Trong những năm qua, việc bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc được Đảng, Nhà nước quan tâm thông qua chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về vấn đề dân tộc và văn hóa truyền thống. Văn hóa các dân tộc đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, trong quá trình hội nhập, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được kế thừa, nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy, trong đó có trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên.

 

Trang phụ dân tộc Hà Nhì (nữ)

Mỗi bộ trang phục là sự kết tinh văn hóa truyền thống, là dấu hiệu đặc trưng để nhận diện dân tộc. Chính vì lẽ đó, Bảo tàng tỉnh Điện Biên luôn chú trọng công tác nghiên cứu, sưu tầm; kiểm kê, bảo quản và trưng bày, giới thiệu về trang phục truyền thống các dân tộc bởi “Bảo tàng là thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng” (Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009).

Đến với bảo tàng, chúng ta đều cảm nhận được đây là nơi lưu giữ và kết nối những giá trị lịch sử, văn hóa giữa quá khứ với hiện tại và tương lai; là tấm gương phản chiếu về đặc điểm tộc người, về kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương qua các thời kỳ lịch sử. Điều này thể hiện rõ nét qua việc trưng bày, lưu giữ, bảo quản hơn 13.000 hiện vật gốc phản ánh bề dày lịch sử, văn hóa của tỉnh Điện Biên từ thời tiền sử đến đương đại, trong đó có nhiều hiện vật quý. Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ hơn 700 hiện vật về trang phục dân tộc.

Trang phục dân tộc Khơ Mú (nữ)

Có thể nói, Bảo tàng tỉnh là nơi hội tụ các giá trị văn hoá đặc trưng của các dân tộc, giúp công chúng dễ dàng tiếp cận để nghiên cứu, tìm hiểu và trải nghiệm một cách tập trung và thuận lợi nhất. Những giá trị văn hoá đó được ẩn chứa trong mỗi hiện vật của bảo tàng, đặc biệt là các bộ trang phục truyền thống; nói cách khác, mỗi hiện vật bảo tàng đều có ý nghĩa, giá trị và những câu chuyện về văn hoá nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng. Bởi vậy, Bảo tàng tỉnh thực hiện tốt các hoạt động sẽ góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc nói chung, trang phục truyền thống nói riêng.

Trang phục dân tộc Mông (nam)

Trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động góp phần gìn giữ và phát huy giá trị trang phục truyền thống như:

- Hoạt động nghiên cứu, sưu tầm: Đây là nhiệm vụ quan trọng của bảo tàng giúp cho việc nghiên cứu, nhận biết vẻ đẹp độc đáo về trang phục của mỗi dân tộc. Kết quả nghiên cứu là bằng chứng khoa học để khẳng định nét riêng có, sự khác biệt về trang phục các dân tộc nói riêng, văn hoá truyền thống nói chung.

Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với các phòng chuyên môn của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiến hành nghiên cứu, lập các hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể đã góp phần bảo tồn trang phục truyền thống bởi di sản nào cũng gắn với trang phục; đặc biệt có 02 hồ sơ khoa học di sản đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, gồm: Thực hành Then Thái và Nghệ thuật Xoè Thái; có 02 hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể về trang phục đã được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, gồm: Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông Hoa tại bản Cổng Trời, xã Sa Lông, huyện Mường Chà và Nghề làm giày thêu của người Xạ Phang tỉnh Điện Biên. Ngoài ra, năm 2020, Bảo tàng tỉnh tiếp tục phối hợp nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể: Nghề làm trang phục của người Hà Nhì tỉnh Điện Biên.

Qua nghiên cứu cho thấy trang phục  gồm: quần, áo, váy, khăn, mũ và cả giày của các dân tộc chủ yếu được tạo ra bởi các khâu: thêu, ghép, chắp, can vải màu; ghép, đính các vật trang trí bằng kim loại lên vải. Kỹ thuật tạo ra các bộ trang phục truyền thống hoàn toàn được thực hiện một cách thủ công, đòi hỏi sự tỷ mỷ, khéo léo cùng sự kiên trì, chịu khó của những người phụ nữ, được truyền từ đời này qua đời khác.

