Điện Biên là một tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng, có đường biên giới chung với 2 quốc gia là Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Với 19 dân tộc cùng sinh sống, đến nay tỉnh Điện Biên lưu giữ nhiều di sản văn hóa truyền thống có giá trị như các công trình, di tích văn hóa - lịch sử, lễ hội, phong tục tập quán… đã và đang được sưu tầm, nghiên cứu, tư liệu hóa, phát huy giá trị.
Vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển lĩnh vực du lịch nói riêng đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của Đảng các cấp, Nhà nước, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên trong giai đoạn hiện nay. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã nêu những vấn đề quan trọng liên quan đến bảo tồn, khai thác, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, trở thành cơ sở để tỉnh Điện Biên phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch nói chung, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch nói riêng trong giai đoạn hiện nay.
Toàn cảnh thành phố Điện Biên Phủ
Giữa di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững là mối quan hệ mật thiết, hữu cơ, có sự chi phối và tác động qua lại lẫn nhau. Di sản văn hóa tỉnh Điện Biên là nguồn tài nguyên nhân văn vô cùng quý giá, đa dạng, phong phú, chứa đựng những đặc trưng dân tộc, vùng miền độc đáo; đã và đang được khai thác hiệu quả, trở thành sản phẩm du lịch mang tính thương hiệu; phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và tỉnh Điện Biên phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Kho tàng di sản văn hóa là tài nguyên du lịch, dựa trên cơ sở đặc điểm các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể giúp các nhà nghiên cứu chiến lược phát triển du lịch xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng,du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững. Doanh thu du lịch thông qua khai thác các loại hình dịch vụ tại các điểm du lịch có di sản văn hóa ngày càng tăng, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thay đổi diện mạo các địa phương, khu vực trong tỉnh.
Mặt khác, du lịch phát triển sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính nguyên bản của di sản, liên quan một cách bao trùm đến toàn bộ quá trình bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Cần có các chính sách và giải pháp phù hợp để giảm tác động của cộng đồng đến các giá trị cảnh quan, tự nhiên và qua đó sẽ góp phần bảo tồn tài nguyên, môi trường đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững.
Tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó một số dân tộc chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu dân cư như Thái, Mông, Kinh… Các dân tộc tỉnh Điện Biên cơ bản giữ được nét văn hóa truyền thống, những tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian… là những tiềm năng để phát triển du lịch. Du lịch văn hóa vì vậy là một dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Điện Biên, từ tham quan di tích lịch sử văn hóa, hệ thống bảo tàng, các công trình văn hóa, hoạt động nghệ thuật, cho tới tìm hiểu, tương tác, trải nghiệm văn hóa, lễ hội, lối sống địa phương, thưởng thức ẩm thực, sản vật vùng miền…
Lễ hội Gầu tào truyền thống của dân tộc Mông
Thực tế cho thấy khách du lịch đến Điện Biên không chỉ tìm hiểu về lịch sử địa phương, truyền thống yêu nước, cách mạng thông qua các di tích lịch sử, di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh mà họ còn có nhu cầu tìm hiểu về di sản văn hóa của 19 dân tộc anh em đang cư trú và sinh sống tại tỉnh Điện Biên. Nhiều lễ hội truyền thống đã được bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị khai thác trong du lịch, tiêu biểu như: Xên bản của dân tộc Thái; Lễ "Dù Su" của dòng họ Mùa, Lễ tết cổ truyền “Nào Pê Chầu” của dân tộc Mông; lễ hội “Cầu Mưa”, Lễ cúng bản dân tộc Khơ Mú; Lễ ăn mừng cơm mới" của dân tộc Xinh Mun; "Lễ Pang phoóng" của dân tộc Kháng; "Lễ cúng bản" (Gạ Ma Thú) của dân tộc Hà Nhì; “Lễ cúng bản” của dân tộc Si La; lễ "Bun Huột Nặm" (Tết té nước) dân tộc Lào; "Lễ Nhảy lửa" của dân tộc Dao… Cùng với đó là nét đặc sắc trong phong tục tập quán, trang phục, nghề truyền thống; các trò chơi dân gian, các món ăn truyền thống; dân ca, dân vũ, dân nhạc trong đó tiêu biểu nhất là nghệ thuật Xòe Thái, nghệ thuật Then được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại… đã trở thành yếu tố hấp dẫn thu hút du khách đến trải nghiệm và khám phá Điện Biên.
Sức hấp dẫn của di sản đã tạo động lực cho phát triển du lịch mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Lượng khách đến Điện Biên cùng với tổng thu nhập từ hoạt động du lịch không ngừng tăng, đặc biệt sau đợt chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Du lịch tạo ra nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp cho lao động tại địa phương. Nhiều sản phẩm du lịch di sản đã trở thành thương hiệu đặc trưng cho du lịch tỉnh Điện Biên, là yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt cho hệ thống điểm đến và sản phẩm du lịch của Điện Biên, kết nối và đa dạng hoá các tuyến du lịch liên vùng.
