Người Kháng ở Điên Biên gồm có các dòng họ như: Lò, Lường, Quàng, Vì, Cà...Trong đó dòng họ Lò được chia làm 3 ngành: Lò Lặc, Lò Khul, Lò Ngứn. Từng dòng họ lại có những quan niệm và những điều kiêng kỵ riêng. Đặc biệt mỗi dòng họ đều có vật tổ riêng, thường là các con thú hoặc cây cỏ thiêng là hiện thân của tổ tiên mình. Ngành Lò Khul có lễ hội Pang Phoóng. Đây là lễ hội, tập quán xã hội và tín ngưỡng độc đáo, đặc trưng tiêu biểu chỉ có ở dòng họ Lò, ngành Lò Khul, mà các dòng họ khác của dân tộc Kháng trên địa bàn tỉnh Điện Biên không có.
Đây là lễ hội nhằm để tạ ơn tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho mọi người trong gia đình, dòng họ luôn được mạnh khỏe, làm được nhiều ruộng nương, lúa gạo, nuôi trâu bò nhanh lớn, mọi công việc làm ăn thuận lợi, phát triển; anh em con cháu trong dòng họ gần gũi nhau, chia sẻ những khó khăn vui buồn, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó, đồng thời nhắc nhở, răn dạy con cháu luôn nhớ về tổ tiên, cội nguồn của dân tộc mình.
Lễ Pang Phoóng bắt nguồn từ sự tích kể về chuyện tình dang dở đầy lãng mạn giữa chàng trai con Tạo bản và nàng vượn hóa thân thành thiếu phụ. Câu chuyện được lưu truyền nhằm hướng con người luôn nhớ về cội nguồn.
Chuyện kể rằng: "Xưa có một bản người Kháng nằm giữa một vùng thiên nhiên kỳ vỹ của núi rừng Tây Bắc bốn mùa rộn tiếng chim ca, vượn hót đón chào mỗi buổi bình minh. Chim thú rừng sống thành từng bầy rong ruổi kiếm ăn, trên cánh rừng nguyên sơ, soi bóng mình bên những dòng suối trong xanh khi hoàng hôn khép lại.
Vào một buổi chiều đông, tiết trời hanh hao dìu dịu, núi rừng thật yên ả, khi mặt trời đang nép mình sau những áng mây dang lững lờ trôi, đã đưa bước chân chàng trai con Tạo bản dòng họ Lò Khul vốn ham săn bắnthú rừng tới một cánh rừng xa, nơi có nhiều hoa thơm, cỏ lạ. Nhìn qua khe lá, chàng trai phát hiện thấy một đàn vượn đang chuyền cành, hái quả, nô đùa, nhảy nhts trong ánh nắng vàng tươi như giót mật. Mơ màng như lọt giữa chốn bồng lai tiên cảnh khiến chàng không nỡ giương cung lên bắn. Chàng trai nảy ra trò tinh nghịch là đi tiểu đầy hốc đá cạnh gốc cấy gần đó. Chiều xế bóng, đàn Vượn ham chơi lại phải mải móng tìm đường về hang, vừa khát nước. Một “ cô Vượn” xinh xắn nhất đàn bỗng nhìn thấy hốc đá đầy nước liền uống một hơi cho đã cơn khát.
Ngày qua ngày, cô Vượn có cảm giác như mình đã bước qua thời thiếu nữ và một sinh linh bé nhỏ trong cô lớn dần, rồi cô sinh ra một cậu bé đẹp tựa thiên thần. Nàng Vượn nâng niu niềm hạnh phúc nhỏ bé của mình trong lời ru êm ái, chơi vơi giữa mênh mông đại ngàn: Ú dơ, lả ú dơ (nghĩa là: À ơi con ngủ ngoan đi!
Tiếng ru con mang mác trong gió chiều đã khiến bước chân chàng thợ săn tìm về chốn cũ, nơi cánh rừng chàng dừng chân chiều đông năm trước. Khung cảnh trước mắt chàng hiện lên như một giấc chiêm bao. Nàng Vượn tay bồng con thơ bỗng hóa thành thiếu phụ với ánh mắt chan chứa yêu thương, nụ cười rạng rỡ của nàng khiến chàng ngây ngất. Người con gái chàng hằng mơ ước là đây. Chàng bế trên tay đứa con yêu quý, sánh bước bên nàng về bản cùng làm hôn lễ.
Về làm dâu nhà Tạo bản, hàng ngày nàng cùng chàng lên nương làm rẫy. Ngày mùa công việc bận rộn, gia đình nàng phải nhờ thêm anh em tới giúp. Bữa cơm ngày mùa không thể thiếu được món hoa chuối rừng. Một buổi sáng nàng cùng em gái chồng lên rừng lấy hoa chuối. Em chồng mải chặt hạ cây chuối lấy hoa, không thấy chị dâu hạ cây chuối mà trong nháy mặt chị đã hái đầy hoa chuối xếp gọn trong gùi. Em chồng thấy lạ liền hỏi:
- Chị không hạ cây mà sao hái được nhiều hoa chuối thế?
Chị dâu liền giải thích:
- Chị hái được là do chị trèo cây đấy, em xem chị trèo lấy hoa chuối nhé.
