác múa được kết hợp với đội hình di chuyển để thêm phần đặc sắc. Khi múa, người múa cầm mép khăn sử dụng tay để tạo nên các động tác tung khăn, nâng khăn, đưa khăn, vòng khăn… Cùng với nhịp đưa của cánh tay, chân cũng nhịp nhàng nhún và di chuyển đồng nhịp điệu, thay đổi chân giữ trụ để cơ thể nhún nhảy duyên dáng.

Một số điệu múa tiêu biểu của dân tộc Dao

Múa chuông là điệu múa linh thiêng, thường sử dụng trong các nghi lễ tâm linh của cộng đồng. Là một trong những điệu múa chính và đặc sắc trong các nghi lễ linh thiêng của đồng bào Dao như: Lễ Tủ Cải (hay còn gọi là lễ cấp sắc, nghĩa là lễ trưởng thành, đặt tên âm), Tết nhảy, Tết Thanh minh, rằm tháng Giêng, tháng Bảy đều có múa chuông…

Múa chuông dành cho cả nam và nữ, mỗi đợt múa chuông có từ 6 người tham gia trở lên, càng đông càng vui. Khi múa, người múa một tay cầm thanh đóm, một tay cầm một chiếc chuông để đánh nhịp, đồng thời kết hợp các động tác nhún chân mềm mại, duyên dáng. Thực tế múa chuông là điệu múa khó và đòi hỏi những nghi thức khắt khe. Các điệu múa diễn tả quá trình mở đường, vượt đèo leo đốc, bắc cầu đưa đón các thần linh và tổ tiên về dự lễ cùng gia chủ; reo hò trước sự đuổi bắt, nghịch ngợm của những con ma rừng. Điệu nhảy chào tổ tiên với động tác nhảy một chân, đầu cúi với ngón tay trỏ giơ cao trước ngực, điệu múa mời các tiên nữ giáng trần, mô phóng dáng cò bay, dáng đi của hổ, cùng các điệu múa võ đi săn, bắt ba ba... Xem múa chuông, người am hiểu nghệ thuật cũng phải thán phục vì người Dao đã tạo nên tiết tấu múa bằng nhịp 5/4 và nhịp 7/4 - đó là loại nhịp ''phức'' của âm nhạc hiện đại. Độc đáo hơn, từng loại nhịp (5/4 hoặc 7/4) lại không kéo dài mà thường đan cài với nhau thành từng cụm: cứ hai nhịp 5/4 lại đến một nhịp 7/4 và thỉnh thoảng lại xen vào một số nhịp 4/4 mở đầu cho các đoạn múa lớn.

 Múa chũm choẹ diễn ra phố biến, điển hình nhất tại Tết nhảy của người Dao. Tết nhảy. Tết nhảy theo tiếng Dao gọi là "Nhiàng chầm đao”. Đây là tết riêng của mỗi gia đình, cũng mang tính dòng họ. Nghi lễ này nhằm mục đích luyện âm binh cho bộ tranh đại đường và cúng Bàn Vương để bảo vệ cuộc sống và sinh hoạt của gia đình. Vì vậy nó mang màu sắc tín ngưỡng tôn giáo rất rõ nét. Múa chũm choẹ thể hiện rõ nhất tại điệu múa “Pẻo tộ” (múa rùa hay còn gọi là múa ba ba). Nội dung điệu múa này diễn tả quá trình: chuẩn bị, tìm kiếm rùa, đuổi rùa, bắt rùa, thịt rùa,… để dâng lên các thần. Đội múa lấy người lẻ nhưng không quy định rõ số lượng, người ta cho rằng càng đông người múa càng đem lại nhiều may mắn cho dòng họ. Phần múa chũm chọe diễn ra trên nhịp chẵn với hai tính chất nhanh nhộn và phần chậm ở những động tác múa lễ. Tất cả các điệu múa đều rất độc đáo, mang tính hình tượng cao. Bên cạnh múa trong các dịp lễ, tết, múa chũm choẹ cũng thường xuyên xuất hiện trong các dịp sinh hoạt cộng đồng tại các bản người Dao.