Ẩm thực truyền thống dân tộc Thái
Có thể khẳng định, du lịch đã thúc đẩy việc bảo vệ kho tàng văn hóa của tỉnh Điện Biên. Chính nhu cầu tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm của du khách đã thôi thúc chính quyền và người dân biết quý trọng, tự hào, quan tâm chăm lo gìn giữ bảo tồn, phục dựng và làm sáng tỏ, phát huy những giá trị vốn quý của di sản văn hóa. Du lịch di sản vừa tạo ra thu nhập, việc làm vừa tạo động cơ, vừa tạo ra nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đồng thời hỗ trợ tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng cường hiểu biết, tôn trọng đa dạng và giao thoa các nền văn hóa, làm cơ sở hình thành quy tắc ứng xử phù hợp giữa người dân với khách du lịch và với di sản. Những lợi ích của du lịch di sản là không nhỏ và được chia sẻ đến doanh nghiệp, người dân. Một phần doanh thu từ du lịch di sản được quay trở lại tái đầu tư vào việc bảo tồn, tôn tạo, tôn vinh, phục dựng và quản lý di sản. Với ý nghĩa đó, du lịch di sản đóng góp to lớn cho bảo tồn và phát huy bền vững di sản văn hóa.
Tuy nghiên, trong xu hướng du lịch tăng trưởng mạnh như hiện nay, đặc biệt là du lịch đại trà đã và đang có những tác động tiêu cực tới di sản văn hóa. Sự khai thác thương mại hóa quá mức, sự lạm dụng di sản, phục dựng sai quy cách, làm mới di sản… làm cho di sản có nguy cơ xuống cấp, méo mó, nhạt nhòa giá trị… Hệ lụy của việc phát triển du lịch di sản thiếu kiểm soát, thiếu bền vững đó đang đe dọa tới tính nguyên vẹn của di sản. Ở khía cạnh khác, tình trạng du lịch có tính thương mại hóa quá mức, nhàm hóa giá trị văn hóa; nguy cơ phai nhòa bản sắc, phá vỡ truyền thống và lối sống địa phương; gia tăng sự chia rẽ cộng đồng, xung đột lợi ích, mâu thuẫn về quyền tiếp cận tài nguyên, trong đó có tài nguyên di sản văn hóa… đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc quản lý bền vững tài nguyên di sản văn hóa trong phát triển du lịch.
Phát huy thế mạnh về tài nguyên di sản văn hóa, trong đó lấy du lịch di sản là hướng trọng tâm có tính chất chìa khóa hướng tới mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn tỉnh Điện Biên cần đồng bộ hành động, có những giải pháp hữu hiệu về bảo tồn và phát huy bền vững đối với di sản văn hóa trong phát triển du lịch.
Trước hết, cần quan tâm đến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoạch định chính sách quản lý và quy hoạch bảo tồn và phát huy bền vững giá trị của di sản văn hóa trong phát triển du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, giá trị văn hóa truyền thống gắn với quy hoạch phát triển du lịch. Có chiến lược phát triển du lịch văn hóa phù hợp, trong đó lựa chọn sản phẩm du lịch dựa trên phát huy giá trị di sản văn hóa; phát triển du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng; tôn trọng đa dạng văn hóa, đề cao vai trò văn hóa bản địa; nâng cao nhận thức, bảo vệ lợi ích và phát huy vai trò của cộng đồng dân cư địa phương trong phát triển du lịch văn hóa.
Định hướng hoạt động du lịch và các hoạt động dân sinh khác trong lòng di sản một cách bền vững; quy định chi tiết về quy tắc ứng xử với di sản; những gì được làm, không được làm, những gì nên, không nên làm; kiểm soát nghiêm ngặt tác động về sức chứa, loại hình hoạt động và cân bằng nhịp sống của hệ sinh thái tại di sản; khuyến khích cộng đồng địa phương chủ động cùng tham gia quản lý di sản, gắn lợi ích của cộng đồng địa phương với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa về di sản văn hóa tỉnh Điện Biên, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý khai thác di sản văn hóa và phát triển du lịch di sản; tăng cường đào tạo kỹ năng thuyết minh và ứng dụng thuyết minh tự động để làm thăng hoa giá trị cho di sản trong hoạt động hướng dẫn du lịch và phát triển sản phẩm du lịch thông minh.
Xử lý nghiêm, triệt để những vi phạm đối với di sản đi liền với quá trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người dân và du khách; khuyến khích, tôn vinh các hoạt động du lịch tình nguyện, tự nguyện đóng góp nguồn lực, trí tuệ cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Những giải pháp được triển khai đồng bộ sẽ góp phần phát huy giá trị di sản, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch. Qua đó, tạo điều kiện để phát triển du lịch có chiều sâu và bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành du lịch cũng như vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Có thể nói, du lịch gắn với di sản văn hóa đang ngày càng phát triển, trở thành một loại hình du lịch quan trọng trong “ngành công nghiệp không khói” của tỉnh Điện Biên. Đây là loại hình du lịch đặc biệt luôn có sức hấp dẫn với du khách gần xa, trở thành ngành dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng thể nền kinh tế tỉnh nhà, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng tỉnh Điện Biên trong giai đoạn hiện nay./.