Bảo tàng tỉnh Điện Biên - nơi lưu giữ, trưng bày và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa với các hiện vật từ thời kỳ tiền sử, sơ sử; thời kỳ phong kiến, thời kỳ kháng chiến và những hiện vật phản ánh nét văn hoá đặc sắc của 19 dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất Điện Biên. Đến với Bảo tàng tỉnh khách tham quan được cung cấp các thông tin hữu ích về lịch sử hào hùng và bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc và là điểm đến hấp dẫn đầy ý nghĩa trong mỗi chuyến tham quan của du khách.

Bảo tàng tỉnh Điện Biên tọa lạc trên con đường Nguyễn Chí Thanh, phố 3, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, văn hóa. Phần trưng bày được bố trí với diện tích rộng 370m2 với hơn 300 tài liệu và hiện vật. Ngay từ khi bước vào, du khách sẽ được hướng dẫn viên đón tiếp và cùng đồng hành giới thiệu trong suốt quá trình thăm quan bảo tàng tỉnh Điện Biên. Phần trưng bày được sắp xếp theo lộ trình tham quan gồm 5 phần:

Phần 1: Điện Biên đất và người: giới thiệu khái quát về lịch sử hình thành, tên gọi của mảnh đất Điện Biên, các địa danh nổi tiếng như Đèo Pha Đin, sông Nậm Rốm…

Phần 2: Điện Biên theo tiến trình lịch sử: Giới thiệu tới quý khách lịch sử tỉnh Điện Biên qua 3 thời kỳ: Điện Biên thời kỳ tiền sơ sử; Điện Biên thời kỳ phong kiến và Điện Biên thời kỳ kháng chiến.

Phần 3: Bản sắc văn hoá các dân tộc tỉnh Điện Biên: Giới thiệu  bức tranh toàn cảnh về đời sống văn hóa, sản xuất, sinh hoạt của các tộc người cùng sinh sống trên mảnh đất này thông qua các hiện vật được trưng bày sinh động như: Nhà ở, trang phục, đồ trang sức, lễ hội truyền thống ...

Phần 4: Điện Biên thời kỳ đổi mới hội nhập và phát triển: Giới thiệu về công cuộc xây dựng phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội, an ninh, quốc phòng từ sau khi đổi mới năm 1986 cho đến ngày nay.              

Phần 5: Trưng bày chuyên đề cổ vật: Giới thiệu tới khách tham quan một số cổ vật đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Điện Biên.

Một số hiện vật trưng bày được đặt trong tủ kính với hệ thống chiếu sáng đảm bảo yêu cầu nhằm làm nổi bật hiện vật, dưới mỗi hiện vật đều có chú thích các thông tin về hiện vật một cách ngắn gọn, xúc tích, làm nổi bật ý đồ của việc trưng bày hiện vật tại bối cảnh đó, không gian đó, để người xem thấy rằng mỗi hiện vật hoặc một nhóm hiện vật là một câu chuyện, là một giai đoạn lịch sử. Với những hiện vật gắn với đời sống của đồng bào các dân tộc được trưng bày tại những vị trí dễ nhìn, dễ quan sát và dễ giới thiệu, tuyên truyền cho khách tham quan như: Nhà sàn dân tộc Thái; nhà của đồng bào dân tộc Mông; nhà trình tường của dân tộc Hà Nhì; các đồ dùng vật dụng dùng trong sinh hoạt; phục dựng lễ hội cầu mưa của dân tộc Khơ Mú với những bộ trang phục sặc sỡ, đồ vật trưng bày được thể hiện sinh động. Bảo tàng đã sử dụng ảnh tư liệu hết sức đa dạng trong trưng bày, những bức ảnh tư liệu gốc được sao chụp lại, còn có ảnh tư liệu được khai thác từ các cơ quan lưu trữ, các nhà nhiếp ảnh thực sự là nguồn tư liệu phong phú giúp người xem có cảm nhận đầy đủ hơn về mảnh đất con người Điện Biên. Bảo tàng còn dành một không gian trưng bày ảnh chân dung những đồng chí lãnh đạo tỉnh Điện Biên qua các thời kỳ, sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng nhà nước, những thành tựu của tỉnh trong các lĩnh vực.

 Bảo tàng tỉnh Điện Biên hiện là nơi thu hút học sinh, sinh viên và du khách tới tham quan, học tập, nghiên cứu tìm hiểu. Bảo tàng luôn phấn đấu phục vụ du khách tốt hơn, bổ sung tư liệu, hiện vật để có nội dung phong phú, hấp dẫn. Kết thúc hành trình tham quan Bảo tàng tỉnh Điện Biên, du khách sẽ tiếp tục cuộc hành trình khám phá văn hóa, lịch sử khi tới thăm các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, các địa điểm du lịch tâm linh, sinh thái hoặc các bản văn hóa du lịch, các điểm du lịch cộng đồng.

                                                                      


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.281.407
Online: 20