Hang động Con Cang, xã Na Ư, huyện Điện Biên vừa được UBND tỉnh Điện Biên công nhận xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh tại Quyết định số 1709/QĐ-UBND ngày 19 tháng 10 năm 2023.

Hang động Con Cang gồm có 02 hang, bên trong các hang là những dải nhũ đá mang hình dải lụa màu vàng, xám, xanh rêu bám lấy trần hang; một số ụ đá mang hình những cây thông, cây nấm khổng lồ pha lẫn sa khoáng Thạch Anh nhiều màu sắc, hình thù độc đáo, sống động của thiên nhiên.

Hang động thứ nhất

Tọa lạc ở độ cao trên 900m so với mực nước biển, bên trong hang động là kết quả của sự vận động, kiến tạo hàng triệu năm của trái đất đã hình thành nên hang động kỳ vỹ. Hang mang hình chữ “V”, có chiều sâu 360m, có ba cửa: Cửa thứ nhất hướng Đông Bắc, chiều cao khoảng 05 đến 07m, chiều rộng khoảng 03 đến 05m; cửa thứ hai hướng Bắc chiều cao khoảng 02 đến 03m, chiều rộng khoảng 1,5 đến 02m; cửa thứ ba hướng Tây Nam chiều cao khoảng 3,8m, chiều rộng khoảng 2,8m. Theo người dân địa phương nơi đây kể rằng: “Trước đây vào mùa mưa lòng hang là dòng suối nước chảy từ cửa thứ nhất hướng Đông Bắc ra cửa thứ ba hướng Tây Nam”. Hiện nay, bên trong hang động khô, được chia ra làm hai khoang chính.

Khoang thứ nhất: Có chiều sâu khoảng 173m, rộng từ 02 đến 03m, nền hang động tương đối bằng phẳng là cồn cát mịn cùng những hòn cuội tròn màu trắng xám, nhiều kích thước, khi đặt chân tới đây du khách sẽ ngỡ ngàng bởi các khối nhũ đá đẹp, hình thù kỳ lạ. Tiêu biểu là khối nhũ đá mang hình thác nước, hình tượng phật, hình quan thế âm Bồ Tát thấp thoáng ẩn hiện trong những phiến đá, dưới ánh sáng tự nhiên từ cửa hang động hắt vào, cùng ánh đèn chiếu, mờ ảo, làm cho cảnh vật nơi đây thêm phần huyền ảo.Trần hang động là những dải nhũ đá màu vàng, màu nâu xám dài nhọn như những thanh gươm, thanh kiếm, những bức rèm bằng đá đường nét viền mềm mại như đang đung đưa trước gió.Bên trái của hang động nhũ đá hình những dải lụa, những chiếc đèn chùm khổng lồ, những chiếc ô, những quả chuông, cùng dải nhũ mang hình những cây măng thành các cụm lớn nhỏ bám chắc lấy trần và vách hang động. Bên phải của hang động nhũ đá màu xám đen, xanh rêu hình thác nước khổng lồ, quả chuông màu vàng hay những chiếc ô màu xám, cây súp lơ, cùng các hạt ngọc trải dài trong hang động.

Một số nhũ đá tiêu biểu tại hang thứ nhất

Khoang thứ hai: Có chiều sâu 195m, gồm một khoang chính và một ngách nhỏ, chiều rộng trung bình từ 1,5 đến 03m. Nền hang tương đối bằng phẳng xung quanh là những viên cuội tròn màu trắng, màu xám, màu vàng xù xì như quả na, quả chôm chôm... Bên trái của hang động nhũ đá mang hình những dải lụa, mâm xôi, mâm ngũ quả, gườm đá dài như cây nấm, cây thông khổng lồ từ nền lên trần hang động. Bên phải của hang động nhũ đá màu trắng vàng, xám đen hình xoắn ốc; một số mang màu trắng của vỏ xò, màu vàng của những vựa lúa chín ngày vụ, màu xanh rêu phủ bám những phiến đá, đan xen thành các tầng, các lớp làm cho không gian trở nên huyền ảo. Vào sâu bên trong hang động, nhũ đá trên trần và vách hiện lên trước mắt du khách những hình tượng sống động của thiên nhiên, những ụ đá, phiến đá lớn tựa như đàn voi, đàn hươu, bông hoa, chiếc lá…

Hang động thứ hai

Nằm cách hang thứ nhất khoảng 50m về hướng Tây Nam, tọa lạc ở độ cao 940m so với mực nước biển. Hang có chiều sâu 95m, một cửa quay theo hướng Tây Bắc, cửa hang cao khoảng 10m, chiều rộng từ 10 đến 12m.

Bên trái của hang động vách đá, phiến đá gồ ghề được hình thành theo thời gian do quá trình dư chấn, động đất, cùng sự bào mòn và đứt gãy, xẻ sâu xuống lòng đất, phần vách là dải nhũ màu trắng mềm mại như những dải yếm, dải lụa óng ánh tinh xảo mang nhiều màu sắc.Bên phải của hang động nhũ đá trùm màu trắng như dải lụa, cụm đèn chùm pha lê, hình bông hoa, chiếc lá, đồng hồ cát hay các con vật khổng lồ đang ẩn mình dưới thảm thực vật, những cột nhũ đá phải mất hàng triệu năm, từng tinh thể canxi chứa đựng trong mỗi giọt nước nhỏ xuống, lắng đọng, kết dính với nhau mà tạo thành, cùng vô số hình hài khác lạ như bức tranh khắc hoạ hình tượng sống động của thiên nhiên.Trần hang động là một không gian sống động với những dải thạch nhũ, cột nhũ kỳ ảo, muôn hình mới lạ bởi những khối đá có hình giống loài vật được tạo tạc tỉ mỉ kỳ vĩ từ thiên nhiên, những hình chạm khắc đường nét mềm mại như những chiếc khăn voan, mang đến cảm nhận như ta đang ở trong một căn phòng lớn với màn đêm tĩnh mịch, nghe rõ từng tiếng kim giây di chuyển của chiếc đồng hồ, nơi đây được ví như chốn thiên cung huyền bí. Nền hang động ăn sâu xuống lòng đất thấp hơn cửa hang khoảng từ 05 đến 10m. Đặc biệt ở giữa hang là một khoảng không rộng từ 10 đến 15m, trần cao từ 10 đến 20m, đứng ở đây du khách sẽ cảm nhận sự nhỏ bé của con người trước sự lớn lao của kiệt tác thiên nhiên bên trong hang động.

Một số nhũ đá tiêu biểu tại hang thứ hai

Hang động Con Cang là nơi hội tụ nhiều tính chất đa dạng của thiên nhiên: Địa chất, địa mạo, địa hình, sinh học, sinh thái và cảnh quan môi trường đến nay còn giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ, là địa điểm thuận lợi cho việc phát triển du lịch liên kết tuor tuyến điểm tham quan ở huyện Điện Biên như: Di tích lịch sử Quốc gia Thành Sam Mứn, Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia Thành Bản Phủ, Di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia hang động Pa Thơm, Di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia hang động Chua Ta và di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh Dân Quân Thanh An bắn rơi máy bay Mỹ, kết hợp với tiềm năng du lịch sinh thái khoáng nóng U Va,... cùng nét văn hóa phi vật thể mang đậm truyền thống văn hoá lâu đời của cộng đồng các dân tộc trong huyện góp sẽ phần làm phong phú thêm các hình thức du lịch, trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, xã hội cho địa phương./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 9.422.641
Online: 2