Trong đại gia đình 19 dân tộc tỉnh Điện Biên, người Mông chiếm trên 38% dân số toàn tỉnh và là một trong những dân tộc có lịch sử cư trú lâu đời. Đồng bào dân tộc Mông ở Điện Biên có mặt ở hầu hết các huyện, nhưng tập trung nhiều nhất là ở Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Nhé và Nậm Pồ. Gắn liền với phương thức canh tác trên nương, người Mông Điện Biên đã hình thành tập quán cư trú trên những triền núi cao, tạo thành thôn bản với các dòng họ cùng chung sống.
Trong những năm qua, với niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đời sống đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có nhiều đổi thay tích cực. Cùng với thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, người Mông cũng đã vun đắp, xây dựng cho mình một kho tàng văn hóa truyền thống riêng, vừa chứa đựng bản sắc độc đáo lại vừa hòa hợp, thống nhất chung trong nền văn hóa tỉnh Điện Biên. Rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông đã trở thành di sản, được bảo tồn, phát huy qua bao thế hệ. Có thể kể đến những nét tiêu biểu như trang phục dân tộc, nghề truyền thống (nghề rèn, nghề dệt, thêu hoa văn trên vải…), các tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống (trong đó nổi bật là những nghi lễ Dòng họ, tết Nao Pê Chầu, nghệ thuật múa dân gian truyền thống, trò chơi dân gian như ném Pa Pao, Tù Lu… không chỉ được nhân dân trong tỉnh Điện Biên đón nhận, yêu mến mà còn được du khách tế quan tâm tìm hiểu, trải nghiệm.
Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi đáng mừng và những giá trị văn hóa tốt đẹp được dân tộc Mông giữ gìn thì vẫn còn tồn tại một số tập tục, nếp sống cũ đã trở nên lạc hậu, đến nay không còn phù hợp. Với những thay đổi về nhận thức cùng mong muốn có cuộc sống ngày một văn minh, tốt đẹp hơn, đồng bào Mông đã nhận ra cần từng bước thay đổi hoặc xóa bỏ những tập tục, nếp sống lạc hậu. Tiêu biểu là các hủ tục liên quan đến ma chay, cưới xin trong cộng đồng.
Đối với đồng bào Mông, cũng như đa số các dân tộc khác, ma chay là một trong những nghi lễ quan trọng của đời người nói riêng, của cộng đồng, dòng họ nói chung. Trước đây, theo tín ngưỡng, quan điểm của người Mông, khi gia đình có người chết phải tổ chức ăn, uống linh đình nhiều ngày; quá trình tang lễ không đưa thi thể người người chết vào trong quan tài, giữ thi thể người chết trong nhà lâu ngày, thường là lâu hơn 48 giờ; quy định số trâu, bò phải mổ trong đám tang (ít nhất mỗi người con trai phải mổ 1 con trâu hoặc bò); chọn ngày chôn cất người mất không cho trùng vào những ngày mất của ông, bà, bố, mẹ, chú, bác và anh, em ruột dẫn đến kéo dài ngày. Hậu quả của việc tang ma dài ngày và không đưa thi thể vào quan tài trong quá trình tang lễ gây nên tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa gây nguy hại cho sức khỏe những người xung quanh. Qua nhiều đời duy trì tập tục này, đến nay, dưới sự vận động của cấp ủy, chính quyền cơ sở cùng với việc xây dựng gia đình văn hóa; thôn, bản văn hóa được triển khai sâu rộng, nhiều dòng họ người Mông đã nhận ra những điều này không còn phù hợp với đời sống văn hóa mới ngày nay nữa. Họ đã tiến hành thủ tục tang ma theo nếp sống văn hóa, không còn tổ chức ăn, uống linh đình dài ngày, không để người chết quá 48 giờ trong nhà và thực hiện đưa thi thể người chết vào quan tài.
Thổi khèn trong đám ma của người Mông
Bên cạnh việc tang ma, trong hôn nhân của người Mông cũng tồn tại một số phong tục, quan niệm không còn phù hợp với nếp sống văn minh mới và không được pháp luật cho phép. Đó là tình trạng hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn. Trong quan niệm của người Mông, chỉ cần hai người không mang cùng họ là có thể kết hôn được. Vì vậy rất dễ nảy sinh tình trạng hôn nhân cận huyết thống giữa con cô, con cậu... Tảo hôn, hôn nhân cận huyết đều trái quy định pháp luật, mang lại nhiều hệ lụy cho kinh tế gia đình, sự phát triển toàn diện của các thành viên, đặc biệt là sức khỏe, thể trạng của thế hệ con cái, dẫn đến nguy cơ suy thoái giống nòi. Do đó, việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện theo các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình đã được các ngành, địa phương triển khai trong thời gian dài. Với nhận thức pháp luật ngày càng được nâng cao, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong cộng đồng người Mông Điện Biên đã và đang dần được xóa bỏ.
Nhằm từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, qua đó đưa nếp sống văn minh thấm sâu, lan tỏa vào cuộc sống cộng đồng dân tộc Mông nói riêng, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên nói chung, những năm qua các cấp, ngành và địa phương, trong đó đi đầu là ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã tích cực vận động người dân thực hiện các Chỉ thị của Đảng về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn cơ sở. Sở đã phối hợp hiệu quả, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tích cực tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức bằng cả hai thứ tiếng phổ thông và tiếng dân tộc nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào. Phát huy uy tín của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ; những người có nhận thức tương đối đầy đủ về pháp luật. Đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang vào quy ước của thôn, bản nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa, loại bỏ những hủ tục lạc hậu ở địa bàn dân cư. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, bổ ích và thiết thực giúp bà con nâng cao đời sống tinh thần, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng đề án, mô hình điểm về xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang tại các thôn, bản và nhân rộng trong cộng đồng dân tộc.
Với sự nỗ lực của Đảng và chính quyền các cấp cùng sự chung sức, đồng thuận của nhân dân đã nâng cao hiệu quả tích cực trong việc bài trừ các hủ tục lạc hậu; qua đó giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Điện Biên trong thời kỳ hội nhập và phát triển.