Múa trống sử dụng trống đất trong những sự kiện quan trọng về mặt văn hóa, tâm linh của người Dao. Múa trống chỉ dành cho nam giới. Múa trống đất được biết đến có 8 bài múa quan trọng. Bài Sếu panh: Để chiêu binh mã về múa cho gia tiên; bài Tìu chày (múa nhảy gà): Mời gia tiên về hưởng lễ, tiêu trừ vận hạn; bài Dèo rằn: Múa thỉnh chào gia tiên về hưởng lễ, phù hộ cho gia đình may mắn; bài Sang té (múa que): Đuổi tà, đánh tà trong lễ lập tịch, làm chay; bài Pìu má láo hoan (múa sạp): Thỉnh gia tiên, thần thánh về hưởng lễ; bài Tìu vặt: Thỉnh chào gia tiên cùng nhau vui vẻ đến hưởng lễ; bài Tùi lành vềnh: Mời binh mã đến cày bừa cho gia tiên; bài Tìu sờ mạn nhặm sao panh (múa thu binh mã): Để thu binh mã về khi sắp hết đám. Tùy theo từng bài múa mà người đánh trống đất và các nhạc cụ đánh theo nhịp điệu và tốc độ nhanh, chậm khác nhau, tạo nên không khí thiêng liêng của nghi lễ.

Múa nhảy lửa là hình thức múa độc đáo sử dụng trong Lễ nhảy lửa. Trước khi buổi lễ bắt đầu, một đống củi lớn được đốt lên ở khoảng sân rộng; cho đến khi nghi lễ cầu may, cầu phúc của thầy cúng xong, cũng là lúc củi cháy thành đống than hồng rực.

Sau đó điệu múa nhảy lửa sẽ được diễn ra, đối tượng tham gia nhảy lửa chỉ được 8 người, có sư phụ yểm trợ thì mới được. Sau khi thầy cúng xin quẻ âm dương được thần lửa đồng ý, các chàng trai người Dao sẽ nhảy bật lên bằng cả hai chân và lao vào nhảy xung quanh và một số người sẽ nhảy chân trần qua đống than rực đỏ. Các điệu múa sử dụng các động tác cả tay và chân kết hợp thể hiện sức mạnh của tướng quân âm binh, biểu dương tinh thần thượng võ và tái hiện lại đời sống sinh hoạt, lao động thường ngày của người dân, cả hai chân lao vào đống lửa, đạp bới. Mỗi người thường nhảy lửa trong vòng 3 - 4 phút, sau đó tiếp tục nhảy lò cò về làm lễ tại bàn thờ trước khi trở lại bình thường. Múa nhảy lửa bao gồm các điệu múa: Múa phụ “Tam nguyên an ham”, múa chính “Nhiàng Chầm đao”, "Múa phát nương", "múa gà".

Múa nhảy lửa mang yếu tố tâm linh đậm nét

Nhìn chung, nghệ thuật múa dân gian dân tộc Mông, Dao đã hình thành và phát triển ở một trình độ nhất định. Từ hoạt động trình diễn dân gian, đến nay, chất liệu múa dân gian dân tộc Mông, Dao đã được nâng tầm, sân khấu hoá và đưa vào hoạt động văn hóa nghệ thuật cả trong môi trường chuyên nghiệp cũng như phong trào quần chúng tại tỉnh Điện Biên. Các đơn vị hoạt động văn nghệ cũng như cộng đồng các dân tộc tích cực sưu tầm, khôi phục, truyền dạy, trình diễn và quảng bá trên nhiều loại hình sân khấu, trong các không gian văn hóa khác nhau.

So với múa dân gian truyền thống của nhiều dân tộc khác, múa dân gian dân tộc Mông, Dao ít chịu sự ảnh hưởng, tác động của các dân tộc/nhóm dân tộc xung quanh. Đến nay, múa dân gian Mông, Dao tỉnh Điện Biên cơ bản được bảo tồn, vẫn giữ được nét truyền thống độc đáo, giàu bản sắc.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 9.423.914
Online: 199