Chị dâu bỗng biến thành vượn thoăn thoắt leo lên cây hái hoa chuối rừng, mải hái hoa chuối lên để lộ bắp chân đầy lông và chỉ trong nháy mắt chị vượn lại biến thành người khiến em chồng vô cùng sửng sốt và đem chuyện về kể với gia đình. Thế rồi, chuyện lạ lan ra cả bản cùng biết. Xót thương con trẻ và người chồng yêu quý bao nhiêu thì nàng lại quyết tâm ra đi bấy nhiêu để tránh ánh mắt dò xét của mọi người. Nàng dặn chồng hãy thay nàng nuôi con và để nhớ ngày nàng mãi mãi lìa xa chàng, hàng năm sau mùa gặt hái chàng hãy hái hoa Bầu, hoa Bí, lấy khoai Lang, khoai Sọ, bí Đao, bí Đỏ, rau, thịt được gói trong lá Mắc Cha, đồ một gói xôi Cẩm, một gói xôi Cốm và làm hai ống rượu Cần bằng ống tre cùng bốn ống hút để làm cỗ mà tưởng nhớ tới nàng và hãy vui lên cùng dân bản, hỡi chàng trai yêu dấu của núi rừng.
Lễ hội Pang Phoóng là câu chyện kể về mối tình dang dở của chàng thợ săn và cô gái hóa thân từ vượn của đồng bào dân tộc Kháng, dòng họ Lò Khul. Qua lễ hội nhằm tôn vinh gốc linh, cội nguồn tiên tổ, hướng con người nhớ về cội nguồn của dòng tộc. Khul trong tiếng Kháng có nghĩa là lông, dòng họ Khul được bắt nguồn từ đó”.
Hàng năm, sau khi vụ mùa đã thu hoạch xong, công việc nương rẫy cơ bản đã được hoàn tất, khi cái lạnh đã lan tỏa khắp núi rừng Tây Bắc, cũng là lúc hoa Dã Quỳ vàng rực đua nhau khoe sắc trên các triền đồi, núi cao và trên những con đường mòn dẫn vào các thôn bản của đồng bào Tây Bắc, tại nhà trưởng họ hoặc một gia đình nào đó trong dòng họ Lò, ngành Lò Khul của đồng bào dân tộc Kháng, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên tổ chức lễ Pang Phóong của mình, trong 2 ngày vào tháng 11 hoặc 12 dương lịch và các ngày đó không trùng với ngày mất của ông, bà, bố mẹ, và ngày đó là ngày rằm vì khi tổ chức xong phần lễ; trăng sáng đồng bào có nhiều thời gian để vui chơi trong phần hội hơn.
Lễ Pang Phoóng (Lễ tạ ơn) của người Kháng, dòng họ Lò, ngành Lò Khul, diễn ra trong phạm vi của một dòng họ nhưng lại thu hút được sự tham gia của đông đảo các thành viên trong các dòng họ khác của dân tộc Kháng và sự góp vui của các dân tộc cận cư sinh sống quanh vùng cùng đến tham gia. Lễ hội góp phần thỏa mãn nhu cầu tâm linh của cộng đồng, là chỗ dựa tinh thần để mỗi người hướng về cội nguồn, dòng tộc, các vị thần để gửi gắm niềm tin, cầu mong một cuộc sống bình an, khỏe mạnh, sung túc và củng cố sức mạnh cộng đồng; cũng là dịp để gặp gỡ, trao đổi, thắt chặt mối quan hệ cộng đồng, dòng họ; thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ, bảo vệ và giúp đỡ nhau là truyền thống tốt đẹp của các dòng họ người Kháng. Lễ Pang Phoóng là nơi bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, khuyến khích sự phát triển những giá trị văn hóa cộng đồng: các nghi thức, nghi lễ dân gian, sinh hoạt của người Kháng. Lễ Pang Phoóng đã đem lại giá trị tinh thần niềm tin, lạc quan vào những điều tốt đẹp, cao cả, thiêng liêng, mang nhiều ý nghĩa nhân văn cao đẹp, đáp ứng đời sống văn hóa tâm linh của phần lớn bộ phận cư dân trong cộng đồng người Kháng. Lễ Pang Phoóng góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, khẳng định sức mạnh cộng đồng và là chất kết dính tạo nên sự cố kết cộng đồng.
Với những biểu hiện văn hóa đặc sắc, độc đáo và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc lễ Pang Phoóng là một trong số lễ hội còn được bảo lưu tốt ở cộng đồng người Kháng. Sự tồn tại của lễ hội là một minh chứng tiêu biểu cho sức sống bền bỉ của các giá trị văn hoá truyền thống lâu đời, niềm tự hào về văn hóa truyền thống của người Kháng.
Pang Phoóng là lễ hội phản ánh một hiện thực trong đời sống tâm linh cộng đồng người Kháng: lấy cội nguồn tiên tổ làm nền tảng để rèn dưỡng tâm, đức và nguyện cầu tổ tiên phù hộ độ trì cho dòng họ vạn sự may mắn. Cho đến nay, lễ hội Pang Phoóng vẫn giữ được bản sắc riêng, luôn hiện hữu trong đời sống cộng đồng dân tộc Kháng, có tác động tích cực đến việc giáo dục thế hệ trẻ, góp phần xây đắp nên sự gắn kết cộng đồng và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống./.