Điện Biên là một tỉnh đa dân tộc, nơi có 19 dân tộc cùng chung sống. Mỗi dân tộc ở Điện Biên đều có truyền thống văn hóa riêng, rất phong phú và đậm bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, Điện Biên cũng còn nhiều khó khăn, tồn tại như là tỉnh vùng cao biên giới, có địa hình hiểm trở, chia cắt, giao thông bất cập; dân cư thưa thớt, phân bố không đều; đời sống mọi mặt của nhân dân còn nhiều thiếu thốn... Từ những điều kiện thực tế đó, trong những năm qua, hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh đã từng bước khắc phục khó khăn, ngày càng gặt hái nhiều kết quả đáng kể, góp phần thiết thực nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Hệ thống nhà văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng có sự chỉ đạo tổ chức, chặt chẽ về nội dung, được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Các chương trình văn nghệ, hoạt động câu lạc bộ đa dạng về nội dung và hình thức, tiếp tục phát triển rộng khắp ở các nhà văn hóa, thôn bản, chất lượng được nâng lên. Các hoạt động trong hệ thống nhà văn hóa cơ sở phát triển rộng khắp và đạt được những thành quả nhất định đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, hàng loạt các loại hình nghệ thuật, câu lạc bộ, chiếu phim, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, các loại hình vui chơi, giải trí… đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên. Đây là cũng là thành tựu quan trọng góp phần xứng đáng vào việc duy trì, phát triển, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức các hoạt động của Trung tâm Văn hóa, Nhà văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Biểu diễn văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị
Đơn vị đi đầu trong hệ thống các Trung tâm Văn hóa, Nhà văn hóa ở cơ sở tỉnh Điện Biên là Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh. Được sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; sự phối hợp tạo điều kiện của các ngành chức năng và sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh đã khắc phục khó khăn để tạo đà đưa các hoạt động phát triển ổn định, đồng bộ trên tất cả mọi lĩnh vực. Trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ quần chúng, đơn vị đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Đó là, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, thường xuyên đổi mới nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình trọng tâm của tỉnh đến nhân dân các dân tộc Điện Biên, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Nghiên cứu thể nghiệm mẫu hình nghiệp vụ văn hóa; phổ biến, hướng dẫn vận dụng các mẫu hình và phương pháp công tác tiên tiến trong nghiệp vụ văn hóa; biên tập các loại hình tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ cho hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở của địa phương; khai thác sưu tầm, phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tổ chức các cuộc thi sáng tác, liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng, Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh, hội thi tuyên truyền lưu động, triển lãm, lễ hội truyền thống và hiện đại…; tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cho các cơ quan, đơn vị văn hóa thuộc các ngành, lực lượng vũ trang; các hạt nhân văn hóa, văn nghệ quần chúng; thường xuyên mở các lớp năng khiếu nghệ thuật theo nhu cầu và năng khiếu hè. Đồng thời chú trọng công tác xây dựng, duy trì và phát triển các đội văn nghệ, hệ thống nhà văn hóa, câu lạc bộ, nhóm sở thích nhằm gìn giữ tinh hoa văn hóa truyền thống, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân điạ phương, góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Trung tâm tích cực xây dựng các chương trình nghệ thuật, tổ chức biểu diễn giao lưu với các tỉnh trên mọi miền Tổ quốc.
Hoạt động văn nghệ cộng đồng tại Tuần VHDL các tỉnh Tây Bắc và TP. Hồ Chí Minh tại Luông Pha Bang
Luôn mang tinh thần đổi mới nên Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ; công tác thông tin tuyên truyền được tổ chức với nhiều sáng tạo, cách làm hay, phong phú, sôi nổi, mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc, gắn với các ngày lễ lớn của tỉnh, của đất nước, thường xuyên chú trọng đổi mới về nội dung và hình thức góp phần quan trọng vào việc đưa thông tin về cơ sở. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, đơn vị chú trọng công tác đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chung nhằm nâng cao mức hưởng thụ của nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Điện Biên, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống các dân tộc. Ngoài ra, Trung tâm còn tham gia đầy đủ các Hội thi, Hội diễn, Ngày hội văn hóa do khu vực, Trung ương tổ chức với tinh thần trách nhiệm cao, trong đó đầu tư khai thác, giới thiệu nhiều chương trình, tiết mục độc đáo, đảm bảo chất lượng nghệ thuật và tạo điều kiện để đông đảo nghệ nhân, diễn viên các dân tộc được thể hiện tài năng, khẳng định tiềm năng văn hóa dân tộc Điện Biên giàu bản sắc.
Trong những năm qua, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, (trụ sở làm việc đã được xây dựng khá lâu năm, xuống cấp trầm trọng, trang thiết bị lạc hậu) chưa đáp ứng yêu cầu của thiết chế văn hóa cấp tỉnh. Đối mặt với những khó khăn đó, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh đã nỗ lực khắc phục, tận dụng thời cơ, thuận lợi để khẳng định mình. Trung tâm tiếp tục duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng phong trào nghệ thuật quần chúng, hệ thống trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, câu lạc bộ, đội nhóm, nghiên cứu thể nghiệm các mô hình, mẫu hình, phương pháp công tác nhà văn hóa; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; đẩy mạnh công tác xã hội hóa; chú trọng công tác nâng cao đời sống văn hóa ở nông thôn, vùng khó khăn; làm cho công tác văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào đời sống nhân dân.
Phát huy những kết quả đạt được, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh Điện Biên trong thời gian tới cần quan tâm tới một số giải pháp cơ bản, vừa mang tính định hướng, vừa mang tính cụ thể. Đó là, tiếp tục đổi mới, năng động sáng tạo trong các hoạt động tuyên truyền toàn diện, thiết thực và hiệu quả. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Tận dụng các nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, phương tiện thiết bị phù hợp. Đối với hệ thống nhà văn hoá thôn, bản cần phát huy tính tự quản trong tổ chức và duy trì hoạt động. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phong trào văn nghệ quần chúng, hệ thống nhà văn hóa, câu lạc bộ, nghiên cứu thể nghiệm các mô hình, phương pháp công tác nhà văn hóa; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Quan tâm xây dựng đội ngũ viên chức, cộng tác viên tâm huyết, trách nhiệm, giàu năng lực. Chú trọng đào tạo cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn đáp ứng hoạt động của thiết chế văn hóa. Tổ chức các lớp tập huấn cán bộ, hội nghị, hội thảo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hoá cơ sở và cập nhật cơ chế chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước.
Tổ chức triển khai hiệu quả những giải pháp trên sẽ là hướng đi đúng để Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh và hệ thống các nhà văn hóa cơ sở tiếp tục phát triển, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào phát triển sự nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Điện Biên.