Trong 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, dân tộc Thái cư trú hầu hết trên các huyện, thị xã, thành phố và được chia thành hai ngành: ngành Thái đen (Táy đăm) và ngành Thái trắng (Táy khao hay Táy đón). Trong đó, dân tộc Thái, ngành Thái đen còn giữ được nhiều nét văn hóa đậm bản sắc, đặc biệt là các lễ hội. Trong đời sống xã hội của người Thái, lễ Mừng cơm mới (Pạt tông khẩư mấư) là một nghi thức nông nghiệp chứa đựng nhiều giá trị văn hoá và có tính giáo dục con cháu hướng về tổ tiên, cội nguồn.

Chủ nhà thực hiện nghi lễ cúng mời tổ tiên

Hàng năm, cứ vào đầu tháng 10, tháng 11 dương lịch tức khoảng tháng 5, tháng 6 theo lịch Thái, khi những bông lúa trên ruộng nương bắt đầu chín, báo hiệu một mùa thu hoạch đã tới, vì vậy để sử dụng những nông sản của mùa vụ mới người Thái tiến hành làm lễ Cúng cơm mới. Đây là một nghi lễ cúng nông nghiệp đặc trưng của dân tộc Thái thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, thần linh, trời đất, cảm ơn các vật dụng gắn bó với con người và cầu mong năm mới, vụ mới an lành, làm ăn phát đạt, ôn lại và tô đậm thêm tình đoàn kết trong cộng đồng dân tộc thái. Nghi thức cúng cơm mới thường được diễn ra vào buổi trưa, bởi theo quan niệm tổ tiên (phi hươn) sau bữa ăn uống còn nghỉ ngơi và buổi chiều sẽ về Mường Then.

  Để lễ cúng cơm mới có đầy đủ các đồ cúng theo nghi thức cúng truyền thống, ngoài cơm được làm từ lúa vụ mới, thì các đồ cúng khác phải được chuẩn bị từ trước đó khá sớm. Đến ngày làm lễ phải có đầy đủ các đồ lễ để dâng cúng như: Xôi trắng (khẩu ón), xôi cốm (khẩu hang), cốm non (khẩu mảu), xôi màu tím (khẩu cắm), xôi màu vàng (khẩu bó phón) ), bánh trưng, cơm lam, rượu (lẩu), thịt lợn sấy khô trên gác bếp (nhứa mu giảng); cá sấy khô trên gác bếp (pà giảng), thịt chim khô trên gác bếp (tù nộc giảng), gà trống luộc chín (nhứa cáy), vịt luộc chín (nhứa pết), thịt lợn ướp gia vị nướng (nhứa mù pỉnh); cá ướp gia vị nướng (pa pỉnh), tiết canh vịt, tiết canh lợn và các loại rau, củ, quả...

Đồ để dâng cúng trong ngày lễ tuyệt đối không được ăn hoặc nếm trước trong khi chế biến, bởi người ta quan niệm nếu như nếm hoặc ăn trước đồng nghĩa với đó là thức ăn thừa, đem dâng cúng tổ tiên sẽ phật ý và không ăn mà còn quay lại xử phạt người đó.

Để lễ Cúng tổ tiên bên nội được diễn ra suôn sẻ, mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất; lương thực thực phẩm, vật cúng được chuẩn bị đầy đủ đợi đến khi những bông lúa chín vàng và đúng ngày tốt của gia đình theo lịch Thái thì tiến hành lễ Cúng cơm mới (Pạt tông khẩu mấư).

Sáng sớm ngày dâng cúng, chủ nhà sẽ đem chai nước thờ ra cọ rửa cho sạch rồi thay nước mới (thái nặm tảu tông) để khi tổ tiên đến trần gian còn có nước sạch mà uống. Gian thờ tổ tiên của dân tộc Thái được đặt riêng ở một phía đầu nhà sàn (hỏng hóng), sau đó quét dọn gian thờ cho gọn gàng và sạch sẽ. Vợ hoặc con của chủ nhà thì quét dọn bếp, hót hết tro, quét bồ hóng bám trên gác bếp, rửa sạch và thay nước mới ninh đồ xôi, các dụng cụ nấu nướng đều phải rửa sạch để chuẩn bị làm cơm cúng.

