Đồng bào Mông cư trú ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên và được chia thành 5 ngành chính là: Mông đen, Mông trắng, Mông xanh, Mông hoa và Mông đỏ. Đồng bào Mông (ngành Mông đỏ) sống tập trung chủ yếu ở huyện Mường Chà.

Đối với chị em phụ nữ người Mông đỏ ở Mường Chà cũng giống như nhiều dân tộc khác, kết hợp với trang phục màu sắc rực rỡ và những nét hoa văn tinh tế, họ thường đeo trang sức để làm đẹp và thể hiện những thông điệp liên quan đến cuộc sống riêng tư. Trang sức của họ thường được tạo ra từ các chất liệu: bạc, nhôm, đồng, thiếc... với các nét họa tiết dân gian sinh động và không giống với các kiểu trang sức của các dân tộc khác.

Khuyên tai của đồng bào người Mông đỏ

Đi đôi với chức năng thẩm mỹ, trang sức luôn thể hiện sự giàu sang của chủ nhân đeo nó. Không chỉ thế, đôi khi trang sức còn là một thứ vũ khí phòng thân rất hiệu quả. Đối với người Mông, trang sức cổ truyền thường là bạc trắng, có tác dụng ngăn chặn tà ma, gió độc. Đến nay người ta đã sử dụng các hợp kim nhôm để hạ giá thành của đồ trang sức nên hầu hết người phụ nữ Mông nào cũng đeo vòng cổ, xà tích, nhẫn và khuyên tai. Khuyên tai của phụ nữ Mông khá to. Chu vi 5,5 cm, tiết diện dẹt, có màu xám. Hình dáng khuyên tai gồm 5 dạng chính: Hình giống dấu hỏi, hình xoắn ốc, hình trăng lưỡi liềm, hình tròn khắc hoa văn, hình tròn đính các tiểu tiết. Đôi vòng tai được làm thủ công bằng nhôm, uốn thành hình tròn. Một đầu để nhọn uốn cong ra ngoài hình xoắn ốc nhỏ, một đầu tách ra làm 2 phía, đánh bẹt, trên có có trạm hoa văn hình xoắn ốc. Để khi đeo đầu nhỏ uốn cong khít với phần tách đôi của đầu kia giữ cho hoa tai không bị rơi. Những tiểu tiết đính kèm là hình hoa văn xoắn ốc nối tiếp nhau, hai hình xoắn tạo thành một cặp.

Vòng cổ

 Vòng cổ là thứ đồ trang sức mà cả phụ nữ và nam giới Mông đều ưa thích. Có người chỉ có một chiếc, song cũng có nhiều người đeo từ 3 đến 5 chiếc. Vòng cổ có đường kính 16 cm. Vòng hình tròn không khép kín hoàn toàn mà để hở một khoảng nhỏ để dễ kéo căng lách qua cổ. Vòng được làm bằng nhôm, có màu trắng thân vòng hoàn toàn để mộc, không chạm khắc hoa văn như một số dân tộc khác. Hai đầu mút đánh bẹt hình lưỡi mác, uốn cong ra ngoài, ôm sát với thân vòng, mặt ngoài lưỡi mác có trạm hoa văn hình lá me, mặt trong để trống, trên thân lưỡi mác có đánh hai mấu nhỏ bằng hạt đỗ, nhô ra bên ngoài.

 Trong những năm qua công tác sưu tầm, kiểm kê và bảo quản hiện vật được Bảo tàng tỉnh rất chú trọng và ưu tiên, những hiện vật được sưu tầm của các dân tộc rất phong phú và đa dạng trong đó có những đôi hoa tai và vòng cổ của đồng bào dân tộc Mông, ngành Mông đỏ đang được lưu giữ và phát huy giá trị.

 Trang sức cùng với trang phục truyền thống là một phần không thể tách rời trong đời sống sinh hoạt của đồng bào. Qua những bộ trang sức của một dân tộc, người ta có thể thấy được nhiều điều về lịch sử dân tộc, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng như những nét riêng của cộng đồng dân tộc đó. Tuy nhiên, trang sức và trang phục truyền thống cũng có thể thay đổi theo thời gian, do sự thay đổi về kinh tế, xã hội, nguồn nguyên liệu và quá trình giao lưu, ảnh hưởng. Chính vì vậy, dù xã hội ngày càng tiến bộ, hiện đại thì trang phục truyền thống cùng với những bộ trang sức cần được bảo vệ, gìn giữ ./. 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.148.505
Online: 128