Hoa văn trên trang phục các dân tộc chủ yếu là hoa văn hình học, hoa văn hình núi, hình rẻ quạt, hình răng cưa, hình chấm tròn to nhỏ khác nhau, hình những đường gạch dài và ngắn song song; hình zíc zắc, hình ô trám, hình xoắn ốc, hình  móc xích, hình dấu nhân, hình sóng nước, hình mặt trăng, mặt trời, hình núi, hình sao, hình những bông hoa, những con vật: gà trống, xương sống cá, rồng, phượng, chim thú, con xên...

Trang phục các dân tộc cũng phong phú và đa dạng, có trang phục nam, nữ; trang phục dành cho người già và trẻ em; trang phục dành cho thầy Mo, thầy Then; trang phục trong lễ hội và trang phục trong sinh hoạt đời thường; trang phục trong đám cưới; trang phục trong tang ma…Mỗi kiểu trang phục có ý nghĩa, giá trị riêng, có khi là trang phục để giao duyên, kết tình đôi lứa và làm quà tặng, quà biếu để tỏ lòng hiếu nghĩa với đấng sinh thành; trong các nghi lễ, thầy cúng khoác lên mình bộ trang phục thể hiện sự linh thiêng, kỳ bí lẫn sự oai phong của người có khả năng kết nối giữa trần gian với các đấng siêu nhiên; khi ai đó nằm xuống, về với tổ tiên thì trang phục giúp cho ước nguyện của họ dễ dàng tìm thấy người thân ở thế giới bên kia.

 Trang phục của các dân tộc thể hiện rất rõ yếu tố giao lưu giữa các tộc người, các nhóm ngôn ngữ. Do sự cộng cư, đan xen trên một địa bàn sinh sống đã đẩy mạnh sự giao lưu, hòa nhập văn hóa - đó là điều không thể tránh khỏi. Trong đó, có thể dễ nhận thấy: Trang phục của người Kháng, Xinh Mun, Khơ Mú có đôi nét giống với trang phục của người Thái, Lào; trang phục nữ Phù Lá một số giống với trang phục nữ Mông và một số giống trang phục nữ Thái…Sự giao lưu hòa nhập cộng đồng đã cho thấy rõ nét về sự biến đổi của trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên. Mặt khác, trong việc sử dụng trang phục giữa các dân tộc có yếu tố “mượn” khá rõ nét, xin kể đến trường hợp người Mông không tự mình làm ra những đôi giày có hoạ tiết hoa văn đẹp như của người Xạ Phang. Trong đời sống sinh hoạt, người Mông không đi giày của người Xạ Phang nhưng hầu hết các gia đình người Mông đều chuẩn bị bộ trang phục truyền thống để khi chết đi sẽ mang theo về với tổ tiên và để tổ tiên nhận ra con cháu, dòng họ của mình, trong đó có đôi giày của người Xạ Phang được người Mông mua lại và cất giữ cẩn thận để mang theo cùng bộ trang phục cho thành viên gia đình khi chết. Thiết nghĩ, không phải ngẫu nhiên người Mông có sự lựa chọn như vậy mà bởi màu sắc, hoa văn trên giày của người Xạ Phang có sự đồng điệu và phù hợp với trang phục của người Mông.

Sự tồn tại của trang phục truyền thống có tác động, ảnh hưởng đến sự tồn tại của các loại hình di sản văn hoá như: Nghề thủ công truyền thống, Lễ hội truyền thống, Nghệ thuật trình diễn dân gian, Tập quán xã hội và Tín ngưỡng. Nói cách khác, trang phục truyền thống luôn hiện hữu và tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội.

Quá trình nghiên cứu, sưu tầm trang phục truyền thống đưa về bảo tàng tỉnh chính là quá trình làm rõ hồ sơ, lý lịch về trang phục của mỗi dân tộc; đồng thời cung cấp thông tin để phục vụ cho công tác thuyết minh, giới thiệu về di sản văn hoá và các hoạt động chuyên môn của bảo tàng; đồng thời đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của công chúng.