Khi các đồ cúng đã được nấu chín bày lên bát, lên đĩa, lúc này, chủ nhà sẽ là người làm chủ lễ (nếu người cha đã mất thì người con trai cả sẽ làm chủ lễ). Chủ lễ đặt một chiếc mâm vào trong gian thờ, sau đó bày tất cả các đồ lễ vào mâm, gồm: Cơm xôi mới, thịt lợn, thịt gà, cá, cơm lam, nước luộc gà, một nắm thìa, một nắm đũa (sao cho đủ đôi), các chén rượu rót đầy, một chai rượu mở nút và một số đồ cúng khác bổ sung như hoa quả, bánh kẹo…

Bày xong các lễ vật lên mâm, chủ nhà thay mặt gia đình trịnh trọng khấn mời tổ tiên, lời cúng khấn như sau:

“Nay cơm chín chúng con chúng cháu đặt mâm, thóc nương đến, thóc ruộng về, ngày cúng chúng con, cháu dâng. Nay qua một năm thì con cái cháu chắt, tìm được kiếm về, miếng cơm trắng, nắm cơm ngon, cơm cốm ăn ngọt, cơm cốm ăn thơm, cơm đồ từ gạo cốm, có cả bát cốm non, con vịt con khéo đẻ, con gà con khéo gáy, gà to như con công, đùi gà cao như con ngỗng, cá chiên con mắc đó, cá chép con mắc chài, cá và thịt sấy khô trên bếp, cá và thịt làm chua trong chum, có cả thịt con dúi, con hon, con dơi, dúi đuôi hoa, sóc đuôi xòe, thịt con chim con sóc, nõn ngọn cây mây cây song, hoa quả đủ đầy, quả bí nặng cân, bí xanh trên nương, củ khoai sọ khoai thơm, mía cả cây bóc vỏ, chuối cả nải chín vàng, rượu cất còn thơm cay, có cả các loại bánh ngon bánh ngọt. Chúng con chúng cháu, đem đến cúng đến dâng, mời tổ mời tiên, mời ông mời cụ, đến ăn đến uống, ăn xong hãy phù hộ con cháu, đừng có đau có ốm, đừng có rét có lạnh, ma đừng đến nhập, người đừng đến nạt đến nộ, cho con cháu làm gì cũng tốt, mong gì cũng được cũng thành, nuôi lợn nuôi chó, nuôi vịt, nuôi gà, nuôi bò nuôi trâu, nuôi cá, nuôi trai sinh sôi nảy nở, nhiều nái thành đàn, làm nương cho được nhiều lúa nương bông dày, làm ruộng cho lúa ruộng bông vàng bông võng đan nhau, làm ruộng cho được ruộng bông trĩu, hạt lúa xen nhau như trứng con nhái, ép chặt nhau như trứng con cua, thành bông to như chùm quả cọ, nhiều rãnh như đốt quả me, khi lúa trổ bông gặp sương lành, gặp mưa thuận nắng vàng, hãy phù hộ cho con cháu được thóc đầy kho, cho con cháu được cầm cân bán thóc lấy tiền, hãy cho nguồn tiền mường So chảy vào túi, hãy cho nguồn tiền mường La chảy vào tụ, nguồn tiền mường Kinh, mường Hán cũng chảy về đầy, làm gì cho được nấy, cậy gì cho thành công, nuôi gà vịt cho được đầy lồng cây “Lay”, nuôi gà cho gà được đầy chuồng, nuôi lợn, nuôi chó cho được đầy máng gỗ, nuôi gà vịt thả đầy sườn no, gà to bằng con cuốc thì mắn đẻ, là trứng thì đừng để trứng ung, là lòng đỏ thì đừng để lòng đỏ hỏng, nuôi gà đừng để gà đầu trắng, nuôi tằm đừng để tằm con vàng, hãy cho con tằm to như con sóc, tơ tằm nhiều như sợi sơ cây chuối, cho đầy nồi đầy xong kéo tơ, phải nhờ anh em đến kéo giúp, phải nhờ chị em đến kéo tơ cùng, làm gì cũng đạt được như mong ước, cậy gì cũng hãy như mong chờ, phù hộ con cháu học hành cho giỏi giang, phù hộ cho gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc nhé...”.

Sau khi khấn xong, mâm lễ sẽ được để nguyên tại chỗ, với ngụ ý là để tổ tiên ăn. Khi mọi người tới dự liên hoan mừng cơm mới xong thì chủ nhà mới dọn mâm cúng ra.

Trong thời gian tổ chức làm lễ cúng tổ tiên bên nội, người phụ nữ chủ nhà cũng bưng mâm lễ đã được chuẩn bị để làm lễ cúng tổ tiên bên ngoại, đồ lễ cúng thường không cầu kỳ, gồm: Gà, cơm mới, bát nước canh, rượu, hoa quả...Nơi thờ cúng bố mẹ, tổ tiên bên ngoại thường được dựng ở phía ngoài sân, lệch về phía bên bếp (táng chán) và được gọi là (hướn nghé), theo quan niệm của người Thái kiêng không được dựng (hướn nghé) về phía bên có gian thờ tổ tiên bên nội (táng quản), lời cúng như sau:

“Ơ...hôm nay ngày lành tháng tốt, thóc nương đến, thóc rộng về, nhà con làm lễ mừng cơm mới, nay qua một năm một thì, con cái cháu chắt, tìm được kiếm về, miếng cơm trắng, nắm cơm ngon, cơm cốm ăn ngọt, cơm cốm ăn thơm, cơm đồ từ gạo cốm, có cả bát cốm non, con vịt con khéo đẻ, con gà con khéo gáy, gà to như con công, đùi gà cao như con ngỗng, cá chiên con mắc đó, cá chép con mắc chài, cá và thịt sấy khô trên bếp, cá và thịt làm chua trong chum, có cả thịt con dúi, con hon, con dơi, dúi đuôi hoa, sóc đuôi xòe, thịt con chim con sóc, nõn ngọn cây mây cây song, hoa quả đủ đầy, quả bí nặng cân, bí xanh trên nương, củ khoai sọ khoai thơm, mía cả cây bóc vỏ, chuối cả nải chín vàng, rượu cất còn thơm cay, có cả các loại bánh ngon bánh ngọt, chúng con chúng cháu, đem đến cúng đến dâng, mời bố mẹ tổ mời tiên, đến ăn đến uống, ăn xong hãy phù hộ con cháu, đừng có đau có ốm, đừng có rét có lạnh, ma đừng đến nhập, người đừng đến nạt đến nộ, cho con cháu làm gì cũng tốt, mong gì cũng được cũng thành, phù hộ con cháu học hành cho giỏi giang, phù hộ cho gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc nhé...”.

Sau khi bà chủ nhà khấn xong, mâm lễ để tại nơi thờ cúng bố mẹ, tổ tiên bên ngoại (hướn nghé) khoảng 30 phút, bà chủ nhà sẽ đến rót thêm rượu vào chén và thắp hương mời bố mẹ tổ tiên một lần nữa, rồi để hương cháy hết gần một nửa, mới đến chắp tay bái xin lộc của bố mẹ, tổ tiên bên ngoại. Đến đây nghi lễ cúng mời bố mẹ, tổ tiên về ăn mừng cơm mới cùng gia đình con gái đã hoàn thành xong phần lễ cúng bên ngoại.

Trong các bữa cơm tiếp khách của gia đình, khi có khách từ xa tới thăm cũng như các bữa cơm liên hoan không thể thiếu phần hát dân ca. Thông qua hát dân ca thể hiện tình cảm giữa chủ và khách càng trở nên thắm thiết hơn, tùy theo cảm hứng và sự lựa chọn bài hát của người hát, có thể là hát đơn ca hoặc cũng có thể là hát đối đáp với nội dung về tình cảm trai gái, thông qua bài hát nhằm truyền tải nội dung tới người nghe về tình yêu đôi lứa hoặc những lời khuyên răn dạy bảo con cháu phải nhớ về nguồn cội, khi đến mỗi đoạn dừng, mọi người trong bữa cơm cùng nhau cất giọng theo người hát (Au sai xương)...Trong văn hóa hát dân ca của dân tộc Thái nói chung, ngành Thái đen nói riêng có những bài hát được hát theo ngẫu hứng tự nhiên hoặc hát theo thể loại trường ca được lưu truyền cho tới ngày nay như: Tiễn dặn người yêu (Xống chụ son sao); hát Hạn khuống (Hạn khuống); chuyện tình Hiến hom (Hiến hom)...

Việc tổ chức lễ Mừng cơm mới của gia đình xong, sau tiệc rượu mừng cơm mới tiếp đãi anh em, họ hàng cũng như khách mời gần xa tới dự, các thành viên trong gia đình ai cũng vui vẻ cùng nhau ra tiễn khách. Những người đến dự bữa cơm mừng của gia chủ cũng cảm thấy phấn chấn, họ ra về trong tâm trạng hồ hởi, thấy tin yêu cuộc sống, yêu lao động hơn.

Lễ Mừng cơm mới là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc, được đồng bào Thái lưu truyền cho tới ngày nay. Thông qua lễ cho ta hiểu được giá trị lịch sử từ lâu đời, thể hiện rõ quan niệm về nhân sinh quan và vũ trụ của dân tộc Thái, là nơi để người dân bày tỏ truyền thống tôn kính tổ tiên, sùng bái các vị thần. Thông qua lễ còn là dịp để con cháu cảm ơn ông bà, tổ tiên đã luôn luôn dõi theo, phù hộ cho con cháu trong gia đình được khỏe mạnh, làm ăn, chăn nuôi phát triển, ruộng đồng được xanh tốt, đồng thời đây cũng là dịp để người thân trong gia đình, làng xóm hội ngộ, chung vui, chia sẻ với nhau công việc làm ăn, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.266.920
Online: 36