Dân tộc Mường ở tỉnh Điện Biên là một dân tộc thiểu số, chủ yếu di cư từ Hòa Bình lên định cư, sinh sống và phân bố rải rác ở huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ, họ sinh sống xen kẽ với các dân tộc khác trên cùng địa bàn.

Trong nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc Mường thì cồng chiêng là một nhạc cụ truyền thống đặc sắc gắn bó với họ từ khi lọt lòng mẹ đến khi qua đời, cồng chiêng được đánh vào các dịp lễ tết, trong đám cưới, đám ma... ngoài dàn công chiêng ra người Mường còn có hệ thống nhạc cụ bằng hơi, nổi bật nhất là cây sáo. Sáo được sử dụng ở nhiều hoàn cảnh khác nhau trong các dịp lễ hội, lễ cưới, ngày tết... Tiếng sáo thể hiện tiếng gọi của tình yêu, tiếng sáo của lòng hiếu thảo, tiếng sáo của sự  bình yên.

Để làm một cây sáo phải trải qua một quá trình rất công phu, tỉ mỉ ngay từ lúc chọn vật liệu. Nứa để làm sáo cần lựa chọn một cây nứa tép, mọc ở đằng đông và ngọn của nó cũng hướng thẳng về phía đông, không được cụt ở phần ngọn. Thân cây có đường kính 1,5cm - 2cm, thân cây không phải màu xanh mà phải hơi ngả màu vàng óng và trong ống không có mạng nhện.

Sáo được làm từ hai đoạn của thân cây nứa: Đoạn thứ nhất dài 73cm, đoạn thứ hai dài 6,2cm. Hai đoạn này được nối với nhau và cố định bằng một vòng băng dính màu đen. Sáo gồm 4 lỗ tròn và 1 lỗ hình bầu dục. Đầu thổi là đoạn nứa ngắn, bên trong có cuộn giấy để điều chỉnh luồng hơi, trên một đầu của đoạn nứa dài được gắn một khoanh gỗ tròn, phía trong chặn nửa lỗ hình bầu dục tạo một khe hở có tác dụng như lưỡi gà tạo ra âm thanh. Đầu còn lại của đoạn nứa dài được lót một vòng tròn cao su màu đen. Trên thân quấn 3 vòng băng dính màu đen.

Tùy từng hoàn cảnh khác nhau, người chơi sáo thổi nhanh hay chậm, vui hay buồn, lúc nhẹ nhàng sâu lắng, lúc rộn ràng tươi vui. Sáo được sử dụng nhiều nhất trong những đêm trăng thanh gió mát, tiếng sáo bên cửa lúc trầm, lúc bổng. Khi thủ thỉ tâm tình giãi bày nỗi niềm với người yêu thương, lúc lại thong thả khoan thai đợi mùa về. Những âm thanh ấy được toát lên, vang lên hết sức đặc sắc và cuốn hút. Chính điều đó đã giúp cho mỗi người con của dân tộc Mường  ai cũng có thể thưởng thức những âm điệu giản dị mà dễ đi vào lòng người.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 9.408.489
Online: 72