- Hoạt động kiểm kê, bảo quản: Những bộ trang phục sau khi sưu tầm về đã được Bảo tàng tỉnh hàng năm tiến hành kiểm kê để đánh giá hiện trạng của hiện vật. Đồng thời tiến hành bảo quản để kéo dài thời gian tuổi thọ và đảm bảo yếu tố gốc của hiện vật nhằm phục vụ cho công tác trưng bày, triển lãm.

- Hoạt động trưng bày, giới thiệu về trang phục truyền thống

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện trưng bày khá nhiều nội dung, trong đó có phần “Bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên” và phần trưng bày chuyên đề (có thể trưng bày chuyên đề về trang phục truyền thống các dân tộc). Thông qua trưng bày, Bảo tàng tỉnh sẽ giới thiệu chi tiết các thông tin liên quan về trang phục dân tộc tới khách tham quan và các nhà nghiên cứu. Như vậy, theo dòng chảy thời gian và sự phát triển của kinh tế thị trường khiến cho trang phục truyền thống có nhiều biến đổi về chất liệu, kiểu dáng, màu sắc, hoa văn…thì bảo tàng tỉnh vẫn là nơi lưu giữ những bộ trang phục truyền thống và độc đáo.

  Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh còn tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm tại các trường học kết hợp mời nghệ nhân tham gia thực hành, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật thực hiện nghề thủ công truyền thống cho các em học sinh trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, Bảo tàng tỉnh tổ chức đưa nghệ nhân tham gia các hoạt động văn hoá của tỉnh, khu vực và Trung ương tổ chức như: trình diễn lễ hội, thực hành nghề thủ công truyền thống (nghề thêu, dệt, tạo hoa văn trên trang phục) cùng các lời ca, điệu múa, các trò chơi dân gian… đã góp phần quảng bá, giữ gìn nghề làm trang phục truyền thống của các dân tộc tỉnh Điện Biên.

- Trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh còn chú trọng bảo tồn các lễ hội truyền thống không chỉ gìn giữ, phát huy tập quán xã hội và tín ngưỡng, cách thức thực hành các nghi lễ mà còn góp phần bảo tồn trang phục truyền thống, bao gồm trang phục của thầy Mo, thầy Then và trang phục của cộng đồng, của các chủ thể văn hoá tham gia lễ hội.

Tuy nhiên, hiện nay trang phục truyền thống đang có nguy cơ bị mai một cần có các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị:

(1). Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa nói chung, trang phục truyền thống các dân tộc nói riêng; đồng thời giúp người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ trang phục truyền thống.

(2). Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về di sản văn hóa; quan tâm đến sự cân bằng và thống nhất giữa bảo tồn và phát triển, hạn chế tối đa các mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển.

(3). Đầu tư nguồn lực để bảo tồn nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là nghề làm trang phục truyền thống của các dân tộc tỉnh Điện Biên.

(4). Đẩy mạnh các hoạt động của bảo tàng như: nghiên cứu, sưu tầm; kiểm kê, bảo quản và trưng bày, triển lãm góp phần bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị trang phục truyền thống.

(5). Tiếp tục xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể; trong đó ưu tiên lựa chọn, hướng dẫn các cá nhân đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định, có tài năng xuất sắc trong việc thực hành, truyền dạy nghề làm trang phục truyền thống.

(6). Nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm du lịch dựa trên chất liệu, kiểu dáng, màu sắc, hoa văn của trang phục cho phù hợp với nhu cầu của du khách.

(7). Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị trang phục truyền thống; khuyến khích cộng đồng tự nguyện tham gia giữ gìn, phát huy di sản.

Như vậy, trang phục truyền thống các dân tộc giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội đòi hỏi các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể và cộng đồng các dân tộc cùng chung tay tham gia bảo vệ và phát huy giá trị.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.281.392
Online: 5